Đàn tranh với nghệ sĩ Việt Nam

Ngành Mai, thông tín viên RFA
dan-tranh Nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn đàn tranh.
Courtesy photo

Cây đờn tranh cũng gọi là đờn thập lục (do bởi 16 dây), đặc tính là tiếng đờn tranh trong trẻo, ngọt ngào. Đờn tranh có tác dụng phục vụ cho nhiều bộ môn như nhạc tài tử, cải lương, dân ca và các điệu ngâm, hò lý. Nhưng tuyệt đối không áp dụng cho nhạc lễ, cũng không có trong hát bội vì môi trường không thích hợp cho loại đờn này.

Nhiều người sử dụng thành thạo

Không biết rõ đờn tranh có từ thời nào, xuất xứ từ đâu, ở Trung Hoa hay ở quốc gia nào du nhập vào nước ta, mà hiện nay giới nữ rất nhiều người sử dụng cây đờn này rất thành thạo.

Người ta không biết khi xưa Nhạc Cung Đình ở Huế có nữ nhạc sĩ đờn tranh hay không, chớ riêng về cải lương và đờn ca tài tử thì từ thập niên 1950 trở về trước, các tỉnh Nam Việt, từ miền Đông đến miền Tây, mà xưa kia gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh đã không thấy nữ nhạc sĩ đờn tranh ở những nơi sinh hoạt đình đám. Nếu có chăng thì cũng rất ít ở đâu đó mà thôi, không thấy xuất hiện sinh hoạt rộng rãi nên kể như không có vậy. Vì thế mà người ta hiểu rằng thời đó chỉ có nam nhân là nhạc sĩ đờn tranh mà thôi.

Người được coi như đứng đầu sử dụng cây đờn tranh là nhạc trưởng Hai Biểu, ông từng có mặt trong các nhóm đờn ca tài tử từ thập niên 1930, được hãng dĩa Asia mời thu trong bộ dĩa Gươm Lục Yểm. Ai nghe qua bộ dĩa này cũng đều nhận thấy ngón đờn tranh tuyệt diệu của ông.

Đáng phục nhứt là lúc Đắc Kỷ (danh ca Tư Bé đóng vai Đắc Kỷ) thất trận bị Dương Tiển rượt đuổi nà. Đắc Kỷ thét lên “kìa kìa Dương Tiển như mây bay gió cuốn...” Tức thì tiếng đờn tranh của Hai Biểu cũng réo rắc dồn dập giống như rượt đuổi theo vậy. Và bắt đầu Đắc Kỷ ca bài Kim Tiền Bản...

Cũng như lúc Đắc Kỷ bị trói ở pháp trường, Dương Tiển vâng lệnh Nguyên Soái Khương Tử Nha ra hành hình, thì Đắc Kỷ cất tiếng than. Lúc ấy tiếng đờn tranh chậm rãi dạo lên với âm điệu trầm lặng, não nề, ai nghe mà không xót xa ở cảnh này chớ. Dù cho ai đó có thù ghét Hồ Ly Tinh bao nhiêu chăng nữa, mà hiện thân là Đắc Kỷ, thì lúc đó cũng cảm thương nàng mà xóa bỏ tội cho nàng. Tóm lại theo giới đờn ca tài tử thời đó thì bộ dĩa Gươm Lục Yểm nếu không có tiếng đờn tranh của Hai Biểu thì không có hay đến thế. Và từ đó về sau chẳng nhạc sĩ đờn tranh nào sánh được với Hai Biểu, bất cứ buổi sinh hoạt đờn ca nào người ta cũng gọi Hai Biểu là nhạc trưởng.

Đến đầu thập niên 1960 trường Quốc Gia Âm Nhạc có lớp dạy đờn tranh, nữ khóa sinh theo học rất nhiều, cứ hết lớp này ra trường, lại tiếp tục đào tạo lớp kế tiếp. Và từ đó trong nhân gian rất nhiều nữ nhạc sĩ đờn tranh xuất hiện.

Những chuỗi âm thanh kỳ ảo

Năm 1992 ở trong nước có mở cuộc thi dành riêng cho nữ nhạc sĩ đờn tranh, với gần 300 cô gái trẻ tham dự. Mười cô được vào chung kết, và kết quả sau cùng 3 cô trúng giải tính từ cao xuống thấp:

Cô giáo Vương Hạnh trong một buổi biểu diễn đàn tranh.
Cô giáo Vương Hạnh trong một buổi biểu diễn đàn tranh.
Screen capture (Youtube)

Cô Nguyễn Hải Phượng ở Sài Gòn trúng giải nhất; cô Đặng Tố Như ở Hà Nội trúng giải nhì; cô Đặng Ngọc Tố Trinh ở Sài Gòn trúng giải ba. Cuộc thi khá lớn này, nữ nhạc sĩ đờn tranh tài hoa đất Thăng Long, cô Nguyễn Hòa Bình đã bỏ chuyến đi biểu diễn ở Thái Lan, cô vào Nam tham gia Hội Đồng Giám Khảo.

Trong đêm khai mạc cuộc thi, cô giám khảo Nguyễn Hòa Bình trong chiếc áo dài màu đen thêu bông vàng, óng ánh kim tuyến. Với dáng vấp đài các, cô xuất hiện với cây đàn tranh trông đẹp như bức tranh Tố Nữ. Dưới bàn tay uyển chuyển bay bướm, lã lướt trên dây dàn, buông ra những chuỗi âm thanh kỳ ảo, làm xao xuyến người nghe. Và tiếp sau đây xin nói sơ qua về thành tích, sự nghiệp cầm ca của 3 nữ thí sinh trúng giải.

