Nạn bạo hành gia đình

"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Đó là câu nói quen thuộc với rất nhiều người khi nói về gia đình.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.02.08
domestic-violence-305.jpg Một áp phích chống bạo hành gia đình ở Ấn Độ, ảnh minh họa.
AFP photo

Thế nhưng không phải người phụ nữ nào cũng đã thực sự có được cái quyền xây tổ ấm và hưởng hạnh phúc bên người chồng của mình. Nguyên nhân là bởi nạn bạo hành gia đình và người vợ trong phần nhiều các trường hợp lại là nạn nhân của người đàn ông trong nhà. Một báo cáo được công bố hồi cuối năm ngoái của Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với Liên Hiệp Quốc và Tổng cục thống kê cho thấy cứ 3 phụ nữ Việt Nam đã từng kết hôn thì có 1 người từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cuộc sống của những phụ nữ này ra sao? Tâm tư, suy nghĩ của họ thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong trang tạp chí phụ nữ tuần này.

Bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần

Lấy chồng vào cuối năm 1987, tức là giai đoạn cuối của thời kỳ bao cấp ở Việt Nam, chị cũng giống như rất nhiều người phụ nữ Việt Nam khác lúc đó cứ nghĩ rằng, thôi thì về kinh tế mình nghèo, gia đình còn khó khăn, nhưng vợ chồng thương yêu nhau, đùm bọc làm ăn thì mọi chuyện sẽ ổn. Thế nhưng chỉ nửa tháng sau ngày kết hôn, chị đã trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình mà người hành hạ chị lại chính là người chồng đầu ấp tay gối.

Chị không muốn nói tên mình vì cái chuyện bị chồng đánh chửi cũng chả hay ho gì mà để người đời biết đến. Chị cũng không muốn có dị nghị gì cho hai đứa con đã lớn khôn của mình. Thôi thì lấy tạm tên chị là Thu.

Chị Thu sinh ra và lớn lên ở Hà nội, trong một gia đình công nhân viên chức. Chị nói chị sẵn sàng chia sẻ một phần câu chuyện đời mình như một bài học cho biết bao chị em khác cũng đang phải chịu cùng cảnh ngộ như chị. Với giọng buồn buồn, chị nhớ lại:

"Tôi xây dựng gia đình cuối năm 1987 thì sau đó nửa tháng biểu hiện đã xảy ra rồi. Đầu tiên chỉ là tinh thần, kinh tế, sau đó một thời gian thì bạo lực thể xác gần như thường xuyên xảy ra. Về tinh thần chồng tôi thường xuyên có biểu hiện lạnh nhạt, dùng lời lẽ mỉa mai xúc phạm gia đình nhà tôi và bản thân tôi để lại cho tôi những tổn thương về tinh thần và tình cảm. Anh ta dùng lời lẽ cay nghiệt để áp đặt dù đó là không phải, rồi dọa nạt, và dùng các hình thức áp đặt để tôi phải suy nghĩ rất nhiều mà đáng lẽ tôi không phải suy nghĩ như thế."

Theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới thì có 4 loại bạo lực gia đình chính là bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, kiểm soát về kinh tế, và có thái độ kiểm soát kiềm chế toàn bộ. Chị Thu đã phải chịu cả 4 loại bạo lực này trong suốt cuộc hôn nhân duy nhất của mình.

Người chồng gần như không bao giờ đưa cho chị một đồng nuôi con dù anh ta có việc làm đàng hoàng tại một cơ quan đảng của thành phố. Một mình chị phải bươn chải nuôi con, lo kinh tế cho cả gia đình. Còn những hành hạ về thể xác thì chị kể không xiết, vì người chồng chẳng ngừng đánh chị kể cả khi chị mang thai hay cho con bú. Chị nói.

Chồng tôi thường xuyên dùng lời lẽ mỉa mai xúc phạm gia đình nhà tôi và bản thân tôi để lại cho tôi những tổn thương về tinh thần và tình cảm.

Chị Thu ở Hà Nội

"Đánh thì rất nhiều, nhưng bị đau quá thì chỉ có hai lần. Một lần là tôi đẻ con bé thứ hai, hồi đó được 3 hay 4 tháng. Tôi đang cho con bú thì đấm tôi một cái vào mặt tím hết cả mặt mũi. Phải mất hơn 2 tháng mới khỏi. Lần sau đánh tôi phải bó bột chân một tháng vì tôi che cho con. Có những lần mà nói thật kể cả kẻ thù mà thấy bế con thì người ta cũng không xô vào đánh, nhưng riêng chồng tôi thì kể cả là đang cho con bú, kể cả đang bế con cho anh ta, chồng tôi thích đánh là đánh."

