Giới trẻ phản đối những quy định mới cho người sử dụng xe gắn máy

Dư luận, báo chí và cộng đồng blogger đang bàn tán xôn xao và phản đối mạnh mẽ những quy định mới của Bộ Y Tế Việt Nam về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển xe gắn máy.

0:00 / 0:00

Ngoài những tiêu chuẩn về hình thể như thấp người, nhẹ cân, vòng ngực dưới 72 centimet thì không được cấp bằng lái. Bộ còn quy định những người có bệnh về đường hô hấp, tiết niệu, sinh lý, và ngay cả các bệnh ngoài da như bị nấm, bị vẩy nến, v.v. cũng không được phép lái xe.

Diễn Đàn tuần này gửi đến quý vị ý kiến của giới trẻ trong nước xoay quanh đề tài này.

Cũng trong một cái list 83 điều mà Bộ Y Tế đưa ra để xét cấp chứng nhận có thể điều khiển phương tiện giao thông, mình thấy nó những cái (buồn cười). Đầu tiên là mình đọc cái này mình rất bất ngờ, mình không hiểu tại sao mấy ông này mấy ổng rảnh hay sao mà mấy ổng nghĩ ra cái chuyện hết sức là phi lý như vậy.

Anh Hùng

Trước hết, các bạn trẻ tự giới thiệu về chính mình:

Hùng : Mình tên Hùng. Mình đang sống ở Sài Gòn.

Huy : Mình là Huy. Mình cũng đang sống ở Sài Gòn.

Linh : Em tên là Linh. Em đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh ạ.

Những quy định mới của Bộ Y Tế

Trà Mi: Vâng. Chương trình nói về ý kiến của người trẻ đối với những quy định mới của Bộ Y Tế thì chắc các bạn đã biết và mình cũng xin lược sơ qua thôi. Trước đây thì có quy định là người có chiều cao dưới 1,45 mét và cân nặng dưới 40 kg thì không được phép vận hành những xe máy trên 50 cc, và mới đây nhứt thì Bộ Y Tế cũng ra một quy định là những người có vòng đo ngực dưới 72 centimet cũng sẽ không đủ tiêu chuẩn cầm lái, thì xin mời các bạn cho biết cái phản ứng cũng như ý kiến của các bạn như thế nào về các quy định mới này.

Hùng: Ngoài những quy định mà chị Trà Mi vừa nêu ra thì hôm nay mình mới đọc một tin là sẽ có những quy định khác nữa như là những người bị bệnh về hậu môn, trĩ v.v. là không được cấp (bằng lái xe gắn máy). Cũng trong một cái list 83 điều mà Bộ Y Tế đưa ra để xét cấp chứng nhận có thể điều khiển phương tiện giao thông, mình thấy nó những cái (buồn cười). Đầu tiên là mình đọc cái này mình rất bất ngờ, mình không hiểu tại sao mấy ông này mấy ổng rảnh hay sao mà mấy ổng nghĩ ra cái chuyện hết sức là phi lý như vậy.

Trà Mi: Nếu như có ý kiến cho rằng những quy định này là do Bộ Y Tế, tức do những quan chức trong Bộ Y Tế phải là những nhà khoa học, những nhà chuyên môn và những bác sĩ khi họ đưa ra những tiêu chuẩn này thì chắc chắn là họ phải có lý do, phải có cơ sở để đảm bảo sức khỏe cho người lái xe và an toàn giao thông?

Hùng: Nhưng mà thực sự cái nguyên nhân sâu xa nó không nằm ở chỗ đó mà mình nghĩ những quy định này đưa ra chỉ làm khó cho người dân thêm và sinh ra tiêu cực nhiều hơn.

Đó là sự xúc phạm tới một bộ phận xã hội chớ không phải là một cái nghị định bình thường. Giống như là từ những người không có học thức đưa ra chớ không phải là từ những người ở cấp quản lý cao như ở cấp Bộ như vậy. N

Anh Huy

Trà Mi: Dạ. Với những gì mà chúng tôi vừa chia sẻ và anh Hùng vừa góp ý thì xin mời ý kiến của Linh và anh Huy. Các bạn có ý kiến nào không?

