Phụ nữ Việt lai Mỹ ở Hoa Kỳ: Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai

Trong bài trước, Phương Anh đã gửi tới quí vị tâm sự buồn đau của một số phụ nữ mang hai dòng máu Mỹ-Việt hiện đang sống ngay đất nước của cha mình.
Phương Anh, phóng viên RFA
2010.07.07
Bruce_Crandall's_UH-1D-305.jpg Một chiếc trực thăng UH-1D của Mỹ bắt đầu bay lên cao sau khi thả toán bộ binh Mỹ có nhiệm vụ hành quân tìm và diệt.
Photo courtesy of wikipedia

Họ đã và vẫn đang chịu rất nhiều thiệt thòi, bất công hay thậm chí bị bỏ rơi mặc dù trong quá khứ, họ từng trải qua những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Cái ước mơ có một gia đình êm ấm, đủ ăn để nuôi dạy con cái nên người như bao người phụ nữ khác cho đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy được. Có thể nói họ hiện vẫn đang còn nổi trôi giữa dòng đời nghiệt ngã ngay trên “quê cha” là nước Mỹ.

Trong khuôn khổ giới hạn của Trang Phụ Nữ, Phương Anh xin gửi đến quí vị hai câu chuyện đời tiêu biều của 2 phụ nữ ở tiểu bang Georgia, nơi có số phụ nữ con lai Mỹ sinh sống đông hơn cả, trước ngày được trở về “quê cha.”   

Quá khứ đau buồn

Chị Mỹ Duyên, năm nay ngoài 40, đến Hoa Kỳ cùng với chồng và 5 con vào năm 2001. Chị kể hồi nhỏ cuộc sống cũng tạm được, đến sau 30/4/1975 thì mọi thứ bị đảo lộn vì bà ngoại sợ nên đem chị về quê. Cuộc sống ở quê vất vả và chị không dám đi ra ngoài vì i ra ngoài thì bị tụi Việt Cộng chửi em là đế quốc, con lai này nọ."

Đến khi đi học thì bị con của Việt Cộng đánh, không dám đi học nên chỉ học tới lớp hai. Gia đình thì khó khăn, bà ngoại nuôi thì cũng bài bạc, tứ sắc, nên để chị đi giữ em, rồi ở đợ, "nhưng người ta cũng kỳ thị mình, không đối xử như người Việt Nam đâu, người ta chửi mình dữ lắm."

Chị nói thêm, "có lần mua dầu bằng sổ, em còn nhỏ, em thấy mấy bà già chen tội quá nên nhường cho mấy bả mua trước, ai dè đến phiên em nó không bán, em về nhà bị đánh đòn…"

Em nghĩ mình đồng ý làm con nuôi để có chỗ ngủ nghỉ, yên tịnh đừng có ai hãm hiếp mình. Em ở với bả cho tới ngày đi phỏng vấn rớt thì bả bỏ em ở lại Sài Gòn một mình.

Chị Mỹ Duyên


Với thân phận của một đứa trẻ lai bơ vơ, không nhà cửa, mẹ chết, sống nương nhờ nơi lòng từ tâm của một cặp vợ chồng mà chị gọi là ông bà ngoại nuôi. Tuy bị bán đi ở đợ từ người này sang người khác vì bà ngoại nuôi nợ nần, nhưng ông ngoại nuôi lại có lòng thương yêu chị như con cháu ruột. Thế nên, khi thấy cảnh ông ngoại bị đau, không có tiền thang thuốc, cô bé Mỹ Duyên lúc bấy giờ lên 14, bằng lòng để bà ngoại bán đứt cho một người khác "với giá là 3 ngàn đồng và 15 giạ lúa."

Công việc cực nhọc nhưng họ đối xử với chị cũng đỡ. Đến năm 18 tuổi thì chị bỏ lên Sóc Trăng sống tự lập.

Chị nói, "em lên đó lặt tôm, người ta có chồng đi lính chế độ cũ, người ta thông cảm. Ăn uống thì cực, nhưng mình không bị đánh đập, chửi rủa, không bị người ta chửi mình là đế quốc, Mỹ lai…"

Tuy sống một thân một mình nhưng lòng chị lúc nào cũng mơ ước mình có một mái gia đình thực sự, được gọi ai đó là cha, là mẹ. Thế nên, khi một người đến xin nhận chị làm con nuôi, chị mừng lắm, cho dù biết rõ họ nhận vì có mục đích.

Chị kể, "có bà Sáu ở Sóc Trăng nhận em là con nuôi, nhận để làm giấy tờ cho con bả đi. Em thì nghĩ mặc dù em lai, nhưng gốc của em là người Việt Nam, em không có kiểu sống tầm bậy, tầm bạ, em sống theo kiểu miền quê.

240px-1975-200.jpg
Bức tranh 1 nữ y tá Hoa Kỳ đang chăm sóc cho người dân tị nạn VN tại đảo Guam sau năm 1975. Photo courtesy of wikipedia
Bức tranh 1 nữ y tá Hoa Kỳ đang chăm sóc cho người dân tị nạn VN tại đảo Guam sau năm 1975. Photo courtesy of wikipedia
Em nghĩ mình đồng ý làm con nuôi để có chỗ ngủ nghỉ, yên tịnh đừng có ai hãm hiếp mình. Em ở với bả cho tới ngày đi phỏng vấn rớt thì bả bỏ em ở lại Sài Gòn một mình."

