Sống chết vì thần tượng?
Khánh An: Khánh An rất vui được tái ngộ với quý vị và các bạn trong chương trình Café Wifi.
Trở lại với đề tài “Thần tượng của giới trẻ” lần này, Khánh An mời quý vị và các bạn gặp lại 4 bạn trẻ là Thái Hà ở Hà Nội, Đông ở Sài Gòn, Hoàng ở Pháp và Hải Di ở Na Uy để bàn tiếp về những ảnh hưởng của thần tượng trên cuộc sống của một bạn trẻ.
Bây giờ nếu như mà dựa trên những điều mà các bạn nói, chẳng hạn như một đức tính của người đó mà mình thích thì mình chọn người đó làm thần tượng, vậy bây giờ Khánh An muốn đặt một câu hỏi là chẳng hạn như cái đức tính đó chẳng may một lúc nào đó mình biết là không có thật thì lúc đó tình hình sẽ là như thế nào? Ví dụ trở lại với chuyện Hồ Chí Minh chẳng hạn, bạn nói là cái đức tính khiêm tốn đi, hay là giản dị đi, bạn vì cái đức tính đó mà bạn thần tượng Hồ Chí Minh, bây giờ nếu như vì một lý do nào đó bạn phát hiện ra là Hồ Chí Minh không giản dị như vậy thì liệu lúc đó bạn sẽ như thế nào?
Hâm mộ một thần tượng nào đó thì quan trọng nhất là tính cách của người đó, nhưng đơn giản là nếu mà cái tính cách đó không còn nữa thì tại sao phải hâm mộ người đó nữa.
Bạn Đông
Hoàng: Nó sẽ là một cú sốc về mặt tâm lý đó. Bởi vì nó đã là cái hình ảnh sống ở trong người mình, nếu không muốn nói là nó nuôi cuộc sống của mình, thì nếu mà lúc phát hiện ra đó là đồ dỏm thì mình cũng hơi thất vọng. Nhưng mà như em nói rồi, thần tượng có thể không cần phải điều đó (điều khiến mình thần tượng) có thực hay không thực nữa, mà nó là một hình ảnh, một phiên bản mà mình sở hữu, có nghĩa là bên ngoài nó có thực hay không thì mình không biết, nhưng khi tôi copy từ bên ngoài vào và tôi sở hữu luôn hình ảnh đó thì cái phiên bản ở bên ngoài có thể mất đi, nhưng cái phiên bản sở hữu trong người mình vẫn còn. Ví dụ thấy cô ca sĩ có cái sống mũi đẹp quá, mình ấn tượng mãi cái sống mũi đó và mình lưu giữ trong người mình hình ảnh của cô ca sĩ. Ví dụ sau này phát hiện ra là cô đã đi phẫu thuật thẩm mỹ cả trăm lần thì hình ảnh cái sống mũi đó vẫn cứ sống mãi trong đầu của mình chứ không mắc mớ gì phải mất đi theo cái sự thật ở bên ngoài.
Khánh An: Hoàng nói điều đó có thể là vì Hoàng không xem người đó thật sự là một thần tượng, phải không? Tại vì nếu như bạn thật sự xem người nào đó là một thần tượng và khi mà thần tượng sụp đổ thì nếu như cái lý thuyết mà Hoàng nói là đúng thì sẽ không bao giờ xảy ra chuyện bao nhiêu các bạn tuổi teen đã tự tử chỉ vì một thần tượng của mình tự tử, phải không?
Hoàng: Đúng rồi, cái mức độ sống chết vì thần tượng thì không có ở em rồi đó.
Khánh An: Đó. Các bạn khác, không biết các bạn nghĩ như thế nào nếu như chẳng may một đức tính, một đặc điểm của người mình hâm mộ mất đi, mình sẽ như thế nào?
Thái Hà: Em nghĩ là cái tình cảm thần tượng giữa mình và một người thì đó cũng là (một loại) tình cảm, đúng không, thì tình cảm đó cũng có mức độ. Nếu bạn chỉ thần tượng như vừa nãy bạn nói, tức là mình thần tượng cái bóng của người ta, thì nếu như mình chỉ đam mê cái bóng đó, mình mến mộ cái bóng đó thì khi mà cái bóng đó nó bị méo mó hoặc nó bị suy suyển gì thì chúng ta lập tức đổi hướng thần tượng hoặc cảm thấy sụp đổ ngay. Còn nếu như chúng ta vừa là hâm mộ vừa là tình cảm mến nữa như là giữa hai con người thì khi mà đức tính đó thay đổi thì mình cũng cảm thấy là sau cú sốc đó thì mình sẽ cân bằng lại ngay và sẽ dành cái tình cảm đó theo hướng tích cực hơn.
Khánh An: Cảm ơn Thái Hà. Đông có ý kiến thế nào?
Đông: Theo em thì mình yêu quý, hâm mộ một thần tượng nào đó thì hâm mộ nhất, quan trọng nhất là tính cách của người đó, nhưng đơn giản là nếu mà cái tính cách đó không còn nữa thì tại sao phải hâm mộ người đó nữa? Em không có chạy theo giống như là mù quáng, ví dụ người đó không còn (xứng đáng là thần tượng) nhưng mà có một số người không muốn chấp nhận sự thật là người đó đã thay đổi, vẫn cứ bao che (như vậy) là không có đúng. Ví dụ tính cách người đó mình phát hiện là không có đúng như vậy nữa thì đó không phải thần tượng mà mình muốn và mình sẽ không hâm mộ nữa thôi.
Lý tưởng hóa

Khánh An: Nói cách khác, khi mà bạn hâm mộ một người thì bạn không phải là ôm khư khư người đó và nhắm mắt lại, không nhìn nữa phải không, mà bạn vẫn mở rộng ra để có thể tiếp nhận những ý kiến, những cái thay đổi?
Đông: Dạ.
Khánh An: Hải Di, không biết Hải Di nghĩ làm sao?
Hải Di: À, Hải Di có một câu hỏi với bạn Đông là giả sử bạn Đông có vô tình nhìn thấy được một số trang web hoặc tài liệu nào đó nói về Bác Hồ của bạn có những hình ảnh hơi khác với hình ảnh bạn đã từng biết thông qua ti-vi hoặc là qua sách vở bạn học, thì bạn Đông sẽ đọc tiếp và tìm hiểu hay là sẽ xem đó là dối trá hoặc là đóng lại?
Đông: Dĩ nhiên mình sẽ đọc cho hết rồi mình sẽ coi ra sao. Nếu mà với đức tính đó thì có thật hay không. Bác Hồ luôn luôn là hình ảnh tốt đẹp, giống như trên mạng bây giờ ở trên You Tube có nhiều cái clip nói về sự phản động của Hồ Chí Minh thì mình cũng xem qua, mình thấy cũng buồn, mà mình cũng luôn luôn nghĩ rằng Bác Hồ là người như vậy tại vì những cái đóng góp của Bác Hồ cho Việt Nam thì nó đã được chứng mình như thế rồi.
Khánh An: À, mình muốn hỏi bạn Đông là khi bạn xem những cái clip như vậy ở trên You Tube thì tại sao bạn lại cảm thấy buồn?
Dù là thần tượng đi nữa thì không thể để họ bao trùm lên đời sống của mình. Đó chỉ là một phần trong đời sống tinh thần của mình thôi.
Bạn Thái Hà
Đông: Vì đa số các clip đó được "post" bởi những người Việt Nam và những người Việt Nam đó sống trên mảnh đất do Bác Hồ không hẳn tạo ra nhưng mà có nghĩa là gầy dựng nên, đang ngồi trên mảnh đất như vậy, đang nói tiếng Việt mà lại đem ngôn ngữ Việt đó ra mà có thể khích bác lại một lãnh tụ như vậy, cái người đã tạo cho những người đó những cơ hội để sống như vậy.
Hoàng: Hoàng nghĩ cái tình cảm của Đông dành cho Bác Hồ là cái gì đó rất là quý thôi, nhưng mà đánh giá của Đông về vai trò của một người lãnh tụ như là một người gầy dựng lên một sản nghiệp thì mình thấy nó vẫn còn mang đậm tư tưởng phong kiến, giống như là những triều đại họ lật đổ triều đại trước để kế vị. Cái tư tưởng đó còn phong kiến quá, trong khi ngay cả Bác Hồ thì cũng đã nói rất rõ là "tôi chỉ là đầy tớ nhân dân", thỉnh thoảng thì cũng có nói là "người cha già của dân tộc", nhưng mà thường thì nói là "đầy tớ của nhân dân", có nghĩa là ngay cả Bác Hồ cũng không thừa nhận mình là người gầy dựng nên sản nghiệp này, cho nên khi mà mình thần tượng Bác Hồ nhưng mà mình có cho Bác Hồ đứng ở cái vị trí mà ổng khẳng định hay không.
