Mùa hè năm nay, một nữ sinh viên người Việt duy nhất được chọn trong chương trình này. Đó là cô Nguyễn Thanh Khiết, sinh viên trường đại học Dartmouth ở Hanover, tiểu bang New Hampshire, đang theo học ngành bang giao quốc tế. Trong chuyên mục Trang Phụ Nữ kỳ này, Phương Anh mời quí vi và các bạn nghe một số thông tin về tổ chức International Leadership Foundation và cô Nguyễn Thanh Khiết.
Tổ chức International Leadership Foundation
Thưa quí vị, trước hết, để tìm hiểu về tổ chức International Leadership Foundation, Phương Anh đã liên lạc với ông Joel Szabat, và được ông cho hay:
Tôi là Giám Đốc Tổ Chức International Leadership Foundation tại Washington D.C. Chúng tôi bắt đầu hoạt động từ năm 2001 ở California, chủ yếu là để giúp cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu sau này có thêm những người lãnh đạo cộng đồng, làm việc trong chính phủ Hoa Kỳ, giúp cho chính cộng đồng của họ. Từ năm 2001 đến nay, chúng tôi đã có khoảng 500 sinh viên được tham gia vào chương trình này.
Mỗi mùa hè, chúng tôi chọn 30 sinh viên Á Châu xuất sắc trên toàn nước Mỹ. Trong hai tháng, họ được huấn luyện và thực tập ngay trong các bộ ngành, các cơ quan hành chính của Hoa Kỳ. Họ được học hỏi về cách tổ chức và điều hành của nhà nước, được gặp gỡ với những vị đứng đầu các cơ quan đầu não của chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó, họ được trình bày quan điểm của mình với chính phủ để làm thế nào giúp đỡ cho cộng đồng của họ tốt hơn.
Khi hỏi thăm về các điều kiện để được tham gia chương trình này, ông nói:
<i>Tất cả những sinh viên Á Châu ở bất cứ trường đại học nào trên đất nước Hoa Kỳ đều có thể làm đơn tham gia chương trình này. Muà hè này, chúng tôi có được 150 đơn hội đủ điều kiện, nhưng chỉ chọn ra 30 sinh viên. Trước khi nộp đơn tham gia, sinh viên đó phải có điểm giỏi từ 3.5 trên 4 trở lên. <br/> </i>
Ông Joel Szabat
Tất cả những sinh viên Á Châu ở bất cứ trường đại học nào trên đất nước Hoa Kỳ đều có thể làm đơn tham gia chương trình này. Muà hè này, chúng tôi có được 150 đơn hội đủ điều kiện, nhưng chỉ chọn ra 30 sinh viên. Trước khi nộp đơn tham gia, sinh viên đó phải có điểm giỏi từ 3.5 trên 4 trở lên.
Ngoài ra, còn phải có thành tích tham gia hoạt động trong cộng đồng. Cho nên, phải nói là tiêu chuẩn rất khó, bởi vì chúng tôi nhắm tới việc đào tạo những người lãnh đạo cộng đồng sau này! Không giống như những chương trình sinh viên thực tập khác, chúng tôi chú trọng đến việc lãnh đạo cộng đồng nhiều hơn.
Sau này, dù ở bất cứ lãnh vực nào, các em đều có thể trở thành những nhà lãnh đạo và giúp cho cộng đồng của chính các em. Chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay, trong các cơ quan nhà nước,thiếu hẳn các gương mặt Á Châu, nên qua chương trình này, ngay từ bây giờ, chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các em chuẩn bị trở thành người lãnh đạo cộng đồng mình sau này, để vừa giúp cho chính phủ Mỹ, vừa giúp cho cộng đồng của các em.
Một trong ngôi sao sáng
Với nữ sinh viên Nguyễn Thanh Khiết, ông cho biết:
Ngay khi bước đầu chọn lựa, chúng tôi đã chú ý đến đơn của em Khiết Nguyễn. Chúng tôi cho rằng đây là một trong ngôi sao sáng trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu.. Cô ấy lớn lên ở New Hampshire, một nơi ít có người Việt Nam cư ngụ. Thành tích học tập của cô ấy từ trung học cho đến đại học rất tốt.
Cô ấy đã tình nguyện làm việc xã hội ở nhiều nơi, đặc biệt là với trẻ em. Cô ấy có khả năng giao tiếp tốt và nhiệt tình trong công việc, nhất là giúp đỡ mọi người. Đó là điểm nổi bật mà chúng tôi đã chọn cô. Thật là khó để được chọn thực tập trong các Bộ của chính phủ liên bang, như Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, thế nhưng, hiện nay, cô ấy đã được chọn làm trong cơ quan USAID, dưới hệ thống của Bộ Ngoai Giao. Chúng tôi được nghe những lời phản ảnh về cô Khiết Nguyễn rất tốt.
Cũng theo lời ông cho biết, nữ sinh viên Nguyễn Thanh Khiết từng nổi tiếng ở tiểu bang New Hampshire về thành tích đoạt học bổng nhiều nhất. Về phần cô Nguyễn Thanh Khiết, cô cho biết rằng:
<i>Sau chương trình này, em học được cách làm một người lãnh đạo tốt và làm sao cho mình có một ý kiến tốt, phải làm việc với nhiều người và làm sao để cho họ hiểu mục đích. Cho nên, khi em về lại New Hampshire, em sẽ khuyến khích các bạn sinh viên thành lập một đội ngũ để các bạn sẽ ra làm việc trong xã hội để giúp người Việt Nam của mình. <br/> </i>
Cô Nguyễn Thanh Khiết
Sau chương trình này, em học được cách làm một người lãnh đạo tốt và làm sao cho mình có một ý kiến tốt, phải làm việc với nhiều người và làm sao để cho họ hiểu mục đích. Cho nên, khi em về lại New Hampshire, em sẽ khuyến khích các bạn sinh viên thành lập một đội ngũ để các bạn sẽ ra làm việc trong xã hội để giúp người Việt Nam của mình.
