Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam

Khánh An rất vui được chào đón các bạn đến với Chương Trình Cafe Wifi. Ngày hôm nay, tụi mình sẽ nói về những câu chuyện xung quanh vấn đề giáo dục.

0:00 / 0:00

Bây giờ thì Khánh An mời các bạn tự giới thiệu về bản thân mình một chút.

Đạt: Đạt chào tất cả các bạn. Đạt hiện tại đang ở Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đạt năm nay 22 tuổi và đang là sinh viên năm thứ hai Trường Cao Đẳng Kinh Tế Đối Ngoại.

Ân: Chào mọi người. Ân hiện nay là sinh viên năm thứ ba của Trường Quản lý Kinh doanh Hà Nội.

Hương: Xin chào các bạn. Hương năm nay 21 tuổi. Hiện tại tớ đang là sinh viên học liên thông của Trường Đại Học Kinh tế Kỹ thuật Công Nghiệp, hiện đang ở Hà Nội.

Hoàng: Xin chào các bạn. Hoàng 28 tuổi, vẫn còn đi học, hiện đang là nghiên cứu sinh ở Pháp.

“Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”!

Khánh An: Khánh An rất vui chào đón các bạn vào Cafe Wifi ngày hôm nay. Bây giờ Khánh An hỏi một câu rằng, các bạn có biết là mình sắp sửa có bộ trưởng giáo dục mới không?

Ân: Em có nghe rồi, chị ạ.

Khánh An: Các bạn khác thì sao?

Đạt: Đạt chưa nghe gì cả!

Khánh An: Các bạn có quan tâm tới tin tức này không?

Đạt: Nếu có nghe thì Đạt cũng không quan tâm lắm.

Khánh An: Tại sao vậy, Đạt?

Đạt: Tại vì mình không quan tâm chứ không có lý do gì hết. (Cười).

Khánh An: Bạn không nghĩ rằng bộ trưởng giáo dục là một người rất quan trọng, có một tác động rất lớn trên ngành giáo dục, tác động trực tiếp lên công việc học hành và cuộc sống của mình à?

Đạt: Đạt có nghĩ chứ, nhưng mà Đạt thấy dân gian Việt Nam có câu là "sóng trước đổ đâu sóng sau ngã đấy", Đạt nghĩ cũng vậy thôi ạ.

Sách giáo khoa cải cách xong, thời gian sau người ta không biết phải cải cách làm sao nữa hết, bởi vì bây giờ nó cứ giống như đi ngược. Thành thử ra bây giờ vực cho nó trở lại thời điểm trước đã là cải cách rồi đó.

Hoàng – nghiên cứu sinh ở Pháp

Khánh An: Các bạn khác nghĩ như thế nào?

Ân: Thật ra, khi em nghe rằng Bộ trưởng Nhân sắp thôi chức Bộ Trưởng GD&ĐT và có thể là ông Phạm Vũ Luận sẽ lên làm bộ trưởng thay cho ông Nhân, thì thật ra em không nghĩ gì cả. Em chỉ đọc nó xem như nó như một tin tức trên báo hàng ngày thôi, bởi vì như anh Đạt có nói lúc nãy đấy, tức là "sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy". Ai lên làm vua thì mình vẫn như thế thôi, em cũng nghĩ như vậy.

Như chị Khánh An có nói, bộ trưởng là một người rất có vai trò trong định hướng và điều hành của một bộ, hoặc có những chính sách này nọ. Em thì thấy rằng, ở nước khác có thể là như vậy, nhưng thực sự ở Việt Nam, khi ông này lên và một ông kia xuống thì nó vẫn không khá được bao nhiêu cả. Theo như em để ý thì Bộ trưởng Nhân khi lên chức, có đề ra được vài phương án để cải cách hay để chống các vấn nạn, chẳng hạn như trong thi cử hay trong bệnh thành tích, chứ cũng không thấy ông ấy làm được cái gì cho sinh viên cả và các chương trình học thì cũng vẫn như thế thôi. Nó hơi phí thời gian và có thể nói là phí cả chất xám của sinh viên nữa.

Cải cách của cải cách

noikhong-dtdl.edu.vn-250
"Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích" là khẩu hiệu được giăng khắp nơi năm học 2006 - 2007. Photo courtesy of dtdl.edu.vn ("Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích" là khẩu hiệu được giăng khắp nơi năm học 2006 - 2007. Photo courtesy of dtdl.edu.vn)

Khánh An: Nhân nói đến chuyện Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, lúc mới đầu, khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Giáo dục thì dư luận, đặc biệt là các bạn sinh viên rất ủng hộ và người ta đặt rất nhiều kỳ vọng lên ông. Vậy các bạn đánh giá như thế nào trong thời gian Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đương chức?

Đạt: Trước tiên, Đạt rất là cảm kích và ca ngợi ông Nguyễn Thiện Nhân, bởi vì đợt ông lên làm bộ trưởng thì cái quy chế thi ở trong đào tạo hình như đã loại bỏ cách thi học kỳ, tức là ở trung học cơ sở, thi học kỳ chỉ thi một lần chứ không phải hai lần như ngày xưa.

Cái đó thì Đạt thấy rất phù hợp với xã hội bây giờ, nó làm cho học sinh có tâm lý thoải mái nhiều hơn khi mà không phải đối đầu với những kỳ thi liên tục với nhau. Cái đó là mặt tích cực. Tuy nhiên, Đạt cũng nhận thấy trong khi ông nắm chức bộ trưởng thì có một vấn đề xảy ra, đó là cải cách giáo dục.

Đối với đối tượng là trung học phổ thông thì Đạt chưa biết, nhưng mà từ trung học cơ sở trở xuống, tất cả sách vở đều được cải cách và cải cách như thế nào thì tất cả các bạn hay người dân Việt Nam nào cũng biết, đó là học sinh phải học bù đầu bù cổ, rất nhiều sách vở dày cộm lên.

Học sinh khi vào lớp một là phải biết đọc biết viết rồi, tức là giáo dục đã là một cái quy chế đè nặng lên tất cả các học sinh con em con cháu của chúng ta. Hơn thế nữa, nội dung trong những quyển sách đã được phê duyệt thì rất xa vời thực tế, nó quá khả năng nhận thức, quá khả năng của con trẻ Việt Nam chúng ta.



- Ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ 28/6/2006
- Năm học 2006 - 2007 ông thực hiện cuộc vận động “hai không”: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích"
- Năm học 2007 - 2008 là "năm không": "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích ; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc "ngồi nhầm lớp"; đào tạo không theo nhu cầu xã hội”

Khánh An: Vâng. Còn các bạn khác nhận xét như thế nào về những dấu ấn của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong thời gian vừa qua?

Hoàng: Khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa mới lên nắm chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì phải nói là cả nước đặt rất nhiều hy vọng vào bộ trưởng này. Sự kiện đấy nói lên hai điều. Thứ nhất, tình trạng giáo dục lúc đó đứng trước một yêu cầu rất bức thiết là phải cải cách, phải thay đổi để có thể bắt được nhịp với thế giới, nhưng mà có một điều có lẽ không nhiều người muốn nhắc tới, đó là ông bộ trưởng cũ quá tệ, bởi vì có vậy, người ta mới hy vọng vào ông bộ trưởng mới này, may ra còn vớt vát được một tí cho giáo dục.

Cho nên, khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lên giữ chức lãnh đạo ngành giáo dục thì Bộ trưởng Nhân đề ra rất nhiều chủ trương, rất nhiều câu khẩu hiệu mà mình nghe thấy ngộp thở, mới đầu là "một không", rồi "hai không", rồi "ba không", hình như có đến "năm không" lận đó. Người ta nói vui là sao không thấy có cái nào "có" mà toàn là "không"!

Mà thực ra, mấy cái đề ra đó đâu phải là phát minh gì đâu, chẳng qua là hồi giờ người ta, thí dụ như là "nói không trong gian lận thì cử", "nói không với bệnh thành tích", mấy cái đó thì đã phải nói “không” từ ngàn năm nay rồi, chứ đâu phải tới giờ mới "không" đâu, thành thử em thấy chẳng qua là nói ra cái điều mà người ta không nói thôi, chứ không phải là cái gì mới.

Và có một cái điều rất buồn cười là trong câu khẩu hiệu "nói không với bệnh thành tích" mà từ khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tung ra câu đó thì tất cả các trường, các cơ sở đào tạo đều căng một cái bảng, lúc đó em còn học ở Sài Gòn, căng một cái bảng rất lớn là "nói không với thành tích", mà cơ sở nào cũng căng hết thì em thấy nội cái việc đồng loạt như vậy đã là thành tích rồi. (Tất cả cùng cười)

Mình không để ý thì thôi nhưng mà để ý thì thấy rất là buồn cười, ai cũng căng cái bảng đó hết trơn, mà cái việc đó không thôi đã thấy có gì bất thường rồi. Em không có ấn tượng nhiều lắm về Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

SGK_NXBGD-250
Sách giáo khoa được cải cách thường xuyên. Photo courtesy of nxbgd.vn (Sách giáo khoa được cải cách thường xuyên. Photo courtesy of nxbgd.vn)

Rồi cải cách sách giáo khoa, trời ơi, sách giáo khoa cải cách xong, thời gian sau người ta không biết phải cải cách làm sao nữa hết, bởi vì bây giờ nó cứ giống như đi ngược. Thành thử ra bây giờ vực cho nó trở lại thời điểm trước đã là cải cách rồi đó, chưa cần phải ra cái mới nữa.

