Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài

Hơn một thập kỷ gần đây, việc mở cửa hội nhập với quốc tế, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và nhiều nguyên nhân khác nữa đã khiến tăng nhanh số trường hợp kết hôn giữa các cô gái Việt Nam với người nước ngoài.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.01.19

Khái niệm chồng “Tây”

Cô dâu Việt và chú rể Đài Loan
Cô dâu Việt và chú rể Đài Loan
AFP Photo
Cũng như những công nhân được đưa ra nước ngoài làm việc, điểm đến của các cô dâu Việt là khắp thế giới. Đó có thể là  những quốc gia Á Châu từng được mô tả là con rồng châu Á Đài Loan, Hàn Quốc hay những nước phương Tây như Âu châu hay Bắc Mỹ.

Hoàn cảnh các cô dâu Việt khi xuất giá cũng như khi sống trên xứ người cũng đa dạng không kém. Có những người hạnh phúc, nhưng cũng không ít người đã rơi vào những bi kịch không lối thoát.

Trước hết xin được nói chữ Tây ở đây được hiểu là những người đến từ các nước phương tây như Tây Âu và Bắc Mỹ, là nơi có nền kinh tế phát triển.

Đối với nhiều cô gái Việt Nam có chồng Tây thì cho rằng mình kết hôn với người nước ngoài chủ yếu là do duyên số nhiều hơn là vì lý do nào khác.


Thật ra thì do hoàn cảnh lịch sử, việc vợ Việt lấy chồng Tây xưa nay cũng không phải hiếm lắm. Từ thời chiến tranh chống Pháp đã có những cặp vợ Việt chồng Pháp, cho đến thời chiến tranh Việt Nam những năm 60 và 70 thì cũng có những cặp vợ chồng Mỹ - Việt.

Sau năm 75, một mặt do chính sách đóng cửa của chính phủ Việt Nam và một mặt do những khắt khe trong luật lúc đó không cho kết hôn với người nước ngoài nên không có những cặp kết hôn mới ở Việt Nam.

Nhưng rất nhanh, sau khi Việt Nam mở cửa vào những năm đầu thập kỷ 90, khi người nước ngoài vào Vịêt Nam ngày một nhiều thì con số cặp vợ Việt chồng Tây lại tăng lên.

Điều gì ở các ông chồng Tây lại hấp dẫn các cô gái Việt Nam đến vậy?

Cách đây không lâu, một cô người mẫu nổi tiếng Việt Nam kết hôn với một người châu Âu đã tuyên bố trên báo chí là cô luôn thích đàn ông Tây vì họ biết chiều chuộng phụ nữ, và cô cũng nói đến một số nguyên nhân khác nữa đại khái làm thấp giá trị của người đàn ông Việt Nam so với người phương Tây khiến dư luận có chiều bất bình.

Nhưng đối với nhiều cô gái Việt Nam khác đã có chồng Tây thì cho rằng mình kết hôn với người nước ngoài chủ yếu là do duyên số nhiều hơn là vì lý do nào khác.

Chị Bùi Bảo Anh, 30 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, người vừa kết hôn với một người Mỹ hồi giữa năm ngoái nói về quyết định kết hôn của mình: “Hồi trước khi gặp ông ấy thì em không nghĩ đến chuyện lấy chồng. Em thích cuộc sống độc lập, công việc rồi gia đình mình được rồi. Từ khi quen ông ấy thì em cũng mất thời gian gần 3 năm mới quyết dịnh kết hôn. Em thấy tìm được người thích hợp thì em lấy”

Tuy thế chị Bảo Anh cũng phải thừa nhận, chị không có may mắn lắm với những mối tình với những người bạn trai Việt trước kia. Chị so sánh người chồng Tây và người chồng Việt như sau: “Em cũng có suy nghĩ cởi mở. Họ thông cảm với người phụ nữ nhiều hơn, họ không có suy nghĩ lạc hậu là phụ nữ phải thế này phải làm thế kia, phải nghe lời người đàn ông trong gia đình.

Có thể suy nghĩ em quá cởi mở cho nên em có quen một số bạn trai Việt Nam trước đó, thì họ không chấp nhận em và em cũng không chấp nhận suy nghĩ của họ cho nên rất khó hoà hợp.

Một số mối tình đã qua cũng chẳng tới đâu cả đến khi em gặp người này- ông xã em bây giờ- thì em thấy rất thoải mái, chia sẻ được tất cả mọi thứ, đó là điều mà em hài lòng nhất.”

Khó khăn ban đầu

Chú rể nước ngoài chuẩn bị đám cưới
Chú rể nước ngoài chuẩn bị đám cưới
AFP Photo
Nói vậy, nhưng các cặp vợ chồng này cũng gặp không ít khó khăn lúc ban đầu. Khó khăn đầu tiên là thuyết phục gia đình đồng ý cho kết hôn. Với trường hợp của Bảo Anh, gia đình chị lúc đầu không đồng ý vì lo chênh lệch về tuổi tác và những khác biệt về văn hoá. Phải sau vài tháng thuyết phục hai người mới được gia đình chấp nhận.

Còn trường hợp của chị Vũ Khánh Phương, 35 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, có chồng người Mỹ thì hơi khác một chút, chị nói: “Ban đầu thì bố mẹ cũng không thích, nhất là mẹ hoàn toàn không thích. Có lẽ cụ không thích vì sự khác biệt, nhìn vào thì thấy ông chồng to quá, con mình thì bé nên cụ cũng sợ. Nhưng dần dần mẹ mình cũng thấy anh ấy hiền thì rồi cũng thấy quý mến dần lên.”

Ngoài khó khăn ban đầu là với gia đình, thì các cặp vợ chồng này còn gặp khó khăn trong giao tiếp do rào cản về ngôn ngữ, rồi khác biệt về văn hoá, phong tục tập quán. Chị Bùi Bảo Anh chia sẻ: “Ban đầu tiếng Anh của em rất là tệ, ông xã em không nói được tiếng Việt nên bọn em gặp khó khăn trong giao tiếp

Rồi lối sống, suy nghĩ của hai văn hoá khác nhau rất nhiều nên tụi em cũng phải cố gắng hoà hợp trong thời gian đầu. Ví dụ như chuyện ăn uống, cách sinh hoạt hàng ngày, cách ứng xử ngoài đường.

Ăn uống mình quen món ăn Việt Nam mắm muối còn họ không quen, nên mỗi lần nấu cứ giống như một bữa ăn nấu cho hai người khác nhau vậy. Bây giờ thì đỡ, bây giờ ăn chung với nhau hết.”

Người nước ngoài do có thu nhập cao và mức sống cao nên cách chi tiêu cũng khác và nhiều lúc gây khó khăn cho người vợ trong vấn đề quản lý ngân sách, vì người phụ nữ Việt Nam có tính tiết kiệm.


Chị Vũ Khánh Phương cho biết thêm một số khó khăn khác: “Khó khăn nhiều đó là cách sống của người Việt Nam và người nước ngoài khác nhau quá. Người đàn ông Việt nam thì bình thường những cái điện nước trong nhà người đàn ông phần lớn đều biết làm, phần lớn như vậy chứ không phải tất cả.

Còn người nước ngoài thì họ không biết gì về chuyện đó. Mà đồ vật ở Viêt nam chất lượng không bằng nước ngoài, rất hay hỏng vặt, không lẽ mỗi lần hỏng thì lại ngồi chờ thợ đến thì đến bao giờ, mà chồng không biết làm thì vợ đành phải ngồi làm chứ làm sao!”

Chị Phương cho rằng người nước ngoài do có thu nhập cao và mức sống cao nên cách chi tiêu cũng khác và nhiều lúc gây khó khăn cho người vợ trong vấn đề quản lý ngân sách, vì người phụ nữ Việt Nam có tính tiết kiệm.

Nhưng đối với nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Tây, mà lại sống ở Việt nam thì còn một khó khăn nữa khiến nhiều người bức xúc. Đó là cách nhìn của người Việt xung quanh vào họ. Chị Phương kể: “Có một vấn đề bức xúc nhất là mình sống ở Việt Nam thì cái chính là con mắt của người Việt nam nhìn vào chuyện đó, chứ không phải là vấn đề giữa hai vợ chồng.

Ví dụ đi ra đường thì phần lớn đều nghĩ mình là loại gái…điếm. Họ cứ nhìn thấy Tây là họ nghĩ nhiều tiền, lúc nào mọi ngưòi nhìn vào cũng nghĩ là mình sống bám vào ông ấy. Mình đi đâu với ông xã thì đều bị nhìn như vậy.”

Ông John Flanagan, chồng của chị Phương cũng đồng ý với ý kiến đó của vợ: “Mọi người ở đây cứ nhìn vào cô ấy và cho rằng cô ấy lấy tôi vì tiền mà tôi thì không giàu có gì. Mọi người không biết gì về cô ấy mà chỉ nhìn bề ngoài. Đó là một khía cạnh rất khó chịu khi sống ở Việt nam.

Nhưng họ có cái nhìn đó là vì lịch sử. Lịch sử là người da trắng đến đây với tiền bạc tìm các cô gái Việt Nam trẻ đẹp và lấy đi, rải tiền lên cô ấy, cho tiền gia đình cô ấy. Nhưng đó không phải là trường hợp của tôi.”

John cũng nhìn nhận, trong thời đại ngày nay cũng vẫn có nhiều những người phương Tây có tiền bạc và đến các nước châu Á có nền kinh tế kém phát triển hơn để lấy vợ trẻ, đẹp mà phần lớn không qua tìm hiểu nhiều hay có tình yêu sâu sắc. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của những người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng về những cặp vợ Việt chồng Tây.

Mặc cho những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, các cặp vợ chồng mà trang phụ nữ kỳ này nói chuyện, cho biết họ rất hạnh phúc với những lựa chọn của mình. Chị Bảo Anh nói chị đã xin được học bổng để đi học master về ngành xã hội học tại Mỹ. Sau khi học xong hai năm, hai vợ chồng sẽ về Việt Nam sinh sống lâu dài.

Còn chị Phương và chồng cho biết hai người sẽ tiếp tục sống ở Việt Nam lâu dài vì cả hai người đều đã có công ăn việc làm ổn định tại đây và họ không muốn xa gia đình bên vợ. John nói ông đã coi gia đình vợ như gia đình ruột thịt của mình.

Một nhà báo đã từng nói, thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, thể hiện việc giao tiếp giữa các vùng của thế giới đã trở nên dễ dàng hơn, những xa xôi cách trở về mặt địa lý giờ đây cũng đã trở nên gần hơn do các tiến bộ của khoa học. Những cặp vợ Việt chồng Tây cũng là những minh chứng cho một thế giới ngày một xích lại gần nhau hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.