Khánh An rất vui được tái ngộ với quý vị và các bạn trong chương trình Café Wifi. Khánh An xin mời hai vị tự giới thiệu ạ.
Giáo viên Dương: Mình tên Dương, giáo viên dạy trường cao đẳng ở Nha Trang. Mình dạy toán cũng được gần 10 năm.
Cô Xuân Mai: Dạ. Con kính lời thăm Bác Phạm Toàn.
Nhà giáo Phạm Toàn: Dạ.
Cô Xuân Mai: Có phải bác Phạm Toàn là người đứng ra lập trang mạng Bauxite Việt Nam không?
Nhà giáo Phạm Toàn: Thưa, phải ạ.
Cô Xuân Mai: Với giáo sư Nguyễn Huệ Chi phải không bác?
Nhà giáo Phạm Toàn: Vâng. Nhưng, tôi xin lỗi cắt một tí. Cái bauxite đấy là 1% của đời tôi, còn 90% đời tôi là giáo dục và văn chương.
Cô Xuân Mai: Dạ. Con xin phép bác Phạm Toàn. Con tên là Xuân Mai, dạy ở một trường làng ven đồng bằng sông Cửu Long, gần cầu Mỹ Thuận. Con dạy môn hóa.
Giảm tải cho học sinh
Khánh An: Xin cảm ơn cô Xuân Mai. Trở lại với chương trình Cafe Wifi, lần trước, sau ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn bàn về phương cách chống tiêu cực trong giáo dục thì chúng ta đang tạm dừng lại ý kiến của thầy giáo Đỗ Việt Khoa về những vướng mắc mà nhiều giáo viên Việt Nam hiện đang hàng ngày gặp phải như sau:
Giảm tải bằng thay đổi cách học chứ không phải giảm tải bằng giảm tiết. Anh giảm tiết mà anh không thay đổi được cách học của trẻ con thì anh không giảm được.
Nhà giáo Phạm Toàn
Thầy Đỗ Việt Khoa: …Đặc biệt là đầu ra của học sinh của chúng cháu bị khoán, nghĩa là học xong phải để thi cái này thi cái kia và các cháu phải làm thế nào giải được bài thi tốt nghiệp và giải được bài thi đại học mà có ngần này dạng thôi nên cuối cùng nó sinh ra bị gò bó, không thoát được. Cho nên, cải cách rất là khó vì chúng ta trở thành một cái mẫu chung từ hàng chục năm nay rồi. Mọi người rất khó mà thoát ra được điều đó! Cháu cũng xin hầu bác thêm một ý, lúc nãy Bác có nói về biên soạn sách giáo khoa, thực ra các bộ môn khác cháu không nắm được hết, nhưng mà bộ môn của cháu, cháu dạy THPT hiện nay thì cháu có thể thấy cái môn Địa ở THPT của cháu người ta viết sách tương đối tốt, cũng cập nhật nhiều cái mới, mới hơn nhiều, rộng hơn nhiều so với cái cũ ngày xưa. Tuy nhiên, cháu chỉ phê bình là thời lượng ở phổ thông như thế là hơi nhiều, không cần thiết. Cái này nếu trên có ý kiến giảm bớt, giảm tải chương trình thì là hợp lý đấy, dồn một số tiết không cần thiết lại với nhau hoặc là những tiết nào vô giá trị thì bỏ bớt đi.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi sợ là về phương diện nghiệp vụ, chỗ này anh cũng lại mắc sai lầm. Giảm tải bằng thay đổi cách học chứ không phải giảm tải bằng giảm tiết. Anh giảm tiết mà anh không thay đổi được cách học của trẻ con thì anh không giảm được cái gì hết; nhưng nếu như anh thay được cách học thì ngay từ Lớp Một, trẻ đã có đầu óc của một người Đại Học rồi.
Khánh An: Dạ vâng. Thưa Bác, Khánh An có thể nói được không? Vì anh Khoa đã đặt đến một vấn đề là học với khối lượng hơi nhiều, thì thưa bác Phạm Toàn, Khánh An cũng đã nghe có nhiều người bạn khác cũng nói rằng dạo gần đây, giáo dục của mình có coi lại chương trình và thấy rằng chương trình trước đây không hợp lý. Họ thấy thiếu nhiều quá cho nên đã rút ngắn thời gian bằng cách mà người bạn này dùng từ là "dội bom". Họ "dội bom" vào trong chương trình, họ dồn rất nhiều. Việc dồn và dội bom đó rất phi lý đối với một đưa trẻ mà trước giờ nó học như thế này, bây giờ bỗng dưng một lúc nó phải tống một khối lượng gấp mấy lần trước đây vào đầu óc vốn đã quen cách học ít thôi. Bác nói rằng thay đổi cách học, nhưng cái thay đổi này mình có thể làm được trong một sớm một chiều không, thưa bác? Hay là khối lượng kiến thức như thế liệu có hợp lý không ạ?

Thay đổi cách học
Nhà giáo Phạm Toàn: Vâng. Thế tôi định nghĩa "thay đổi cách học" nghĩa là thế này nhé, không phải học là thu thập kiến thức mà là học cái cách thu thập kiến thức. Hiện nay ta nghĩ đến bao nhiêu tiết, tăng tiết là vì ta nghĩ đến khối lượng kiến thức. Thế nhưng nếu bây giờ ta nghĩ đến làm thế nào để có khối lượng kiến thức thì lúc ấy nó sẽ thay đổi về cách nghĩ. Bây giờ, khối lượng kiến thức cũng giống như là ta phải đi từ đây sang Mỹ, giống như cái chặng đường dài đấy. Thế bây giờ ta nghĩ phải đi hết bao nhiêu tháng? Nếu nghĩ theo lối đi bộ thì phải một đời người, nếu nghĩ theo lối đi thuyền thì phải độ nửa đời người, nhưng nếu đi theo máy bay thì nó khác. Thế cho nên là nghĩ ở đời này trong giáo dục là nghĩ về cái cách làm giáo dục chứ không phải là nghĩ về làm những gì.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Vâng ạ. Cảm ơn bác Toàn. Cháu có quan điểm như thế này. Thưa bác, những giáo viên đang đứng trên lớp như bọn cháu đây này đang chịu một áp lực rất là khó, buổi hôm nay phải dạy tiết gì này, dạy bài gì, phải dạy đúng sách giáo khoa, bọn cháu trở thành cái máy nói theo sách giáo khoa.
Tôi định nghĩa "thay đổi cách học" nghĩa là thế này nhé, không phải học là thu thập kiến thức mà là học cái cách thu thập kiến thức.
Nhà giáo Phạm Toàn
Nhà giáo Phạm Toàn: Tức là chúng ta bị kẹt nhé.
Khánh An: Đúng. Chính xác.
Nhà giáo Phạm Toàn: Chúng ta bị trên đe dưới búa mà cái bộ phận nó phải làm cái cải cách giáo dục đấy thì nó không biết cách làm.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng rồi.
Nhà giáo Phạm Toàn: Đấy, tình hình là như thế. Thế thì phải nói đúng cái bệnh là như thế. Đúng cái bệnh là thế này, đáng nhẽ ra nó phải nghiên cứu cải cách giáo dục thì nó lại nghĩ chuyện nghiên cứu đi thăm nước ngoài để xem cải tổ quản lý… tiêu không biết bao nhiều triệu đô la. Thế thì, đáng nhẽ ra phải có một cái trường thực nghiệm, phải có những người tâm huyết để nghiên cứu từ Lớp 1 đến Lớp 12, nghiên cứu cách học ở từng lớp, từng môn, nó thay đổi như thế nào, nó đi theo cái hướng nào. Thế thì cái đó, cả cái Bộ Giáo dục có nơi nào thực nghiệm đâu? Tôi đố anh tìm được cái Bộ Giáo dục có một trường thực nghiệm. Thế mà tất cả các trường đại học sư phạm chả có trường nào có trường thực nghiệm cả. Thế nghĩa là là họ không nghiên cứu. Thế thì chúng tôi có cái trường thực nghiệm của anh Hồ Ngọc Đại thì họ lại đòi giải tán.
Cô Xuân Mai: Cho cháu xin phép hỏi. Cháu thấy rằng cháu dạy hai mươi mấy năm rồi, cứ cải cách giáo dục, rồi cứ thay sách giáo khoa hoài, mà thực tế cháu thấy sách giáo khoa càng thay đổi thì nó càng cồng kềnh, mà nó không phù hợp với thực tế gì hết đó, bác ơi! Cho nên cháu nghe bác nói là sẽ cải cách nữa, sẽ thay sách nữa, tự nhiên cháu cảm thấy không còn lòng tin vì quá nhiều lần thay sách rồi, quá nhiều lần cải cách.

Nhà giáo Phạm Toàn: Không. Bây giờ các vị còn đương ngồi bàn nhau thay thế nào. Bàn còn lâu mới xong. Thế nhưng chủ trương của tôi là tôi sẽ làm lại một bộ sách mà trước khi tôi chết, tôi phải để lại được ít nhất độ năm sáu lớp và tôi phải đào tạo những người làm tiếp cho tôi. Đúng như chúng tôi tuyên bố, cái đóng góp của chúng tôi là bất kỳ cái gì và bất kỳ ai làm sau chúng tôi thì phải vượt chúng tôi.
Làm sao để thích học?
Giáo viên Dương: Cháu xin có một số ý kiến. Nhiều khi chúng ta quan tâm đến chương trình chúng ta dạy là gì, rồi dạy như thế nào, mà chúng ta không quan tâm chuyện người học ra sao? Người học có chịu học hay không? Người học có chịu đọc sách, có chịu học, đó là chuyện quan trọng nhất. Chúng ta thay đổi phương cách dạy, rồi thay đổi chương tình mà người học thì người ta không chịu học thì cũng như không thôi. Nói chung mọi thứ bàn vấn đề là ngay chỗ người học. Trường công, hoặc là trường chuyên hoặc trường thực nghiệm gì đó chọn gà đá, chọn gà chọi, chọn đứa ngon hết trơn rồi, học chương trình nào mà nó học chẳng giỏi, cần gì phải thực nghiệm chương trình mới chương trình cũ? Đó, đó là cái sai của chúng ta.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi chỉ xin bổ sung cho anh một tí thôi. Đúng là phải có người học thích học, nhưng nếu ta có cái cách học mà người ta thấy có kết quả thì người ta mới thích học. Chứ anh không thể dùng cái gì để làm cho người ta thích cả, không thể tiêm thuốc mê mà cũng không thể thuê nó học, chỉ có một cách làm cho nó thấy hứng thú trong việc đi tìm trí tuệ. Thế mà cái đó là vấn đề phương pháp, chứ anh không được tách phương pháp và nội dung ra làm hai. Nếu bây giờ ta có một phương pháp đúng thì trẻ con sẽ đến với nhà trường một cách hào hứng.
Vừa rồi anh nói vấn đề là phải thích học chứ gì? Đấy là cái động cơ đấy, thì cái động cơ học của trẻ con là do việc học có kết quả hay không tạo thành.
Chúng ta thay đổi phương cách dạy, rồi thay đổi chương tình mà người học thì người ta không chịu học thì cũng như không thôi.
Giáo viên Dương
Giáo viên Dương: Nhưng mà trẻ con nó nhắm vô kết quả gì? Chẳng hạn như mình là người lớn rồi thì tất nhiên mình biết được mục tiêu của mình học là gì, nhưng mà còn trẻ con thì nó chỉ đi học thôi. Trẻ con chẳng có mục đích gì cả! Còn mục đich con ngoan, trò giỏi gì gì đó là do ba mẹ nói ra thôi chớ nó gần như nó không tưởng tượng ra được đâu.
Nhà giáo Phạm Toàn: Nói luôn với anh ở chỗ mục đích của trẻ con. Mục đích của trẻ con là nằm ở cái "không mục đích" đấy, tức là ta làm cho nó cứ tưởng như là không có bài học gì cả mà nó lại có một trí tuệ thì chính đấy là tạo thành cái mục đích cho nó.
