Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel

Chỉ khoảng 2 tuần trước khi giải thưởng nobel hòa bình năm nay được trao cho 3 phụ nữ châu Phi và Ả rập, thế giới đã phải vĩnh biệt một người phụ nữ đặc biệt khác của châu Phi, chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 2004, bà Wangari Maathai, người Kenya.

Bà được nhận giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho sự phát triển bền vững, dân chủ, quyền con người và đặc biệt là quyền của phụ nữ. Tạp chí phụ nữ tuần này xin được gửi đến quý vị đôi nét về người phụ nữ đặc biệt này của châu Phi.

Vành Đai Xanh

Khi nói về Wangari Mathaai, người ta có ấn tượng bà là một phụ nữ châu Phi mạnh mẽ và kiên cường, có tầm nhìn vượt qua cả cái thị trấn nhỏ bé Nyeri ở miền trung Kenya nơi bà đã sinh ra 71 năm về trước.

Cả cuộc đời bà là những tranh đấu không biết mệt mỏi vì môi trường, quyền của phụ nữ, dân chủ và hòa bình không chỉ ở Kenya, quê hương bà mà còn của cả châu Phi rộng lớn với nhiều cuộc nội chiến triền miên. Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị phụ nữ ở Bắc Kinh vào năm 1995 bà đã nói:

Wangari Mathaai:

trên thế giới có một sức mạnh tập trung mới của mọi người xung quanh vấn đề về hòa bình nhưng kết nối nó với việc bảo vệ môi trường. Chúng ta cần phải khẳng định tầm nhìn và trách nhiệm của chúng ta để tạo dựng một nền hòa bình không chỉ cho đất nước chúng ta mà còn cho cả châu Phi.

Chẳng vậy mà vào năm 2004, khi bà trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên trên thế giới nhận giải Nobel Hòa bình, ủy ban trao giải Nobel đã ca ngợi bà vì những cống hiến của bà trong việc duy trì sự phát triển bền vững, vì dân chủ, quyền con người, quyền của phụ nữ, và hơn thế nữa bà đã tạo cảm hứng cho nhiều người khác tiếp tục chiến đấu về các quyền dân chủ.

Những tranh đấu không biết mệt mỏi của bà bắt đầu từ suy nghĩ về cái đói nghèo, thiếu thốn của những phụ nữ nông thôn Kenya.

Wangari Mathaai:

Tôi thường nghe những người phụ nữ nông thôn phàn nàn là họ không có củi đốt, không có đủ nước uống. Và tôi hỏi họ, tại sao chúng ta lại không trồng cây. Và họ đã bắt đầu từ các nhóm rất nhỏ, sau đó người nọ chỉ cho người kia, và bây giờ đã trở thành của cả cộng đồng. Họ trồng cây vì chính nhu cầu của họ.

Chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 2004, bà Wangari Maathai, người Kenya
Chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 2004, bà Wangari Maathai, người Kenya. Source Wikipedia (Source Wikipedia)

Phong trào vành đai xanh nổi tiếng khắp thế giới của bà bây giờ đã bắt đầu từ đó ở Kenya vào năm 1976. Những người phụ nữ Kenya tham gia Vành đai xanh, được giao các hạt cây. Họ có nhiệm vụ reo hạt, trồng cây để rồi những cây này được chuyển đi trồng ở khắp các cánh rừng của Kenya.

Đã có hơn 40 triệu cây được trồng trong suốt 3 thập kỷ qua tại Kenya kể từ khi tổ chức vành đai xanh của bà Mathaai bắt đầu. Không những thế, theo Liên hiệp quốc, Vành đai xanh đã giúp cho gần 900 ngàn phụ nữ ở các nước châu Phi khác tham gia vào các công việc trồng cây tương tự.

