Vì sao bị đánh mà không bỏ chồng

Hoài Vũ, phóng viên RFA
2014.10.05
Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Nguồn blog femformodernwomen

Bạo hành gia đình là một vấn đề nhức nhối trong mọi xã hội dù ở Việt Nam hay ở cả các nước tiên tiến như nước Mỹ. Nhiều phụ nữ bị đánh đến thân tàn ma dại, tuy nhiên, có người vẫn chịu đựng cả mấy chục năm trời. Một câu hỏi đặt ra là tại sao những phụ nữ này không tìm đường giải thoát cho bản thân. Hoài Vũ trò chuyện với các chuyên gia về bạo hành trong tạp chí phụ nữ tuần này.

Cuộc sống của nhiều phụ nữ bị bạo hành giống như là tấn bi kịch mà người ta thường thấy trong các bộ phim truyền hình dài tập. Họ yêu và họ kết hôn. Cuộc hôn nhân khởi đầu bao giờ cũng ngọt ngào, lãng mạn. Thế rồi, bỗng dưng người mà họ tưởng là yêu thương họ nhất lại trở chứng, biến thành một con ác thú, một kẻ vũ phu, đánh đập họ tàn nhẫn. Không chỉ đánh đập, chồng họ còn chửi mắng, hạ thấp danh dự, và thậm chí cưỡng ép tình dục.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ này không dứt áo ra đi, giũ bỏ cuộc sống dưới đòn roi của chồng.

Chic Dabby, giám đốc trung tâm giúp đỡ người bị bạo hành ở San Francisco, Mỹ, cho hay có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc những phụ nữ bị bạo hành không chấm dứt cuộc hôn nhân bằng cách ra đi. Bà nói bỏ chồng không phải chỉ là một hành động nhất thời, nó là một quá trình.

Bà Dabby nói:

Họ yêu chồng và họ tin rằng chồng họ có thể thay đổi, anh ấy có ngày sẽ nghĩ lại và trở nên tốt đẹp hơn. Ra đi có nghĩa là đầu hàng, là chịu từ bỏ ý nghĩ rằng con người có thể thay đổi...Vì thế bỏ đi có nghĩa là ta sẽ vĩnh viễn mất đi niềm tin tưởng về người mà chúng ta yêu thương

Chic Dabby

Chic Dabby: Mọi người cứ nghĩ bỏ chồng là một sự kiện đơn lẻ, giống như bước lên và bước xuống xe buýt chẳng hạn. Tuy nhiên, nó không chỉ là một sự kiện, một thời điểm trong cuộc sống vì nó là cả một quá trình. Những phụ nữ này phải ngẫm nghĩ nhiều lắm. Họ cứ tiến được vài bước thì lại lùi vài bước. Có lúc họ quyết tâm, có lúc họ do dự. Để tiến tới quyết định này, họ phải trải qua một loạt các cảm xúc liên quan. Họ bỏ đi không chỉ vì một cảm xúc như sợ hãi, rằng anh ta tàn nhẫn quá, tôi có thể bỏ đi rồi mọi chuyện này sẽ chấm dứt.

Vì quá yêu?

Bà Dabby cho hay, cũng giống như nhiều chuyện khác trong cuộc đời, chúng ta thường khó dứt bỏ những thứ chúng ta đã cất công gây dựng trong một thời gian dài, nhất là đây là một mối quan hệ tình yêu sâu sắc. Bà nói:

Chic Dabby: Những phụ nữ này cảm thấy gắn bó với con người đó. Tình yêu của họ là có thật và sâu sắc. Họ yêu chồng và họ tin rằng chồng họ có thể thay đổi, anh ấy có ngày sẽ nghĩ lại và trở nên tốt đẹp hơn. Ra đi có nghĩa là đầu hàng, là chịu từ bỏ ý nghĩ rằng con người có thể thay đổi. Chúng ta ai cũng muốn tin rằng tình yêu sẽ cứu rỗi được người chẳng may lầm đường lạc lối. Vì thế bỏ đi có nghĩa là ta sẽ vĩnh viễn mất đi niềm tin tưởng về người mà chúng ta yêu thương.

