Phụ nữ và thảm nạn hiếp dâm ở Ấn Độ

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015.01.11
Ngoài những cuộc biểu tình các nhà hoạt động Ấn Độ còn dựng những hình ảnh trên đường phố để phản đối vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở New Delhi vào ngày 16 Tháng 12 năm 2014 Ngoài những cuộc biểu tình các nhà hoạt động Ấn Độ còn dựng những hoạt cảnh trên đường phố để phản đối vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở New Delhi vào ngày 16 Tháng 12 năm 2014
AFP

Một vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ hiện nay là tình trạng hãm hiếp phụ nữ diễn ra như cơm bữa. Báo chí liên tục đưa tin các vụ cưỡng đoạt trên xe buýt, trên taxi, hãm hiếp tập thể với phụ nữ Ấn và cả nữ du khách nước ngoài. Hải Ninh tìm hiểu về tình trạng này và những liên hệ tới tình hình ở Việt Nam trong tạp chí phụ nữ hôm nay.

Đó là âm thanh của một cuộc biểu tình phản đối việc nữ diễn viên bị hiếp dâm tập thể ở giữa thủ đô New Dehli. Những năm gần đây, tình trạng hiếp dâm tập thể diễn ra thường xuyên và trở thành một ung nhọt trong một quốc gia ở Nam Á này.

Abhinay Dey, phó tổng biên tập tờ Times of India, cũng phải thừa nhận tình trạng hiếp dâm tới mức đáng sợ ở Ấn Độ ngày nay. Ông trả lời phỏng vấn của phóng viên RFA qua Facebook như sau:

Abhinay Dey: Đúng là tình trạng ở đây vô cùng đáng sợ hãi, có lẽ nhìn từ bên ngoài thì tình hình còn khủng khiếp hơn. Các câu chuyện này vẽ lên một bức tranh xấu xí về xã hội Ấn Độ tuy nhiên điều đó là cần thiết. Du khách nước ngoài cần cẩn thận khi đi du lịch một mình.

Ung nhọt

Hiếp dâm xếp thứ tư trong danh sách những tội phạm phổ biến nhất Ấn Độ. Theo Cục về tội phạm ở nước này, trong năm 2013, có gần 25.000 vụ cưỡng hiếp trên cả quốc gia này. Trong số đó, hơn 98% nạn nhân bị cưỡng đoạt bởi họ hàng hoặc hàng xóm chứ không phải ai khác xa lạ. Theo một thống kê của báo Ấn Độ, cứ 20 phút lại có một người bị xâm hại tình dục.

Tuy nhiên đó chỉ là con số chính thức trên giấy tờ. Phần lớn các vụ hiếp dâm này đều không được báo cáo giới chức. Khi các nạn nhân lên tiếng tố cáo kẻ gây hại mình, họ bị chỉ trích là cố tình đổ oan, gài bẫy những người đàn ông nói trên.

Ông Lakshman Nandwani, một người Ấn Độ và sinh sống ở Mỹ 40 năm nay, đau đớn thừa nhận thực tế ở quê hương ông. Ông nói.

Không chỉ phụ nữ, trẻ em Ấn Độ bị hiếp dâm, tình trạng các nữ du khách bị lừa gạt tới chỗ hoang vắng và bị cưỡng đoạt tập thể là chuyện không hề hiếm. Gần đây nhất là sự kiện một nữ du khách Nhật bị cưỡng hiếp ba tuần liên tiếp bởi năm người đàn ông Ấn Độ