Thậm chí có lần người chồng đang tâm cầm cả soong nước nóng đang đun trên lò than đổ vào người chị vì chị kêu ốm và nhờ anh ta giúp một việc nhà. Cũng may nước chưa sôi nên chị không bị bỏng.

Nhưng theo chị, trong tất cả những bạo lực mà chị đã phải trải qua thì bạo lực về tinh thần từ người chồng là khủng khiếp nhất. Bởi người chồng chị đã áp đặt cho chị biết bao nhiêu điều không đúng. Thậm chí khi chị có thai đứa con đầu tiên được 5 tháng, anh ta còn bắt chị phải đi nạo thai để anh ta có thể đi lao động nước ngoài mà không vướng bận chuyện gia đình. Chị không chịu nạo bỏ đứa con. Sau khi trượt chuyến đi Đức, anh ta lại dồn hết mọi bực dọc lên đầu chị, kể cả lúc chị đau đẻ trong viện. Chị than:

"Chồng tôi không bỏ được con mà cũng không đi được thế là bao cái cáu chồng tôi nhè tôi kể cả lúc tôi đau đẻ ngoài viện thì chồng tôi cũng sẵn sàng mắng tôi ngoài viện. Anh ta bảo là mọi người đau, cả thế giới phụ nữ này đau đẻ mà cái kiểu cô đau cô làm nũng ra thế. Những cái lúc như thế mà chồng tôi mắng chửi tôi thì lúc bình thường chồng tôi chả từ một cái gì cả."

Bằng chứng bạo hành

000_Hkg829390-200.jpg
Những vết sẹo chằng chịt trên lưng chị Nguyễn Thị Bình. AFP photo
Những vết sẹo chằng chịt trên lưng chị Nguyễn Thị Bình. AFP photo
Câu chuyện của chị Thu chỉ là một trong rất nhiều các câu chuyện thương tâm khác tại Việt Nam khi người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong gia đình trở thành nạn nhân của bạo hành gia đinh. Cách đây không lâu, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên (gọi tắt là CSAGA) đã tổ chức một buổi triển lãm những hiện vật và câu chuyện về cuộc đời các chị tại Hà Nội. Đi liền với mỗi hiện vật là một câu chuyện, một cuộc đời không hạnh phúc.

Đó là cái búa mà người chồng dùng dể đập vào đầu vợ như dòng tâm sự được ghi lại sau đây của một chị ở ngoại thành Hà Nội:

"Chiếc búa này đây, là lần chồng tôi đi làm về muộn, uống rượu say, anh ấy về, chửi bới tôi, và xông cả vào chuồng lợn, tôi đang cho lợn ăn, anh ấy đánh tôi, bóp cổ tôi, dìm đầu tôi vào chuồng lợn. Tôi la hét gọi con tôi kêu cứu. Anh ấy lấy được cái búa này đập tôi, may mà bố mẹ chồng tôi chạy sang kịp thời, chứ không giờ này chắc là tôi cũng không còn sống để mà viết lên những lời tâm sự đầy nước mắt và máu."

Đó là sợi xích chó mà một người chồng dùng để xích vợ lại vì chị muốn ly hôn do không chịu nổi người chồng vũ phu:

"Tôi muốn ly hôn với người chồng coi việc đánh tôi như một trò tiêu khiển, thế là chồng tôi không những không đồng ý mà còn đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết và dùng chiếc xích chó để xích tôi lại. Vì sợ mọi người biết, chồng tôi đã xích tôi trên gác hai và bỏ đi đâu tôi không biết. Sang đến hôm thứ ba tôi cố gắng vươn người ra cửa sổ gọi hàng xóm cứu giúp, họ đã gọi công an vào giải thoát cho tôi."

... kẻ thù mà thấy bế con thì người ta cũng không xô vào đánh, nhưng riêng chồng tôi thì kể cả là đang cho con bú, kể cả đang bế con cho anh ta, chồng tôi thích đánh là đánh.

Chị Thu ở Hà Nội

Người xem triển lãm cũng thấy bộ quần áo ngủ, bằng chứng của bạo lực tình dục mà một người vợ phải chịu. Câu chuyện đằng sau chiếc áo ngủ được kể lại:

"Bộ quần áo ngủ này đã tan nát như chính thân thể và tâm hồn tôi khi bị chồng tôi đòi quan hệ. Tôi không đồng ý vì mới cách đây 3 hôm tôi vừa phải ra viện phụ sản giải quyết lần thứ 5, sau khi sinh con được gần 2 năm. Đáng lẽ tôi để tôi được nghỉ ngơi thì chồng tôi lại đòi quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su. Sau khi xé được quần áo tôi, chồng tôi đổ lên người tôi như một khúc gỗ. Vừa quan hệ, chồng tôi vừa tát, vừa đấm".

