Quốc tế thiếu nhi nói chuyện những bà “mẹ trẻ con”

Hạ Vũ, thông tín viên RFA
2016.05.29
000_Hkg10121607.jpg Trẻ em mẫu giáo mặc áo dài, trang phục lễ hội truyền thống đi bộ trong ngôi đền văn học tại Hà Nội. Ảnh chụp vào 18 tháng 11 năm 2014.
AFP PHOTO

Ở Việt Nam, cũng như các ngày “lễ” khác mà người dân đã quên mất nguồn gốc và tinh thần của nó, Quốc tế Thiếu nhi cũng được kỷ niệm một cách rầm rộ khắp cả nước vào ngày 1 – 6 hàng năm, tuy nhiên phía sau những tiệc tùng, quà tặng hào nhoáng, những bức ảnh mà trẻ em được nâng niu, chiều chuộng trong ngày 1 - 6 là những video clip về bạo lực học đường, bạo hành trẻ em... được chia sẻ “rầm rộ” trên mạng và những câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em “chấn động” dư luận quanh năm.

Trẻ em, không chỉ bị bạo hành, xâm hại, không chỉ chủ động tạo ra những scandal bạo lực mà còn “vô ý” trở thành những “bà mẹ trẻ em” trong rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Người trong cuộc nói gì về những “bà mẹ trẻ con” này?

Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Lidice (Tiệp Khắc), bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tàn sát dã man 66 người và đưa 104 thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour-sur-Glane (Pháp), dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Chồng vẫn bế con rồi quan tâm đến con nhưng nói chung là nó cách ly giữa con với mẹ.
- Hạnh

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.

Trên thực tế, ngày 1/6 phần lớn chỉ được kỷ niệm ở vài chục nước theo chế độ Chủ nghĩa xã hội trước đây. Việt Nam thuộc khối Xã hội chủ nghĩa, đã chọn ngày 1/6 làm ngày Quốc tế thiếu nhi. Trung Quốc và Liên Xô cũ cũng chọn ngày này hàng năm để kỷ niệm về trẻ thơ cũng như tổ chức các chương trình bảo vệ quyền trẻ em.

Năm 1954, nhằm khuyến khích các nước ghi nhớ về trẻ em và bảo vệ quyền lợi trẻ em, Liên Hợp Quốc đã đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 mỗi năm.

Cũng chính vào ngày này, nhiều sự kiện quan trọng về trẻ em trên thế giới đã diễn ra: Tuyên bố về quyền trẻ em (1959), Công ước về quyền trẻ em cũng được ký kết (1989), có hơn 191 nước phê chuẩn. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai của thế giới ký vào Công ước này.

Mặc dù đề nghị ngày 20/11, nhưng Liên Hợp Quốc lại để cho các quốc gia thành viên có thể tổ chức ngày Thiếu nhi của riêng nước mình vào các ngày tự chọn khác nhau. Và một số nước đã kỷ niệm chính ngày 20/11 ở chính quốc như: Canada, Úc, Parkistan, Ai Cập… Việt Nam cũng như các nước Xã hội chủ nghĩa khác, kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi vào 1 – 6 hàng năm.

Vào ngày này, cũng như các ngày “lễ” khác trong năm, người dân Việt Nam nô nức tổ chức các buổi lễ kỷ niệm. Khắp nơi ngập tràn những hình ảnh hoa và quà tặng và những buổi biểu diễn “Văn nghệ quần chúng” chào mừng.

Dân gian, để châm chọc lại sự sáo rỗng của những buổi lễ kỷ niệm như thế, thường có các câu ca châm biếm. Mỗi năm, đến ngày 1 – 6 hoặc rằm Trung thu, người dân vẫn thường đùa cợt nhau rằng:

“Hôm nay quốc tế thiếu nhi

Mà sao người lớn lại đi chơi nhiều

Chơi nhiều rồi lại làm liều

Làm liều rồi lại ra nhiều thiếu nhi.”

Một bà mẹ trẻ giữ con trai của cô trong khi lái xe đạp trên một con đường nông thôn tỉnh Hà Tây.
Một bà mẹ trẻ giữ con trai của cô trong khi lái xe đạp trên một con đường nông thôn tỉnh Hà Tây.
AFP PHOTO

Ước tính ở Việt Nam cứ 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15-19 thì có đến 46 người sinh con. Con số này ở Myanmar chỉ là 17,4, Singapore là 5,2.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi đối thoại chính sách và pháp luật về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên diễn ra tại Hà Nội ngày 24/9/2014. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh con ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khu vực châu Á. Con số này cũng cao hơn ở nhóm dân số có trình độ thấp, nhóm dân cư sinh sống tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Làm mẹ ở tuổi Vị thành niên, không chỉ tước mất cơ hội phát triển của bé gái mà còn đem lại rất nhiều hệ lụy cho gia đình cũng như xã hội.

Bà Minh (Nghệ An) - người đã được lên chức “bà ngoại” vào năm 40 tuổi, vừa nuôi con gái học lại phổ thông vừa chăm cháu ngoại tự kỷ do mẹ bị trầm cảm trong quá trình mang thai chia sẻ:

“Ăn thì mắng suốt ngày nó cũng tự xúc ăn. Xúc ăn thì đổ sấp đổ ngửa. Nhưng mà nó biết đấy, nói gì nó nó biết và nó biết giận đấy. Lúc tối bà cắn nó một cái vậy là nó giận. Nó giận mãi. Vậy là mình nói “bây giờ em hiền với bà, em ôm lấy bà thì bà mới cho em uống sữa” – Nó cũng không thèm luôn. Nó khinh luôn. Mà mãi, mình ôm rồi mình thơm rồi nói “thôi bà xin lỗi nhé! Bà giả vờ cắn để cho em đau, em nói đấy mà. Nhưng em không nói thì thôi, bà xin lỗi”. Thế rồi đưa bình sữa vào miệng nó nói uống rồi cười. Mình cũng đã đưa đi chữa ở cái ông mà chữa bệnh điếc giỏi nhất ở nước mình - ở Quảng Bình, giáp Hà Tĩnh – người ta bày cho trên mạng đó, mình cũng đi rồi. Ông ấy chữa được cho cái thằng nào đấy 26 tuổi bị câm mà lại nói được. Câm là chữa được nhưng cháu mình tự kỷ. Ông móc lỗ tai ông nói thằng ni không điếc, ông móc lỗ tai thì nó hét một cái rồi nó thôi nhưng nó không nói là không nói.”

Hạnh – 18 tuổi, là một bà mẹ trẻ ở Thanh Hóa, đã phải tự hợp thức hóa tuổi của mình để kết hôn hơn 1 năm trước do mang thai ngoài ý muốn, chia sẻ về trải nghiệm của cô khi cố gắng bế con tới tận nơi làm việc để níu giữ ông chồng đã “hạ cố” cưới cô làm vợ và bây giờ đang nhất quyết ly hôn để đi theo “tiếng gọi tình yêu”:

Hôm nọ em ra ấy, thì nó (chồng) vẫn bế con rồi quan tâm đến con nhưng nói chung nôm na là nó kiểu cách ly giữa con với mẹ là không liên quan. Nó với thằng cu ngủ một giường rồi em ngủ một giường. Nó bảo trước sau gì rồi cũng ly hôn thôi, nó không còn tình cảm, không còn yêu thương gì, nói chung nó yêu người khác rồi. Nó bảo vẫn có trách nhiệm với con, còn mẹ thì trước sau gì cũng phải li hôn nên sớm hay muộn là tùy em, bây giờ cũng được mà đợi đến khi con tròn 1 tuổi cũng được. Chắc là nó thấy em ra, nó cũng sợ em làm cái gì hay là bù lu bù loa nên nó cũng đành nói chuyện trong hòa bình vậy.”

Ước mơ của em là sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có thể, vào ngày 1 – 6 năm sau thì sẽ bù đắp cho con hết tất cả những gì thiếu thốn trong một năm vừa qua, từ ngày sinh con ra đời.
- Thu

Cô đã khóc suốt buổi trò chuyện cùng Hạ Vũ và nhất định vẫn muốn tin rằng, cô có thể níu kéo ông chồng hờ quay trở lại, tử tế với hai mẹ con. May mắn hơn, Thu – một bà mẹ đơn thân sinh con khi chưa tròn 18 tuổi, không cha mẹ, họ hàng, không nơi nương tựa. Chỉ mới học hết lớp 9. Cô bé đến từ Bắc Cạn đã tự mình tìm kiếm sự hỗ trợ từ những bà mẹ đơn thân khác trong cộng đồng và mạnh mẽ nuôi con hơn 1 năm qua. Ngày 1 – 6, không có tiền mua nổi cho con một món quà nhưng cô vẫn mạnh mẽ chia sẻ:

1 -6 em không có điều kiện để cho con đi chơi thì trong lòng em cảm thấy rất buồn, tâm trạng không được vui, thấy rất tủi thân khi mà con mình không được có đầy đủ điều kiện như con nhà người ta. Thôi thì sẽ giành hết thời gian trong một ngày đấy để chơi với con, yêu thương con, nói chuyện tình cảm với con, sẽ không gắt gỏng với con như mọi ngày nữa và sẽ cố gắng từ giờ sẽ là như vậy để giành cho con mọi tình cảm tốt đẹp nhất. Ước mơ của em là sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có thể, vào ngày 1 – 6 năm sau thì sẽ bù đắp cho con hết tất cả những gì thiếu thốn trong một năm vừa qua, từ ngày sinh con ra đời, sẽ cố gắng đưa con đi chơi và bù đắp cho con những tình cảm thiêng liêng nhất của một người mẹ.”

Dư luận từng không ít lần xôn xao về các trường hợp trẻ em mang thai 6 - 7 tháng gia đình mới phát hiện; thậm chí, có em học sinh còn đẻ rơi giữa lớp. Thực tế này khiến không ít người đặt câu hỏi tại sao một cái thai 7 - 8 tháng lại lọt qua mắt bố mẹ, thầy cô - những người gần gũi các em hằng ngày?

Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho thấy nước ta có hơn 8 triệu dân từ 10 đến 24 tuổi có quan hệ tình dục trước hôn nhân, trong đó có 2 triệu người không biết cách tránh thai an toàn.

Những con số báo động về tỷ lệ sinh con trong tuổi vị thành niên, cộng với những con số báo động khẩn cấp hơn về tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên (khoảng 300.000 ca, chiếm 20% trong tổng số ca nạo phá thai hằng năm) cho thấy hiệu quả “vượt trội” của việc thực thi các công ước quốc tế về quyền trẻ em, quyền phụ nữ cũng như các chương trình giáo dục giới tính đã tốn nhiều công sức và tiền bạc trong những năm qua của chính quyền Cộng sản.

Dường như, trong xã hội rối ren này, trẻ con chỉ có thể trưởng thành khi không được học hành đầy đủ và giáo dục đúng đắn trong nhà trường XHCN.

Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.