Sân khấu cải lương ngày nay đang mất dần khán giả

Thưa quý thính giả, Nguyễn Phương có một ông bạn trong Hội Cao Niên ở Montréal rất mê cải lương. Khi nào ông về thăm quê hương, ông cũng đến nhờ Nguyễn Phương viết vài lá thư giới thiệu cho ông quen với các nghệ sĩ và những nhà tổ chức những show hát cải lương để ông nhờ họ mua vé xem hát, có chỗ ngồi tốt mà khỏi phải mua vé chợ đen.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2009.09.05
thien-nga-305.jpg Chương trình "Chiếc áo Thiên Nga"
Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp

Sau mấy tháng về thăm quê hương và trốn tuyết lạnh mùa đông, ông đã trở về Montréal. Nguyễn Phương gọi điện thoại cho anh để hỏi thăm về sân khấu cải lương ở Việt Nam.

Nguyễn Phương: Chào anh Hiếu, tôi biết anh trở về Montréal cả tháng nay rồi mà thấy anh bận quá nên không dám đến quấy rầy anh. Chắc là bữa nay anh rảnh rang nên mới gọi điện thoại cho anh đây.

Ông Hiếu: Xin lỗi anh Nguyễn Phương, từ hôm về Montréal tới nay, sức khỏe của tôi lôi thôi quá.

Nguyễn Phương: Ờ không sao, anh phải bảo dưỡng sức khỏe chớ! Anh em mình thiếu gì dịp để gặp nhau. À, bữa nay gặp anh, tôi muốn hỏi một số chuyện về nghệ sĩ và tình hình hát cải lương ở Saigon, anh nghĩ sao?

Ông Hiếu: Tôi chỉ sợ tôi không biết nhiều về nghệ sĩ hay chuyện cải lương, tôi biết gì thì nói cái nấy, được hông?

Nguyễn Phương: Tất nhiên! Anh về Việt Nam, có xem hát cải lương không? Anh coi hát ở rạp nào, tuồng gì?

Ông Hiếu: Tôi xem hát ở rạp Hưng Đạo, nhóm nghệ sĩ Sân Khấu Vàng của Minh Vương và Lệ Thủy, hát tuồng Đoạn Tuyệt. Tôi cũng có xem hát ở rạp hát thành phố, chương trình Làn Điệu Phương Nam. Chương trình Làn Điệu Phương Nam thì mỗi đầu tháng họ hát một suất. Muốn coi chương trình Làn Điệu Phương Nam khác thì mình phải chờ tháng sau. Tôi cũng có xem chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc ở Đầm Sen. Chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc thì nửa tháng họ hát một suất, nhằm ngày rằm, đêm có trăng. Ở rạp Hưng Đạo, mỗi tuần họ hát đôi ba suất gì đó chớ không phải hát mỗi đêm như hồi xưa… Tôi cũng tới rạp Hưng Đạo coi mấy suất hát, họ hát trích đoạn các tuồng cổ, tuồng Hồ Quảng, coi cho vui đỡ ghiền cải lương vậy thôi. Quần áo mũ mãng đẹp, nghệ sĩ trẻ, coi cũng được quá chớ…

Xuất ngoại như đi chợ

Nguyễn Phương: Tôi nghe nói các bạn Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết và nhiều nghệ sĩ tài danh trẻ thường qua Cali hát cải lương, vậy khi anh về Việt Nam, chắc là anh không được gặp các nghệ sĩ tài danh đó, phải không?

Ông Hiếu: Ở rạp Hưng Đạo, tôi có gặp anh Minh Vương, cô Lệ Thủy, cô Út Bạch Lan, cô Bạch Tuyết và nhiều nghệ sĩ khác… Nghệ sĩ cải lương tài danh bây giờ xuất ngoại đi hát cải lương ở Cali, San José dễ dàng như họ đi chợ vậy thôi. Hát ở bên Hoa Kỳ kiếm được kha khá đô la rồi thì họ bay về Việt Nam, chạy show, hát chương trình này chương trình kia, cũng kiếm sống khỏe re….

