Nên cải cách giáo dục như thế nào?

Lần trước các tham dự viên đã cùng chia sẻ quan điểm rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang bị đặt lệch trọng tâm, như vậy chúng ta phải xoay nền giáo dục thế nào để nó về lại đúng trọng tâm?
Cần đúng trọng tâm
Khánh An: Xin mời quý vị tiếp tục nghe những ý kiến mổ xẻ vấn đề của các giáo viên. Trước tiên là ý kiến của thầy Dương:
Thầy Dương: Bác Toàn, bác có nhận xét gì về sự kiện mà cháu đưa ra nhé. Học sinh của mình nếu có đứa học nhanh quá, ví dụ nó học Lớp 2 mà khả năng của nó học đến cỡ Lớp 5 - Lớp 6 rồi mà vẫn chụp cổ nó nhét vào lại Lớp 2, rồi học hết Lớp 3, Lớp 4, trong khi một đứa mà trình độ chỉ Lớp 2 thôi nhưng lại đẩy nó lên Lớp 9 - Lớp 10. Đó, tình hình đó thì nguyên nhân vì sao, bác biết không?
Ta bị nằm trong một cái khung, không những ta, mà trẻ con cũng bị nhốt như ta vào một cái chuồng là Bộ Giáo Dục, và nó quy định chỉ có thế thôi, thế cho nên không ai được phát triển cả.
Nhà giáo Phạm Toàn
Nhà giáo Phạm Toàn: Hiện nay tình hình như thế này, ta bị nằm trong một cái khung anh ạ, không những ta, mà trẻ con cũng bị nhốt như ta vào một cái chuồng. Cái chuồng ấy là Bộ Giáo Dục và nó quy định chỉ có thế thôi, thế cho nên không ai được phát triển cả. Bây giờ phải có những cơ quan nghiên cứu để ta phải thử, nếu có những đứa như thế thì nó sẽ tiến như thế nào, phải thử anh ạ. Mình cũng không thể nói trước được.
Thầy Dương: Bây giờ chế độ xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản thuộc về nông dân, công nhân. Công nhân, nông dân thì chúng ta cần gì phải học cho nhiều. Còn những người nào muốn học nhiều, học cho giỏi, tất nhiên là tầng lớp trí thức rồi. Do đó chúng ta hiện giờ không biết nên nghiên cứu dạy cho tầng lớp trí thức hay là dạy cho tầng lớp công nhân, nông dân?
Khánh An: Mình thì không đồng ý với bạn ở một số điểm. Mình nghĩ rằng là ngay cả nông dân, công nhân mà người ta làm việc một cách có phương pháp đó, thì cũng tốt mà, phải không?
Nhà giáo Phạm Toàn: Đúng rồi.
Khánh An: Nếu là khoa học về nông dân, công nhân thì cũng là một điều hay mà.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tức là thế này, mình đề nghị sáng kiến của mình nhé. Mình đề nghị thế này, ta phải có một hệ thống giáo dục để thỏa mãn 3 điều như thế này. Thỏa mãn cái thứ nhất, tức là có những người chỉ cần học như thế rồi đi làm công nhân, nông dân thôi. Đó là giai đoạn thứ nhất. Thứ hai là những người học như thế nhưng muốn học thêm tí nữa để thành người nông dân giỏi và người công nhân giỏi, tức là những trường học nghề, nhưng học nghề đúng nghĩa của nó. Loại thứ ba là trường phổ thông, tức là "tôi muốn tập nghiên cứu để thành một nhà nghiên cứu", thế tức là ta phải thỏa mãn được 3 cái kiểu, tôi nói "at least" - ít nhất - đấy là thỏa mãn được 3 kiểu nguyện vọng.
Cho nên tôi có đề nghị thế này, hệ thống 12 năm giáo dục bây giờ phải có giai đoạn 8 năm đầu mà ta gọi là phổ thông cơ sở, học xong 8 năm ấy thì có thể đi làm thợ được, có thể làm nông dân, có thể làm công nhân được. Nó không muốn đi học mà cứ bắt nó phải học để làm cái gì?! Sau đó thì có 4 năm tiếp theo xẻ ra làm đôi, bốn năm bên trái chẳng hạn thì anh đi vào trường học nghề, tức là cao hơn anh nông dân, anh công nhân bình thường; thế còn bên phải này, tôi gọi là cái khoa trung học để mà tập nghiên cứu. Thế thì ta phải định nghĩa như thế, tập nghiên cứu thì lên đại học mới tập độc lập nghiên cứu.
Thế nhưng bây giờ thế này, mình cố làm bậc cơ sở đã, cho nên công phu rất ghê, cho nên tôi nói 30 đến 50 năm thì mới chữa được nền giáo dục.
