Hội nghị lấy ý kiến cử tri - dân chủ hay phản dân chủ?
2016.04.27
Hết ngày 12 tháng 4 vừa qua, các Hội nghị lấy ý kiến cử tri về các ứng viên đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân khoá 2016-2021 đã kết thúc trên cả nước. Các bạn trẻ Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Trang Nhung và Mai Khôi, những người đã tự ứng cử đại biểu quốc hội cho kỳ này có cuộc trò chuyện chia sẻ với Đài Á Châu Tự do.
Chân Như: Các bạn đánh giá thế nào về các hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với các ứng viên đại biểu Quốc hội? Liệu có sự khác biệt nào giữa các ứng viên "đảng cử" và ứng viên độc lập trong hội nghị này không?
Trang Nhung: Tôi cho rằng hội nghị cử tri, đặc biệt là ở nơi cư trú đối với các ứng viên đại biểu quốc hội diễn ra không dân chủ và minh bạch. Không dân chủ bởi vì cách thức biểu quyết và cách thức tổ chức không cho thấy người dân thật sự được lựa chọn, tín nhiệm hay không đối với ứng viên. Còn về việc minh bạch, trong phần lớn trường hợp tổ chức các hội nghị cử tri nơi cư trú, hình thức biểu quyết là bỏ phiếu kín và không có giám sát, chẳng hạn như không có đại diện của người ứng viên kiểm phiếu cùng với người kiểm phiếu đã được chỉ định sẵn bởi ban tổ chức. Do vậy, như tôi vừa nói, không có dân chủ và minh bạch.
Tôi cho rằng hội nghị cử tri, đặc biệt là ở nơi cư trú đối với các ứng viên đại biểu quốc hội diễn ra không dân chủ và minh bạch...
- Trang Nhung
Hội nghị cử tri nơi công tác, tôi cho là tùy trường hợp. Đối với trường hợp cá nhân tôi chẳng hạn, vì đây là một công ty nước ngoài nên công ty tự chủ hoàn toàn không có vấn đề về sự thiếu minh bạch xảy ra. So sánh giữa hội nghị cử tri với ứng viên độc lập và ứng viên được đảng và cơ quan nhà nước cử thì tôi cho rằng cũng không hề có sự công bằng. Các ứng viên được đề cử như mọi người đã thấy kết quả với các ứng viên tại Hà Nội, 36/39 ứng viên được đề cử đã lọt vào vòng trong, trong khi 46/48 ứng viên độc lập bị loại. Vậy rõ ràng có sự không cân xứng ở đây và chắc chắn các hội nghị đã được diễn ra theo hướng thuận lợi cho các ứng viên được đề cử.
Tôi theo dõi thông tin trên các trang truyền thông (chủ yếu trên mạng xã hội), những ứng viên được đề cử được tổ chức hội nghị cử tri khá nhanh gọn, thuận tiện và gần như đạt được hầu hết số phiếu tín nhiệm, trong khi điều này ngược lại đối với các ứng viên tự do.
Đình Hà: Cuộc hội nghị lấy ý kiến của em tại nơi cư trú cũng có một số điểm khác biệt so với chị Trang Nhung. Ở chỗ em, người ta lấy phiếu tín nhiệm qua hình thức giơ tay, một hình thức cũng khá công khai. Tuy nhiên, phiên hội nghị đó hoàn toàn không công khai và minh bạch bởi vì tất cả những cử tri đến dự họ biết thông tin, còn những người khác trong tòa nhà thì họ không biết. Hệ thống loa trong tòa nhà hoạt động rất tốt, hằng ngày vẫn thông báo những việc của khu dân cư; tuy nhiên, họ lại không thông báo về hội nghị cử tri này mà đáng lẽ toàn bộ cư dân ở tòa nhà đó đều phải biết vì họ có quyền cử tri.
Vì sao họ lại không biết mà chỉ những người được giấy mời mới biết? Khi em đi từ tòa nhà đến phòng hội nghị thì em có hỏi rất nhiều người; đa số không biết gì về hội nghị đó cũng như không biết chuyện gì đang xảy ra liên quan đến bầu cử.
Em có thêm nhận xét nữa, tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với các ứng viên độc lập thường có những điểm chung như sau, tức là các cử tri thường nói các ứng viên không tham gia các hoạt động ở khu dân cư, không tham gia đóng góp cho khu, hoặc các phong trào ở khu dân cư, cũng như không đóng góp vào các đợt quyên góp. Trong khi đó đối với những ứng viên được đề cử người ta lại nói họ có đóng góp cho địa phương cho khu dân cư, một ví dụ rất đơn giản là những người ứng viên được đề cử đóng góp vào việc tổ chức ngày quốc tế thiếu nhi mùng 1 tháng 6. Đấy cũng là điểm rất buồn cười trong những hội nghị cử tri như thế.
Mai Khôi: Việc mặt trận tổ quốc đã được quyền mời cử tri đến dự hội nghị cử tri nhưng lại không công bố rõ ràng danh sách khách mời là những ai, đó là sự thiếu minh bạch. Đúng là việc cử tri đưa ra ý kiến, theo như Mai Khôi theo dõi những chia sẻ của các ứng cử viên độc lập khác thấy có điểm chung là mình thấy có dấu hiệu sắp xếp ở đây khi các cử tri đứng lên cùng một ý kiến nói: thứ nhất là “người ứng cử viên không thuộc tổ chức nào, không thuộc đảng” thì họ không tín nhiệm. Và thứ hai là “không đóng góp gì cho tổ dân phố”, nơi họ đang cư trú. Ý kiến đó được lập đi lập lại rất nhiều tại hội nghị cử tri xảy ra cho các ứng cử viên tự do. Vậy thì Khôi thấy rõ ràng có dấu hiệu sắp xếp.
Việc khác nữa, Khôi thấy khi hội nghị cử tri bỏ phiếu kín và việc đếm phiếu rõ ràng là diễn ra hoàn toàn không có sự giám sát nào của người dân và cuối cùng họ đưa ra những kết quả vô lý hoàn toàn. Một kết quả mà ví dụ như chị Trung Nhung không có phiếu nào, hoặc Lâm Văn Mai không có phiếu nào, hoặc bác Nguyễn Quang A thì 27 phiếu. Đó là những kết quả mà không một ai tin được là kết quả thật.
Một việc nữa mà Mai Khôi đánh giá là sau khi kết thúc của hội nghị cử tri và hiệp thương cho thấy mặt trận tổ quốc đã tổ chức những hội nghị cử tri như vậy chỉ làm mất thời gian và tiền bạc của người dân mà thôi, bởi vì kết quả của hiệp thương mới là sự quyết định cho dù bạn có tín nhiệm 100% từ hội nghị cử tri hay 0% hay được 47% như Khôi cũng không có giá trị gì cả. Nên Khôi thấy việc tổ chức bầu cử như vậy là vô cùng thiếu minh bạch thiếu dân chủ.
Chân Như: Còn về các quy định về hội nghị lấy ý kiến cử tri hiện nay, các bạn có thấy nó phù hợp với các chuẩn mực dân chủ hay không?
Mai Khôi: Hoàn toàn là không. Cử tri đến dự hội nghị không được biết thông tin về ứng cử viên bởi vì chúng tôi không được giới thiệu về bản thân mình, không được chia sẻ chương trình hành động, không được phát biểu ở trong hội nghị. Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc cũng không thông tin gì về vai trò của đại biểu, quốc hội cũng không thông tin gì về ứng cử viên. Như vậy, các cử tri đến hội nghị đưa ra ý kiến thì họ biết gì để đưa ra ý kiến , đó là một điều vô cùng mâu thuẫn và bất hợp lý. Mình thấy rõ ràng đó là sự sắp xếp ai cũng nhìn thấy.
Chân Như: Rộng hơn, hội nghị lấy ý kiến cử tri chỉ là một trong số các bước "hiệp thương" trước bầu cử để chọn ra danh sách ứng viên cuối cùng. Các bạn thấy các bước hiệp thương như vậy có tác động thế nào đến quyền ứng cử của các ứng viên, đặc biệt là các ứng viên tự do?
Trang Nhung: Tất nhiên theo pháp luật ứng cử viên vẫn có quyền mà không bị ảnh hưởng bởi các hội nghị hiệp thương. Tuy nhiên, tôi đang nói về quyền ứng cử ngay từ đầu, còn qua các bước hiệp thương thì rõ ràng là ứng viên tự do bị loại dần, cho nên quyền thực tế này đã không được thực thi một cách thực sự, nó chỉ là hình thức trên văn bản pháp luật mà thôi. Bởi thế, trên thực tế chúng ta đã thấy chỉ có 2/48 ứng viên tự do ở Hà Nội đi tiếp vào vòng trong và chúng ta cũng không chắc chắn 2 ứng viên này thực sự tự ứng cử hay ứng cử có sắp đặt từ các cơ quan nhà nước. Do vậy, quyền ứng cử này của công dân bị hạn chế một cách nghiêm trọng.
Mai Khôi: Mai Khôi cũng thấy là những người ứng cử viên tự do đó mình cũng không thật sự biết rõ họ thực sự là tự do hay không? Ví dụ như một số người vẫn là đảng viên, mà đảng viên thì mọi hoạt động của họ vẫn phải thông qua tổ chức đảng, thì như vậy có được cho là tự do hay không?
Đình Hà: Thưa anh chị, ở Việt Nam có một câu là “mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu” tức là trong 3 lần hội nghị hiệp thương sẽ diễn ra ở trong hệ thống chính trị Việt Nam vẫn nói là cơ cấu thành phần đại biểu quốc hội thì 3 lần hiệp thương đó sẽ quy định ứng cử viên phải theo cơ cấu và thành phần do ủy ban mật trận tổ quốc đặt ra. Do vậy, quyền ứng cử của người công dân cũng phải phụ thuộc vào cơ cấu của ủy ban mặt trận tổ quốc đặt ra đối với các cấp.
... quyền ứng cử của người công dân cũng phải phụ thuộc vào cơ cấu của ủy ban mặt trận tổ quốc đặt ra đối với các cấp...
- Đình Hà
Việc những người ứng cử tự do bị loại dần qua các cuộc hiệp thương cũng bởi qua cơ cấu và thành phần đó, ví dụ trường hợp điển hình nhất đó là chính là nhà báo Trần Đăng Tuấn, cựu phó tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam đã bị loại bởi vì ông không thuộc cơ cấu thành phần do ủy ban mặt trận tổ quốc quy định.
Chân Như: Trong tương lai, nếu luật bầu cử tại Việt Nam được thay thế, hoặc sửa đổi, đối với quy trình hiệp thương nói chung và hội nghị lấy ý kiến cử tri nói riêng, các bạn có quan điểm thế nào?
Trang Nhung: Có lẽ câu hỏi của Chân Như đặt trên một tiền đề là thể chế này vẫn giữ như cũ nên mới hỏi rằng khi đó bầu cử sẽ thay đổi như thế nào hay nên thay đổi thế nào. Tôi hy vọng sẽ có một sự thay đổi về thể chế trong một tương lai không xa tại Việt Nam. Khi đó sẽ có nhiều đảng phái ra tranh cử, và người dân có quyền ứng cử dù thuộc hay không thuộc đảng phái nào. Khi đó chúng ta sẽ bàn đến luật bầu cử và chắc chắn chúng ta sẽ không có cái gọi là hội nghị hiệp thương hay hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú.
Mai Khôi: Mai Khôi cũng thấy là chỉ có nước Việt Nam mới có vòng hiệp thương trong trong luật bầu cử của quốc hội. Các nước khác trên thế giới đều không có vòng hiệp thương này. Kế đến là hội nghị cử tri, một mẫu số rất nhỏ và không thể nào làm đại diện cho một số đông cử tri để ủng hộ mình được, không thể chính xác được khi mình lấy một mẫu số mình cần phải có một mẫu số chính xác hơn, chẳng hạn như phải lấy tất cả các đại diện từ mọi thành phần trong xã hội và quá trình thực hiện hiệp hội cử tri cũng cần phải được minh bạch hơn. Đó là những điều Mai Khôi nghĩ rất nhiều người mong muốn được thay đổi luật bầu cử trong thời gian tới nếu như mình có cơ hội, mình nên bỏ vòng hiệp thương, phải chuyển đổi sang một hình thức khác.
Đình Hà: Em cũng có những ý kiến gần giống chị Trang Nhung và chị Mai Khôi. Tuy nhiên, trong thể chế hiện tại thì mọi bước tiến đó dường như còn dài và rất khó khăn nên nếu trong tương lai gần luật bầu cử Việt Nam có thay đổi em hy vọng 3 vòng hiệp thương và hội nghị lấy ý kiến cử tri sẽ bị loại bỏ trong những quy định về bầu cử.
Theo đó, vận động tranh cử trực tiếp đối với những người tham gia tranh cử đại biểu quốc hội sẽ được áp dụng một cách triệt để, để người dân được tiếp cận với các ứng viên, được tìm hiểu các ứng viên. Và đồng thời, các ứng viên thật sự có cơ hội truyền tải những thông điệp quan điểm của mình đến với cử tri cho cử tri thật sự hiểu rõ được người ứng viên. Từ đó, cử tri có thể được sự lựa chọn chính xác hơn những người đại diện cho họ trong quốc hội để mang tiếng nói của họ đến với nghị trường quốc hội.
Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của các bạn khách mời.