Nhiều quy định phản khoa học

Linh: Em thấy là cái quy định này khi mà người ta đưa ra thì chắc là người ta cũng đã suy xét nhiều mặt, nhưng mà nếu mà nói là vì an toàn giao thông thì em thấy như thế thì cũng không chính xác lắm. Tại vì về an toàn giao thông thì phải xét đến những nơi khác nữa, mà nếu mà chỉ nói do những yếu tố như không đủ chiều cao hay là cân nặng tạo nên không an toàn cho giao thông thì người không đủ tiêu chuẩn thì tội nghiệp cho họ quá. Như vậy họ đi lại rất là bất tiện.

Trà Mi: Nhưng mà có ý kiến phản hồi ngược lại rằng nếu như họ cầm lái thì có thể gây ra những nguy cơ cho những người khác thì Linh thấy sao?

Linh: Em nghĩ không hẳn như vậy, tại vì mức độ an toàn một phần cũng do hình thể nhưng mà một phần do kỹ năng lái xe và do cái tính của người cầm lái nữa, và do các yếu tố khác như là tuân thủ luật lệ giao thông. Nên nếu mà chỉ nói về chiều cao và cân nặng thì quá phiến diện thôi, không chính xác lắm.

Trà Mi: Vâng, Cảm ơn ý kiến của Linh. Bây giờ xin mời anh Huy. Xin cho biết suy nghĩ của anh ạ.

Huy: Thực ra nếu mà căn cứ theo nghị định mới của Bộ Y Tế đưa ra thì đây là một cái sự tước đoạt quyền đi lại của người dân chứ không phải là một cái luật, một cái quy định để làm cho tỷ lệ tai nạn giao thông nó tốt lên được.

Tại vì nếu mà xét riêng tai nạn giao thông ở tại Việt Nam, chiếm đa số là do say rượu là một, thứ hai là phóng nhanh vượt ẩu, chứ còn cái tỷ lệ mà của những người gọi là thấp bé thì những người thấp bé thường thường đa phần rơi vào tình trạng của người phụ nữ, thì tỷ lệ người phụ nữ mà gây tai nạn giao thông ở Việt Nam chiếm rất là thấp.

Và cũng chưa có luận cứ khoa học nào, khi Bộ Y Tế đưa ra nghị định này thì không kèm theo một luận cứ khoa học nào hết về vấn đề là những người thấp bé, những người nhẹ cân, vòng ngực nhỏ lại là người có thể gây tai nạn nhiều.

Trà Mi: Tức là chưa có công trình nghiên cứu nào mà có kết quả cụ thể?

Phân biệt đối xử với những người có khiếm khuyết hình thể và khuyết tật

Huy: Dạ vâng. Cái thứ hai nữa là đưa ra những vấn đề như là những người bị trĩ, bị bệnh về hậu môn, bị về thận... thì tôi mới đọc trên VnExpress đó, cũng là không được cấp bằng lái xe thì điều đó nó gây ra ảnh hưởng tới cả những người khuyết tật nữa.

Đó là sự xúc phạm tới một bộ phận xã hội chớ không phải là một cái nghị định bình thường. Giống như là từ những người không có học thức đưa ra chớ không phải là từ những người ở cấp quản lý cao như ở cấp Bộ như vậy.

Những người thấp bé là một, những người nhẹ cân và những người có một sự rủi ro - không may mắn trong cuộc sống, họ có những khiếm khuyết về cơ thể nhưng bản thân họ vẫn có thể điều khiển các phương tiện đi lại giao thông một cách rất là an toàn.

Trà Mi: Ý của anh Huy thì hai bạn kia có chia sẻ không, tức là cái quy định này phần nào kỳ thị đối với những người không may có cái tiêu chuẩn hình thể dưới mức chuẩn một chút.

Hùng: Mình xin chia xẻ là cái điều này nó hoàn toàn phân biệt đối xử với những người có hình thể thấp bé và những dị tật, đó là cái thứ nhứt.

Cái thứ hai là những cái quy định này mình thấy nó vô lý là ở một phần là tai nạn giao thông từ say rượu phóng nhanh vượt ẩu và một cái nguyên nhân nữa là bây giờ là do đào đường tùm lum khiến cho đã có những người bị tai nạn giao thông mà chết vì những công trình đó.