Cho nên, trong suy nghĩ, trong cái nhìn của em, em không đánh giá cao Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, rồi sau đó lại kiêm luôn cái chức phó thủ tướng. Sau này mới nghe đây là phải bỏ cái chức bộ trưởng để tập trung cho chức phó thủ tướng. Rõ ràng đó là một sự lựa chọn, có nghĩa là, tập trung cho bộ trưởng bộ giáo dục hay là tập trung cho chức phó thủ tướng; ở đây mình không nói chức nào quyền lực cao hơn, mà rõ ràng đây là một sự lựa chọn bỏ cái này, lấy cái kia.

Từ sự lựa chọn đó, em cảm giác người bộ trưởng này chẳng tha thiết gì với ngành giáo dục này, chẳng qua nó là cái nấc thang để bước lên thôi. Em thấy tội cho ngành giáo dục lắm!

Nói nhiều làm ít

Khánh An: Hương nghĩ như thế nào về những ý kiến của các bạn vừa rồi?

Hương: Mình nói thật là từ khi đi học đại học ra đây, tớ không hay chú ý đến các thông tin về giáo dục các thứ đâu. Tớ chỉ thỉnh thoảng lên mạng đọc cũng gọi là chỉ để biết thôi, ví dụ như năm nay thi tốt nghiệp môn gì chẳng hạn, chứ cũng không chú tâm nhiều đến chuyện là bộ trưởng đã làm được cái gì cho ngành giáo dục. Nhưng mà những cái mọi người nói thì năm nào cũng thấy ra những cái "không" nhưng mà thấy nhiều cái vẫn không thực hiện được, tức là các trường, ví dụ kể cả trường cấp ba của mình cũng thế, mình cũng thấy rất nhiều tiêu cực, giáo viên cũng có nói, nhưng mà họ cũng đâu có thực hiện được đâu.

Họ không làm được gì nhiều cả. Ông Nhân cũng chỉ là người đề ra được các khẩu hiệu nhưng mà làm một cách không triệt để. Khi thi cử người ta vẫn giở tài liệu nếu có thể giở được, hoặc vẫn có thể bày cho nhau nếu có thể bày được.

Ân - SV trường Quản Lý KD Hà Nội

Khánh An: Vâng. Còn Ân? Ân nghĩ như thế nào Ân?

Ân: Như các anh Hoàng và anh Đạt nói đấy, khi ông Nhân lên, người ta rất hy vọng vào ông ấy, cũng như năm 2006, khi ông Dũng lên làm thủ tướng, người ta cũng hy vọng nhiều, bởi vì người ta tin vào sức trẻ và ý chí trẻ của họ. Nhưng mà họ nói thì, theo như em nghĩ, cái ý kiến riêng của em đấy, có thể nó hơi cực đoan, đấy chính họ nói mà họ chẳng làm.

Họ không làm được gì nhiều cả. Ông Nhân cũng chỉ là người đề ra được các khẩu hiệu và cũng có thực hiện được, nhưng mà làm một cách không triệt để. Bởi vì cho đến nay thì kể như, không nói gì xa mà ngay như lớp của em đấy, khi thi cử người ta vẫn giở tài liệu nếu có thể giở được, hoặc vẫn có thể bày cho nhau nếu có thể bày được.

Nói như thế có thể thấy rằng nó thành một cái chung cho cả nước Việt Nam này rồi và khi người ta muốn bỏ việc ấy, thì không chỉ nói mà phải làm nữa. Khi ông Nhân ổng nói như thế thì từ ông bộ trưởng xuống đến ông thứ trưởng và đến các ông vụ trưởng, các trường học, người ta làm theo lệnh thôi…

Khánh An: Quý vị và các bạn thân mến, đã đến giờ Cafe Wifi phải tạm chia tay với quý vị và các bạn rồi, Khánh An và các bạn Ân, Đạt, Hoàng và Hương hẹn tái ngộ vào kỳ Cafe Wifi lần tới nhé!

Mong được đón nhận những ý kiến đóng góp và sự tham gia của các bạn qua email chương trình là wificoffee.rfa@gmail.com hoặc các bạn có thể email về Ban Việt Ngữ ở địa chỉ vietweb@rfa.org

Khánh An xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Theo dòng thời sự: