Kềm hãm sự phát triển
Khánh An: Chúng ta có thể nói rất nhiều đến chương trình giáo dục, đến sách giáo khoa, đến đủ thứ hết, nhưng theo Khánh An thì đồng lương cũng là một yếu tố rất quan trọng và nó đã kềm hãm sự phát triển của giáo dục. Các anh chị có nghĩ như thế không?
Ngoài ra, xã hội bây giờ là cái xã hội thực dụng. Người ta không tôn trọng người thầy, trong đó một yếu tố rõ ràng là người thầy quá nghèo.
Cô Xuân Mai
Cô Xuân Mai: Đúng vậy. Nó kềm hãm sự phát triển năng lực sư phạm của người giáo viên. Người giáo viên cứ lo cơm áo gạo tiền nên không có thời gian để đem hết năng lực của người ta vào trong công việc giảng dạy của mình.
Thầy Đỗ Việt Khoa: À, cái này thì tôi công nhận. Theo quan điểm của tôi, về tăng lương thì nước mình thu nhập cũng không cao, nếu bây giờ mà giáo dục tăng lương lên thì cũng rất khó, thành ra ông Nguyễn Thiện Nhân cách đây 3 năm ông có cái đề án....
Cô Xuân Mai: Ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng năm 2010 giáo viên sống đủ bằng lương đó.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng rồi. Lúc đó ông Nhân có cái đề án xin được tăng lương cho ngành giáo dục lên hệ số 1,85 giống như bên Bộ Quốc Phòng, lực lượng vũ trang, nhưng về sau Quốc Hội họp và không đồng ý vì tình hình là nếu chúng ta tăng thì y tế cũng tăng, các ngành văn hóa, khoa học kỹ thuật khác cũng đòi tăng thì ngân sách nhà nước không chịu được. Cho nên đành chấp nhận là với lương như thế này thì ta cũng dạy như thế nào đó trong phạm vi khả năng của mình.

Theo tôi thì không hẳn là giáo dục của chúng ta vừa rồi yếu kém không phải là do lương thấp; lương thấp chỉ là một phần nhỏ thôi mà cái chính là cái niềm tin, cái sự động viên, cái tiêu cực xã hội nó nhiều quá cho nên người giáo viên bây giờ người ta ngộp trong cái đó rồi. Ai đó mang hết cái nhiệt tình ra dạy cho học sinh thì người ta tưởng mang nhiệt tình ra để kiếm tiền thêm. Riêng tôi thì trên lớp tôi có quan điểm rất khác là không bao giờ tôi ra bài tập về nhà. Chúng tôi hướng dẫn các em phương pháp tự học, cố gắng truyền đến cho các em những cái không có trong sách, những cái hay, tổng kết bài học ngắn gọn thôi và hết tiết học là xong.
Cô Xuân Mai: Đúng rồi. Cách dạy của thầy cũng giống như tôi.
Khánh An: Khánh An muốn hỏi các anh chị một câu gần hơn về đời sống của các anh chị, khi các anh chị làm công việc đứng trên bục giảng như vậy, so sánh với những bạn bè, những người làm những công việc khác xung quanh, thì các anh chị có lúc nào cảm thấy mình đang chịu một sự bất công, nói về mức thu nhập đấy ạ.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Có, có chứ.
Cô Xuân Mai: Có, nhiều khi ngay cả chị nè, Khánh An, chị cảm thấy là chị có một đưa em trai nó học mới có lớp 9 thôi mà nó đi làm cho một công ty phân bón của nước ngoài, khi Tết nó về là nó lãnh được tiền thưởng là 25 triệu, trong khi mình là một giáo viên, mình dạy 27 năm rồi mà Tết về mình không có gì hết trơn, không có một đồng nào hết. Nó còn cười, nó nói chị học cho nhiều, cho dữ, rốt cuộc chị đâu có làm ra tiền như em, thấy không? Chị thấy không, em đâu có cần học nhiều mà em vẫn có tiền nhiều hơn chị.
Có người sẽ làm kinh tế thêm, hoặc là họ chân trong chân ngoài - vừa dạy trường này vừa dạy trường khác nữa. Có người thì làm những việc khác như là ép học sinh học thêm...
Thầy Đỗ Việt Khoa
Ngoài ra, xã hội bây giờ là cái xã hội thực dụng. Người ta không tôn trọng người thầy, trong đó một yếu tố rõ ràng là người thầy quá nghèo. Nhưng riêng bản thân chị, chị suy nghĩ là mình sống mình có một cái nữa là tinh thần, mình xem nó cao hơn vật chất, vừa là để an ủi mình vừa là một nguồn đông lực cho chính bản thân mình để mình sống, chứ bây giờ... Nhiều khi chị suy nghĩ mình sinh ra không phải thời, mình sinh ra trong cái thời này là một người thầy thì mình phải chịu nghèo khổ, chịu sống như vậy đó. Nhưng mà không lẽ bây giờ mình đi dạy thêm, mình đi kiếm tiền? Người thầy mình làm ngược lại với lương tâm của mình thì mình thấy là chịu không nổi.
Chủ nghĩa xã hội không tưởng
Khánh An: Vâng, cảm ơn chị vì tấm lòng của chị dành cho các em học trò cũng như dành cho nền giáo dục Việt Nam mình, vì Khánh An nghĩ rằng cũng sẽ có rất nhiều người mà người ta không lựa chọn như chị. Ở giữa cái thực tế như vậy, bây giờ con của họ bệnh, đau...
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi xin ngắt lời chỗ này. Vì đa số giáo viên chúng tôi là những người cam chịu, lương thấp, ngoài dạy học ra thì không làm gì khác, thân phận nghèo không dám đi đâu, không dám du lịch, không thông thuộc lãnh thổ nước ta từ đầu đến cuối. Cái nghèo nó cản trở nhiều thứ. Đúng như là chị Mai nói, đó là lấy cái tinh thần ra để bù đắp là ừ, tự mình an ủi mình, tự mình ru ngủ mình rằng thôi, nghề giáo thì cứ giữ sự thanh bạch. Đây là cái tư duy chung của rất nhiều thế hệ giáo viên, thế nhưng mà có một bộ phận hiện nay, một bộ phận rất là lớn giáo viên họ không chấp nhận như thế. Có người sẽ làm kinh tế thêm, hoặc là họ chân trong chân ngoài - vừa dạy trường này vừa dạy trường khác nữa. Có người thì làm những việc khác như là ép học sinh học thêm...
Cô Xuân Mai: Ép học sinh học thêm đúng rồi.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Vâng. Còn có những thầy cô khác thì thời khóa biểu đứng lớp xếp thật gọn, đến trường một tuần chỉ ba buổi thôi, còn mười mấy buổi còn lại thì ở nhà phát triển kinh tế hoặc làm một việc gì đó kinh doanh. Số này bây giờ rất đông, giáo viên người ta đều tìm một cách nào đó để làm. Có những cách hợp pháp, đáng khuyến khích, nhưng cũng có những cách thô bạo, những cách vi phạm đạo đức nhà giáo, trong đó phổ biến là cách cưỡng bức các em đi học thêm, học thêm cả những môn không đáng học.
Cô Xuân Mai: Đúng rồi. Tôi thấy học trò đi học thêm tội nghiệp quá. Không biết thầy Khoa thấy thế nào, chứ bản thân tôi là giáo viên dạy hóa nhưng không bao giờ tôi động viên các em đi học thêm. Mà nó đi học thêm, thầy cô bây giờ đa số dạy thêm là vì kinh tế chứ không có vì tình thương và trách nhiệm với các em đâu. Người ta dạy đông thật là đông, đứa nào hiểu thì hiểu, đứa nào không hiểu thì thôi. Thường thì tôi thấy nó học thêm như học vẹt không hà. Khi vô trường, có một đề thi liên quan đến thầy cô dạy thêm thì nó không biết làm, tôi thấy rõ ràng như vậy mà.

Thành ra nhiều khi tôi suy nghĩ là bây giờ mình phải làm sao đây? Đôi khi tôi buồn tôi cũng tâm sự với các giáo viên trong trường, với các đồng nghiệp, với bạn bè thì những người bạn của tôi người ta cười, người ta nói là “Cô sống lý tưởng quá, cô là người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Bây giờ tôi không có tiền thì làm sao mà tôi nuôi con tôi, nuôi vợ tôi?” Đó, phải làm kiếm tiền thôi. Mà mình là giáo viên thì mình làm sao bây giờ? Chỉ có cái là học thêm, dạy thêm!
Mà đôi khi, tôi thấy phụ huynh người ta không tôn trọng thầy cô, người ta mất niềm tin vào thầy cô. Ngay cả học trò cũng vậy, nó nghĩ rằng thầy cô là những người moi tiền của nó thôi. Thành ra vấn đề đó làm cho tôi cảm thấy rất là bức xúc, mình cảm thấy mình buồn cho ngành giáo dục của mình, nhưng mình làm sao bây giờ? Một cánh én không làm nên mùa xuân!
Nhiều khi tôi suy nghĩ mình trách thì trách ai? Mình đã chấp nhận nghề dạy học, mình đi theo guồng máy đó thì mình chỉ có hai con đường, hoặc mình đi theo cái xã hội thực dụng bây giờ, mình dạy thêm, mình kiếm tiền, mình giàu có, mình sung sướng như bạn bè mình, còn không thì mình chấp nhận nghèo khổ.
Đôi khi tôi suy nghĩ ngày xưa ông bà nội của tôi cũng là nhà giáo hồi trước năm 1975 thì cuộc sống của ông bà rất là vui vẻ, sung túc. Ông bà ở không đọc sách thôi, không có làm gì hết cho nên ông bà của tôi rất là giỏi. Là giáo viên dạy tiếng Pháp mà đầy kiến thức tất cả các môn nên môn gì dạy cũng được hết. Còn bây giờ tôi thấy, không phải mình chê bạn bè, đồng nghiệp mình, tôi thấy thầy cô bây giờ kiến thức không có hoặc là có rất ít, hoặc là bị mai một đi. Thí dụ như giáo viên dạy toán chỉ biết môn toán thôi, ngoài ra các môn khác thì họ không có đủ khả năng để mà họ dạy con hay dạy cháu mình học.
Không biết thầy Khoa ở ngoài đó thì có nhiều nhân tài, tôi không biết đồng nghiệp của thầy như thế nào?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Các thầy cô khác trên cả nước đúng như chị Mai nói, dạy môn nào biết môn đó, biết có một môn của mình mà không thể nắm được hết các môn khác và việc này cũng không dễ đâu. Chúng ta đã mắc phải thói quen ấy rồi và một cộng đồng rất lớn, bây giờ thay đổi không dễ và nếu có thay đổi xong mà họ không có đất để vận dụng rồi cũng quên. Ngày xưa tôi học đại học tiếng Nga tôi nói như tiếng mẹ đẻ nhưng mà 20 năm rồi không dung vào chỗ gì bây giờ quên sạch cả, chả nhớ được mấy từ. Thì cũng thế thôi! Bây giờ cái chính là môi trường của mình nó như vậy thì cố gắng làm trong một môn thôi để cho môn đó tốt đi đã, sau đó mang cái tâm ra để truyền đạt cho học sinh.
Cơm áo gạo tiền
Khánh An: Vâng. Khánh An cũng đồng ý với thầy là hiện nay nội trong chuyên môn của một giáo viên thôi thì họ cũng đã không có đủ thời gian vì họ bận cơm áo gạo tiền, họ có quá nhiều gánh nặng khác, không thể nào có thời gian để bồi bổ kiến thức chuyên môn của họ nữa, thì mình cũng không thể nào đòi hỏi họ đến những lãnh vực khác. Một người bạn đã nói với Khánh An rằng có người đã phải dạy một giáo án tới hơn 30 lần trong một tuần...
Người giáo viên cứ lo cơm áo gạo tiền nên không có thời gian để đem hết năng lực của người ta vào trong công việc giảng dạy của mình.
Cô Xuân Mai
Cô Xuân Mai: Hơn 30 lần một tuần?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng rồi.
Khánh An: Có nghĩa là chỉ một giáo án đó thôi mà hơn 30 lần trong một tuần tại vì họ phải "chạy sô" ạ và cách dễ nhất là dạy một giáo án thôi. Vâng. Ở đây, điều mà Khánh An muốn nói đó là cái áp lực về chén cơm manh áo, đồng tiền, cái bao tử, Khánh An không nghĩ rằng họ có thể giữ được thăng bằng giữa lý tưởng và thực tế ạ. Không biết các anh chị nghĩ như thế nào?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi thấy chuyện đó cũng đúng và hiện nay như chị giáo viên gì mà một tuần soạn đến 30 giáo án để dạy thì cũng có và "chạy sô" như thế thì chị này chắc là giàu lắm, thu nhập cao lắm, và có mối quan hệ rộng thì mới dạy được nhiều chỗ. Thế nhưng ở chỗ chúng tôi đây thì giáo viên chúng tôi hầu hết không ai đi dạy trường thứ hai khác và chúng tôi gặp khó khăn cực kỳ lớn là anh hiệu trưởng mới này rất là cực đoan, ví dụ như thời khóa biểu của tôi chỉ có 15 tiết thì anh rải ra làm 8 đến 10 buổi một tuần.