Đối với bà Mathaai, thách thức lớn nhất trong cuộc chiến của bà chống đói nghèo và bảo vệ môi trường, chính là sức mạnh quyền lực nằm ở một nhóm người trong chính phủ. Vì vậy, phong trào mà bà phát động phải nằm trong dân. Mô hình Vành đai xanh của bà cũng bắt đầu như vậy. Bà nói

Wangari Mathaai:

theo tôi thách thức lớn nhất chính là chính phủ, vì những người nắm quyền thì có quyền lực, và vì vậy họ quản lý các nguồn tài nguyên, họ có nhiều đặc quyền, và họ sẽ tiếp tục làm tăng những đặc quyền này cho mình ở bất cứ đâu họ tìm kiếm, và những người dân sẽ tiếp tục phải chịu thiệt thòi. Cho nên việc thay đổi từ trên là rất khó. Chúng ta không thể thay đổi bên trên nếu không có phần gốc là người dân. Ở phong trào Vành đai xanh, chúng tôi đến tận người dân, để tạo sự thay đổi từ dưới lên.

Con đường đầy chông gai

Để đạt được những thành công cho Vành Đai Xanh ở Kenya, bà Mathaai đã gặp rất nhiều trở ngại lúc ban đầu. Trở ngại đầu tiên mà bà phải đối mặt là cái nhìn coi thường phụ nữ ở quê hương bà nhất là từ những người cầm quyền. Những phụ nữ tham gia chương trình trồng cây lấy hạt của bà bị chính quyền ngăn cản. Thậm chí tổng thống Kenya lúc đó là Arap Moi đã mỉa mai bà trước công chúng:

Arap Moi:

tự dưng ở đâu nẩy nòi ra cái mụ đàn bà này. Truyền thống của châu Phi là người phụ nữ phải nghe đàn ông.

Trong suốt những năm cuối thập niên 1980, chính phủ Kenya của tổng thống Arap Moi đã tìm mọi cách để chống lại phong trào Vành đai xanh của Wangari Mathaai, chống lại những nỗ lực đòi dân chủ. Chính phủ còn thậm chí thông qua luật cấm tụ tập, hội họp hơn 9 người mà không có giấy phép của chính phủ.

Năm 1989, bà Mathaai công khai lên tiếng chống lại kế hoạch xây dựng tòa nhà 60 tầng ở thủ đô Nairobi trong đó bao gồm văn phòng, cửa hàng, chỗ đỗ hàng ngàn xe hơi và thậm chí cả tượng của tổng thống Arap Moi. Bà đã viết nhiều thư phản đối lên chính quyền để chống lại dự án này nhưng đều bị chính quyền bỏ qua. Trong một cuộc biểu tình phản đối dự án, bà Mathaai đã bị cảnh sát đánh cho đến bất tỉnh.

Năm 1992, bà bị bắt giam vì có tên trong một tổ chức đòi dân chủ cho Kenya. Sau hơn 1 ngày rưỡi bị giam giữ, bà được bảo lãnh và trả tự do. Rất nhiều các tổ chức quốc tế và các thượng nghị sĩ Mỹ đã gây sức ép lên chính phủ Kenya lúc đó để trả tự do cho bà.

Khi tổng thống Arap Moi từ chức sau 24 năm cầm quyền vào năm 2002, bà Mathaai được bầu vào quốc hội, phụ trách các vấn đề về môi trường.

Wangari Mathaai tin rằng bảo vệ môi trường cũng có mối liên hệ chặt chẽ với quyền phụ nữ. Trong một bài báo viết về phụ nữ và thay đổi khí hậu vào năm 2010, bà viết:

Wangari Mathaai:

Phụ nữ đang phải chịu gánh nặng của thay đổi khí hậu bởi họ là người lo bữa ăn cho gia đình. Phụ nữ chính là người đưa ra các giải pháp để bảo vệ thế giới này và ảnh hưởng của việc ấm lên toàn cầu.