Chị Thu cũng mang đến triển lãm một cái bô, bằng chứng của bạo lực về tinh thần mà chị phải chịu từ người chồng. Khi chị ốm phải nằm nghỉ, không thể làm việc nhà, và trông các con, anh ta đã để nguyên cả cái bô còn phân của con lên đầu giường cho chị và nói ‘tao cho mày ngửi cái bô này cho mày chết đi’.

Chỉ là phần nổi tảng băng

000_Hkg829388-200.jpg
Chị Nguyễn Thị Bình, 24 tuổi, nạn nhân của bạo hành gia đình suốt 13 năm tại một làng ở Hà Tây, miền Bắc VN. AFP photo
Chị Nguyễn Thị Bình, 24 tuổi, nạn nhân của bạo hành gia đình suốt 13 năm tại một làng ở Hà Tây, miền Bắc VN. AFP photo
Theo kết quả nghiên cứu được công bố hồi cuối năm ngoái của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 3 người phụ nữ Việt Nam đã kết hôn thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực gia đinh dưới dạng tinh thần hoặc thể xác hoặc cả hai. Nghiên cứu thực hiện trên 4838 phụ nữ có độ tuổi từ 18 đến 60 tại cả ba miền Bắc Trung Nam. Theo bác sĩ Henrica Jansen, cố vấn trưởng của cuộc nghiên cứu thì cứ 10 người tham gia phỏng vấn thì có 1 người chiụi bạo lực thể xác hoặc cưỡng bức tình dục trong vòng 12 tháng trước khi được phỏng vấn. Nhưng theo bà Jansen thì con số này chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Bà giải thích:

"Đây chỉ là những người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ chuyện của họ, chúng tôi không biết còn bao nhiêu trường hợp nữa mà chúng tôi không tiếp cận, không biết được, vì họ không muốn nói. Ngoài ra cũng phải tính đến các trường hợp mà chúng tôi không thể phỏng vấn là các trường hợp nghiêm trọng khi người phụ nữ đã bị giết hoặc chết do thương nặng, hoặc đang nằm trong bệnh viện, hoặc không có nhà, hoặc không được phép nói chuyện với người lạ."

Thường các bạo lực về thể xác xảy ra nhiều ở giai đoạn đầu hôn nhân, rồi giảm dần sau năm tháng. Nguyên nhân mà bác sĩ Henrica Jansen đưa ra là:

Chúng tôi không biết còn bao nhiêu trường hợp nữa mà chúng tôi không tiếp cận, không biết được, vì họ không muốn nói.

Bác sĩ Henrica Jansen

"Nếu tôi có thể lý giải được nguyên nhân thì tôi có thể nói là vợ chồng đã biết thói quen của nhau, hoặc người chồng đã hoàn toàn kiểm soát được người vợ nên bạo lực thể xác ít xảy ra hơn lúc ban đầu, hoặc cũng có thể do người vợ đã hiểu được người chồng và khi người chồng nhìn cô ta thì cô hiểu phải im lặng."

Đó cũng chính là cách chị Thu đối phó trong cuộc sống 25 năm với người chồng vũ phu.

Chị  cũng đã tìm cách ly dị chồng nhiều lần nhưng không thành bởi một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là chị lo con cái lớn lên không có tình cảm của cha. Theo chị đây cũng là nguyên nhân khiến phần lớn những người phụ nữ Việt Nam khác không ly dị chồng dù bị hành hạ trong nhiều năm trời. Chị Thu chỉ thực sự ly thân với chồng khoảng 3 năm trước khi con trai lớn của chị đã vào đại học. Chị nói giờ đã qua giai đoạn căng thẳng, mong muốn duy nhất lúc này của chị là chồng chị để yên cho chị làm ăn nuôi con nên người.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
02/03/2012 10:04

Trong cái thời buổi văn minh hiện đại thế này mà vẫn có loại đàn ông đánh đập vơ con thật không thể chấp nhận được.Chúng nó điều là một lũ xúc vật không còn tính người mà là tính ......? chị em phụ nữ hãy lên tiếng khi bị hành hạ để đươc chính quyền can thiệp không nên chịu đựng một mình , nếu không ở đươc thì nên li hôn để cho mình có một cuộc sống thanh thản ,và cũng vì cuôc sống của con cái.Thà chịu mang tiếng là không có bố con hơn là có môt người bố vũ phu không có tính người.Hãy can đảm lên xã hội luôn ở bên tất cả những người phụ nữ...........