Trước hết nói về nữ thí sinh đờn tranh trúng giải nhì là cô gái Hà Nội tên Đặng Tố Như. Cô theo học đàn tranh từ năm lên 9 tuổi, từ trước chưa từng tham gia bất cứ cuộc thi nào.

Tố Như cũng thường theo mẹ dự lễ Hội Truyền Thống, và tham gia vào các giàn nhạc lễ Văn Miếu, Quốc Tử Giám, tại Hội Lim (hát quan họ); tại Đền Hùng. Từ đó tiếng đàn tranh của Tố Như có dịp xâm nhập vào thực tế. Trong cuộc thi tài năng trẻ, Tố Như lọt vào vòng chung kết, sau hai vòng thi khá hồi hợp. Đêm chung kết Tố Như đờn 3 bài: Điệu chèo cổ, điệu dân ca (rặng tre trước gió) và bài dân ca Hoa Anh Đào.

Nữ thí sinh đờn tranh trúng giải ba Nguyễn Ngọc Tố Trinh. Tiếng đàn tuyệt vời của Tố Trinh như bay bổng, như thiết tha gợi nhớ. Tố Trinh từng tham gia vào Lễ Hội Việt Nam tổ chức tại Vương Quốc Thái Lan.

Với tiếng đàn trong sáng vui tươi, hồn nhiên, có lúc trầm lắng miên man, đậm đà tình tự dân tộc. Tố Trinh luôn được sự tán thưởng nồng nhiệt. Báo chí Thái Lan đã dành cột báo lớn giới thiệu tài năng Tố Trinh.

Với chiếc đàn tranh sở trường, Tố Trinh đã mang lại cho khán giả Thái Lan 10 buổi say sưa theo những khúc nhạc dân ca cổ truyền của 3 miền đất nước Việt Nam.

Nhất là khúc nhạc biến tấu điệu Lý Ngựa Ô, một tác phẩm khí nhạc đầy sáng tạo của nhạc sĩ Ngọc Châu qua tài biểu diễn của Tố Trinh. Nhiều tràng pháo tay cổ võ nổ ra liên tục, khi tiếng nhạc ngựa dồn dập phát ra từ đôi tay mang vòng lục lạc, hài hòa với tiếng đàn chập chùng, vó câu muôn dặm, tạo ra bởi các thế đập dây, kéo dây khỏi thành đàn hết sức độc đáo, gây thú vị cho người xem.

Và tiếp đây nói về nữ nhạc sĩ trúng giải nhứt Nguyễn Hải Phượng. Hơn một năm sau, được nhiều hội đoàn mời sang Pháp, phối hợp cùng Giáo Sư Trần Văn Khê biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam tại Paris và các tỉnh lớn.

Sau phần giới thiệu nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, Giáo Sư Trần Văn Khê nói qua về nguồn gốc, công dụng của nhạc khí dân tộc Việt Nam, đặc điểm một số làn điệu trong nhạc Việt.

Mở đầu chương trình, Giáo Sư Trần Văn Khê và Hải Phượng, tuổi đời cách nhau nửa thế kỷ, một chững chạc hùng hồn, một e lệ khép nép đã chung dòng chảy âm thanh về nguồn cội truyền thống Việt Nam, song tấu đàn kìm và tranh các bài: Lưu Thủy Trường, Xang Xừ Líu, Ngũ Đối Hạ; liên khúc Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ Cung và 3 câu Vọng Cổ.

Tiếp đến, riêng phần Hải Phượng, với các ngón đờn độc đáo điêu luyện, đã mê hoặc người nghe vào âm thanh áo nảo của lớp đầu bài Tứ Đại Oán.

Sau phần nhạc truyền thống là các sáng tác mang âm hưởng dân tộc dành cho đờn tranh mang tên “Tình Ca Quê Hương” của Phạm Thúy Hoan, đã được Hải Phượng thể hiện hết sức tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau đêm nhạc truyền thống Việt Nam, nhiều khán giả Pháp đã nói rằng họ không ngỡ ngàng xa lạ, mà rất thích thú khi nghe nhạc cổ điển Việt Nam. Số thính giả Việt Kiều sành điệu ca cầm, không ngớt ngợi khen. Bên cạnh đó, giới văn nghệ Pháp còn cho rằng Hải Phượng, với tuổi trẻ đó, tài nghệ đó, thực xứng đáng là “tiếng đờn” đại diện cho thế hệ tài năng trẻ Việt Nam.

Riêng ở hải ngoại nhiều năm nay cũng có các lớp dạy đờn tranh liên tục. Miền Bắc California có lớp của Giáo Sư Ngọc Dung đào tạo khá nhiều nữ học viên, và ở miền Nam California cũng có lớp dạy của Giáo Sư Nguyễn Châu. Đồng thời cũng nghe nói các Tiểu Bang khác, Âu Châu, Canada, Úc Châu cũng có lớp đào tạo nhạc sĩ đờn tranh.

Mặt khác các nữ nhạc sĩ tốt nghiệp ra trường lại mở lớp dạy tại nhà, mà học viên gần như hầu hết là nữ. Do vậy mà càng về sau nữ nhạc sĩ đờn tranh càng nhiều hơn. Có thể nói là quá nhiều, “hằng hà sa số” ở đâu cũng có vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.