Sốt người giúp việc sau Tết

Cứ mỗi dịp Tết đến thì các bà nội trợ lại bận rộn hơn rất nhiều. Các chị không chỉ lo hoàn tất công việc cơ quan, mà còn phải lo chuẩn bị Tết và quán xuyến hết mọi chuyện trong nhà khi những người giúp việc về quê ăn tết.

0:00 / 0:00

>

Nhu cầu tìm người cao

Những người giúp việc nhà còn được gọi là Osin. Vì thế cứ đến Tết, ở Việt Nam lại có câu nói quen thuộc “cháy Osin” vì nhiều nhà thiếu Osin.

Cách đây khoảng gần 20 năm, đài truyền hình Việt Nam cho chiếu một bộ phim truyền hình nhiều tập có tựa đề Osin, kể về cuộc đời của một cô gái Nhật thông mình, giàu nghị lực. Hình ảnh cô gái cần cù, chịu khó và đã thành công dù cuộc đời gặp bao gian khó đã chinh phục được đông đảo khán giả Việt Nam.

Và cũng từ sau đó, không biết chính thức từ lúc nào, người Việt gọi những người giúp việc nhà mình là các Osin. Chắc vì các gia đình cũng mong muốn tìm được những người giúp việc có được các đức tính tuyệt vời như cô Osin trong bộ phim truyền hình nọ.

Ví dụ em đi làm 200 đô một tháng mà em thuê người 200 đô em cũng thuê bởi vì ở nhà thì em không còn là mình nữa, em thành ra người khác!

Chị Thúy Quỳnh - TPHCM

Trước hết phải nói là đa số các chị ở thành phố đều cho rằng việc có được người giúp việc trong nhà hay các Osin là hết sức quan trọng. Họ không chỉ giúp trông con, mà họ còn lo trông nhà, đi chợ, nấu cơm, để các bà vợ chỉ tập trung vào công việc ngoài xã hội, lo kiếm tiền. Chị Vũ Phương Lan ở Hà Nội, người có 2 con nhỏ, cho biết, nếu không có người giúp việc thì chị không thể làm được việc gì ở cơ quan:

Sẽ không thể làm tốt công việc được. Sẽ không thể làm tròn trách nhiệm như hiện nay được vì yêu cầu công việc rất lớn. Thứ nhất là phải làm thứ bảy, chủ nhật, làm ngoài giờ. Có những hôm có vụ đột xuất. Những ngày đấy mình không làm thì sau này không ai giao việc cho mình. Vì thế nếu không có ngưòi trông thì mình phải ở nhà, phải về sớm đón con, nấu cơm. Nếu vậy thì người ta giao cho người khác, hoặc mình phải chuyển bộ phận khác phù hợp hơn.

Còn chị Lê Ngọc Thúy Quỳnh ở Sài gòn, người cũng có 2 con nhỏ thì nói "nếu không có ngưòi giúp thì mình không thể đi làm luôn."

photo-2-250
Công việc này xem ra nặng nhọc hơn nghề giúp việc nhà ở thành phố. AFP photo/Hoang Dinh Nam (AFP photo/Hoang Dinh Nam)

Chị cho biết đã có lúc vì không có người giúp việc chị đã tính bỏ việc ở nhà trông con. Nhưng giờ thì chị không muốn như vậy nữa. Chị nói,"Ví dụ em đi làm 200 đô một tháng mà em thuê người 200 đô em cũng thuê bởi vì ở nhà thì em không còn là mình nữa, em thành ra người khác!"

Vậy những người Osin Việt Nam này là ai? Họ là những em gái, các chị, các bác lớn tuổi đến từ các vùng quê, lên thành phố nhận trông trẻ, giúp việc nhà để kiếm thu nhập khá hơn so với mức thu nhập mà họ có ở quê. Họ có thể là những người thân, họ hàng của các gia đình mà họ làm thuê, họ cũng có thể chỉ là người ngoài được giới thiệu đến làm cho các gia đình qua các trung tâm giới thiệu người giúp việc.

Lúc đầu các gia đình chủ yếu tìm Osin qua người thân, họ hàng. Nhưng rồi, xã hội ngày một phát triển, các chị em ở thành phố ai nấy đều bận bịu công việc ở cơ quan, bận kiếm tiền. Ngày càng có nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê Osin cho gia đình mình. Vì thế nhu cầu về Osin ngày một tăng cao. Cũng chính bởi vậy mà các trung tâm giới thiệu người giúp việc mọc lên như nấm ở khắp nơi.

Đáp ứng yêu cầu ít

Tuy nhiên đối với đa số các bà vợ, việc chọn được Osin như ý là hết sức khó khăn. Đa phần ai cũng muốn tìm được người giúp việc là người thân hay họ hàng mình. Họ sẵn sàng trả lương cao hơn mức trung bình một chút nếu tìm được người như vậy. Chị Vũ Phương Lan ở Hà Nội, cho biết chị tìm được một người bác họ dưới quê lên trông con cho mình.

