Chuyện các ông “ăn chả”

Trong cuộc sống gia đình, chuyện cơm không lành canh chẳng ngọt là điều khá phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những trục trặc trong các gia đình.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.01.12

Phản ứng của các bà

Một trong những vấn đề tưởng như rất xưa  nhưng vẫn không bao giờ cũ trong mọi xã hội, đó là chuyện chồng có bồ nhí hay người Việt mình còn gọi là ông ăn chả.

Đối với rất nhiều chị em phụ nữ, chuyện chồng hay người sống chung với mình có bồ nhí bên ngoài rất khó chấp nhận. Trên rất nhiều các diễn đàn gia đình dành cho các bà vợ, bà mẹ, có thể tìm thấy các bức thư tâm tình nói về chuyện này.

Tâm lý lúc đầu tiên khi các chị nghi hoặc tìm thấy chứng cớ là chồng mình có người khác, phần lớn đều rất buồn, giận chồng, thất vọng về chồng. Thế nhưng giải pháp của mỗi người lại khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người. Có người tìm cách đánh ghen.

Sau một thời gian dài suy nghĩ, chị Mai đi đến quyết định ở lại với cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình, dù bản thân chịu rất nhiều thiệt thòi.

Người khác thì nhẹ nhàng khuyên bảo chồng, cố gắng níu kéo chồng. Cũng có người thì tức giận và quyết định trả thù bằng cách ‘ông ăn chả thì bà ăn nem’, tức là cũng tìm người để cặp bồ. Có người thì kiên quyết ly dị. Người khác thì nhẫn nhịn chịu đựng.

Khi được hỏi chị sẽ làm gì nếu phát hiện chồng mình lăng nhăng, chị Vũ Khánh Phương, 34 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh trả lời: “Chắc là ly dị. Chịu, không sống được, tuỳ tính cách từng người, có người người ta có thể sống được, có người không sống được, tại vì tính cách của mình mình biết, nếu mình để chuyện đó thì ….

 Kèm theo là mình sẽ khinh chồng mình, mình không sống được với chồng, và như vậy thì sống giả dối thì không cần thiết vì mình lo được cuộc sống của mình, còn phần lớn những người như vậy họ chấp nhận như vậy vì họ có những ràng buộc vì gia đình, con cái, mình chả có ràng buộc gì cả nên chả có lý do gì để sống thế cả.”

Một kết quả điều tra gần đây ở Việt Nam cho thấy số vụ ly hôn ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Càng ngày giới trẻ càng ly hôn nhiều hơn. Thậm chí cứ sau 4 năm thì số cặp ly hôn lại tăng gấp đôi. Trong số những người ly hôn khi được hỏi thì có đến 25,9% cho biết nguyên nhân là do ngoại tình.

Đáng chú ý là gần đây số vụ ly hôn do người vợ đứng đơn cao gấp hai lần chồng. Đây cũng được xem là hệ quả tất yếu của sự phát triển trong xã hội, khi vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội đã được cải thiện.

Mặc dù vậy, vẫn còn không ít những chị em phụ nữ vẫn nhẫn nhịn chịu đựng chồng mình có bồ nhí mà không thể ly hôn.

Chị Trần Mai, 41 tuổi ở Hà nội cho biết, hai vợ chồng chị đã kết hôn với nhau 20 năm nay, có hai đưa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Nhưng từ 6 năm nay, chồng chị có vợ bé và bỏ bê vợ con. Khi phát hiện chồng có người khác, chị cũng gặng hỏi chồng nguyên nhân và cố gắng để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình.

Thế nhưng chồng chị chỉ nói một câu đơn giản ‘tôi với cô không hợp’, và vẫn tiếp tục sống chung với người phụ nữ kia.

Sau một thời gian dài suy nghĩ, chị Mai đi đến quyết định ở lại với cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình, dù bản thân chịu rất nhiều thiệt thòi. Chị giải thích nguyên nhân: “Nếu để nghĩ cho bản thân thì mình nên ly dị thì tốt hơn, nhưng vì nghĩ cho con nên mình cứ phải kéo dài cảnh sống thế này để dẫu sao chúng nó cũng có cuộc sống tốt hơn vì khi bố mẹ ly dị thì chắc chắn mình sẽ không đủ khả năng nuôi cả hai đứa.