Giữa chốn thành hoa đô hội, tứ cố vô thân, không tiền bạc, không biết đường về quê, chị khóc hết nước mắt. Anh tài xế xe ôm, người hay chở bà má nuôi của chị đi làm giấy tờ, thương tình giúp đỡ, rồi sau này, nên duyên chồng vợ. Cả hai vợ chồng vì quá nghèo nên không có tiền lo thủ tục nộp khi đi nộp hồ sơ, đành phó mặc cho Trời. Cuối cùng, đến năm 2001 thì chị cùng chồng và 3 con được đến định cư tại Hoa Kỳ.

Nổi trôi giữa giòng đời

Riêng với chị Võ Thị Dung, cũng trạc ngoài 40, thì cho hay rằng, thực sự, cho đến bây giờ, chị cũng không biết mình bao nhiêu tuổi và quê quán mình nơi nào vì "trước khi đi Mỹ, em ở thành phố HCM. Em chỉ nghe nói em sinh ra ở Đà Nẵng. Em sống với nhiều người lắm, người này chết thì người khác lại nuôi em. Những người đó chỉ là người nuôi thôi, không họ hàng ruột thịt gì hết."

Những tưởng sẽ được sống an vui với một người nào đó nuôi mình, nhưng không ngờ, mới khoảng 13 đã bị chính ba nuôi mình hãm hiếp khi mẹ nuôi đi lấy chồng. Chị kể lại, ến cỡ 14, 15 tuổi thì em bỏ đi, ra đường, em nói không ai tin em, em ngủ ở ngoài chỗ rạp hát Đại Nam, rồi đi bán thuốc lá, đổ xăng cho người ta."

Vì không chịu nổi cảnh bị cha nuôi thường xuyên hãm hiếp, cô bé Dung đành ra đường sống lang thang, bữa đói bữa no, đêm đêm ngủ trên vỉa hè ở góc rạp hát Đại Nam, chẳng ai đoái hoài, cô như một thứ trôi sông lạc chợ. Cho đến một ngày, tự nhiên cô thấy mình được mọi người chung quanh săn đón, họ tử tế với cô hơn và chẳng còn bị ăn hiếp, bắt nạt. Có người còn mua quần áo, sắm sửa cho cô và muốn đem cô về nhà nuôi. Đó là lúc cô được tin rằng con lai được đi Mỹ.

Chị Dung nhớ lại:  

Người ta nói đem em về nuôi, họ nói họ thương em lắm nhưng em không chịu. Khi em khổ thì không ai nói như vậy hết, chẳng ai giúp và thương em. Có người muốn mua em để họ được đi Mỹ. Những người ở gần em, khi biết tin được đi Mỹ, người nào cũng bu vào em hết. Em không cần. Em tự ra Sở Ngoại Vụ đăng ký. Em đăng ký diện mồ côi."

Em chỉ nghe nói em sinh ra ở Đà Nẵng. Em sống với nhiều người lắm, người này chết thì người khác lại nuôi em. Những người đó chỉ là người nuôi thôi, không họ hàng ruột thịt gì hết.

Chị Võ Thị Dung


Chị kể tiếp, "em đứng ở Sở Ngoại Vụ, đón đường xe phái đoàn Mỹ hàng tuần đến phỏng vấn con lai. Rồi em gặp ông đó, em nói em muốn đăng ký con lai mà em không có giấy tờ, không có gì hết. Ổng nói nếu muốn gặp em thì phải làm sao? Em nói ổng dán tên em vào cái gốc cây ở Sở Ngoại Vụ, em thấy tên em thì vào phỏng vấn. Ổng cũng làm như vậy.

Tet1968-250.jpg
Binh si VNCH và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong trận chiến Mậu Thân 1968. Photo courtesy of wikipedia
Binh si VNCH và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong trận chiến Mậu Thân 1968. Photo courtesy of wikipedia
Em không có qua phường, không qua quận gì hết. Mình ra mình thấy có tên mình thì mình vào phỏng vấn. Nhiều người khác cũng làm như em vậy."

Và, như một định mệnh, vào năm 1992, chị đã có mặt tại Mỹ cùng với chồng sau cuộc  phỏng vấn chớp nhoáng mà không hề tốn một đồng xu và cũng chẳng có một tấm giấy tờ tùy thân lận lưng. Người chồng là người cư ngụ ở gần rạp Đại Nam,  đã từng bênh vực chị khi bị người này người kia ăn hiếp.

Hôm nay, từ Atlanta, bang GA, hồi tưởng lại quá khứ và nhìn lại thời gian đã sinh sống tại quê cha, chị cho hay rằng, hiện tại, chị rất nghèo và còn gặp rất nhiều khó khăn vì không biết tiếng Anh, hơn nữa, phải nuôi con một mình bao năm qua vì chồng chị đã bỏ rơi chị ngay sau khi đến Mỹ.

Chị tâm sự, "dù em đi làm cực nhưng sướng hơn ở VN nhiều lắm vì không ai làm gì được mình hết. Hồi ở VN, ở nhà thì bị ông già, ra ngoài đường sợ người ta ăn hiếp. Không đêm nào được ngủ hết, đêm nào cũng sợ, nhà thì không có. Đi thưa công an thì nó đâu có tin mình vì mình là con lai, gia đình thì cũng không ai thương hết vì đâu có ai là ruột thịt đâu."

Có thể nói, hầu như những phụ nữ Việt lai Mỹ nào cũng đều có một quá khứ thật đau buồn. Điều đáng cảm phục hơn cả là cho dù bị chà đạp đến đâu chăng nữa, họ cũng đều cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực của mình, để chiến thắng với nghịch cảnh, và nhất là luôn nhìn về tương lai với bao ước mơ tốt đẹp cho con cái mình.  

Quá khứ đã in dấu trong tâm hồn, và ảnh hưởng đến vai trò làm vợ, làm mẹ của họ như thế nào, mời quý vị theo dõi trong bài tiếp theo.          


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.