Hơn thế nữa, sau những lần đánh đập, những anh chồng luôn tỏ ra hối lối. Họ nói rằng họ bị rượu sai khiến, vì họ say quá, họ không kiểm soát được bản thân. Giáo sư Mary Beck, giám đốc trung tâm về bạo lực gia đình tại đại  học Missouri, giải thích:

Mary Beck: Những phụ nữ này đã chung sống với chồng hoặc người yêu họ nhiều năm nay và họ luôn tin anh ta khi anh ta nói: “Anh xin lỗi, anh yêu em. Anh sẽ không bao giờ đánh em nữa”. Và rồi anh ta cứ đánh cô ấy hết lần này tới lần khác và phụ nữ thì thường có xu hướng tha thứ cho anh ta.

Mẹ của Tuyết trong câu chuyện tuần trước cũng là một trường hợp như vậy. Lấy chồng hơn 30 năm nay, không một ngày nào bà không bị đánh. Chồng bà ngày nào cũng đi nhậu và vì thế ngày nào cũng đánh vợ. Mẹ của Tuyết đã bỏ đi không biết bao nhiêu lần những lại quay về chỉ sau một hai ngày.

Bố Thảo đánh mẹ cô chỉ vì ghen, vì mẹ cô ra ngoài xã hội có đàn ông để mắt tới. Sau những lần đánh đập, bố Thảo nói rằng bố cô đánh mẹ cô chỉ vì ông yêu quá

Một trường hợp khác là mẹ của Thảo, cũng được nhắc tới trong câu chuyện tuần trước. Bố Thảo đánh mẹ cô chỉ vì ghen, vì mẹ cô ra ngoài xã hội có đàn ông để mắt tới. Sau những lần đánh đập, bố Thảo nói rằng bố cô đánh mẹ cô chỉ vì ông yêu quá.

Tài chính, con cái

Nhiều phụ nữ khó dứt áo bỏ đi vì sợ rằng ra đi có nghĩa là mất hết của cải, mất hết những thứ họ đã xây dựng. Bà Chic Dabby cho biết:

Chic Dabby: Có một lý do khác đó là họ lo lắng về tương lai sau khi bỏ chồng. Họ sẽ không còn tiền nữa, họ không có nhiều sự giúp đỡ nữa. Trong các cộng đồng người châu Á, nhiều người thường đổ lỗi cho phụ nữ, rằng vì họ sai trái nên mới bị chồng đánh. Vì thế, khi người phụ nữ bỏ đi, xã hội quay lưng lại với họ, họ bị cô lập. Họ bị nghèo đói, và sẽ không có tiền để nuôi con. Viễn cảnh này vô cùng đáng sợ và không phải chuyện ta có thể giải quyết ngay lập tức. Cũng có những phụ nữ có công ăn việc làm, không phải dựa vào chồng về tài chính trong cuộc hôn nhân, tuy nhiên, khó khăn về tài chính có thể tăng lên sau khi họ bỏ chồng.

Ngôi nhà không còn là tổ ấm

Tuy nhiên, một trong những lý do đáng lo ngại nhất đó là những phụ nữ này cũng lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi quyết định bỏ đi. Bản chất của bạo hành gia đình là sự kiểm soát, kẻ bạo hành muốn kiểm soát nạn nhân của họ và mối quan hệ giữa hai người. Hành động dứt áo ra đi của nạn nhân bị coi là hành vi chống đối ở mức cao nhất, khiến kẻ bạo hành tức tối và có thể gây hậu hoạ khôn lường.

Bà Chic Dabby cho hay:

Nhiều anh chồng bạo hành còn đe doạ rằng nếu người phụ nữ bỏ đi, họ sẽ săn tìm cô và sẽ giết cô. Người phụ nữ không hề nghi ngờ gì về ý định của anh ta. Vì thế, khi họ bỏ đi, họ không biết anh ta ở đâu. Nếu họ ở lại, họ biết được anh ta ở đâu, họ cảm thấy an toàn hơn

Chic Dabby

Chic Dabby: Bạo hành gia đình xảy ra không phải vì anh chồng có máu nóng, tức giận quá. Nó là vấn đề về kiểm soát, nó lặp đi lặp lại. Bạo lực ở đây phục vụ một mục đích chính, là kiểm soát nạn nhân, biến ngôi nhà họ ở thành một nơi đáng khiếp sợ.

Theo số liệu do cục điều tra an ninh liên bang FBI của Mỹ, khả năng một phụ nữ bỏ chồng hoặc bạn trai bị giết cao gấp 7 lần so với những phụ nữ vẫn cắn răng chịu đựng đòn roi.

Bà Chic Dabby nói thêm:

Chic Dabby: Nhiều anh chồng bạo hành còn đe doạ rằng nếu người phụ nữ bỏ đi, họ sẽ săn tìm cô và sẽ giết cô. Người phụ nữ không hề nghi ngờ gì về ý định của anh ta. Vì thế, khi họ bỏ đi, họ không biết anh ta ở đâu. Nếu họ ở lại, họ biết được anh ta ở đâu, họ cảm thấy an toàn hơn. Vì thế, bỏ đi sẽ nguy hiểm hơn, đặc biệt nếu người phụ nữ này có con cái.

Vậy đến lúc nào thì người phụ nữ nhận ra là họ buộc phải ra đi? Giáo sư Mary Beck cho biết đó là sự lựa chọn cuối cùng và họ phải ở vào trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Lý do khiến họ ra đi cũng phần lớn liên quan tới con cái. Giáo sư nói:

Mary Beck: Thường thì cô ấy sẽ phải bỏ đi ít nhất 7 lần rồi quay lại trước khi chấp nhận rằng cô không còn con đương nào khác là ra đi vĩnh viễn. Nó giống như những lần tập luyện vậy. Lần đầu tiên cô bỏ đi, anh chồng xin cô trở lại, và cô đồng ý. Lần thứ hai thì mẹ cô bảo cô cần phải quay về và giải quyết mọi chuyện với chồng. Vì nhiều lý do, cô ấy cứ đi và quay lại tới 7 lần. Cuối cùng, cô ấy bắt đầu nhận ra rằng cô ấy có thể mất mạng nếu cứ sống mãi như thế này và rằng ở ngoài kia có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ cô. Hơn thế, con trai cô có vẻ như bắt đầu cư xử giống anh chồng và cô không muốn điều đó xảy ra.

Bà Chic Dabby thì khuyên những phụ nữ bị chồng đánh nên có một kế hoạch nhất định cho việc ra đi. Trung tâm của bà ở San Francisco có thể giúp đỡ họ trong vấn đề này. Bà nói:

Chic Dabby: Chúng tôi có thể cung cấp nhiều sự lựa chọn. Chúng tôi nói về sự an toàn, chúng tôi sẽ giúp hết sức có thể. Đôi khi những phụ nữ này đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định ra đi. Tôi làm việc với nhiều người, họ nói rằng: con tôi còn một năm rưỡi nữa là vào đại học, tôi có thể đợi tới lúc đó. Trong lúc này, tôi lấy một số lớp để khi ra đi, tôi có bằng học nghề và có thể tự kiếm việc nuôi sống bản thân. Vì thế, chúng tôi có thể giúp các cô ấy nghĩ về việc ra đi thế nào, có kế hoạch ra sao để họ được an toàn.

Bà Chic Dabby cũng cho rằng việc đặt câu hỏi tại sao họ không ra đi với những phụ nữ như vậy là vô trách nhiệm. Vấn đề ở đây không phải là sao phụ nữ không bỏ chồng mà là làm thế nào để những người chồng của họ không sử dụng bạo lực nữa. Trong 17 năm làm việc về bạo lực gia đình, bà Dabby nhận ra rằng đàn ông có thể thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi có thể không xảy ra ngay trong mối quan hệ hiện tại mà mối quan hệ sau đó.

For Magazine Only: Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hoài Vũ xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và đóng góp về các vấn đề phụ nữ đến trang tạp chí phụ nữ tại email hoaivu@rfa.org hoặc www.facebook.com/hoaivurfa

Hoài Vũ xin hẹn gặp lại quý vị vào sáng chủ nhật tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.