Đào Mỹ Châu 11 tuổi đi hát, 15 tuổi mua xe hơi

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016.03.26
my-chau-622.jpg Bìa đĩa hát Cánh Hoa Yêu của Nghệ sĩ Mỹ Châu.
Courtesy photo

“Trẻ đẹp, ca hay, diễn giỏi”

Thời giữa thập niên 1960 trở về sau, các đoàn Kim Chung có 2 cô đào trẻ: Lệ Thủy, Mỹ Châu được khán giả ái mộ, nhứt là khán giả truyền hình, họ đã reo ầm lên khi nghe đài giới thiệu tuồng hát hôm ấy có Lệ Thủy hoặc Mỹ Châu.

Bài viết hôm nay chỉ nói về Mỹ Châu, các kỳ sau sẽ đề cập đến Lệ Thủy, bởi vào thời ấy cả hai đều trẻ đẹp, ca hay, diễn giỏi. Thế nhưng, mỗi người một nét nghệ thuật, và hoàn cảnh gia nhập làng cải lương cũng khác xa nhau.

Người ta từng biết Mỹ Châu quê quán ở Thủ Thừa, Long An, thời đang học bậc tiểu học, 6, 7 tuổi đã tham gia văn nghệ của trường hát tân nhạc. Năm 7, 8 tuổi dự thi ca nhạc thiếu nhi các tỉnh miền Tây tổ chức tại Long An, Mỹ Châu hát bài “Chia Tay Mùa Hoa Phượng” được giải ưu hạng.

Lúc bấy giờ Mỹ Châu rất ghét vọng cổ, nhưng bị người anh bắt buộc phải học vì biết giọng ca của cô sẽ hay hơn, có thể về sau sẽ thành danh ở lãnh vực cổ nhạc. Do vậy mà Mỹ Châu đã thuộc lòng bài “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” và bị đưa đi ca ở các đám cưới, ca ở ban văn nghệ Thủ Thừa.

Ngày nọ ông bầu Cang đoàn Tiếng Chuông tình cờ vào xem văn nghệ, nghe giọng ca Mỹ Châu, tức thì mấy ngày sau cho người đến nhà mời mọc đầy hứa hẹn. Thế là mới 11 tuổi Mỹ Châu đi gánh hát, đóng vai đào con, và mẹ của cô cũng đi theo chăm sóc cô đào nhí. Kế đó thì Mỹ Châu về đoàn Kim Chưởng, đoàn hát lớn này đang có Út Bạch Lan, Thành Được, nhưng cặp tài danh tách ra thành lập đoàn hát lấy tên hai người trên bảng hiệu, và Mỹ Châu đi theo gia nhập đoàn Út Bạch Lan – Thành Được. Do đào kép rất đông nên cả năm trời nàng chỉ ngâm thơ ở hậu trường, không được bước ra sân khấu.

Buồn quá, đêm nào Mỹ Châu cũng đứng chắp tay trước bàn thờ tổ, van vái tổ nghiệp cho có một vai để hát. Tổ nghiệp cũng không phụ long một người nặng nợ với cải lương, nên bữa nọ soạn giả Quy Sắc ngồi dưới khán giả, nghe giọng ngâm thơ nên vào hậu trường thăm hỏi và ông “đo ni đóng giày” viết vai vua con cho Mỹ Châu trong vở hát “Khi Rừng Mới Sang Thu”. Vở tuồng này, khi đoàn Út Bạch Lan – Thành Được đi lưu diễn tại Huế, vai vua con của Mỹ Châu được tán thưởng hết sức nồng nhiệt, khán giả quăng tiền rào rào lên sân khấu... Và cũng bắt đầu từ đó được báo chí quan tâm và khán giả mới để ý nhiều hơn...

Nữ nghệ sĩ Mỹ Châu. Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp.
Nữ nghệ sĩ Mỹ Châu. Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp.

Tiếp đó Mỹ Châu đi đoàn Thủ Đô hát nửa năm cũng với vai trò đào con chứ chưa lên đào nhì hay đào ba. Nhờ thu dĩa hát, tiếng ca được phát đi trên đài phát thanh Sài Gòn. Thế là ông Phạm Thọ Minh người của Kim Chung tìm đến nói chuyện với bà mẹ của Mỹ Châu mời ký công tra 400 ngàn đồng, và tiền lương 16 ngàn năm trăm đồng một tháng. Mỹ Châu nói: “Với số tiền trên, má con tôi mừng không sao nói hết, má tôi cứ nói đùa giống như đêm ngủ nằm mơ thấy vàng... Nhưng cái mừng lớn hơn đối với má tôi và tôi khi đó là người ta đã chú ý đến tôi, người ta đã xem trọng tài năng của tôi. Lúc đó, tôi đâu có hiểu rằng, một người nghệ sĩ muốn có chỗ đứng vững chắc trên sân khấu thì trước hết phải có một lớp khán giả thương mình. Và má con tôi cũng đâu có ngờ, đàng sau những con số tiền bạc kia còn là sự giành giựt, mua đào bán kép trong giới bầu cải lương. Bởi khi tôi về đoàn Kim Chung 1, thì đào kép chánh của đoàn lúc đó là Kim Chung – Bích Hợp – Hùng Cường... Với những nghệ sĩ nổi danh như vậy thì hỏi còn chỗ trống nào cho một Mỹ Châu bé con?”

Tôi cảm thấy buồn và thất vọng vô cùng, vì tôi từ vị trí đào nhì sắp được làm đào chánh ở đoàn Thủ Đô, thì nay về Kim Chung 1 tôi chỉ được đóng vai đào con. Vậy là sau bao năm vất vưởng, cay cực, với những trò bán mua, thăng trầm của đồng tiền, tôi từ một vai đào con lại trở về với vai... đào con.

Thật ra thì đối với một nhà kinh doanh nghệ thuật tầm cỡ như ông bầu Long đã có cái nhìn chiến lược, biết chắc giọng ca Mỹ Châu sẽ là cái máy in bạc sau này nên nắm giữ trước, không để bầu gánh khác khai thác. Tóm lại mọi chuyện đều đã có tính toán kỷ càng, chớ đâu ai lại bỏ ra khơi khơi 400 ngàn. (Thời điểm này một lượng vàng y khoảng 10 ngàn) mỗi tháng lại phải trả lương, mà chẳng có vai trò gì hết. Vấn đề gần một năm sau người ta mới thấy: Ông Bầu Long thành lập đoàn Kim Chung 2 cho Mỹ Châu hát chung với Minh Cảnh cũng nổi tiếng ca vọng cổ.

Với hai giọng ca Minh Cảnh và Mỹ Châu được thu dĩa hát, đài phát thanh thường hát vào buổi trưa, nên đêm nào Kim Chung 2 khán giả cũng đầy rạp, và Bầu Long cứ hốt bạc đều đều. Từ Kim Chung 1 được đưa qua Kim Chung 2 đóng vai đào nhì, hát cùng sân khấu với Minh Cảnh. Khi đó nàng vừa tròn mười lăm tuổi. Ở Kim Chung 2 được nghệ sĩ Minh Cảnh và Diệu Hiền nâng đỡ, chỉ dạy rất nhiều và tên tuổi của Mỹ Châu bắt đầu thực sự được công chúng ái mộ qua những vở tuồng diễn chung với Minh Cảnh. Sau đó lại được các hãng dĩa tới tấp đến mời và nàng bắt đầu nổi tiếng trên mặt dĩa. Dĩa hát lúc bấy giờ đang thịnh hành, được giới mộ điệu ưa chuộng, nên một phần cũng nhờ việc thâu dĩa, Mỹ Châu đã có một chỗ đứng vững vàng trên sân khấu.

Và Mỹ Châu đã thật sự được đổi đời khi mãn giao kèo, bởi được ký trở lại với số lương cao nhất mà ông Bầu Long trả cho: hợp đồng hai triệu năm trăm ngàn đồng một năm, và hưởng lương năm ngàn đồng một đêm diễn. Mỹ Châu đã có tiền để tìm mua một căn nhà không lớn lắm và đã sắm được một chiếc xe hơi riêng để đi hát...

Mỹ Châu là ca sĩ đã ca bài tân cổ giao duyên “Nửa Đêm Sầu Hận” của soạn giả Viễn Châu, ông đã cho bản vọng cổ của mình giao duyên cùng bản tân nhạc “Duyên Kiếp” của Lam Phương. Có thể đây là bài tân cô giao duyên đầu tiên, và Mỹ Châu cũng là người đầu tiên hát loại bài ca nầy vậy.

Mời quí vị tiếp tục theo dõi trong phần âm thanh bài tân cổ giao duyên “Nửa Đêm Sầu Hận” do Mỹ Châu trình bày.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.