Bà Wangari Maathai, người Kenya.
Bà Wangari Maathai, người Kenya.Source greenbeltmovement.org (Source greenbeltmovement.org)

Bà Mathaai đặt niềm tin vào chính những người phụ nữ Kenya trong phong trào Vành đai xanh bởi bà tin những phụ nữ bảo vệ những cánh rừng là một phần trong một nỗ lực lớn hơn để tạo dựng một xã hội dân chủ, bảo đảm quyền con người, và quyền của phụ nữ. Bà nói:

Wangari Mathaai:

Tôi đặt lòng tin vào những phụ nữ nông thôn Kenya ngay từ ban đầu và họ là then chốt trong sự thành công của phong trào Vành đai xanh. Qua việc ươm và trồng cây, những phụ nữ này đã thấy rằng họ có sự lựa chọn thật sự giữa bảo tồn hay phá hủy môi trường. Trong quá trình học tập khi tham gia vào phong trào, họ hiểu rằng việc trồng cây hay bảo vệ những cánh rừng chính là một phần trong một nhiệm vụ lớn hơn để tạo dựng một xã hội tôn trọng dân chủ, pháp quyền, quyền con người, và quyền của phụ nữ. Những người phụ nữ đã nhận lấy vai trò lãnh đạo, làm việc với những người trồng rừng, lên kế hoạch và thực hiện các dự án cộng đồng để lấy nước và đảm bảo an ninh lương thực. Tất cả những kinh nghiệm này đã giúp họ phát triển, tự tin và biết phải làm gì với cuộc đời mình.

Ngay từ khi còn nhỏ Wangari Mathaai đã chứng tỏ mình là một học sinh thông minh. Bà luôn là học sinh đứng đầu trong lớp họp. Cô gái Wangari cũng là một trong số 300 sinh viên Kenya đầu tiên được nhận học bổng đi học tại Mỹ vào tháng 9 năm 1960. Bà đã tốt nghiệp cử nhân sinh học ở trường đại học Mount St. Scholastica thuộc tiểu bang Kansas năm 1964 và có bằng thạc sĩ sinh học của trường đại học Pittsburgh 2 năm sau đó. Đến năm 1971, bà Mathaai lấy bằng tiến sĩ của trường đại học Nairobi. Bà là phụ nữ Đông Phi đầu tiên nhận bằng tiến sĩ vào lúc đó.

Là người thành công trong học tập và công việc, nhưng bà Mathaai có lẽ không may mắn trong chuyện gia đình. Bà lấy chồng năm 29 tuổi và có 3 người con. Thế nhưng hai vợ chồng bà ly dị 10 năm sau đó. Chồng bà nói rằng bà là người phụ nữ quá mạnh mẽ đến mức ông ta không thể nào kiểm soát nổi. Bà sau đó còn bị bắt giam vì giám chỉ trích chánh tòa.

Theo những đồng nghiệp, những người biết Mathaai, thì bà là đúng là một người phụ nữ mạnh mẽ và dám nói điều mình nghĩ. Ông John Githongo, một người chống tham nhũng ở Kenya nói với tờ New York Times rằng Wangaria Mathaai là người nổi tiếng vì dám nói sự thật với giới cầm quyền. Bà đi đầu trong bất cứ việc gì bà làm, dù đó là về môi trường hay chính trị.

Vào ngày 25 tháng 9 vừa qua, Wangari Mathaai đã qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 71. Đã có rất nhiều những lời chia buồn của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế gửi đến với Phong trào Vành đai xanh và gia đình bà. Cựu Tổng thống Mỹ Al Gore, người đã nhận giải Nobel hòa bình vào năm 2007, viết rằng:

Al Gore:

Wangari đã vượt qua những khó khăn cực kỳ để cống hiến cuộc đời mình cho cộng đồng, cho con bà, cho những cử tri của bà, cho những người phụ nữ, và tất cả người dân của Kenya và còn cho cả thế giới.

Wangari Mathaai đã ra đi nhưng nhiều người, nhất là những phụ nữ ở Kenya sẽ vẫn còn nhớ tới bà, nhớ tới hình ảnh con chim ruồi mà bà kể khi nào trong bộ phim mang tên ‘đất bụi’. Con chim ruồi nhỏ bé mang từng giọt nước đến dập đám cháy rừng, kéo theo hàng ngàn các con thú khác làm theo.

Dù tôi nhỏ bé, nhưng tôi không muốn là những con thú lớn chỉ đứng nhìn đám cháy. Tôi muốn là con chim ruồi, làm hết sức của mình.

For magazine:

Bài có sử dụng những tư liệu trên trang web của phong trào Vành đai xanh The Green Belt Movement ở địa chỉ www.greenbeltmovement.org. Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org