Cá chết và những quan tâm của giới trẻ

Chân Như, phóng viên RFA
2016.05.05
centralVietnam.jpg Bản đồ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.
RFA PHOTO

Vụ việc cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung Việt Nam đang là vấn đề được rất nhiều người dân Việt Nam quan tâm. Họ quan tâm vì điều này ảnh hưởng không chỉ riêng đối với người dân miền Trung, người dân cả nước mà còn ảnh hưởng tới các thế hệ mai sau. Là những bạn trẻ đứng trước thảm họa môi trường này của đất nước, các bạn khách mời Bình Minh, Tiến và Thomas Võ chia sẻ với quý vị về những suy nghĩ, trăn trở của họ trong Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này cùng Chân Như.

Chân Như: Theo các bạn, sự kiện cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung có thể gọi là thảm họa môi trường quốc gia hay chưa? Vì sao?

Bình Minh: Theo nhận định của cá nhân em về ảnh hưởng đến 4 tỉnh cộng thêm dư luận toàn quốc thì đây được coi là thảm họa quốc gia và là một trong những thảm họa vô cùng nghiêm trọng đối với Việt Nam.

Tiến: Theo em sự kiện cá chết hàng loạt là một thảm hoạ môi trường quốc gia và cực kỳ nghiêm trọng, vì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và sức khoẻ của người dân 4 tỉnh thành mà còn ảnh hưởng đến toàn quốc. Đồng thời, với sự cung cấp thông tin có phần chậm chạp cũng như sai lệch từ chính quyền địa phương và từ nhà nước làm cho người dân cảm thấy mất niềm tin vào cách xử lý cũng như hoang mang về tình trạng này.

Chân Như: Các bạn đánh giá thế nào về phản ứng và cách thức giải quyết của chính quyền trung ương và các địa phương đối với thảm họa này? Điều đó cho thấy năng lực ứng phó sự cố, thảm họa của chính quyền ra sao?

Thomas Võ: Em theo dõi từ đầu tháng Tư, đánh giá chung phản ứng từ chính quyền hơi chậm so với yêu cầu của người dân. Đặc biệt, sau một tháng các bộ, ngành mới phối hợp với nhau và với nhiều nhà khoa học, tiến sĩ Việt Nam. Buổi họp báo gần đây vẫn đưa ra kết luận chung cá chết là do độc tố hay tảo nở hoa, những lý do bị dư luận phản bác. Gần đây, chính phủ có đề nghị bộ công an thành lập tổ chuyên trách để điều tra vụ này, mặc dù giao cho bộ công an nhưng đánh giá chung của nhân dân và báo chí phản ứng là chưa nhạy bén, chưa hiệu quả và chưa nhanh nhẹn như kỳ vọng của nhân dân.

Theo nhận định của cá nhân em về ảnh hưởng đến 4 tỉnh cộng thêm dư luận toàn quốc thì đây được coi là thảm họa quốc gia và là một trong những thảm họa vô cùng nghiêm trọng đối với Việt Nam.
- Bình Minh

Bình Minh: Em cũng đồng ý với việc chính quyền từ trung ương đến địa phương đang phản ứng với thảm hoạ này rất chậm và thiếu chuyên nghiệp. Do vậy, em không nói lại vấn đề đó nữa nhưng em chỉ cung cấp thêm một số thông tin mà chúng ta đã biết. Ví dụ, việc bộ thứ trưởng tài nguyên môi trường trả lời báo chí, thì cách trả lời của một người đứng đầu ngành môi trường như vậy đã làm chúng ta thấy rằng cách xử lý của chính quyền rất thiếu chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm khi có những câu trả lời khẳng định cá ở biển Hà Tĩnh vẫn có thể ăn được và biển ở đó vẫn tắm được. Thêm vào đó, chính quyền vẫn chưa biết tận dụng, chưa khuyến khích các nhà khoa học để họ vào cuộc tìm ra nguyên nhân. Một diễn biến gần đây chúng ta có thể thấy cách phản ứng của chính quyền Đà Nẵng chứng minh cho dân thấy nước biển Đà Nẵng vẫn sạch bằng cách trực tiếp đi tắm biển. Tuy nhiên, khẳng định lại cho đến giờ phút này chúng ta vô cùng thất vọng về cách phản ứng của chính quyền Việt Nam cũng như là của địa phương.

Chân Như: Nguyên nhân đáng quan tâm nhất gây ra thảm họa này là chất thải công nghiệp chưa qua xử lý. Theo quan điểm của các bạn, trách nhiệm trong thảm họa môi trường này gồm có những ai, ngoài những nhà máy xả thải?

Bình Minh: Trước tiên, chúng ta phải khẳng định trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà máy. Bây giờ, chúng ta đang đưa ra giả thuyết đó là Formosa hoặc một doanh nghiệp nào khác thì chúng ta phải tiếp tục chờ kết quả. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định có tác nhân của con người, của công nghiệp trong việc tạo ra chất thải chưa xử lý.

Thứ hai, trách nhiệm lớn đó là chính quyền trung ương trong việc khi họ dễ dàng chấp nhận cho Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh mà không có nhiều ràng buộc về mặt khoa học công nghệ, khoa học môi trường.

Thứ ba, thảm hoạ này xảy ra là do chính quyền địa phương khi họ không có cơ chế giám sát một cách sát sao, cũng như việc họ quá thờ ơ với những vấn đề xảy ra tại địa phương, ví dụ như khi xảy ra vấn đề cá chết ở Hà Tĩnh. Và tiếp theo là các nhà khoa học chưa được tạo điều kiện cũng như là không có khả năng dự báo về những tác hại để đưa ra những quyết định để xử lý những vấn đề này.

Thomas Võ: Bạn Minh nói rất đầy đủ, tuy nhiên, qua vụ này người ta liên tưởng đến một bất cập khác mặc dù không liên quan tới vấn đề môi trường nhưng rất nhức nhối trong xã hội Việt Nam, chính là vấn đề lạm phát tiến sĩ. Gần đây, mình có đọc một bài báo rất hay ở Việt Nam là khi nhìn cá chết ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như vậy thì 24 ngàn tiến sĩ ở Việt Nam đang làm gì? Họ đang nhìn vấn đề nhưng không thể giúp ích được gì cho nhân dân hết. Một đất nước lạm phát tiến sĩ và thậm chí có những lò đào tạo tiến sĩ và có những luận văn tiến sĩ rất buồn cười. Từ vấn đề môi trường họ đề cập ngay đến vấn đề bất cập của giáo dục Việt Nam mà hằng chục năm qua vẫn chưa giải quyết được. Đó là góp ý của Thomas trong vấn đề này.

Chân Như: Liệu chính phủ cũng nên có một phần trách nhiệm trong vấn đề này?

Tiến: Đúng rồi, theo em trách nhiệm đầu tiên vẫn phải từ chính phủ vì họ phải có những chỉ đạo, thành lập những ban kiểm tra chỉ đạo xử lý những tình huống đó như thế nào và kiểm tra điều tra xem nguyên nhân đó đến từ đâu, và có những biện pháp chỉ đạo xử lý tại chỗ, xử lý tạm thời và xử lý về lâu về dài để người dân yên tâm có hướng đi cũng như người dân cả nước còn nắm bắt được tình hình chung như thế nào. Như vậy, trách nhiệm chính vẫn từ sự chỉ đạo của chính phủ.

Chân Như: Phát triển kinh tế có nhất thiết phải đánh đổi môi trường hay không?

Tiến: Theo em khi môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng như vậy liệu chúng ta có sống được hay không, có thu hút được du lịch, sử dụng được những nguồn tài nguyên đó để chúng ta duy trì sự sống, để còn sức khoẻ phát triển kinh tế hay không? Chúng ta không vì những mục tiêu nhỏ trước mắt của một đơn vị nào đó mà đánh đổi môi trường sức khoẻ của nhân dân, ảnh hưởng dài lâu về sau. Nếu môi trường ảnh hưởng những chất độc hại như vậy thì hậu quả vô cùng ghê gớm, không thể một ngày hai ngày mà xử lý hết được mà sẽ ảnh hưởng và để lại những di chứng cho những thế hệ sau này.

Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015.
Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015.
AFP photo

Bình Minh: Thực sự đây là câu hỏi em cảm thấy rất thú vị vì thể hiện một quan điểm mà chính phủ Việt Nam đang mắc phải đó là đánh đổi rất nhiều về tài nguyên và môi trường để lấy sự phát triển trong ngắn hạn. Đây là một trong định hướng phát triển kinh tế phải nói đó là đi ngược lại với xu thế phát triển của xã hội và phản khoa học vì ngày nay chúng ta nghe rất nhiều đến thuật ngữ đó là phát triển bền vững. Phát triển bền vững được hiểu đơn giản là khái niệm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ và phát triển môi trường xã hội, thế thì việc một chính phủ, một công ty, một cá nhân đồng ý với quan điểm phát triển kinh tế phải đánh đổi môi trường sống thì đó là quan điểm đi ngược lại với xu thế phát triển của xã hội.

Chúng ta có thể đánh đổi sinh mạng của mình vì môi trường là nơi chúng ta tồn tại, sinh sống trong đó liệu chúng ta dám đánh đổi sinh mạng để lấy sự phát triển vô cùng ngắn hạn không? Nếu như chúng ta đánh đổi môi trường sống để phát triển là một trong những điều sẽ dẫn đến sự chậm tiến của một xã hội mà Việt Nam đang trên con đường đó.

Chúng ta có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên rừng nhưng đến bây giờ rất nhiều nhà khoa học cảnh báo rừng Tây Nguyên đã không còn nữa, dẫn tới những thảm họa về việc thiếu nước ở Đồng Bằng Sông Cửu Long rồi lũ lụt xảy ra hằng năm, rồi chúng ta khai thác quá nhiều như đá vôi hoặc khoáng sản khác làm hỏng hệ sinh thái của rừng rồi sạt lở đất. Tóm lại, đó là những thứ mà con người ngày nay đang phải gánh chịu về những thảm họa thiên nhiên cũng như chính phủ Việt Nam đang phải đối diện với việc cá chết.

Thomas Võ: Thật ra Việt Nam vẫn có chủ trương phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường. Theo báo chí về kinh tế của một số báo nước ngoài đánh giá so với ở Trung Quốc thì vấn đề quản lý cho FDI về môi trường ở Việt Nam có phần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, mình muốn tiếp cận theo vấn đề khác.

Thứ nhất là vấn đề vượt rào: thời gian qua nhiều địa phương cấp phép cho các dự án FDI, địa phương nào có được nhiều dự án FDI hơn để tạo tiếng vang cho chính quyền địa phương đó.

Thứ hai là vấn đề bất cập: bất cập quản lý giữa trung ương và địa phương mà điển hình là vấn đề Formosa. Tại sao chính quyền Hà Tĩnh nói là vấn đề Formosa đặt đường ống xả nước biển đã được cấp phép sau đó bộ tài nguyên môi trường ở trung ương lại nói ở Việt Nam không cho phép điều đó và luật Việt Nam là cấm? Đây là ví dụ thể hiện sự bất cập, bất cập về cách chủ trương và quản lý giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam, đồng thời cũng là vấn đề đau đầu ở Việt Nam hiện tại. Do vậy, Việt Nam và các nước phát triển khác đang cần phải giải quyết triệt để vấn đề này nếu không muốn Việt Nam thành một bãi rác công nghệ của thế giới trong thời gian sắp tới.

Chân Như: Qua thảm họa này, các bạn có những nhận định, đánh giá nào khác về quá trình tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư FDI của Việt Nam?

Bình Minh: Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua, theo nghiên cứu và nhận định của cá nhân em, em thấy có một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của Việt Nam.

Thứ nhất, chính phủ Việt Nam không nghiên cứu các điều khoản, các yêu cầu về việc đảm bảo môi trường về các vấn đề khác về xã hội.