Cô Xuân Mai: Cái đó là tùy theo ban giám hiệu đó thầy ơi! Ở trường của tôi là mỗi một giáo viên một tuần dạy ba buổi, miễn sao mình đảm bảo 15 tiết của mình thôi. Nhưng mà sau này phòng giáo dục nói là không cho giáo viên được nghỉ nhiều cho nên mỗi giáo viên phải dạy là 4 buổi. Cho nên nếu như thầy hiệu trưởng mà sắp cho giáo viên một ngày dạy một tiết là đày giáo viên, giống như đày người ta, nghĩa là ông thầy hiệu trưởng đó không biết đồng cảm, làm khó giáo viên.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng rồi. Ông hiệu trưởng trường tôi thì như vậy. Trong luật giáo dục không có chỗ nào nói rằng giáo viên chúng tôi chỉ được phép một tuần nghỉ một ngày hay là nghỉ 3 buổi. Không có đâu. Cái này là sự vận dụng máy móc quá của phòng giáo dục, của hiệu trưởng, của ai đó thôi.
Nhà giáo Phạm Toàn: Thật ra trong vấn đề phân thời gian biểu thì cái quyền lợi đầu tiên phải nghĩ đến là học sinh, chứ còn việc nghỉ thì phải sân siu với nhau, không thể có một quy định được, nhưng mà cái quyền lợi thì phải nghĩ đến quyền lợi của trẻ em. Thế thì những chuyện này nó rơi vào những tính nết của từng ông hiệu trưởng. Khó lắm, mình không giải quyết được.
Khánh An: Từ nãy giờ thì chỉ trong một buổi nói chuyện thôi mình đã thấy là có quá nhiều những chuyện, mà như bác Phạm Toàn nói là "chuyện lặt vặt", mà mình không tìm ra được câu trả lời. Như thế thì...
Thầy Đỗ Việt Khoa: Thưa chị Khánh An là cái lặt vặt này ở Việt Nam trong giáo dục nó quá nhiều, cái cản trở chính là chỗ đó chị ạ. Nó lặt vặt mà cộng lại thành cái cực kỳ lớn gây cản trở.

Giáo án của chúng tôi cũng lặt vặt lắm cơ, nó sinh ra đủ kiểu phê bình nhau cái giáo án, nó phải theo kiểu A, phải theo kiểu B. Rồi lặt vặt nữa là cái kiểu chấm bài, rồi kiểu lên lớp, rồi cả lặt vặt trong chuyện chúng tôi dạy máy chiếu. Trường tôi mà giáo viên nào dạy máy chiếu mà không đăng ký trước, thấy cái này hay hay mà hôm nay muốn dạy mà không đăng ký trước đó một ngày là nó ra nó trừ thi đua giáo viên 50 điểm, mà 50 điểm thôi thì tháng đó điểm thi đua hạng bét. Đúng là những cái lặt vặt thì nhiều vô kể!
Khánh An: Vâng. Như thế thì quá nhiều giữa cái đống lặt vặt đó của nền giáo dục thì cái gì là trọng tâm vậy? Khánh An hơi mơ hồ một câu hỏi là phải chăng nền giáo dục của mình đã đặt sai trọng tâm cho nên nó có quá nhiều những cái thứ lặt vặt, linh tinh phát sinh?
Cô Xuân Mai: Đúng rồi.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng. Tôi công nhận.
Cô Xuân Mai: Đúng rồi. Khánh An nói đúng đó. Bởi vì mình làm công tác giáo dục, mình là những nhà giáo dục thì mình phải làm những công việc của giáo dục là giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh và giáo dục đạo đức cho các em. Còn đằng này, người giáo viên phải làm nhiều cái, nhiều việc do cấp trên quy định mà chị thấy là mất thời gian của giáo viên. Thay vì để cho giáo viên làm những chuyện đó thì hãy để cho người ta có thời gian đầu tư, người ta nghiên cứu, người ta giảng dạy tốt hơn.
Khánh An: Thưa quý vị và các bạn, vừa rồi là ý kiến của cô Xuân Mai. Đã đến lúc Cafe Wifi phải chia tay rồi! Khánh An hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình Cafe Wifi tuần tới để tiếp tục bàn về đâu là trọng tâm của nền giáo dục. Khánh An xin ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp mà quý vị và các bạn đã gửi về cho chương trình qua email wificoffe.rfa@gmail.com hay vietweb@rfa.org. Mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của quý vị và các bạn. Bây giờ Khánh An xin chào tạm biệt.
Theo dòng thời sự:
- Sống thì khó mà chết thì dễ
- Giảng viên có nên được sinh viên đánh giá?
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam
- Nhà giáo, nghề giáo trong xã hội ngày nay
- Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng