Làm gì để phát triển truyện tranh Việt?

Khánh An cùng các bạn trẻ sẽ tiếp tục phân tích lý do tại sao truyện tranh có nội dung giáo dục tốt của Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh được với các đối thủ ngoại quốc ngay trên sân nhà.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.08.05
Truyện tranh Thánh Gióng. Truyện tranh Thánh Gióng.
Photo courtesy of intour.com.vn

Kéo dài, nhàm chán

Khánh An: Café Wifi xin chào các bạn. Đầu tiên, Khánh An xin mời Vũ.

Vũ: Truyện tranh Việt Nam mới phát triển thời gian sau này thôi nhưng mà đọc truyện tranh Việt Nam, mình luôn có dấu ấn là nó tốt hơn truyện tranh nước ngoài, của Nhật hay là Comic của Mỹ. Mình nghĩ không biết ở đây có bạn nào có xem truyện tranh Việt Nam chưa hả?

Tín: Em đã từng đọc Thần đồng đất Việt. Thần đồng đất Việt em thấy cũng hay lắm. Có nhiều câu điển tích về người xưa, các quan thời xưa mà nhờ đọc Thần đồng đất Việt em mới biết.

Khánh An: Có nghĩa là bạn cũng học được cái gì đó khi mà bạn đọc truyện tranh, phải không? Về lịch sử chẳng hạn?

Cái truyện Thần đồng đất Việt nó là một cái đường mới của Việt Nam này, mới đầu rất hay nhưng nó lại chiếm một cái lỗi của một số truyện tranh phạm, đó là kéo dài sự nhàm chán.

Bạn Tâm

Tín: Dạ vâng.

Trí: Thần đồng đất Việt thì đọc 40 tập đầu thì rất là hay, các tập sau rất là dở.

Khánh An: Ồ! Nếu mà so sánh về nội dung, về chất lượng thì các bạn có nghĩ rằng truyện tranh Việt Nam có cơ hội cạnh tranh lại với lại truyện tranh của Nhật Bản hay là các nước khác không?

Trí: Một trăm năm nữa thì được!

Tâm: Đầu tiên em nói về truyện tranh của Mỹ đi. Truyện tranh của Mỹ thiên về khoa học, về anh hùng và về mức độ khoa học. Nét vẽ của nó rất là cứng và thực. Truyện tranh Nhật Bản thì thiên về mỹ - cái đẹp, mắt to, tóc dài, mặt đẹp, cái “style” như vậy, về mỹ, về cái đẹp. Nội dung thì hấp dẫn, tình tiết lừng lẫy, võ công cái thế, viết chữ rất là đẹp, tình tiết rất là hay. Còn truyện tranh Việt Nam bây giờ đa phần là bắt chước. Nó không có cái đường đi riêng của nó.

Truyện tranh Thần đồng đất Việt. Photo courtesy of vietnamnet.vn
Truyện tranh Thần đồng đất Việt. Photo courtesy of vietnamnet.vn
Ví dụ truyện tranh kiếm hiệp Trung Quốc, tuy nó ra đời sau mấy truyện tranh Nhật Bản hay truyện tranh của Mỹ, nhưng ít ra nó cũng có đường hướng sáng tạo về lịch sử của nó. Còn truyện tranh Việt Nam đa phần bây giờ là ăn theo. Thí dụ như có một số họa sĩ vẽ truyện tranh mà về thám tử thì ăn theo truyện Conan của Nhật Bản, hoặc là một số người vẽ nét vẽ giống như Nhật Bản, mà nội dung thì không hay bằng nữa nên đa phần đưa đến nhàm chán.

Cái truyện Thần đồng đất Việt nó là một cái đường mới của Việt Nam này, nó rất là hay, mới đầu rất hay nhưng nó lại chiếm một cái lỗi của một số truyện tranh phạm, đó là kéo dài sự nhàm chán. Ví dụ như là có khúc rất hay, khúc đó hay, một hai lần hay mười lần hay, nhưng mà qua đến mười một, mười hai, mười ba thì người ta rất là chán.

Khánh An: Ừ, đúng rồi.

Tâm: Đó. Ví dụ như là truyện Nauruto chẳng hạn, lên tập thứ 500 rồi nhưng mà nó chưa có "view" hết được tất cả những chi tiết bên trong nó, làm cho người đọc không đoán biết được kết quả. Nó thay đổi liên tục cốt truyện làm cho người ta rất là thích thú và tò mò. Hoặc là một truyện Nhật Bản như là truyện Nữ hoàng Ai Cập chẳng hạn, nó nói về cả một lịch sử của nước Ai Cập, nguyên vùng Địa Trung Hải, rất nhiều cái để nói và rất nhiều chi tiết hấp dẫn.

Hay truyện tranh Mỹ như là truyện của Marvel, Spiderman, Batman, Superman, Captain America....  tuy rất cũ nhưng mà ngay tới bây giờ chị thấy người ta vẫn làm phim lại về mấy cái đó.

Tiểu Mi: Đứng cương vị như là mình hiện giờ làm họa sĩ về truyện tranh Việt thì có lẽ như một số bạn chưa tiếp cận được nhiều với truyện tranh Việt và cũng rất là so sánh truyện tranh Việt với truyện tranh Nhật, thì tại vì truyện tranh Nhật nó đã đi trước mình cả một thời đại rồi thì đương nhiên nó sẽ phát triển rất nhiều. Với lại, lúc mà truyện tranh Nhật đang phát triển thì nước mình còn đang chiến tranh nghèo đói thì tất nhiên mình đi sau nó rất là nhiều và khi cái bóng nó quá lớn rồi nên những điều mà mình đi sau nó sẽ bị mang tiếng là bắt chước.

Việt Nam vẫn cứ giậm chân ở những bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi. Cho nên cũng khó mà có thể mở rộng những nội dung.

Bạn Tiểu Mi

Ví dụ như những bạn trẻ như mình hiện giờ vẽ những nhân vật mà đẹp, mắt to, chân dài hay gì đó thì cũng sẽ bị nói là bắt chước Manga, nhưng điều đó thực sự là không đúng. Đó là giống như mình hướng đến cái vẻ đẹp hoàn hảo thì người ta đã hướng tới vẻ đẹp đó rồi, nếu mình vẽ khác đi ví dụ như chẳng lẽ mình đi vẽ người Việt Nam thì mình vẽ chân ngắn, mắt nhỏ thì phải đúng là phong cách Việt Nam, như vậy thì không đúng. Mình làm ở trong giới mình thì có rất nhiều bạn rất là tài năng, vẽ rất là đẹp, vẽ không thua kém gì truyện tranh Nhật, miễn là dĩ nhiên phải có điều kiện hoặc là khi mà có thì các bạn chưa được biết đến, thì các bạn có thể tìm hiểu truyện tranh Việt sau đó các bạn hãy thử bày tỏ cảm nhận lại thì nó sẽ khác.

Tính giáo dục chưa cao

Khánh An: Cái đó là bạn nói về mặt nghệ thuật, thế còn về nội dung của truyện tranh thì như thế nào? Truyện tranh của Việt Nam mình về cách giáo dục chẳng hạn thì nó có nội dung giáo dục nhiều không so với lại truyện của Nhật Bản?

Tiểu Mi: Như các bạn đã biết thì truyện Nhật nó đã rất là phổ biến rồi nên đã được phủ sóng rộng ra mọi nơi, trên mọi đối tượng lứa tuổi, giống như là người Việt Nam mình thì chọn cách giải trí và xem phim, ví dụ như các bà mẹ thì xem phim dành cho các bà mẹ, ông bố thì xem những phim hình nộm, trẻ con thì xem  những phim thiếu nhi giáo dục, thì truyện tranh của Nhật cũng vậy nó rất là rộng, có cả truyện dành cho trẻ con như là Doremon, Nhóc Maruko, còn những truyện dành cho con trai thì như là Conan, Nauruto, truyện dành cho các bé gái như là Thủy thủ mặt trăng... Cũng có những truyện dành cho các bà mẹ như là những truyện về tình yêu gia đình, những cặp vợ chồng… thì đó là những truyện dành cho đối tượng lớn tuổi hơn. Đó là cái lợi thế của Nhật, nó rất là phổ biến và họ rất sáng tạo tại vì rất là rộng mọi đề tài.

Truyện tranh
Truyện tranh "Quần Hiệp Truyện". Photo courtesy of truyentiengviet.com
Còn ở Việt Nam mình thì luôn luôn bị hạn chế và truyện tranh cứ dành cho trẻ con, mà hiện giờ cũng chỉ có những báo thiếu nhi như là Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, Thiếu Niên Tiền Phong là đăng truyện tranh thôi, nên vô hình chung những họa sĩ như mình khi mà vẽ truyện tranh cho những tờ báo như thế thì mình phải vẽ truyện tranh thiếu nhi, và cứ thế mà truyện tranh Việt Nam vẫn cứ giậm chân ở những bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi. Cho nên cũng khó mà có thể mở rộng những nội dung, nhưng mình tin rằng là cũng có rất nhiều câu truyện tranh Việt Nam có nội dung rất là sâu sắc.

Vũ: Hiện tại thì mình cũng biết là có một số bộ truyện tranh của Việt Nam mà chuyển thể, mới đầu có truyện chuyển thể từ văn học, mình biết là có truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mình xem được 3 tập truyện Nguyễn Nhật Ánh chuyển thể thành truyện tranh. Hiện tại thì mình thấy là truyện Chí Phèo của Nam Cao cũng bắt đầu chuyển thể, đã được chuyển thể rồi và đã xuất bản rồi đó.

Tiểu Mi: Giống như bạn Hoàng Vũ cũng có trình bày là hiện tại đang xuất bản những bộ truyện được chuyển thể từ truyện chữ như truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, như là Nữ sinh, Bệ Phóng Lên Trời, cũng đang gây được chú ý. Rồi những truyện của công ty Phan Thị như là Chí Phèo vừa mới được ra mắt tháng trước và sắp tới đây, tháng này sẽ ra truyện Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Đó là những truyện tranh chuyển thể từ những danh tác văn học, thì mình hy vọng đó  là những sáng tác mở đầu cho nền truyện tranh Việt Nam với cả nội dung lẫn hình ảnh đều rất là tốt.

Khánh An: Nhưng mà nếu mà mình nói về nội dung và nghệ thuật thì chắc chắn là mình cũng không thể nào mà không nhắc đến chuyện giá cả, về túi tiền của các bạn. Không biết là nếu mà so sánh giữa truyện tranh Việt Nam và truyện tranh Nhật Bản và các nước khác thì các bạn có biết là cái giá của truyện tranh Việt Nam so với những truyện tranh Nhật thì có khác nhau không hay là nó cũng như nhau?

Vũ: Cái này mình có thể trả lời ngay, đó là truyện tranh Việt hiện tại thì nó mắc hơn, chi phí cũng khá cao hơn so với truyện tranh Nhật, truyện tranh nước ngoài, tại vì nếu mà tính lại thì truyện tranh nước ngoài, theo mình biết thôi, là nhà xuất bản chỉ mua về rồi dịch lại và phát hành. Còn truyện tranh Việt Nam thì mình phải tốn thêm cả chi phí sản xuất ra nữa, từ khâu kịch bản, rồi đến vẽ, đến phát hành, thì nó mắc hơn bởi những phần đó, với lại số lượng phát hành cũng ít nên thành ra truyện nó mắc hơn. Thí dụ mình mua những cuốn truyện Việt Nam giá phải mười tám, mười chín, đến hai mươi mấy ngàn, còn truyện Nhật khoảng mười ba ngàn.

Trách nhiệm nhà quản lý

Mình nghĩ như vậy là nhà nước cần có những chế tài, những quy định, ví dụ như là nhà xuất bản phải có bao nhiêu phần trăm là đầu truyện Việt Nam, 10% hay 30%.

Bạn Vũ

Khánh An: Như vậy có thể thấy, theo những điều mà các bạn phân tích và các bạn nói, mình có thể khái quát rằng thị trường truyện tranh của Nhật Bản là một cái thị trường đã ổn định, đã phát triển rồi, trong khi thị trường truyện tranh của Việt Nam là một thị trường đang ở trong thời kỳ "hỗn độn" phải không, vì nó là một thị trường mới và vì nó mới như vậy cho nên có rất nhiều luồng truyện tranh du nhập vào, bên cạnh đó thì truyện tranh của Việt Nam mình cũng còn đang rất non trẻ, cũng đang cố gắng để vươn lên. Cho nên trong thị trường mà nó "hỗn độn" như vậy, các bạn có nghĩ rằng phía nhà quản lý có trách nhiệm rất lớn trong chuyện này không?

