Tại sao phụ nữ không tố cáo kẻ lạm dụng?

Hải Ninh, thông tín viên RFA
2016.10.31
000_Mvd6578334.jpg Ảnh minh họa
AFP

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lao đao trong cuộc vận động tranh cử khi hàng loạt phụ nữ ra mặt tố cáo ông từng xâm hại họ. Nhiều người ủng hộ ông Trump nói rằng những phụ nữ đó muốn nổi tiếng và bác bỏ hoàn toàn chuyện lạm dụng tình dục. Câu hỏi đặt ra là tại sao những nạn nhân đó lại không tố cáo kẻ xâm hại ngay khi bị tấn công? Hải Ninh có cuộc phỏng vấn với Tâm Phan, một nhà văn luôn lên tiếng bênh vực phụ nữ, để tìm câu trả lời. Bản thân nữ nhà văn này cũng từng bị quấy rối tuy nhiên chị không vạch mặt kẻ xâm hại.

90% các vụ lạm dụng không bị đưa ra ánh sáng

Hải Ninh: Theo nhiều thống kê, có đến 90% các vụ quấy rối tình dục hay lạm dụng không bị đưa ra ánh sáng. Theo chị, nguyên nhân chính là ở đâu? Tại sao những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ lại không ra mặt tố cáo kẻ đã xâm hại họ.

Theo tôi, những nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục, họ cảm thấy là xấu hổ, cảm thấy là nhục nhã. Sau khi bị xâm hại, họ không muốn tố cáo, đưa ra ánh sáng vì như vậy họ cảm thấy là tự làm nhục mình.
-Tâm Phan

Tâm Phan: Theo tôi, những nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục, họ cảm thấy là xấu hổ, cảm thấy là nhục nhã. Sau khi bị xâm hại, họ không muốn tố cáo, đưa ra ánh sáng vì như vậy họ cảm thấy là tự làm nhục mình. Chính vì vậy đó là điều ngăn cản họ tố cáo kẻ mà đã quấy rối mình. Đấy là nguyên nhân chính thôi.

Hải Ninh: Chị có thể nói rõ hơn ý này?

Tâm Phan: Phần lớn, người nạn nhân là người phụ nữ thấp cổ bé họng và khi bị lạm dụng thì họ cảm thấy đau khổ. Họ nghĩ là chỉ mình họ bị như thế thôi, họ không dám đưa ra ánh sáng, không dám tố cáo. Họ nghĩ mình tố cáo người ta thì sẽ bị đơn độc, người ta sẽ cười mình, mình sẽ cảm thấy bị nhục nhã, và không có gì hay ho cả. Tuy nhiên, một khi một người đã lên tiếng nói và các phụ nữ khác, các nạn nhân khác bắt đầu đồng thanh tố cáo, thì lúc đó lại tạo nên một sức mạnh.

Hải Ninh: Chị có từng bao giờ bị xâm hại ở nơi làm việc hay ở ngoài xã hội hay không? Nếu chị không ngại chia sẻ, xin hãy cho biết việc đó xảy ra như thế nào?

Tâm Phan: Việc này xảy ra cách đây gần 20 năm rồi. Hồi đó mình mới là sinh viên đại học, (mình) đi làm thêm bán thời gian, làm thư ký cho một công ty thương mại. Sếp là một người tốt không nói làm gì. Trong buổi họp đó, sếp đã đi vắng để đối tác bàn giao lại việc cho mình vì mình là thư ký phải ghi lại những việc đối tác bàn giao. Ông đối tác bất ngờ ông sờ vào ngực mình. Mình rất hoảng sợ nhưng mà không biết làm thế nào, cũng không dám cưỡng lại, hay là đánh, tát người ta. Hồi đó mình còn trẻ, còn non dại và cảm thấy rất sợ hãi, nhưng mà vừa sợ hãi vừa xấu hổ, vừa tủi nhục nhưng mà không dám làm gì, cảm thấy mình bị yếu thế và cũng không có ai giúp được. Ông đấy thò tay sờ ngực mình, mặt điềm nhiên như không.

Biểu tình chống quấy rối tình dục tại Ấn Độ, ảnh minh họa chụp trước đây.
Biểu tình chống quấy rối tình dục tại Ấn Độ, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP PHOTO

Cái sự kiện đó làm cho mình nhớ mãi, cho đến bây giờ, không bao giờ quên được. Cái chuyện đó mình không nói cho ai cả, hôm nay là lần đầu tiên nói chuyện với RFA mình mới kể lại câu chuyện này. Thực ra nó không đến nỗi như là cưỡng hiếp để mà mình phải đưa ra pháp lý nhưng mà nó vẫn là cái vết hằn trong ký ức. Đến bây giờ chắc chắn mình có phản ứng. Sau gần 20 năm, mình đã là một phụ nữ trưởng thành, nhưng mà hồi đó mình còn quá non trẻ, rất là sợ hãi và cũng sợ mình nói ra với sếp thì sếp lại nghĩ rằng mình vu oan cho bên đối tác, và có khi mình sẽ bị đuổi việc. Thế nên mình không dám nói với ai cả.

Cũng may, chuyện đó xảy ra có đúng một lần thôi. Nếu bây giờ ông đối tác mà có tranh cử thủ tướng ở đâu đó thì chắc chắn là mình sẽ nói chuyện trên các kênh truyền thông, kể tội của ông ta đã làm với mình. Cũng giống như là các cô gái đang nói chuyện về Donald Trump đấy, về các vụ lạm dụng tình dục của ông ta cách đây bao nhiêu năm rồi đó.

Không bao giờ quên

Hải Ninh: Ngay sau lúc bị xâm hại thì chị cảm thấy như thế nào?

Tâm Phan: Cảm thấy tức giận, rất là tức giận. Một phần cũng xấu hổ, chính vì xấu hổ nên không dám kể với ai, nhưng cái tức giận là cái lớn nhất. Nhiều khi trong đầu cứ quay đi quay lại cái cảnh đấy và nghĩ rằng muốn làm khác, mình không thể để cho người ta làm như vậy với mình được. (Cứ) tưởng tượng lúc đó mình tát vào mặt người ta một cái, và nói rằng ông không được phép làm như thế, hoặc anh là kẻ thô bỉ, tôi sẽ báo công an. Trong đầu như là bị ám ảnh và rất giận dữ, cảm thấy khó chịu kinh khủng. May là qua thời gian thì mình cũng xoa dịu sự tức giận đó nhưng mà không bao giờ quên được.

Hải Ninh: Có nhiều người nói rằng các nạn nhân cũng có lỗi, có lẽ tại các cô mặc hơi quá hở hang, ăn nói khiêu khích và dẫn tới bị xâm hại. Theo chị, những đánh giá đó liệu có công bằng hay không?

Trong đầu như là bị ám ảnh và rất giận dữ, cảm thấy khó chịu kinh khủng. May là qua thời gian thì mình cũng xoa dịu sự tức giận đó nhưng mà không bao giờ quên được.
-Tâm Phan

Tâm Phan: Chắc chắn là không. Đấy là một cái thói đổ lỗi cho nạn nhân. Đây là cái cách mà những kẻ gây án gây sự bao biện cho mình, rằng nạn nhân khiêu khích (họ). Cái đó không phải. Ví dụ điển hình nhất là khi những người tị nạn Syria vào nước Đức. Những người đàn ông tị nạn không quen nhìn phụ nữ mặc áo hai dây, hở ngực hở vai. Nước họ là nước Hồi giáo, phụ nữ trùm kín mặt. Nước Đức là một nước dân chủ tự do, họ có thể mặc, thậm chí không mặc gì trên bãi biển, đấy là việc tự nhiên, quyền con người của họ. Nhưng người tị nạn tới một nước văn minh, họ không hiểu. Lần đầu tiên họ nhìn thấy người phụ nữ châu Âu, mặc hở hang (họ nghĩ) là mời mọc họ. Đấy là suy nghĩ rất là thiển cận, thiếu văn minh.

Hải Ninh: Chị có cô con gái nhỏ rất xinh xắn, chị dạy con như thế nào để con gái chị có thể tránh gặp phải chuyện bị xâm hại như vậy?

Tâm Phan: Mình dạy con từ khi còn nhỏ, khi nó 4-5 tuổi rằng đây là bộ phận kín của con, không ai có quyền chạm vào nó. Lúc con nhỏ thì không sao, khi nó bắt đầu ý thức và bắt đầu hỏi, đây là bộ phận gì, thì mình giải thích cho con và nói rằng khi tắm cho con thì riêng bộ phận kín của con thì con hãy tự lau rửa vì ngay cả mẹ cũng không nên chạm vào bộ phận kín của con. Ngay từ việc nhỏ như thế thôi, con ý thức được rằng đây là vùng bất khả xâm phạm và không ai có quyền chạm vào. Mình nói kể cả những người thân ở trong nhà, kể cả bố nó hay là ông cũng không được quyền. Khi con đi đến trường, con về nói có thầy giáo rất quý mến con, con là học trò cưng chẳng hạn. Mình luôn luôn hỏi thầy có động chạm vào bộ phận nào của con không. Ranh giới giữa việc thầy cưng trò và thầy động chạm vào trò thì rất là mong manh. Cho nên là người mẹ mình phải theo sát con. Như việc của mình, cách đây 20 năm, mình có 19 tuổi. Lúc đó mình đã trưởng thành mà mình còn sợ không dám nói với ai, thì con mình sao dám nói với ai được. Thế nên mình luôn khuyến khích con chia sẻ với mẹ và luôn luôn ý thức được rằng các bộ phận là của mình và không ai có quyền động chạm vào.

Hải Ninh: Xin cảm ơn chị Tâm Phan đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi đóng góp về bài vở của trang tạp chí, xin gửi về chuyên mục tạp chí phụ nữ của đài RFA Tiếng Việt. Hải Ninh xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.