Lakshman Nandwani: Khi nghe những câu chuyện đó xảy ra. Nhiều người đến gặp tôi và nói với tôi là chúng ta cũng không biết mình phải làm gì để có thể giải quyết những vấn đề đó. Chỉ có chính quyền ở đó mới có khả năng giải quyết mà thôi. Ở Ấn khi bạn đến đó sẽ thấy tình trạng cũng giống như ở Washington D.C. Bạn sẽ nghe nhiều vấn đề không khác gì D.C qua báo chí truyền thông loan những tin tức về băng đảng, súng đạn. Ngày xưa khi tôi còn sống ở Ấn thì không có nhiều vấn đề tệ hại như vậy. Nhưng bây giờ dân số tăng rất cao. Cuộc sống ngày càng đắt đỏ cho nên người ta muốn giàu có. Họ cần tiền để mua cái này cái kia nên họ buôn bán ma túy. Có khi người ta mướn họ đi giết người. Những tệ nạn khủng khiếp như thế hiện nay diễn ra không chỉ một nước mà khắp nơi trên thế giới. Không loại trừ một nước nào. Nhưng bạn nên nhớ khi đến Ấn Độ phải cẩn thận. Đừng đi ra ngoài ban đêm, nơi vắng vẻ.

Không chỉ phụ nữ, trẻ em Ấn Độ bị hiếp dâm, tình trạng các nữ du khách bị lừa gạt tới chỗ hoang vắng và bị cưỡng đoạt tập thể là chuyện không hề hiếm. Gần đây nhất là sự kiện một nữ du khách Nhật bị cưỡng hiếp ba tuần liên tiếp bởi năm người đàn ông Ấn Độ. Họ nhốt cô trong một hầm kín tại ngôi làng gần thánh địa Phật giáo Bodh Gaya ở bang Bihar. Chỉ đến khi tình trạng sức khoẻ của cô yếu đi do liên tục bị cưỡng đoạt, cô mới được đưa đi bệnh viện chữa trị và từ đó trốn thoát. Trước đó, một nữ du khách Thuỵ Sĩ bị 8 người đàn ông cưỡng hiếp tập thể khi cùng chồng thực hiện chuyến du lịch đạp xe vòng quanh Ấn Độ.

Khi tìm cách lý giải cho tình trạng này ở Ấn Độ, nhiều chuyên gia nhắc tới hệ thống phân cấp xã hội dựa vào tầng lớp ở quốc gia này. Những người đàn ông thuộc giai cấp trên được cho là cảm thấy có quyền chiếm đoạt phụ nữ thuộc gia cấp dưới mà không bị trừng phạt. Một lý giải khác nữa là phụ nữ Ấn Độ cũng bị coi là thuộc quyền sở hữu của đàn ông, vậy nên họ cũng dễ bị đối xử tàn tệ hơn.

Do đặc điểm bên đó, phụ nữ thường ăn mặc kín đáo, nhưng mà mình từ nước khác, như là áo ngắn tay có thể là không đến mức hở hang nhưng mà cũng không quá kín đáo như phụ nữ nước họ nên rất dễ gây sự chú ý cho đàn ông.

Kim Dung

Kim Dung, 32 tuổi, từng tham gia một khoá học kéo dài ba tháng ở Ấn Độ, cho rằng đây là một đất nước của nhiều sự trái ngược. Theo cô, Ấn Độ là quốc gia của những người vô cùng giàu và những người nghèo đói cùng cực. Cô cũng tìm hiểu và biết đến những vụ việc cưỡng đoạt phụ nữ ở Ấn Độ và vì thế có những biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Kim Dung cũng chia sẻ về những bí quyết tránh bị hiếp dâm ở Ấn Độ như sau:

Kim Dung: Mình đến Ấn Độ thì không nên đi ra ngoài một mình. Do đặc điểm bên đó, phụ nữ thường ăn mặc kín đáo, nhưng mà mình từ nước khác, như là áo ngắn tay có thể là không đến mức hở hang nhưng mà cũng không quá kín đáo như phụ nữ nước họ nên rất dễ gây sự chú ý cho đàn ông. Nếu mà nhẹ họ chỉ nhìn chằm chằm vào mình thôi, là mình đã thấy bất an rồi. Hoặc họ có thể trêu trọc hoặc đụng chạm vào người mình thì đấy là những hành vi quấy nhiễu mà mình cũng thấy có. Nên làm phụ nữ không nên đi ra ngoài vào ban ngày hay buổi tối. Nhất là buổi tối. Chỉ cần sau 7h tối mình đã không nên đi ra ngoài 1 mình rồi. Mình cũng tránh đến những nới xa xôi hẻo lánh, nên đến những nơi tập trung nhiều người thì nó cũng an toàn hơn, mình cũng nên tìm hiểu một vài nét văn hóa để bớt gây chú ý, vì nó quá khác biệt.

Quấy rối tình dục ở Việt Nam

Câu chuyện bị quấy rối tình dục không chỉ ở Ấn Độ mới có. Ở Việt Nam, phụ nữ cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục, nhiều khi chỉ là những lời chòng ghẹo tục tĩu, những va chạm vô tình, và thậm chí là cưỡng đoạt.

Kim Dung cho biết cô vừa mới bị va chạm ngay tại bến xe khi cô trên đường từ Hà Nội về Thái Bình. Cô cho biết:

Kim Dung: Mình hỏi đường nhưng người ta cứ vừa giả vờ dẫn đường cho mình, đồng thời lại động chạm vào người mình.

Kim Dung nói, ở Thái Bình quê cô cũng xảy ra khá nhiều vụ quấy rối tình dục, phần lớn là do đám thanh niên rỗi việc. Kim Dung kể:

Ở Việt Nam, chẳng có ai bị đi tù hay ai bị một hình phạt nào đấy của pháp luật về quấy rối tình dục, chủ yếu các nạn nhân vẫn bị thiệt thòi nhất, vì quan niệm cho rằng chắc là ăn mặc hở hang, hay là lẳng lơ, làm điều gì đấy, nên mới bị quấy rối

Nguyễn Vân Anh

Kim Dung: Quê tôi có những khu công nghiệp nó nằm cách xa khu dân cư. Có nhiều khu công nghiệp như là dệt may, đóng gói sản phẩm, các nữ công nhân thường phải về nhà vào khoảng 7, 8h tối, có khi còn muộn hơn. Thường thì có những tốp thanh niên, đàn ông đứng núp ở đường vắng. Mỗi khi thấy nhóm công nhân nào ít, hay chỉ có 2 công nhân nữ thôi thì nó sẽ chặn đường và có những hành vi sàm sỡ.

Tại Hà Nội vừa qua do tình trạng nhiều phụ nữ bị sàm sỡ trên xe buýt, nên có đề nghị nên có những tuyến riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên đề nghị này đã bị nhiều người phản đối cho rằng đó không phải là cách có thể giải quyết rốt ráo nạn quấy rối tình dục phụ nữ.

Trả lời phóng viên của đài Á châu Tự do, bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia Đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết vấn đề quấy rối tình dục ở Việt Nam là điều ít người muốn động chạm tới và ít có tổ chức hỗ trợ cho việc đấu tranh chống lại tình trạng này. Bà cho biết luật pháp Việt Nam cũng chưa có những điều luật đối với tình trạng này:

Nguyễn Vân Anh: Ở Việt Nam, chẳng có ai bị đi tù hay ai bị một hình phạt nào đấy của pháp luật về quấy rối tình dục, chủ yếu các nạn nhân vẫn bị thiệt thòi nhất, vì quan niệm cho rằng chắc là ăn mặc hở hang, hay là lẳng lơ, làm điều gì đấy, nên mới bị quấy rối. Hoặc ở Việt Nam vốn tồn tại một câu nói: làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, nên rất nhiều người nghĩ là đàn ông quấy rối đàn bà là chuyện bình thường.

Do vậy, lời khuyên của bà Nguyễn Vân Anh cũng như các chuyên gia về quyền phụ nữ khác là phụ nữ hãy tự bảo vệ mình và đừng tạo điều kiện cho những kẻ quấy rối có cơ hội thực hiện những hành vi đồi bại.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở và đề tài dành cho trang tạp chí, xin quý thính giả email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook của Hải Ninh tại www.facebook.com/haininhrfa. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.