Thì không có lý do gì mà bày ra những quy định vớ vẩn này. Anh quản lý tầm bậy tầm bạ, anh đào đường, anh làm lung tung, anh làm kẹt xe rồi bây giờ anh đổ lên đầu người dân. Và từ những cái (quy định) khó này thì nó sinh ra những cái tiêu cực, vì rốt cục người ta cũng phải đi. Làm cách gì thì làm rốt cuộc người dân cũng phải lo lót, rốt cuộc ai được hưởng mấy cái đó?

Sản sinh nhiều tiêu cực

Trà Mi: Anh nói là những cái quy định này bất cập như vậy thì nó sẽ sinh ra những tiêu cực (Hùng: Chính Xác) và hiện bây giờ thì các bạn có thể mường tượng ra những cái tiêu cực như thế nào có thể xảy ra đối với những cái quy định này?

Tôi coi lại các quy định chẳng hạn thi bằng lái xe ở Hoa Kỳ là một, ở Thụy Sĩ là hai, hai nước đó là hai nước đứng đầu về mọi mặt, cả về y tế và về vấn đề dân trí và xã hội, thì cũng không thấy có những quy định nào mà nó kỳ cục như quy định của Bộ Y Tế Việt Nam. Cái thứ hai nữa, khi mà Bộ Y Tế dưa ra những quyết định như vậy để mà gọi là giảm tỷ lệ tai nạn giao thông thì tôi nghĩ cái thiết thực nhứt là phía nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng.

Anh Huy

Hùng: Cái này nó không phải là đầu tiên nữa mà ngay từ xưa đến giờ nếu mà thi lấy một cái bằng lái xe là phải khám sức khỏe mà bên này khi muốn một cái giấy khám sức khỏe thì bỏ ra mấy chục ngàn để khỏi phải khám gì hết mà vẫn có đầy đủ hết, thì bây giờ có làm thêm khó khăn thì cũng chỉ là tạo ra một cái cớ để người ta ăn tiền.

Trà Mi: Dạ. Đó là một mặt tiêu cực mà anh Hùng ghi nhận được, Thế còn anh Huy?

Huy: Xã hội Việt Nam hiện giờ hầu hết nếu mà muốn có phương tiện di chuyển thuận tiện là dùng xe máy, mà khi tước bỏ cái quyền di chuyển bằng xe máy của những người nằm trong cái dạng liệt kê của Bộ Y Tế thì là tước bỏ cái sự đi lại của người ta.

Trà Mi: Tức là ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người.

Huy: (Ảnh hưởng đến) Đời sống của nhiều người. Mà ở Việt Nam này có một cái rất là đặc biệt, cứ thích cái gì thì đưa ra. Đây không phải là cái việc đầu tiên mà gọi là sai lầm của nhà nước về vấn đề giao thông.

Cách đây cũng khoảng hai năm thì họ đưa ra những cái biển báo giới hạn tốc độ, giống như bẫy người ta. Đang chạy ở tốc độ 60-70 cây số/giờ thì qua một khúc cua là có biển báo 40 cây số/giờ, thì nếu mà người tài xế chấp hành đúng như vậy thì vừa qua cua là dậm thắng một cái lết bánh luôn. Và vừa qua cua thì phía bên kia công an nó chộp dính.

Sau này phản ứng dữ quá thì bắt đầu gỡ đi. Cái tiền mà dựng những biển báo đó, rồi chi phí này chi phí nọ đủ thứ thì cuối cùng người dân bị thiệt thòi, thiệt thòi chẳng những người bị phạt mà thiệt thòi cả về ngân sách nhà nước do người dân đóng thuế luôn.

Trà Mi: Dạ. Cảm ơn ý kiến của anh. Thế Linh, bạn có góp ý nào đối với cái mảng tiêu cực có thể sinh ra từ những quy định như thế này không?

Linh: Em thì em đồng ý với ý kiến của hai anh vừa nói.

Trà Mi: Các bạn đều phản đối những cái quy định mới này thì Trà Mi xin phép được nhắc lại những câu hỏi phản biện là nếu như có ý kiến cho rằng là cái tình trạng giao thông ở Việt Nam là một bài toán đau đầu chưa có lối ra thì nhiều người đổ lỗi là do quy định về luật giao thông của Việt Nam chưa chặt chẽ, thiếu luật thành ra nhà nước mới từng bước từng bước cải thiện, bổ sung bằng những quy định như thế này, thì các bạn nghĩ sao?