Nguyễn Phương: Vậy mà tôi nghe anh em nghệ sĩ than là cải lương xuống dốc thê thảm. Sống bằng nghề hát ở Việt Nam rất là khó khăn. Theo như anh nói thì cải lương đâu đến nỗi nào, phải không anh Hiếu?

Ông Hiếu: Mấy nghệ sĩ mà tôi nói sống khỏe re đó… chỉ có độ chừng hơn một hai chục người nghệ sĩ tài danh, ngoài cái nghề ca hát ra, gia đình họ còn làm nghề kinh doanh khác như mua bán hay hùn làm hãng xưởng gì đó, còn có hàng ngàn nghệ sĩ cải lương nghèo khác thì họ ít có dịp được hát, khi không có hát thì họ sinh sống bằng cách làm nghề tay trái như mua gánh bán bưng, chạy xe ôm, làm phu xe ba gác, phu khuân vác hay những ngành nghề lao động chân tay. Tôi hỏi các anh chị nghệ sĩ đó: Tại sao hồi đó Saigon chỉ có hai ba triệu dân mà cải lương sống rất mạnh, bây giờ Saigon, Chợ Lớn, Gia Định có hơn 9 triệu dân mà cải lương lại chết ngắc ngoải như vậy?

Nguyễn Phương: Rồi anh chị em đó trả lời sao?

Thiếu tuồng, thiếu rạp

Ông Hiếu: Các nghệ sĩ đó nói: Hồi đó Saigon, Chợ Lớn và Gia Định có hơn hai chục rạp hát dành cho cải lương và có các đình như đình Cầu Quan, đình Cầu Muối, đình Minh Phụng, đình Tân Kiểng, đình Nhơn Hòa quận 4, đình xóm Củi, có nơi có chỗ cho các đoàn hát cải lương và đoàn tuồng cổ hát. Có nhiều đoàn hát, có nhiều rạp hát, có nhiều tuồng mới nên nghệ sĩ có thể gia nhập các đoàn đó và có chỗ để hát hàng đêm.

Còn bây giờ chỉ có một rạp Hưng Đạo mà có tới ba đoàn cải lương Trần Hữu Trang làm chủ cái rạp hát đó, nghệ sĩ của đoàn Trần Hữu Trang là cán bộ công nhân viên của nhà nước, họ được ưu tiên hát trong cái rạp Hưng Đạo dành cho họ. Còn các nghệ sĩ khác thì không có một đoàn hát cố định, khi cần nghệ sĩ nào hát vai gì, khi cần làm chương trình cải lương gì, hát trích đoạn tuồng gì thì họ mới được quy tụ lại để tập hát. Lại không có tuồng mới, hát tuồng cũ hoài khán giả coi cũng chán chứ. Bởi vậy, cải lương xuống dốc, đời sống của nghệ sĩ nghèo sát đất.

Nguyễn Phương: Anh Hiếu nói thì nghe cũng có lý, nhưng hiện nay chỉ có một rạp hát Hưng Đạo, khi có tuồng mới hay hát tuồng cũ mà thiếu nghệ sĩ ngôi sao thì đêm hát đó cũng ít khi có được khán giả đầy rạp hát như hồi xưa. Nếu có hai chục cái rạp hát như hồi đó thì bây giờ kiếm ở đâu ra số khán giả đông đảo như hồi xưa để họ vô coi trong hai chục cái rạp hát đó?

Di chuyển khó khăn

Ông Hiếu: Chuyện gì thì nó cũng có nguyên nhân và hậu quả của nó! Riêng cái việc khán giả đi xem hát ngày nay, thử tìm do nguyên nhân nào đã làm cho họ không muốn đi xem hát?

Hồi nãy tôi nói Saigon, Chợ Lớn, Gia Định Bà Chiểu có hơn hai chục cái rạp hát. Rạp hát chỉ chứa từ 600 đến hơn tám trăm ghế. Dân ở trong vùng nào thì họ có thể thả bộ đi tới rạp xem hát. Dân ở Gia Định, Bình Hòa, Hàng Sanh, Cầu Bông thì có thể đi tới các rạp hát Cao Đồng Hưng, Đại Đồng Gia Định, rạp Thuận Thành Đa Kao, rạp Văn Hoa…Dân ở Chợ lớn, Cây Gỏ thì có thể lội bộ lại các rạp Hào Huê, rạp Thủ Đô, rạp Cây Gỏ, rạp Kinh Thành ở Chợ Kim Biên…Nghĩa là người ta đến rạp hát xem hát dễ dàng, ở trong quận, trong vùng gần nhà của họ. Xe cộ lúc đó cũng ít nên người ta có thể đi xe đạp, xe gắn máy hay đi cyclo hay sang một chút thì đi taxi… Còn bây giờ chỉ có một cái rạp Hưng Đạo hát cải lương, đường xá bây giờ thì quá nhiều xe gắn máy, xe hơi, xe bus, kẹt xe là cái chuyện dài dài nói hoài hỏng hết… Đó là chưa kể mưa xuống một đám là nhiều con đường biến thành con sông, xe gắn máy chết máy, đẩy xe đã mệt mà sửa xe thì thêm tốn tiền. Có nhiều chỗ như ở bên đường Phạm Thế Hiển, đường Nguyễn Cảnh Chân, con đường dọc theo con sông chảy dưới cầu chữ Y, hễ nước sông lớn thì nước ngập đường lộ…Còn nhiều đường khác thì người ta dựng nhiều lô cốt để đồ sửa đường, cản trở lưu thông… Đi lại khó khăn quá, thành ra đi xem hát cũng rất là vất vả chớ không thoải mái như hồi xưa. Rồi lại không có tuồng mới…nghệ sĩ ngôi sao nhiều khi ồ ạt bay qua Mỹ để hát kiếm đô la, mình ở đây xem hát với nghệ sĩ hạng hai, hạng ba, thôi thì ngồi nhà xem cải lương trên tivi hay trong băng video, DVD , vừa đỡ tốn tiền mua vé xem hát, vừa tránh được cái việc di chuyển trên đường lộ, vừa khó khăn, vừa quá nhiều bất trắc.

Nguyễn Phương: Anh Hiếu đã có những ý kiến rất chân thành, rõ ràng về những gì mà anh cảm thấy là nó đã gây khó khăn và làm giảm đi cái ý muốn đến rạp xem hát cải lương của khán giả. Nguyễn Phương xin anh Hiếu cho biết ý kiến về tuồng tích hay chương trình một đêm hát cải lương mà anh đã được xem.

Lẩu thập cẩm tả pín lù

Ông Hiếu: Tôi không phê bình tuồng tích hay cách ca diễn của nghệ sĩ. Tôi muốn nói là phần lớn các chương trình hát cải lương hiện nay nó như theo một cái công thức Thập Cẩm Tả Pín Lù…danh từ mà báo sân khấu và web cải lương Việt Nam đang dùng… Trong chương trình một đêm diễn, nó có đủ thứ nghệ thuật sân khấu, ca nhạc, múa may, nhào trộn vô như một cái lẩu thập cẩm tả pín lù… Có trích đoạn cải lương, có ca tân nhạc, có hát opéra, có dàn nhạc giao hưởng tây phương giao duyên cùng dàn cổ nhạc, có mấy cô mấy cậu chạy rần rần múa minh họa cho một nghệ sĩ ca vọng cổ, bài vọng cổ và điệu múa minh họa không ăn nhập gì với nhau cả, khán giả muốn yên tĩnh để nghe ca vọng cổ cũng không được vì mấy cô cứ ẹo qua, ẹo lại, chi phối tinh thần người ca và người nghe…Rồi có các ông tấu hài diễu vô duyên, nhiều khi diễu tục… Chương trình cải lương hoành tráng lại có cái màn treo nhiều nghệ sĩ tòn ten trên cao cho khán giả coi chơi…

Nguyễn Phương: Nguyễn Phương xin cám ơn anh Hiếu đã trả lời phỏng vấn của Nguyễn Phương liên quan đến câu hỏi tại sao ngày nay sân khấu cải lương đang mất dần khán giả.

Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ này tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.