Thư viện hay kho sách?

Hệ thống thư viện Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập, từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho đến cách quản lý. Tất cả những yếu tố trên hợp lại khiến cho cỗ máy thư viện vốn đã cũ kỹ nay càng hoạt động kém hiệu quả.
Khánh An, phóng viên RFA
2009.12.29

StudentLibraryBook200.jpgHệ thống thư viện của Việt Nam hiện nay bao gồm: thư viện công cộng; thư viện của Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học; thư viện của trường và các cơ sở giáo dục; thư viện của lực lượng vũ trang; thư viện của các tổ chức chính trị, xã hội. Ở đây chỉ tính riêng hai hệ thống thư viện chính phục vụ cho công chúng, đó là hệ thống thư viện công cộng và hệ thống thư viện của các trường, thì cả hai đều tồn tại rất nhiều mâu thuẫn và bất cập.

Thư viện Quốc gia

Đối với hệ thống thư viện công cộng, cả hệ thống gồm có Thư viện Quốc gia, 64 thư viện cấp tỉnh, 613 thư viện cấp huyện và gần 2000 thư viện cấp xã. Thế nhưng, trong con mắt của nhiều người dân, thư viện là nơi chỉ dành cho một thiểu số trí thức nhất định cần đọc sách để phục vụ cho công việc của họ, chứ hoàn toàn không phải là nơi “công cộng” mà ai cũng muốn đến và có thể đến.

Có phương tiện mà chưa biết khai thác, có kinh phí mà chưa biết sử dụng thích đáng, đặc biệt là chưa biết khai thác các phương tiện tìm tin hiện đại.

TS Vương Toàn

Chưa vội nói đến các thư viện ở tỉnh, ngay trong hai thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, ngoại trừ Thư viện Quốc gia với một số độc giả nhất định, ở các thư viện còn lại của quận, số người đến thư viện mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngay cả giới trí thức là những người gắn bó với thư viện nhất như giáo viên, sinh viên cũng không nhiều người đến thư viện công cộng. Hạnh, một sinh viên năm ba Đại học Ngoại Thương, cho biết:

Mình thường hay đến thư viện của trường thôi, còn thư viện Quốc gia thì không.

Không phải ngẫu nhiên mà thư viện trở thành “khách lạ” trong cuộc sống của đa số người dân. Nguyên nhân đầu tiên có thể thấy là cơ sở vật chất của nhiều thư viện chẳng có gì lạ so với vài chục năm trước. Mang chức năng là một trung tâm tri thức cho công chúng, nhưng số sách mới nhập về các thư viện hiện nay vẫn dừng lại ở mức nhỏ giọt. Người đọc đến thư viện để tra khảo, tìm kiếm tài liệu cũ hơn là cập nhật các thông tin mới.

Ngoài ra, Báo Sài Gòn Giải Phóng còn cho biết, một số lãnh đạo sẵn sàng duyệt hàng chục triệu đồng cho các hoạt động bề nổi như làm các xe tuyên truyền hoặc tổ chức đêm ca nhạc, nhưng lại không đồng ý chi vài trăm ngàn để mua sách cho thư viện bởi hoạt động này không đem lại điểm thành tích cho đơn vị. Hậu quả là các thư viện biến thành “nhà kho sách” hơn là một trung tâm tri thức cho người dân.

Điều hành, khai thác

Chưa kể, lối suy nghĩ xem nhẹ vai trò thư viện của các lãnh đạo địa phương đã khiến cho một số khu vực dân cư mất luôn cơ hội đến thư viện. Đơn cử là trường hợp thành phố Đà Nẵng. Ngay khi thư viện mới vẫn còn đang ở trên bản vẽ, lãnh đạo thành phố đã kịp quy hoạch ngay thư viện cũ cho một công trình khác khiến cho hàng chục ngàn cuốn sách phải tạm nghỉ một thời gian.

Vấn đề không phải là chuẩn nào, công nghệ đã đạt tới hay chưa, mà là vấn đề ở cái đầu / cách nhìn của các ông lãnh đạo, liệu họ có chịu chơi chung với nhau?

Thành viên diễn đàn

Theo PGS. TS. Vương Toàn, vấn đề của thư viện Việt Nam không chỉ dừng lại ở nguyên nhân thiếu phương tiện, thiếu kinh phí, mà còn ở góc độ ngược lại, “có phương tiện mà chưa biết khai thác, có kinh phí mà chưa biết sử dụng thích đáng, đặc biệt là chưa biết khai thác các phương tiện tìm tin hiện đại”.

Một trong những mục tiêu của “Chiến lược phát triển Ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010” là “phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ thư viện các tỉnh, thành phố được nối mạng với thư viện Quốc gia Việt Nam, internet, số hóa 20% tài liệu quý hiếm, 40% thư viện cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin”. Hình thức liên thư viện và số hóa thư viện đã được đề cập đến từ rất lâu nhưng cho đến nay, việc thực hiện vẫn còn rất chậm chạp và thiếu đồng bộ. Nguyên nhân, theo một thành viên của một diễn đàn về thư viện:

Vấn đề không phải là chuẩn nào, công nghệ đã đạt tới hay chưa, mà là vấn đề ở cái đầu/cách nhìn của các ông lãnh đạo, liệu họ có chịu chơi chung với nhau? Hay là mỗi ông lại tự bằng lòng với "lũy tre làng" của mình? Tư tưởng cục bộ thì có chuẩn hóa hết cả cũng chẳng thể cho mượn liên thư viện được. Nếu cởi mở thì dùng phiếu mục lục giấy vẫn có thể mượn liên thư viện.

Bên cạnh đó, những thủ tục rườm rà khi làm thẻ thư viện cộng với thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp của nhân viên thư viện cũng là một yếu tố không nhỏ khiến cho người dân ngại đến trung tâm sách ít thân thiện này. Nhiều người thà vào nhà sách đứng mỏi chân đọc ké còn hơn bị mất cả hứng thú đọc khi vào thư viện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
29/12/2009 17:14

Van de gi ma goi la van de " BAT CAP " dung tu ngu nay kho nghe qua , sao khong dung chu VIET ma dung tu ngu HAN VIET , chi moi doc den do thay bat man nen bo ngang khong them doc tiep nua .