Khánh An: Vâng ạ. Khánh An cũng đồng ý với bác Toàn. Như bạn Dương mới nói đó thì cũng đâu có khác gì đâu với bác Toàn đâu! Thật ra khi bạn nói rằng trẻ con khi đi học đâu có mục đích gì đâu, chính vì vậy cho nên khi nó đi học cái quan trọng là anh phải làm sao cho nó thích, tạo cho nó cái động lực, tạo cho nó niềm đam mê...
Nhà giáo Phạm Toàn: …Tức là cái động lực của trẻ con không thể như người lớn được như "tôi tăng lương cho anh", "tôi tăng chức cho anh", " tôi giảm thuế cho anh"... Đối với trẻ con, cùng là việc học mà nó cứ như đùa vậy. Bây giờ, về Tiếng Việt, tự nó - nó ghi được Tiếng Việt chứ không phải bắt nó phải ghi, bắt nó phải học, bắt nó phải vớ vẩn như "Nào, viết chính tả!". Cái đó chả có nghĩa lý gì cả.
Thế bây giờ phải có cái cách khác, cái cách đó là của chúng tôi đấy. À, thế bây giờ tất cả mọi người đều bảo là Lớp 1 không thể học văn được thế mà Lớp 1 lại phải học văn, thế thì làm thế nào? Tại sao mọi người ăn mà nó không ăn, mọi người nghịch mà nó không nghịch, mọi người uống mà nó không uống, mọi người học văn lại cấm nó học văn, thế là thế nào?
Hôm mùng 3 tháng 6 vừa rồi, tôi có một buổi thuyết trình ở Trung Tâm Pháp ở Hà Nội là phải dạy triết học cho trẻ con. Tại sao người lớn có triết học mà trẻ con không có là thế nào? Vấn đề là cách đưa triết học vào với trẻ con. Nếu chúng ta có được cái hấp dẫn được trẻ con thì nó sẽ theo chúng ta, còn nếu chúng ta không hấp dẫn dược nó thì nó sẽ phản đối bằng cách là bỏ học, bằng cách là không thích học. Thế là những nhà giàu thì bắt đầu cho đi học thêm, bắt đầu tăng giờ, tăng buổi, tăng tiết, tăng cái phải gió phải dây gì đấy, phải không nào?
Vấn đề tất cả là thế này, nước ta có rất nhiều giáo viên nhưng chưa có nhà sư phạm. Tôi nói lại nhé và tôi chịu chịu trách nhiệm về điều đó, nước ta có rất nhiều giáo viên nhưng chưa có nhà sư phạm. Thế bây giờ phải có nhà sư phạm, mà nhà sư phạm đó phải được tự do nghiên cứu, tự do phát triển sức sống sư phạm của mình. Tất cả vấn đề là ở chỗ đó.
Khánh An: Thưa quý vị và các bạn, vừa rồi là nhận định của nhà giáo Phạm Toàn. Cafe Wifi đã đến lúc phải chia tay với quý vị rồi. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình kỳ tới để tiếp tục câu chuyện về giáo dục nhưng ở những khía cạnh khác liên quan đến vấn đề cải cách sách giáo khoa.
Khánh An mong nhận được những ý kiến đóng góp và sự tham gia của quý vị và các bạn vào Cafe Wifi. Xin quý vị và các bạn để lại ý kiến và số điện thoại ở địa chỉ email wificoffee.rfa@gmail.com hoặc vietweb@rfa.org.
Khánh An xin chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam
- Nhà giáo, nghề giáo trong xã hội ngày nay
- Sinh viên phải đóng nhiều khoản tiền ngoài học phí
- Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Số lượng hồ sơ dự thi đại học ở phía Bắc giảm mạnh
- Các bạn trẻ sẽ làm gì để đất nước phát triển?
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Giáo dục, chuyện nói hoài không hết
- Việt Nam tăng học phí mỗi năm từ giờ đến 2015