Thứ hai, trong các điều khoản để chấp nhận cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì mình quá dễ dãi chấp nhận cho họ, ví dụ ngay như dự án chúng ta đang bàn về ảnh hưởng tới môi trường như Formosa. Em đọc qua thì thấy họ đã miễn tới 15 năm sử dụng đất hoặc rất nhiều chính sách về thuế cho tập đoàn Formosa tạo rất nhiều điều khoản trong chính sách về hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Với sự cung cấp thông tin có phần chậm chạp cũng như sai lệch từ chính quyền địa phương và từ nhà nước làm cho người dân cảm thấy mất niềm tin vào cách xử lý cũng như hoang mang về tình trạng này.
- Tiến

Thứ hai, ở Việt Nam chưa phân tích những tác hại của dự án FDI tới môi trường Việt Nam khi có quá nhiều các dự án FDI vào và ảnh hưởng tới môi trường rất lớn. Bên cạnh đó, họ khai thác rất nhiều tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và khi họ chấm dứt làm việc tại Việt Nam thì họ để lại những kho rác khổng lồ cùng những tác hại khủng khiếp tới môi trường. Theo như em nghiên cứu tác dụng của FDI vào Việt Nam nói chung và từ các nước đang phát triển nói riêng thì có những ảnh hưởng rất tích cực đó là ảnh hưởng về nhân lực, về khoa học kỹ thuật cũng như là về tài chính. Như vậy, Việt Nam thu hút FDI với mục đích để tăng cường tài chính, học hỏi tiếp nhận những khoa học kỹ thuật từ những quốc gia hiện đại và tiếp theo nữa là muốn tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt được ba cái yếu tố này thì mình phải chuẩn bị rất kỹ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua vấn đề này Việt Nam chưa chuẩn bị tốt và khi những công ty FDI vào Việt Nam thì họ không mang đến cho chúng ta ba yếu tố đó mặc dù phải khẳng định nó có nhiều tích cực. Để phân tích mặt tiêu cực thì rất lớn và để nói về “được” nhiều hay “mất” nhiều thì cá nhân em nhìn thấy mình đang mất rất nhiều.

Thomas Võ: Ý kiến cá nhân của em thì nếu nói được nhiều hay mất nhiều thì Thomas nghĩ mình “được” nhiều với lý do mình có thể giải quyết được việc làm rồi thu hút được ngoại tệ vì hiện tại doanh nghiệp FDI đóng góp đến 70% lượng xuất khẩu của Việt Nam hằng năm. Đồng thời, họ cũng đóng góp nguồn thu ngân sách về thuế rất lớn cho Việt Nam.

Vấn đề doanh nghiệp chưa học hỏi được nhiều từ doanh nghiệp FDI về công nghệ thì đó là do một phần doanh nghiệp Việt Nam mình còn yếu, yếu về công nghiệp phụ trợ, yếu về con người, yếu về trình độ. Đó là những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về môi trường, thật ra rút kinh nghiệm từ Trung Quốc và những nước đi trước thì bản thân Việt Nam vẫn có những hành lang pháp lý để quản lý doanh nghiệp FDI khi xét nghiệm về những dự án về môi trường, so với Trung Quốc theo mình biết thì Việt Nam có phần chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, gần đây mình cũng có những vấn đề phát sinh như vấn đề VEDAN, những năm trước họ xả thải ra sông Thị Vải làm ô nhiễm và gần đây là Formosa. Điều này, chúng ta phải đề cập đến vấn đề vượt rào của chính quyền địa phương. Thực tế chính quyền trung ương vẫn có những pháp lý cố định, tuy nhiên, chính quyền địa phương hay vượt rào và họ dễ dàng chấp nhận những dự án kiểu này. Bản thân mình hy vọng sau sự kiện Formosa này thì thời gian tới vấn đề quản lý môi trường cho những doanh nghiệp FDI sẽ hoàn thiện hơn.

Chân Như: Xin cám ơn bạn Bình Minh, Tiến và Thomas Võ đã dành thời gian đến với chương trình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.