Vũ: Cái này thì trong thời gian mình làm việc trong môi trường truyện tranh thì mình không phải chỉ là đọc truyện không, mà mình còn cộng tác với những công ty về truyện tranh, thì mình nghĩ là nếu mà để truyện tranh Việt Nam có cơ hội phát triển thì tốt nhất là cần phải có những chế tài hỗ trợ, quy định hỗ trợ của nhà nước. Giống như lúc đầu chương trình thì Mi có nói là phim truyện Việt Nam cũng có phát triển hồi gần đây thì em nghĩ là như vậy nhà nước cũng có quy định với đài truyền hình là phải chiếu phim vào các buổi tối, giống như là những giờ như vậy gọi là “giờ vàng” thì có quy định các buổi tối chỉ chiếu phim Việt chứ không được chiếu phim nước ngoài, thì mình thấy như vậy là dành một cái thị trường, một chỗ đứng riêng cho phim trong nước.

Truyện tranh Doremon. Photo courtesy of vietboom.com
Truyện tranh Doremon. Photo courtesy of vietboom.com
Mình nghĩ như vậy là nhà nước cần có những chế tài, những quy định, ví dụ như là nhà xuất bản phải có bao nhiêu phần trăm là đầu truyện Việt Nam, 10% hay 30%. Tiền xuất bản, họ đi tìm đầu ra để họ sản xuất, thì họ sẽ tìm đến các bạn trẻ có năng lực vẽ, các công ty mà là các công ty truyện tranh mới thành lập thôi, thì từ từ như vậy truyện tranh chiếm 45%, thì từ từ nếu mà nhà nước có chính sách như vậy thì có thể là từ từ là 50%, năm  mười năm nữa nó thay thế luôn cả truyện tranh của Nhật. Tôi nghĩ là điều đó có thể xảy ra chứ không phải là không.

Tiểu Mi: Thực sự thì truyện tranh Việt Nam đúng là có đắt hơn nhưng mà khi mình mua truyện thì mình không phân biệt đó là truyện Nhật hay truyện Việt Nam, nhưng mà khi nghe truyện Việt Nam, mình cũng không quan tâm tới giá tiền nữa, mình mua một phần để ủng hộ, tại thực sự nếu mà truyện tranh Việt Nam có chất lượng thực sự thì mình cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua thôi và mình tin chắc cũng có rất là nhiều bạn trẻ xem truyện tranh Việt Nam cũng sẽ làm như thế.

Từ đó truyện tranh mình sẽ càng ngày càng tiến xa và sẽ càng ngày càng có nhiều truyện có chất lượng hơn. Từ đó, số lượng phát hành sẽ lớn hơn và giá thành sẽ giảm đi. Và chắc chắn, thời điểm cạnh tranh ngang ngửa với truyện Nhật sẽ không xa đâu. Chẳng hạn truyện tranh Hàn Quốc cũng đã từng như thế. Truyện tranh Hàn Quốc cũng đã đi sau truyện Nhật rất là nhiều, nhưng mà hiện nay nó đã có thể sánh ngang hàng với truyện Nhật ở trong nước của nó. Giống như phim Việt Nam có những chương trình giờ vàng phim Việt thì đó chính là những điều kiện để phim Việt phát triển thì truyện Việt cũng sẽ như thế.

Khánh An: Thưa quý vị và các bạn, vừa rối là ý kiến đóng góp của Tiểu Mi. Như vậy để truyện tranh Việt nam có thể cất cánh và đóng góp tích cực vào mục đích giáo dục thì cần phải có một bệ phóng tốt, đó chính là một cơ chế quản lý và giám sát hợp lý, kể cả từ phía phụ huynh và phía nhà quản lý.

Các bạn trẻ và Khánh An sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này trong lần trò chuyện tới. Xin kính chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.