Đoàn nghệ thuật Văn Lang

Ngành Mai, Thông tín viên RFA
2013.06.12
LE-GIO-TO-Cai-Luong-305.jpg Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức Lể giỗ tổ cải lương và các nghệ sĩ lão thành quá cố tại California năm 2009
Photo courtesy of vietbao.com

Cách đây 5 năm ở vùng Quận Cam, thuộc Tiểu Bang California Hoa Kỳ, một đoàn hát được thành lập với cái tên “Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang”, do cô Mai Chân làm trưởng đoàn, đã chủ trương thu nhận đào kép trẻ làm nòng cốt. Nhờ vậy mà sau những năm hoạt động, tuy có khó khăn nhưng đoàn vẫn sống, và đến hôm nay thì kể như vững vàng. Đoàn sắp kỷ niệm 5 năm thành lập, với một buổi hát được tổ chức rất lớn.

Vậy trước khi nói tiếp về đoàn nghệ thuật Văn Lang, tôi xin ngược thời gian trở lại khoảng 7, 8 năm về trước, lúc có phong trào nghệ sĩ tên tuổi thời kỳ trước 1975 ra hải ngoại tham gia nhiều sô hát, mà giờ đây nhắc lại ai cũng cười.

Thật vậy, có một dạo cải lương ở hải ngoại vùng lên thấy rõ, đến nỗi báo chí trong nước cũng nói đến khá nhiều. Tờ sân khấu có bài viết “Muốn coi kịch về Việt Nam, coi cải lương sang Mỹ”. Như thế đủ cho người ta mường tượng được rằng cải lương ở hải ngoại đã có lúc vươn cao đến bực nào.

Lúc bấy giờ tự nhiên nhà tổ chức (tức bầu sô) mọc ra như nấm, có những tay mà xưa giờ chưa biết gì hết về hoạt động cải lương, cũng nhảy ra làm bầu sô, và không biết bắt mạch từ đâu, lại bay về Việt Nam tìm kiếm các nghệ sĩ tên tuổi thời kỳ trước 1975, từng là thần tượng của khán giả, rồi lo thủ tục giấy tờ đưa họ đi Mỹ du lịch khỏi mất tiền, mà lại còn cho thêm đô la bỏ túi.

Do bởi ái mộ thần tượng cải lương năm xưa, nên mấy sô hát đầu rất đông khán giả, dù giá vé khá cao. Bầu sô lời khẩm! Có điều xin nói thêm là lúc đó báo chí đề cập nghệ sĩ trước 1975 khá nhiều. Có tờ gọi vấn đề về Việt Nam tìm mời nghệ sĩ nổi danh trước 1975 là đi “sưu tầm đồ cổ”. Cũng như từ ngữ “quá đát” được dùng để nói những nghệ sĩ luống tuổi.

Thừa thắng xông lên, các bầu sô nhà ta tiếp tục về Việt Nam sưu tầm “đồ cổ”. Các nghệ sĩ “quá đát”, đã bị khán giả trong nước cho lui về vườn từ lâu rồi, kẻ thì chạy xe ôm kiếm sống, người thì bán cà phê sống đấp đỗi qua ngày. Ngọc Giàu thì về mở quán cà phê ở Thủ Thiêm phía bên kia sông Sài Gòn. Kép Thanh Sang thì cũng bán cà phê ở gần đường Cường Để. Tóm lại là nghỉ hát lâu ngày, cuộc sống chật vật, thiếu thốn. Bỗng nhiên bầu sô hải ngoại mang “linh dược” về, đã làm cho giới này xôn xao một dạo.

Và cũng do đồ cổ trong nước còn có giá, nên đồ cổ hải ngoại cũng được ăn theo. Lúc ấy khán giả cải lương ùn ùn đi coi, đồ cổ lên hương hí hửng, tưởng rằng ta đây trở lại thời kỳ vàng son.

Thế nhưng, những người am tường về cải lương thì họ thở dài chán nản, nói rằng: Cải lương đã đến hồi mạt vận rồi chăng, mà nhìn lên sân khấu thì thấy toàn diễn viên ông già bà lão. Ngó xuống khán giả thì thấy ông lão bà già! Một ngày kia hai thành phần này đi tàu suốt thì cải lương còn ai hát, còn ai coi?

Lời nhận định trên thật chí lý, bởi độ chừng hơn một năm thì việc “khai thác đồ cổ” đã không còn kiếm ăn được nữa, bầu sô bắt đầu chịu lỗ lã. Có gì đâu, dễ hiểu quá, các nghệ sĩ ngày xưa sau mấy chục năm, họ đã già đi rồi thì ca diễn cái gì nữa chớ! Lại nữa họ ra đây đâu có tuồng tích gì để diễn, mà chỉ hát lại một vai trò nào đó trong các tuồng xưa khi họ còn trẻ. Rồi giờ đây cũng vai trò đó mà con người thì “quá đát” rồi, đâu còn thích hợp nữa. Thí dụ như một đào hát đến tuổi 65, tức cái tuổi mà ở Mỹ được ăn tiền già, mà lên sân khấu làm Kiều Nguyệt Nga. Cụ Đồ Chiểu mà sống lại chắc phải khóc ròng!

Do vậy mà mấy sô hát sau quảng cáo rùm beng, cũng chẳng ai mua vé, khán giả thờ ơ, bầu sô lỗ nặng. Mấy bầu biết khôn ngừng lại ngay thì lỗ ít. Còn mấy tay “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” cứ tiếp tục lao vào món đồ cổ, thì sau đó mất trắng, đổ nợ. Và cải lương như quả bóng bị xì hơi, xẹp rất nhanh, vắng bặt luôn một thời gian dài.

Thế nhưng, đến khoảng 2007, 2008 thì có một đoàn hát trẻ trung được hình thành: Đoàn nghệ thuật Văn Lang, với thành phần nghệ sĩ là các thí sinh từng trúng giải Phụng Hoàng của những năm qua, đã tập trung dưới cờ Văn Lang rất nhiều, và đoàn này được kể như thành công.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.