Kịch sĩ Túy Phượng
2014.10.11
Bộ dĩa “Tình Cô Gái Huế” thu thanh thời cuối thập niên 1950, đào kép cải lương đang hát bài bản cổ nhạc, bỗng nhiên ca sĩ kích động nhạc Túy Phượng cất tiếng hát bản nhạc mới, khiến cho nhiều thính giả ở thôn quê lấy làm lạ, mà phần lớn là người ở miền Lục Tỉnh, nhưng nghe riết rồi cũng quen.
Cải lương pha kịch và nhạc
Thật vậy, trong vở thoại kịch nếu có ca nhạc xuất hiện thì chẳng ai thắc mắc, bởi nó rất thường xảy ra, nhưng lại gây bất ngờ cho thính giả cải lương thuần túy, do bởi xưa giờ chưa có vở hát nào pha lẫn kịch và nhạc trong đó.
Tôi từng thấy mấy bà mấy cô ở thôn quê miền Tây đi nghe dĩa hát, họ đã lắc đầu:
Chán quá! Hát cái gì khó nghe quá!
Mấy bà già trầu cũng lên tiếng:
Nghe chát lỗ tai quá, thôi hát cái khác đi!
Thế nhưng, như đã nói, hãng dĩa mời Túy Phượng thu thanh là muốn cho dĩa bán luôn cả phía bên những người thích nghe kịch ban Dân Nam, bởi ban kịch nói này cũng được khá nhiều thính giả đón nghe. Lúc dĩa “Tình Cô Gái Huế” mới tung ra bán, đài phát thanh Sài Gòn cho phát rất sớm (có lẽ do hãng dĩa tặng để quảng cáo), thì tại tiệm cà phê ở Ngã Tư Quốc Tế phía sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Nghệ sĩ Năm Châu nói với ký giả kịch trường Phong Vân rằng, soạn giả Quy Sắc và hãng dĩa dùng một mũi tên mà bắn đến 2 con nhạn.
Thật thế, hãng dĩa đã tính toán khá kỹ, chỉ nội cái tên Thanh Hương, Hữu Phước, Út Bạch Lan trong dĩa “Tình Cô Gái Huế” là hốt bạc phía bên người hâm mộ cải lương rồi. Có thêm tiếng nói Túy Phượng, Túy Hoa, Anh Lân là ăn tiền thêm phía bên kịch vậy. Nghe nói thì bộ dĩa này ngoài phần bán chạy miền Lục Tỉnh, mà cũng bán khá nhiều các tỉnh miền Trung, Cao Nguyên Trung Phần, nhờ giới trẻ và người thích nghe kịch ủng hộ.
Một bước thành tài tử điện ảnh
Đây là thời điểm mà tên tuổi Túy Phượng nổi như cồn. Hội chợ Quang Trung mở cuộc thi hoa hậu và Túy Phượng đoạt vương miện. Từ đó cái tên Túy Phượng vụt sáng chói trên vòm trời nghệ thuật, được hang phim mời và một bước trở thành tài tử điện ảnh. Hình như Túy Phượng đóng phim “Thạch Sanh Chém Chằng” cốt truyện dựa theo sự tích nhân gian. Và phim “Lý Chơn Tâm Cưỡi Củi”, dựa theo tuồng cải lương của soạn giả Cô Giáo Hường.
Tôi nhớ như vậy, chẳng biết đúng hay không, hay là Túy Phượng đóng những phim nào khác, nên người ta mới gọi nàng là tài tử điện ảnh. Lâu quá rồi không còn nhớ rõ, chỉ nhớ mấy lúc sau này vào những năm đầu thập niên 1970 Túy Phượng được hãng phim Liên Ảnh mời đóng phim “Bẫy Ngầm” tức “Mang Xuống Tuyền Đài” nhưng cô từ chối do bởi phim có cảnh thoát y. Túy Phượng bảo rằng:
Tôi không cổ hủ đến mức chẳng dám hở hang trong phim, nhưng nếu là một cảnh hợp lý, cần thiết, chớ thoát y bừa bãi thì không được. Hơn nữa, dù sao tôi cũng đã có chồng con, càng tránh được những cảnh như vậy càng tốt. (Dường như vai trò Liên Ảnh tính mời Túy Phượng sau này do Mộng Tuyền đóng).
Chẳng hiểu chuyện sự thật có đúng như vậy không, nhưng những tấm ảnh của Túy Phượng ở thời gian ấy cho thấy cô nàng “lên cân” khá nhiều so với thời xuân sắc, chẳng còn gì là đường nét kiều diễm của một nàng hoa hậu mấy năm về trước cả. Người ta nói có lẽ do đó mà nàng chẳng dám thoát y chăng?
Vở tuồng “Tình Cô Gái Huế” Túy Phượng hát chung với 2 cô đào cải lương Út Bạch Lan, Thanh Hương. Nghe nói thì tiền cát sê của Túy Phượng bằng 2 cô đào nói trên cộng lại, dù rằng cô chẳng ca được vọng cổ. Do đâu mà Túy Phượng lại “cao giá” đến thế chớ? Có người nói rằng 2 cô đào cải lương đã thỏa thuận giá cả xong xuôi rồi. Dù sao đi nữa thì cũng không có vấn đề trả lại tiền, vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại, mà về sau khó được hãng dĩa mời. Nghệ sĩ cải lương thì rất dễ được hang dĩa mời, còn kịch sĩ thì có mấy khi được mời thu dĩa, do vậy nên 2 cô đào cải lương chẳng phân bì làm chi cho sanh chuyện không hay.
Về phần Túy Phượng thì đang sáng giá phía bên kịch, là một người đẹp mà giới trẻ yêu thích kích động nhạc mến mộ, nhưng chỉ nổi bật trên sân khấu thôi!