Cần giải quyết cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam

Anh chưa phát triển cơ sở hạ tầng, anh chưa phát triển được hệ thống giao thông thì anh không thể nào bắt người dân phải giảm phương tiện cá nhân lại được. Cái thứ hai, anh cũng chưa tạo ra được phương tiện để cho những người thấp bé tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân thì làm sao anh phải tạo ra được phương tiện nào đó để dành cho người ta đi thì anh mới cấm được.

Anh Hùng

Huy: Tôi coi lại các quy định chẳng hạn thi bằng lái xe ở Hoa Kỳ là một, ở Thụy Sĩ là hai, hai nước đó là hai nước đứng đầu về mọi mặt, cả về y tế và về vấn đề dân trí và xã hội, thì cũng không thấy có những quy định nào mà nó kỳ cục như quy định của Bộ Y Tế Việt Nam.

Cái thứ hai nữa, khi mà Bộ Y Tế dưa ra những quyết định như vậy để mà gọi là giảm tỷ lệ tai nạn giao thông thì tôi nghĩ cái thiết thực nhứt là phía nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng của giao thông thì điều đó mới giải quyết được thôi, chớ còn ngoài ra thì nếu mà giảm cái này giảm cái kia thì nó cũng chẳng giải quyết được cái gì.

Nếu mà ai ở Việt Nam thì đều biết là đường sá Việt Nam thuộc dạng gọi là “siêu cấp”, tay lái ở Việt Nam đứng ngoài gọi là “tay lái lụa” chớ không phải tay lái bình thường, tại không lụa là bị té liền. Đó, đào đường xong rồi để nguyên một cái hố vậy đó, tới lọt xuống hố là đi thẳng tới ông mai táng chớ không đi đâu hết.

Trà Mi: Dạ. Đó là ý kiến của anh Huy. Mời anh Hùng.

Hùng: Sau khi mình thấy qua những cái quy định của Sở Giao Thông Công Chánh, của Bộ Y Tế, bây giờ mình đặt lại một câu hỏi, hay là những người đó là những người ở cấp quản lý họ có bao giờ ngồi lại với nhau để họ bàn thế nào để ra một giải pháp cho giao thông chưa? Hay là họ chỉ có ngồi ở cấp ngành của họ để họ đưa ra những điều đó? Và người dân là người gánh chịu.

Tôi nói như vậy là vì sao? Bây giờ ông nào cũng đòi lợi cho mình nhưng có ông nào giải quyết cho người dân, ví dụ bây giờ đưa ra những quy định đó, những người không được phép lưu thông bằng phương tiện cá nhân, họ đi bằng phương tiện công cộng, mấy ông có giải quyết được cho người ta hay không? Không lẽ bây giờ cứ nói cấm rồi thôi? Ở Việt Nam có tình trạng như vầy, anh thích anh đưa ra luật anh cấm, rồi thôi.

Anh không cần giải quyết gì. Anh thích dẹp hàng rong, anh dẹp. Người ta sống chết anh không cần biết. Anh thích anh đòi tăng phí, còn người ta muốn sống sao thì sống, xe cộ người ta đi sao thì anh không cần biết. Thì thực sự vấn đề là gì? Anh chưa phát triển cơ sở hạ tầng, anh chưa phát triển được hệ thống giao thông thì anh không thể nào bắt người dân phải giảm phương tiện cá nhân lại được.

Cái thứ hai, anh cũng chưa tạo ra được phương tiện để cho những người thấp bé tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân thì làm sao anh phải tạo ra được phương tiện nào đó để dành cho người ta đi thì anh mới cấm được. Bây giờ anh cấm rồi người ta làm việc như thế nào?

Đó là một câu hỏi mà tôi muốn nhờ thông qua quý Đài, nếu mà những người ra những cái nghị định, những cái luật này mà nghe được thì họ phải tự hỏi tại sao chứ không phải chỉ có ngồi trên cao rồi cứ suy nghĩ để đưa ra những cái luật mà theo tôi thì rất là vớ vẩn. Nói thẳng là như vậy đó.

Trà Mi: Diễn Đàn Bạn Trẻ sẽ tái ngộ cùng quý vị và các bạn với phần thảo luận tiếp theo vào giờ này tối Thứ Hai tuần sau. Mong quý vị nhớ đón nghe.

Trà Mi thân ái kính chào.