Khánh An: Bạn Hoàng nói như vậy thì Đông nghĩ là nó có đúng với bạn không?
Đông: Tôi nghĩ thì một phần nó cũng đúng tại vì Bác Hồ không phải là người duy nhất tạo nên Việt Nam vì trước Bác Hồ còn rất nhiều người nữa và em thấy nó cũng có một phần đúng.
Hoàng: Nhưng mà ý Hoàng muốn nhấn mạnh cái ý này, có nghĩa là một mặt Đông thần tượng Bác Hồ, một mặt khác có cảm giác như Đông vẫn không muốn cho Bác Hồ đứng vào cái vị trí mà Bác Hồ vẫn thường tuyên bố là "tôi chỉ là người đầy tớ của nhân dân". Có cái gì đó mâu thuẫn không?
Khánh An: Khánh An muốn hỏi bạn là Đông vừa mới nói Đông buồn là vì những người đã bỏ những video clip lên đó là người Việt Nam, sống trên đất Việt Nam mà lại làm như vậy, có nghĩa là một cách nào đó, một cách gián tiếp bạn cho rằng những cái clip như thế là sai sự thật hay là không đáng để xem, phải không? Không đáng để "post" lên?
Đông: Dạ vâng. Những cái clip đó nói những điều còn tồi tệ hơn người bình thường mình, nó không những sai sự thực mà còn nói xấu một người mà giống như những người bình thường khác mà nó tệ hơn vậy vậy nữa.
Khánh An: Chẳng hạn như điều gì mà bạn cho là tệ hơn người bình thường?
Đông: Dạ, những cái từ đó không được đẹp nên em không dám nói ra vì nó toàn là những từ nói tục, những từ rất là bậy bạ.
Khánh An: Ồ, có nghĩa là những clip đó dùng những từ ngữ không được đẹp?
Đông: Dạ.
Khánh An: Còn cái nội dung thì nó như thế nào? Sao ạ? Di muốn nói gì, phải không?
Em nghĩ là xem thần tượng như những món quà mà tôi bắt gặp được trong cuộc sống của mình, cũng là làm giàu thêm cái vốn sống, cái hiểu biết và cái nhân cách của mình.
Bạn Hoàng
Hải Di: Di định nói là trên You Tube hiện nay có rất nhiều các clip về Hồ Chí Minh, tất nhiên là cũng có những clip chửi bậy, dùng nhiều từ tục tĩu như bạn Đông vừa nói, nhưng bên cạnh đó cũng có những clip khác không dùng từ tục nhưng mà cũng nói về những hình ảnh không giống với hình ảnh Hồ Chí Minh mà bạn được biêt, thì bạn Đông có xem những clip đó không và bạn Đông cảm thấy như thế nào?
Đông: Mình chỉ mới xem qua một số clip, nói một số hơi nhiều nhưng thật ra mới chỉ xem một hai clip thôi và mình cũng chưa xem được những clip như bạn Di nói.
Hoàng: Hoàng muốn nói một câu, Hoàng thấy chuyện này cũng bình thường thôi, cũng không có gì. Khi mà tôi thần tượng một người thì tôi có xu hướng muốn bảo vệ hình ảnh người đó đối với tôi, mặc dù đôi khi cái mong muốn đó nó trở nên tiêu cực nếu mà nó không khớp với thực tế. Nhưng chắc chắn rằng khi tôi thần tượng một người là tôi muốn tìm thấy ở người đó một cái gì đó rất lý tưởng và rất đẹp, đẹp từ đầu tới chân. Và tôi có xu hướng muốn bảo vệ hình ảnh đó cho riêng mình, cho nên nếu mà đừng nói gì, bây giờ giả tỷ Hoàng thần tượng Khánh An đi thì mặc nhiên là Hoàng sẽ...
Khánh An: Ai nói xấu Khánh An là Hoàng không chịu, phải không?
Hoàng: …Ý Hoàng nói là Hoàng có thể Hoàng không biết Khánh An, có thể chỉ nghe qua giọng nói nhưng tự động lúc đó mình sẽ phác họa một con người đúng nghĩa của mình, cho nên Hoàng mới nói là cái phiên bản đó là của riêng của mình mà mình sở hữu và mình có xu hướng bảo vệ cái phiên bản đó. Chuyện đó là bình thường thôi chỉ có điều là đừng để cho nó đến mức quá tiêu cực đến cái độ nó thành cái hàng rào vô hình mà tự mình đặt ra cho mình.