Còn mình sống với gia đình nhà chồng thì dẫu sao tương lai của hai đứa trẻ nó tốt hơn. Nên mình cứ mặc kệ nó như thế. Chứ còn chị nghĩ giải pháp ly dị thì nó tốt cho mình hơn”. Những trường hợp như chị Mai không phải là hiếm trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên tâm lý đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, người cũng làm công tác tư vấn tâm lý tình cảm cho các gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Trường hợp đó thì sự hy sinh là quá ngưỡng, vì mỗi người đều có quyền tự do cá nhân và quyền hưởng hạnh phúc cho mình, còn nếu vì chồng vì con vì gia đình nhà chồng mà hy sinh cả cuộc đời của mình thì hơi thiệt thòi cho người phụ nữ.

Cố nhiên trong truyền thống phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng thì người phụ nữ được giáo dục trong tư tưởng phong kiến là phải hy sinh vì chồng vì con và vì sự nghiệp nhà chồng cho nên trường hợp vừa nói khá phổ biến trong xã hội việt nam trước đây và cả hiện nay nữa.”

Lỗi không của riêng ai

Đọc trong các dòng tâm sự của các chị gặp vấn đề chồng lăng nhăng trên các diễn đàn online, có thể thấy, phần lớn chị em thường đổ lỗi cho chồng là ích kỷ.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng một phần lỗi là từ chính mình. Nhiều khi lo cho các con nhiều mà các chị quên đi việc chăm lo cho người chồng như trước, hoặc không chăm chút làm đẹp cho bản thân. Có chị tự nhìn nhận là đã quá áp đặt cho chồng khi sống chung.

Mình không đổ tại cho chồng mà cũng ở trách nhiệm mình một phần. Nhiều khi đúng, chị cũng đọc sách và cũng cảm thấy mình có trách nhiệm ở đó chứ không hoàn toàn đổ lỗi cho chồng. 

Chị Mai, Hà Nội

Chị Trần Mai ở Hà nội cũng trách chồng mình ích kỷ và mải chơi nhưng chị cũng tự nhìn nhận một phần lỗi.

Chị nói, “Nói chung chị nghĩ không phải do không hợp mà do cuộc sống nó khó khăn, con cái lớn thì cuộc sống mỗi ngày một đòi hỏi, thì nếu người đàn ông có trách nhiệm thì người ta thấy là chuyện bình thường, còn đối với người không có trách nhiệm thì người ta thấy là thiếu ăn thiếu chơi thì người ta tìm đến chỗ chơi.

Mình không đổ tại cho chồng mà cũng ở trách nhiệm mình một phần. Nhiều khi đúng, chị cũng đọc sách và cũng cảm thấy mình có trách nhiệm ở đó chứ không hoàn toàn đổ lỗi cho chồng.

Nhưng mà khi mình nhìn nhận ra mà đàn ông không nhìn nhận ra mà đàn ông đã lao vào vết trượt đó thì người ta cứ trượt dài không thể nào dừng lại được.”

Trên thực tế cũng có những ông chồng mặc dù lăng nhăng nhưng vẫn không muốn bỏ vợ, mà tìm cách giấu. Khi vợ phát hiện thì xin lỗi. Có người thì bỏ hẳn, nhưng cũng có người không. Vậy các ông chồng lăng nhăng này nghĩ gì? Và có giải thích gì về chuyện cặp bồ nhí?

Một số người thì nói ‘ăn bánh trả tiền thôi, còn vợ con vẫn là trên hết’. Cũng có người thẳng thắn nhìn nhận ‘đàn ông nói chung là tham lam và sĩ diện, muốn chứng tỏ ta đây vẫn trinh phục được nhiều đàn bà, con gái đẹp và trẻ hơn vợ’.

Việc trong một gia đình, có vợ hoặc chồng cặp bồ thì đương nhiên là ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống chung, và cả cuộc sống của con cái. Vì thế, các chuyên gia tâm lý thường khuyên các cặp vợ chồng là nếu đã cố gắng níu kéo hết cách mà không xong thì nên chia tay.

Võ Văn Nam: “Trường hợp đó thì theo chúng tôi thì nên giải phóng, không nên để người phụ nữ chịu sự hy sinh quá mất mát như vậy. Dĩ nhiên là các cháu vẫn là các cháu của ông bà nội và quyền giáo dục chăm sóc các cháu vẫn là quyền của ông bà nội, còn nếu như chị ấy lập lại gia đình thứ hai, ly di người chồng không xứng đáng đó, đi tìm hạnh phúc của mình, và sống cuộc đời hạnh phúc và hai đứa con sống với chị thì nó sẽ chịu ảnh hưởng của gia đình êm ấm giữa cha mẹ dù là cha nuôi, thì ảnh hưởng nhân cách tốt hơn.

Rồi nếu hai đứa không sống với chị mà nó thấy chị hạnh phúc thì tấm gương đó cũng tác động một cách vô thức lâu dài vào cuộc đời hai cháu, vấn hơn là cháu sống có mẹ và cha ruột mà cha ruột không phải là tấm gương tốt cho cháu, cái đó có thể là ám ảnh vô thức về sau rất nguy hiểm cho các  cháu.

Nên theo tôi dù có vất vả, dù có thiếu thốn vè vật chất, chị ấy cũng nên can đảm, cách mạng làm lại cuộc đời của mình và vì cuộc đời của hai cháu”.

Theo ông Nam thì những trường hợp các ông chồng có vợ được pháp luật công nhận mà vẫn sống với người phụ nữ khác như vợ chồng thì còn vi phạm luật hôn nhân và gia đình ở Việt Nam.

Thế nhưng cũng rất khó để cho nhiều chị em có thể dứt áo ra đi, tìm một người chồng khác, làm lại cuộc đời. Những chị em này thường nói là do hy sinh cho con và vì vậy dù chồng không chung thuỷ, vẫn gắng nhịn nhục và hy vọng một ngày không xa người chồng sẽ thay đổi mà quay về với gia đình, nhưng cũng không hẳn là chờ mãi mãi, như chị Trần Mai ở Hà nội nói về giải pháp cho cuộc hôn nhân của mình như thế này: “Mình cũng mong muốn là nếu giờ này quay về thì chị vẫn có thể tha thứ.

Nói chung là một vài năm nữa tức là con còn bé, nếu quay về để cùng gánh vác để mà nuôi cho nó khôn lớn thì còn được, chứ còn sau này nó trưởng thành rồi thì có về thì về ở với con chứ còn chị chả còn cái gì để mà về cả.”

Xã hội phát triển, vai trò của người phụ nữ ngày nay trong các gia đình đã đổi khác nhiều. Cuộc sống của nhiều gia đình giờ đây cũng đã được cải thiện do kinh tế phát triển, thuận lợi hơn cho người phụ nữ để có thể chăm lo tốt hơn không những cho gia đình mình mà còn cho chính bản thân để giữ các ông chồng.

Nhưng không phải vì thế mà chuyện chồng lăng nhăng sẽ không xảy ra bởi lẽ có đến một ngàn lẻ một lý do. Giải pháp cho mỗi cuộc hôn nhân của mỗi người cũng muôn vẻ khác nhau. Vì thế, có lẽ cái sự chồng lăng nhăng sẽ là truyện nhiều kỳ không có hồi kết.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin được khép lại tại đây. Việt Hà xin chúc quý thính giả có một gia đình hạnh phúc và đầm ấm. Chúc các chị không may gặp cảnh chồng lăng nhăng, có đủ nghị lực và sáng suốt để vượt qua được những khó khăn trước mắt. Xin được gặp lại các bạn nghe đài trong tạp chí phụ nữ vào thứ ba tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.