Được biết, cha cô là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà trước đây, còn mẹ là một giáo viên dậy cấp hai ở Đà Lạt. Cả gia đình gồm 4 người đến định cư tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang New Hampshire vào tháng giêng năm 1994. Nơi đây, rất ít người Việt sinh sống. Ngoài giờ làm việc ở hãng sản xuất linh kiện điện tử, cha mẹ cô dành rất nhiều thời gian dậy tiếng Việt cho hai con. Ông Nguyễn Văn Âu, cha cô, kể lại:
Tôi theo diện HO, qua Mỹ tháng giêng năm 1994, lúc đó cháu được 6 tuổi. Mục đích chính qua đây là cho con cái đi học do đó, phải chuẩn bị tinh thần giáo dục cho con cái, làm sao cho nó biết tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đất nước của mình, nên cố gắng rèn luyện cho cháu có căn bản.
<i>Tôi theo diện HO, qua Mỹ tháng giêng năm 1994, lúc đó cháu được 6 tuổi. Mục đích chính qua đây là cho con cái đi học do đó, phải chuẩn bị tinh thần giáo dục cho con cái, làm sao cho nó biết tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đất nước của mình, nên cố gắng rèn luyện cho cháu có căn bản. <br/> </i>
Ông Nguyễn Văn Âu
Lúc đầu, tôi cũng hướng cho nó đi về y khoa, tuy nhiên, sau này, nó bảo là nó không thích, nên nó đi về ngành đó nên tôi cũng không có ý kiến gì thêm! Có điều, khi cháu có dịp đi Việt Nam, tôi thường nhắc cháu là nên đi những nơi xa xôi, để thấy những người còn nghèo đói rất nhiều.
Còn mẹ cô, bà Nguyễn Thị Muộn, thì chia sẻ kinh nghiệm dậy con học tiếng Việt của mình, bà nói:
Ở nhà thì thường xuyên bảo cháu đọc sách truyện về Việt Nam, bài báo nào hay thì bảo cháu đọc cho bố mẹ nghe, rồi hằng ngày nói chuyện với các cháu. Cho dù các cháu đi đại học thì vẫn nói chuyện với các cháu bằng tiếng Việt , email bằng tiếng Việt, nói chung là trao đổi hàng ngày bằng tiếng Việt , khi nào cần thiết lắm thì mới bằng tiếng Anh.
Hàng năm, qua những kỳ nghỉ hè, hay Tết, thì các cháu viết thiệp, viết thư cho họ hàng bên Việt Nam, bên nội, bên ngoại, để các cháu nhớ về gia tộc, viết bằng tiếng Việt. Lúc nhỏ, thì đưa ba mẹ kiểm lại xem có đúng chính tả không.
Đôi lúc, bố mẹ góp thêm ý kiến, trao đổi thêm để các lá thư thêm sinh động và phong phú. Khi cháu còn nhỏ, hàng ngaỳ thì học tiếng Anh, nhưng cuối tuần thì kèm thêm tiếng Việt. Trong những buổi cơm gia đình, nói bằng tiếng Việt thì các cháu nghe và hiểu hết.
Dự định cho tương lai
Trở lại với nữ sinh viên Nguyễn Thanh Khiết, khi được hỏi rằng cô có về Việt Nam bao giờ chưa và liệu sau này, hoàn tất xong việc học, cô có dự định làm việc ở Việt Nam hay không, cô cho hay:
Trong tương lai, nếu chính phủ Việt Nam thay đổi, là một nước thật sự tự do và dân chủ thì lúc đó em sẽ làm việc liên quan đến Việt Nam và những người lãnh đạo. Em có về Việt Nam hai lần, năm 1998 và năm 2006 để làm việc thiện nguyện ở làng SOS ở Đà Lạt. Em thấy năm 2006 thì Việt Nam thay đổi nhiều, người dân trong thành phố có việc làm và cuộc sống của họ cũng đỡ.
Em cũng làm quen với một số sinh viên ở Việt Nam. Theo em, với những sinh viên em đã tiếp xúc, thì họ đều quan tâm đến xã hội, đi làm thiện nguyện. Em nghĩ giới trẻ ở Việt Nam ngày càng tham gia vào xã hội nhiều hơn.
Và cuối cùng, cô tâm sự về mơ ước của mình:
Ước mơ của em là làm sao cho ba mẹ hãnh diện về mình vì ba mẹ em đã hy sinh rất nhiều cho em. Qua bên Mỹ, em có cơ hội học nên em phải tìm một con đường, một công việc mà mình yêu thích thực sự để mình vừa có thể giúp người Việt Nam, giúp những dân tộc khác, vừa làm cho gia đình mình hạnh phúc, và mọi người xung quanh mình cũng hạnh phúc luôn.
Quý vị và các bạn vừa nghe một số thông tin về tổ chức International Leadership Foundation và cô Nguyễn Thanh Khiết, nữ sinh viên Việt Nam duy nhất trong chương trình mùa hè này. Trang Phụ Nữ xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào kỳ sau.