Thầy Dương: Bác Phạm Toàn nói phân chia chương trình ra theo kiểu chẻ ra chỗ Lớp 8 đó thì nếu mà xã hội, nếu Bộ Giáo Dục làm như vậy thì nó sẽ vẫn phân chia ra là nông dân, công nhân, rồi phân chia ra những người nghiên cứu, như vậy thì nó lại không có phù hợp với xã hội chủ nghĩa, bởi vì xã hội chủ nghĩa là công bằng, công bằng.
Nhà giáo Phạm Toàn: Cuộc sống thực là như thế, thế còn thì những cái kia là nói dối.
Cô Xuân Mai: Cái xã hội chủ nghĩa chỉ là lý thuyết thôi mà thầy Dương! Bác Phạm Toàn ơi, cháu xin hỏi bác cái này. Thực tế cháu sống ngay đồng bằng sông Cửu Long, cháu thấy có nhiều người đi bán vé số dạo, cháu thấy thương, thấy tội người ta. Mặc dù nhìn người ta, thấy người ta tội nghiệp, đi lang thang, đi bán vé số, nhưng thu nhập của người ta lại cao hơn một giáo viên, cao hơn giáo viên dạy 6-7 năm rất nhiều, có thể là cao gấp đôi luôn. Điều đó khiến cho cháu cảm thấy có những suy nghĩ, có những bức xúc: mình ăn học nhiều thật nhiều như thế này, mình có kiến thức, nếu nói về triết học mác-lênin thì vật chất và ý thức gì đó bác, thì nếu như mình sống theo triết học mác-lênin thì cháu thấy nó cũng không đúng nữa. Tại sao vật chất quyết định ý thức mà lương của giáo viên tại sao quá thấp, quá rẻ?
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi xin phép lý giải chuyện này như thế này nhé. Đời một nhà giáo hay là đời bất kỳ một ai thì cũng như là cái ông đầu rau, các bạn có biết ông đầu rau không? Cái chân kiềng đấy, phải là 3 chân kiềng, nếu hai thì đổ, một thì không được, phải 3 chân kiềng, 4 thì thừa. Thế 3 chân kiềng đấy, chân kiềng thứ nhất là lương phải càng ngày càng cao lên. Chân kiềng thứ hai là phải giỏi. Lương cao mà dốt thì cũng lại làm khổ dân. Thế nhưng mà như hiện nay không có giáo viên giỏi; sư phạm đào tạo ra không giỏi. Thế là phải chữa cả cái giỏi nhé. Và cái thứ ba là phải có cái đức nữa. Là bởi vì thế này, có nhiều người giỏi nhưng mà không có đức. Thế thì tôi nghĩ rằng nó phải như cái chân kiềng đấy.
Việt Nam mình có rất nhiều người tài giỏi, cũng có rất nhiều giáo viên giỏi chứ không phải không có, nhưng mà do cơ chế quản lý của giáo dục không phát huy được năng lực sư phạm thật sự.
Cô Xuân Mai
Cô Xuân Mai: Theo như nhận thức của cháu là người Việt Nam mình có rất nhiều người tài giỏi, cũng có rất nhiều giáo viên giỏi chứ không phải không có, nhưng mà do cơ chế quản lý của giáo dục không phát huy được năng lực sư phạm thật sự của người ta, chứ không phải là không có giáo viên giỏi. Người tài giỏi không được phát huy chứ không phải là không có người tài giỏi. Người Việt Nam mình có rất nhiều người tài giỏi, giáo viên của mình có rất nhiều giáo viên giỏi, nhưng mà không được phát huy và không được tự do để mà phát triển cái năng lực của họ.
Thầy Đỗ Việt Khoa: Cô Mai nói đúng.
Nhà giáo Phạm Toàn: Do đó phải như cái chân kiềng: tiền này, năng lực này, đức, phải không nào?
Dân chủ - khoa học - hiệu quả
Khánh An: Vâng. Nếu mà cần phải đặt lại một vài cái trọng tâm mà nền giáo dục Việt Nam cần phải chú trọng vào thì các anh chị nghĩ rằng là chúng ta nên chú trọng vào vấn đề nào?
Nhà giáo Phạm Toàn: Dân chủ, khoa học, hiệu quả. Trước nhất là phải dân chủ. Dân chủ là cái gì? Là phải có nhiều bộ sách, nhiều cách dạy. Phải dân chủ. Trẻ con học phải có nhiều đường thoát chứ không phải chỉ có mỗi một đường thoát là đi đại học. Thế là phải dân chủ. Các vùng miền phải có cách học khác nhau để cho nó có hiệu quả nhất. Dân chủ là khi đề bạt ông hiệu trưởng là phải đề bạt người tử tế.
Thứ ba là phải hiệu quả. Hiệu quả ở chỗ là anh cứ nói anh dân chủ, anh cứ nói anh khoa học nhưng mà hiệu quả không có thì vứt.
Đấy nhé, phải xử lý bằng 3 cái đấy : Dân chủ, khoa học, hiệu quả.
Khánh An: Thế còn ý kiến của thầy Khoa?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Cháu xin có ý kiến với bác Toàn ạ. Cháu đang ở trên lớp, vâng, cháu đang ở trên lớp, cháu đứng dạy ở trên lớp và cháu thấy rằng là theo diễn đạt của bác thì cháu sẽ diễn đạt là dạy học sinh bây giờ cách tự học và quan trọng nhất là dạy cho họ cái đạo đức làm người. Dạy cái đạo đức làm người rồi dạy cách tự học, đấy là cái vô cùng quan trọng. Trên thực tế hiện nay chúng cháu thấy học sinh nói dối kinh khủng bởi vì chúng bắt chước các thầy cô và người thân.
Cô Xuân Mai: Đúng rồi. Học sinh nói dối kinh khủng.
Nhà giáo Phạm Toàn: Vâng. Bố mẹ nói dối làm sao mà nó không nói dối!
Thầy Đỗ Việt Khoa: Thầy cô nói dối nhiều trước chớ bố mẹ nó chưa chắc đã nói dối.
Nhà giáo Phạm Toàn: Cho nên rằng cái đó là vẫn cứ là giải quyết vào những cái mảnh vụn, nhé. Ngay cái ý anh muốn là học sinh tự học đấy thì nó phải dựa trên cái người ta phải đồng ý cho anh dân chủ. Nó không cho dân chủ, nó không cho anh dạy theo cách ấy thì anh hỏng. Bây giờ mình phải đòi dân chủ, phải không nào? Dân chủ tức là cái nền, cái platform, cái background cho tất cả.
Cái thứ hai là phải khoa học. Khoa học là cái động lực. Có cái động lực ấy thì mới có dân chủ, cái platform mới bay lên được, chứ nếu chỉ có dân chủ thôi thì cái platform cứ ì ra theo sức hút của quả đất này, nhưng có khoa học thì nó sẽ vượt được sức hút ấy và nó sẽ bay đi.
Cái thứ ba là hiệu quả, hiệu quả là để thế này, là để không tin vào bọn lang băm. Thế hiện nay bọn lang băm nhiều lắm, cái gì nó cũng bảo của nó là tốt nhất.
Cháu thấy nền giáo dục của mình hiện giờ là càng ngày nó càng tụt hậu, càng xuống dốc, càng cải cách thì nó càng dở, đó là cái thực tế qua kinh nghiệm giảng dạy.
Cô Xuân Mai
Thầy Đỗ Việt Khoa: Cảm ơn bác.
Khánh An: Có lẽ là từ nãy đến giờ nếu chúng ta không nghe ý kiến của chị Mai thì là không công bằng phải không bác Toàn?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Vâng. Tôi đồng ý. Thế chị Mai, theo chị thì mấu chốt của giáo dục hiện nay là chỗ nào, theo câu hỏi của chị Khánh An.
Nhà giáo Phạm Toàn: Mai nói đi.
Cô Xuân Mai: Dạ. Theo cháu, cháu thấy nền giáo dục của mình hiện giờ là càng ngày nó càng tụt hậu, càng xuống dốc, càng cải cách thì nó càng dở, đó là cái thực tế qua kinh nghiệm giảng dạy chứ không phải là mình chủ quan đâu và cũng không phải là mình định kiến. Sách giáo khoa người ta soạn ra không phù hợp với chương trình. Rồi có những cái cấp trên người ta biểu thầy cô giáo phải làm những chuyện giả dối làm cho lương tâm mình bị cắn rứt chịu không nổi.
Nhà giáo Phạm Toàn: Mấy anh mà định ra những chỉ tiêu thì nó vừa mới quy định là nước sôi sắp tới sẽ là 125 độ đấy.
Khánh An: Vâng. Cảm ơn bác Phạm Toàn, cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia vào chương trình Cafe Wifi. Cũng cầu mong là cho nền giáo dục nước nhà trong tương lai, giống như là bác Toàn đã dùng từ "tập hợp được những cái đầu của những nhà sư phạm lại", thì lúc đó có lẽ cái nền giáo dục của mình mới có thể bay lên được ạ, bay lên để mà còn sánh ngang với các nước khác chứ, cứ ở dưới hoài thì buồn quá, phải không? Vâng. Cảm ơn mọi người rất nhiều đã đến tham gia vào chương trình. À, có một câu bữa trước các bạn sinh viên trong một chương trình nói rằng, để cho nền giáo dục tốt hơn thì phải sống “chính danh”, có nghĩa là thầy phải sống cho ra thầy và trò phải sống cho ra trò.
Nhà giáo Phạm Toàn: Chính danh tức là phải không đổ, không đổ là phải đủ 3 điểm tức là phải no bụng, phải có đủ lương để no bụng: no bụng mình, no bụng chồng, no bụng vợ, no bụng con. Cái thứ hai là phải giỏi và thứ ba là có đức.
Khánh An: Vâng. Cảm ơn bác Phạm Toàn, cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia vào chương trình ngày hôm nay.