Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả từ cơ quan viện trợ Hoa kỳ, Ngân hàng thế giới và một số tổ chức phi chính phủ. Chủ đề của hội thảo bàn về các thách thức và cơ hội của phụ nữ trong thế giới ngày nay. Tạp chí phụ nữ kỳ này xin được gửi đến quý thính giả một số ý kiến đáng quan tâm được trình bày và bàn cãi trong cuộc hội thảo.
Thay đổi nhanh chóng
Trong hơn chục năm trở lại đây, đã có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng trên thế giới. Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã tạo cơ hội cho con người phát triển, nhưng cùng lúc đó, những mâu thuẫn và xung đột trên thế giới cũng đẩy hàng triệu người vào những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người phụ nữ ngày nay, giữa một thế giới đang biến chuyển phức tạp, lại vẫn phải đảm đương vai trò truyền thống là người mẹ, người vợ trong gia đình. Vì thế, bên cạnh những thuận lợi do công nghệ phát triển mang lại, họ cũng gặp nhiều thách thức to lớn và phức tạp.
Chúng ta bàn về những thách thức và cơ hội cho phụ nữ đến năm 2020, một khoảng thời gian dài khoảng một thập kỷ nhưng những thay đổi diễn ra rất nhanh chóng đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Bà Katherine Blakeslee
Bà Katherine Blakeslee, giám đốc văn phòng ‘Vì sự phát triển của phụ nữ’ thuộc cơ quan Viện trợ của Hoa Kỳ nói về những cơ hội và thách thức cho phụ nữ từ nay đến năm 2020 trong bối cảnh của một thế giới thay đổi nhanh chóng:
Chúng ta bàn về những thách thức và cơ hội cho phụ nữ đến năm 2020, một khoảng thời gian dài khoảng một thập kỷ nhưng những thay đổi diễn ra rất nhanh chóng đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi đó thế giới cũng đang ở trong giai đoạn toàn cầu hóa và điều này sẽ dẫn đến nhiều thay đổi khác nữa. Những khác biệt về thế hệ sẽ trở nên rõ ràng khi những thay đổi xảy ra nhanh hơn.
Sẽ có những mâu thuẫn liên quan đến nguồn lực, nguồn tài nguyên. Phụ nữ cần phải thay đổi ngay từ lúc này bởi vì thế giới đang thay đổi, các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước, tất cả đang ảnh hưởng đến phụ nữ. Cơ cấu của thế giới và của từng địa phương giờ đây đã có quan hệ mật thiết với nhau và đó là vấn đề mà chúng ta phải đối mặt.
Còn nhiều thiệt thòi
Sự toàn cầu hóa đã khiến mối liên kết giữa địa phương và thế giới trở nên gần gũi hơn và vì thế đặt ra những thách thức và cơ hội mới với người phụ nữ. Bà Katherin Blakeslee đưa ra ví dụ về 3 trường hợp phụ nữ trên thế giới chịu ảnh hưởng của thay đổi này:
Trường hợp đầu tiên được bà Blakeslee nói đến là một phụ nữ Afghanistan đã tham gia chương trình biểu diễn Afghanistan Star, một kiểu thi tài năng giống như American Idol. Cô đã sử dụng chất liệu từ cộng đồng của mình để cho thế giới hiểu đất nước cô qua phần trình diễn của mình. Kết quả là cô nhận được lời đe dọa giết hại tại ngay nhà mình ở Kandahar. Cô đã phải bỏ trốn sang Pakistan.
Trường hợp thứ hai là một phụ nữ người Ả rập Saudi, là mẹ của 4 người con. Cô tham gia một cuộc thi thơ ở nước mình. Cô viết bài thơ phê phán chủ nghĩa cực đoan và sắc lệnh của các giáo chủ Hồi giáo. Cô cũng nhận được những lời đe dọa giết trên internet.
Còn trường hợp thứ ba là của một người phụ nữ Trung quốc. Toàn cầu hóa đã khiến cô từ một người nghèo khó ở Trung quốc, đến Đài Loan, Hồng Kông, rồi giờ đây là Mỹ và trở thành người giàu có, thành công.
Bà Blakeslee cũng đề cập đến những thách thức và cơ hội trong vòng mười năm tới đối với người phụ nữ:
Có 3 thách thức chính trong vòng 10 năm tới. Đó là sự bất ổn định về kinh tế, đây là điều sẽ ảnh hưởng đến thế giới theo nhiều cách khác nhau. Thảm họa thiên nhiên cũng là một thách thức. Biến đổi khí hậu cũng là cái mà chúng ta đang phải đối mặt và sẽ mang đến nhiều vấn đề lớn. Bên cạnh đó cũng có những cơ hội đó là sự phát triển của công nghệ. Gần đây chúng ta nói đến công nghệ điện thoại di động nhưng trên toàn thế giới con số phụ nữ thuê bao dịch vụ này ít hơn so với nam giới là 300 triệu người.
Thử nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu những người phụ nữ ấy có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ này để phục vụ một cách hữu hiệu trong sản xuất nông nghiệp, để gọi bà đỡ khi họ cần, để kết nối với những người phụ nữ khác. Vấn đề về hòa bình và an ninh cũng là một cơ hội cho phụ nữ ngày nay. Ngoài ra, chúng ta cũng phải nói đến các em gái. Những em gái 10 hay 14 tuổi ngày nay sẽ trở thành phụ nữ vào năm 2020. Bởi vì có rất nhiều tương lai và mong muốn được giúp các em. Ở đây, chúng ta có cơ hội tập trung quan tâm vào các em gái ấy, và đây chính là vấn đề mà chúng ta cần phải tập trung trong thập kỷ tới.
Mặc dù chúng ta đã đạt được những bước tiến trong vấn đề kinh tế cho phụ nữ, nhưng còn một số lĩnh vực chúng ta vẫn tụt hậu. Ví dụ vấn đề về bạo lực gia đình, nạn buôn người, tội phạm tình dục, những hủ tục lạc hậu chống lại người phụ nữ.
Bà Alyse Nelso
Đại diện cho Viện nghiên cứu Hòa Bình Mỹ, một tổ chức phi chính phủ tại Washington DC, bà chuyên gia tư vấn Kathleen Kuehnast, nói người phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng gấp nhiều lần so với nam giới trong các xung đột trên thế giới ngày nay bởi vai trò truyền thống của họ:
Đàn ông và phụ nữ chịu tác động của những xung đột ở mức độ khác nhau. Trong khi nam giới có thể chết trận thì người phụ nữ phải chịu những gánh nặng gấp đôi, họ vừa phải sống còn qua xung đột, vừa phải lo chăm sóc gia đình con cái.
Bà Kuehnast đưa ra các ví dụ về phụ nữ ở các vùng xung đột như Iraq, Afghanistan hiện nay, nơi người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi.

Bà Alyse Nelso, Giám đốc cơ quan Vital Voices Global Partnership, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về vấn đề phụ nữ toàn cầu, cho rằng những cải thiện trong vấn đề quyền của phụ nữ trên thế giới trong vòng 50 năm trở lại đây đã đạt được những bước tiến đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên một số lĩnh vực vẫn còn tụt hậu. Bà nói:
Mặc dù chúng ta đã đạt được những bước tiến trong vấn đề kinh tế cho phụ nữ, đã để phụ nữ tham gia đàm phán các vấn đề quốc tế, và đặc biệt là giáo dục cho các em gái, nhưng còn một số lĩnh vực chúng ta vẫn tụt hậu. Nói ví dụ vấn đề về bạo lực gia đình, nạn buôn người, tội phạm tình dục, những hủ tục lạc hậu chống lại người phụ nữ. Tất cả những vấn đề này đang ngày một gia tăng.
Vì sao? Theo tôi đó là bởi vì chúng ta chưa vẽ được một đường kết nối giữa bạo lực chống lại phụ nữ và sự phát triển kinh tế. Chỉ ngay trong đất nước chúng ta thôi, mỗi năm chúng ta cũng mất khoảng 1 tỷ đô la cho vấn đề bạo lực gia đình nói riêng. Thử tính trên toàn thế giới là bao nhiêu bởi vì bạo lực chống lại phụ nữ xảy ra khắp nơi.
Phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới hiện cũng gặp nhiều khó khăn khi việc thực thi chính sách của các chính phủ không phải lúc nào cũng hiệu quả, do việc thiếu ý thức chính trị từ chính quyền địa phương, thậm chí trung ương.
Nhiều cơ hội hơn
Trong nỗ lực nhằm đưa phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, vào các quyết định chính trị tại các quốc gia và quốc tế, tổ chức Vital Voices đang với ra tới nhiều nước trên thế giới, tìm kiếm những phụ nữ tài năng trẻ tuổi, đầu tư cho họ và đào tạo họ.
Bà Alyse Nelson nói: "Chúng tôi hoạt động ở 127 quốc gia. Chúng tôi tìm kiếm trên toàn thế giới những phụ nữ tài năng mà chúng tôi tin là trong vòng 10 năm tới sẽ có những ảnh hưởng lớn. Cô ta có thể sẽ ứng cử vào quốc hội hoặc tổng thống. Chúng tôi đầu tư vào khả năng của cô ta, vào tiềm năng lãnh đạo của cô ấy, tạo cho cô ấy những mối liên hệ, làm cho cô mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đã thực hiện điều này với khoảng 8000 lãnh đạo nữ trên thế giới. Và khi họ trở về, họ không chỉ đầu tư vào gia đình mình mà còn đầu tư vào cộng đồng của mình và ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người khác.
Đối với các nước đang phát triển, nơi vẫn tồn tại chính phủ độc tài như Việt nam hay Miến Điện, theo bà Nelson, việc tiếp cận những phụ nữ trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn:
Trong các trường hợp chính phủ kiềm chế sự phát triển của người phụ nữ, chúng tôi thấy những phụ nữ làm kinh doanh thành đạt là những người có thể tiếp cận giúp giải quyết các vấn đề phụ nữ. Ví dụ ở Việt nam, chúng tôi làm việc với cộng đồng các phụ nữ kinh doanh về những vấn đề này. Còn đối với Miến Điện, thì điều quan trọng là những phụ nữ ở đó không cảm thấy cô đơn trong cuộc tranh đấu của mình. Vì thế chúng tôi vinh danh họ. Chúng tôi sắp xếp để ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hay cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush trao cho họ các giải thưởng để khuyến khích họ. Nhưng tôi phải thừa nhận là để tiếp cận các phụ nữ tại đây và đưa họ ra với thế giới, đầu tư vào tài năng của họ là không dễ dàng.
Chúng tôi tìm kiếm trên toàn thế giới những phụ nữ tài năng mà chúng tôi tin là trong vòng 10 năm tới sẽ có những ảnh hưởng lớn. Chúng tôi đầu tư vào khả năng của cô ta, vào tiềm năng lãnh đạo của cô ấy, tạo cho cô ấy những mối liên hệ, làm cho cô mạnh mẽ hơn. <br/>Bà Alyse Nelson<br/>
Về kinh tế, để giúp người phụ nữ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, diễn giả Mayra Buvinic, Giám đốc ủy ban ‘giới tính, phát triển, giảm nghèo và quản lý kinh tế’ thuộc ngân hàng Thế giới cho biết tổ chức này đã thực hiện một chương trình có tên gọi ‘bình đẳng giới và kinh tế thông minh’, nhằm mục đích giúp phụ nữ ở các nước đang phát triển tìm cách hoạt động kinh tế một cách độc lập. Chương trình tập trung vào 4 thị trường chính là lao động, tài chính, đất đai và nông nghiệp. Phụ nữ ở các nước có chương trình này của World Bank sẽ được tạo điều kiện để tham gia tích cực hơn vào các thị trường này và qua đó tự chủ về mặt kinh tế.
Những nghiên cứu của World Bank cho thấy khi phụ nữ được tham gia thị trường lao động, thu nhập trong gia đình tăng cao, dẫn đến tiêu dùng tăng, do đó giảm nghèo và có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Tháng 10 sắp tới là kỷ niệm 10 năm nghị quyết 1325 của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về ảnh hưởng của chiến tranh và xung đột đối với người phụ nữ, và những đóng góp của phụ nữ vào việc giải quyết tranh chấp, và vì một nền hòa bình bền vững. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về phụ nữ và những lời kêu gọi trên tòan thế giới về nữ quyền suốt 10 năm qua, nhưng cho đến giờ phụ nữ và các em gái vẫn là những người bị tác động nhiều nhất bởi các xung đột diễn ra hàng ngày trên thế giới này.
Câu hỏi đặt ra là liệu năm nay và những năm tới, liên hiệp quốc và các định chế quốc tế có thể có được một giải pháp nào hiệu quả hơn để thực hiện những gì được đưa ra trong nghị quyết 1325?