"Tôi làm chủ cuộc đời của tôi"

Khánh An: Vâng. Bạn có nghĩ rằng cái ảnh hưởng của thần tượng trên bạn là luôn luôn tích cực hay không? Hay là cũng có khi nó tác động tiêu cực?
Hoàng: Cái đó nó tùy ở mức độ sâu về thần tượng đó chị. Như cái mức độ của em thì thú thật em chỉ nghĩ rằng một người thần tượng là cái quà tặng mà mình bắt gặp được trong cuộc sống của mình, còn việc làm chủ cuộc đời của mình là phải "tôi làm chủ cuộc đời của tôi" chứ không phải thần tượng của tôi làm chủ cuộc đời của tôi được.
Thái Hà: Bản thân mình thì mình thấy là những người mình tạm coi là có những tình cảm giống như là với thần tượng thì đều là những người mình được tiếp xúc trực tiếp, hoặc ít nhất là mình chứng kiến cái hành vi ứng xử của họ hàng ngày thì bản thân mình phải thấy là tác động tích cực đã thì mình mới có tình cảm mến mộ đối với họ. Mình không có thói quen là đi hâm mộ một cái hình ảnh chính người ta muốn xây dựng trong mắt người khác, bởi vì đó là cái hình ảnh người ta chủ ý muốn đem lại cho bạn là trong mắt bạn thì người ta sẽ như thế. Thì thực ra nếu mình thích môt hình ảnh như thế thì cũng được thôi nhưng mà trên thực tế nó không được bền vững và cái tác động của nó lên mình thì nó không được tích cực.
Khánh An: Hải Di?
Hải Di: Khi tôi ngưỡng mộ người nào đó thì tôi thực sự không quan tâm đến tính cách hoặc là cuộc đời thật của họ như thế nào, tức là họ cư xử như thế nào thì rất khó mà biết được. Cho nên khi mà đọc thấy báo chí nói chuyện thí dụ như ca sĩ này chửi thề chẳng hạn, thì tôi không quan tâm lắm tại vì tôi không có lý tưởng hóa họ. Họ chỉ là những người bình thường. Tôi ngưỡng mộ họ về những gì họ đã làm được. Cho nên đối với tôi thì thần tượng giống như một đòn bẫy hoặc một động lực để tôi tiếp tục cố gắng lên.
Khánh An: Như vậy bây giờ mình có thể kết luận được không, là một thái độ như thế nào theo bạn là thích hợp để mình có thể có được những cái ảnh hưởng tích cực trong đời sống thực của mình?
Hoàng: Em nghĩ là xem thần tượng như những món quà mà tôi bắt gặp được trong cuộc sống của mình, cũng là làm giàu thêm cái vốn sống, cái hiểu biết và cái nhân cách của mình.
Khánh An: Cảm ơn Hoàng. Còn Thái Hà?
Thái Hà: Đã là thần tượng thì mình nghĩ là đó là hình ảnh đẹp ở trong mỗi người, nhưng mà tình cảm đó thì phải đúng mực. Dù là thần tượng đi nữa thì không thể để họ bao trùm lên đời sống của mình. Đó chỉ là một phần trong đời sống tinh thần của mình thôi. Đã là đời sống tinh thần thì tiếp thu cái gì, nó cũng giống như ăn một món ăn, thì phải ăn cái gì để cho nó bổ dưỡng vào cơ thể của mình và tâm hồn của mình. Đúng như là bạn Hoàng nói đấy ạ, mình rất đồng ý đấy là món quà của cuộc sống, món quà của đời sống tinh thần của mình.
Khánh An: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đến với chương trình Cafe Wifi ngày hôm nay. Hy vọng và chúc cho các bạn sẽ học được những điều có ảnh hưởng tích cực lên đời sống thường nhật của bạn từ những người mà các bạn mến mộ.
Theo dòng thời sự:
- GS Ngô Bảo Châu có là thần tượng của giới trẻ Việt Nam?
- Life Art: Nghệ thuật sống độc lập và sáng tạo
- Viết vội về Diego Maradona
- Phương Vy - "Thần tượng âm nhạc Việt Nam"
- GS Ngô Bảo Châu đoạt giải "Nobel toán học"
- Nghĩ gì từ "Sự kiện Ngô Bảo Châu"?
- Một nền sư phạm thiếu lý luận?
- Giáo dục Việt Nam theo nhận định của các Đại học Mỹ