Mỗi tháng chị trả cho bác 1 triệu 500 ngàn đồng trong khi mức trung bình là từ 1 triệu 200 ngàn đến 1 triệu 300 ngàn một tháng. Các Osin này đều ở lại nhà của các gia đình và không mất chi phí ăn, ở. Ngoài ra hàng năm họ được các gia đình cho về quê vài lần vào các dịp lễ tết, hay mùa gặt. Chị Lan cho biết:

Ở Việt Nam hiện tại có dịch vụ cung cấp người giúp việc, nhưng mà để một người ở được với mình rất là khó, nhiều khi cả 10 người vô nhà mình mà không có người nào ở được với mình.

Chị Thúy Quỳnh - TPHCM

Tháng nào bác cũng về một lần. Trả lương cho bác, trả tiền tàu tiền xe, mua bánh về làm quà. Ngoài ra một năm có hai vụ cấy thì cũng tạo điều kiện cho bác về. Một năm hai vụ thì mỗi vụ có một tuần gieo mạ, cấy, gặt. Lúc đấy thì phải nhờ bà ngoại lên trông cháu để cho bác về.

Chị Lan cho biết chị may mắn khi tìm được người họ hàng giúp đỡ. Còn những người không may thì phải ra trung tâm. Mà nếu đã ra trung tâm giới thiệu thì rất khó biết được tâm tính người giúp việc cho mình.

Vũ Phương Lan: Ra trung tâm là bất đắc dĩ. Thường là không tìm được người thân thì người ta về quê tìm người có hoàn cảnh khó khăn lên giúp. Dù sao thì cũng biết gốc gác của người ta mình mới tin tưởng giao nhà giao cửa cho.

Đã có những gia đình tìm người qua các trung tâm giúp việc nhưng không thể nào tìm được người ở lâu với mình. Lúc thì do người giúp việc không như ý. Có lúc thì do người giúp việc chê lương thấp, công việc không thoải mái. Chị Lê Ngọc Thúy Quỳnh ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm:

Ở Việt Nam hiện tại có dịch vụ cung cấp người giúp việc khi mình cần. Nhưng mà để một người ở được với mình rất là khó, nhiều khi cả 10 người vô nhà mình mà không có người nào ở được với mình. Tuổi còn trẻ quá thì không giúp được gì mình vì nuôi em bé cần người lớn tuổi một chút, có kinh nghiệm về nuôi trẻ. Còn trẻ quá thì làm công việc đó nó cực, không làm được đâu. Hiện tại ở Sài gòn, cái vụ đi thuê người cũng mệt lắm.

photo-3-250
Công việc đồng áng vất vả nhưng thu nhập lại thấp. AFP photo (AFP photo)

Nhưng có lẽ mệt nhất đối với các chị là vào dịp tết. Vì cứ đến gần tết thì các Osin lại nô nức về quê vì họ xa nhà cả năm. Một năm có vài lần về nhà nên ai cũng muốn về quê trước tết vài hôm rồi ăn tết xong thì lên muộn một chút. Vì đã quen có người giúp việc quanh năm nên cứ đến dịp tết là các bà vợ lại bận rộn gấp bội phần. Chị Quỳnh nói người giúp việc nhà chị về từ hôm 28 tết và lên mùng 6 tết. Chỉ có mấy ngày mà chị bận túi bụi. Một ngày chị chỉ ăn cơm được một bữa.

“Cháy Osin”

Ngoài ra Tết cũng là lúc các Osin nào muốn chấm dứt hợp đồng với chủ nhà thì sau khi nhận lương thưởng đầy đủ để trở về quê họ sẽ không lên lại nữa. Chị Vũ Phương Lan kể:

Nếu những Osin gắn bó với gia chủ thì sau tết họ sẽ lên, còn những người không gắn bó thì họ đòi tăng lương, hoặc họ làm nhà này không thoải mái mà muốn tìm nhà khác hoặc muốn thay đổi công việc, thì dịp tết là dịp họ về luôn và không lên nữa. Nên tết đối với một số nhà là cháy Osin. Osin không lên thì rất vất vả.

Sau tết, Osin không lên báo hại các gia đình phải chạy đôn đáo tìm người thay thế. Nhà nào có con nhỏ thì vợ hoặc chồng phải luân phiên nhau xin nghỉ phép ở nhà trông con. Hoặc nếu không thì phải thuê người giúp việc trông con theo giờ, mỗi giờ trả khoảng 15,000 đồng. Chị Lan cho biết chị may mắn còn có bà ngoại đã về hưu nên những lúc người giúp việc về quê lên muộn, chị có thể gửi con cho bà ngoại trông giúp vài hôm.

Những người không gắn bó thì dịp tết là dịp họ về luôn và không lên nữa. Nên tết đối với một số nhà là cháy Osin. Osin không lên thì rất vất vả.

Chị Phương Lan - Hà Nội

Còn những người khác không có người thân ở gần thì cứ sát đến ngày phải đi làm là họ lại nơm nớp lo không biết liệu Osin có lên nữa không hay là lên muộn.

Năm nay, các gia đình Việt Nam có một cái Tết thật dài. Đến tận mùng 9 mọi người mới phải quay lại làm việc. Đây cũng là một cái tết đầy bận rộn cho không biết bao nhiêu các gia đình, đặc biệt là các bà vợ vì thiếu người giúp việc. Và cứ đến hẹn lại lên, các gia đình lại phải ca điệp khúc “cháy Osin” mỗi đợt Tết về.

Theo dòng thời sự: