Chuyện "quay cóp" trong giới sinh viên

Hôm nay café wifi sẽ nói về chủ đề liên quan đến chuyện "quay cóp" trong giới sinh viên.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.11.09
thi-305.jpg Sinh viên ĐH Thăng Long đang làm bài thi, hình chỉ mang tính minh họa.
Photo courtesy of dhthanglong.net


Khánh An: Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Cafe Wifi.

Phương Anh: Em tên Phương Anh và em đang ở TP.HCM. Em đang học mạng vi tính, năm thứ hai.

Tâm: Mình tên là Tâm. Mình vừa đi học vừa đi làm.

Tiến: Mình tên là Đức Tiến. Hiện mình đang quản lý một đại lý của công ty gia đình. Năm nay mình 24 tuổi.

Thiện: Mình tên Thiện. Mình cũng khoảng 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa.

Ai cũng quay cóp?

Khánh An: Chào đón các bạn đến với chương trình Cafe Wifi. Câu hỏi đầu tiên mà Khánh An muốn hỏi các bạn là các bạn có bao giờ quay cóp không?

Các bạn: Có. Ai cũng quay cóp nhưng chưa bao giờ bị bắt.

Khánh An: Ví dụ?

Thiện: Hồi trước đi học quay cóp khá tự tin, có nghĩa là bỏ vở lên bàn chép luôn.

Khánh An: Wow! Như vậy thì cô giáo có nhìn thấy không?

Thường thường quay cóp thì người ta có thái độ rất rụt rè, còn mình rất là mạnh dạn. Mình bỏ thẳng lên bàn, giở vở ra chép.

Bạn Thiện

Thiện: À, có lẽ cô giáo không để ý đến vấn đề đó.

Khánh An: Tại sao?

Thiện: Tại vì thường thường quay cóp thì người ta có thái độ rất rụt rè, còn mình rất là mạnh dạn. Mình bỏ thẳng lên bàn, giở vở ra chép. Còn khi đi thi mà không thuộc bài thì không quay mà xin cô ra ngoài, đi ra lấy vở học bài, học xong vô làm tiếp.

Khánh An: Còn các bạn khác? Phương Anh?

Phương Anh: Đi thi thì em tuyệt đối không quay cóp, còn nếu mà kiểm tra trong giờ thì nếu được thì hạn chế quay cóp, còn không thì ráng luyện tinh mắt chút xíu. Không phải là quan sát các bạn trong lớp mà là quan sát cái người nào sẽ đứng xem mình quay: giám thị đó mà.

Khánh An: Tiến! Tiến có kinh nghiệm quay cóp không?

Tiến: Quay cóp thì lúc nào đi thi cũng chuẩn bị mang xơ-cua theo, gọi là "phao" đó, nhưng mà không bao giờ đủ bản lĩnh để giở phao ra xem. Đôi khi chấp nhận rớt. Mỗi khi lấy tài liệu ra xem thì tim muốn rớt ra ngoài luôn.

Khánh An: Các bạn có thấy trong đời một học sinh Việt Nam nào mà chưa bao giờ quay cóp không?

Tâm: Có. Có nhiều.

Thiện: Em nghĩ là có, nhưng mà mình chưa biết.

Khánh An: Theo các bạn thì số không quay cóp nhiều hơn hay số quay cóp nhiều hơn? Mời Tâm.

Thiện: Chắc chắn là quay cóp nhiều hơn.

Tâm: Số quay cóp ít hơn số không quay cóp.

Khánh An: Các bạn nói lại xem, mình lập lại nghe: “Số không quay cóp thì ít hơn là số quay cóp”?

Tâm: Số không quay cóp nhiều hơn số quay cóp, nghĩa là người quay cóp ít hơn người không quay cóp.

Tiến: Ồ, tại sao anh Tâm lại nghĩ khác?

Thiện: Ồ, em lại nghĩ ngược lại. Em nghĩ là người quay cóp nhiều hơn người không quay cóp.

Tâm: Tại vì anh nói thực sự quay cóp là phải có một bản lĩnh, tại vì trong lớp có nhiều dạng, một loại người rất giỏi tự tin sẽ thi đậu và những người chấp nhận số phận nếu mà rớt, và phần còn lại không chấp nhận số phận nên sẽ quay cóp.

Di-thi-2-250.jpg
Sinh viên tại TPHCM đang làm bài thi. Photo courtesy of CGDT.
Tiến: Không! Không! Ít nhiều trong đời anh cũng phải quay cóp một lần.

Thiện: Dạ đúng. Chính xác.

Tiến: Trong đời học sinh ít nhiều gì thì cũng có quay cóp một lần, và một khi anh đã quay cóp thì là có quay cóp rồi.

Thiện: Anh hỏi bài bạn anh thì cũng là đã quay cóp rồi.

Tâm: Ừ thì có thể đúng là số người quay cóp sẽ nhiều hơn số người không quay cóp.

Khánh An: Hồi lúc nãy Tâm có nói đến chuyện để mà quay cóp thì cần một bản lĩnh, các bạn có nghĩ rằng người quay cóp là phải có bản lĩnh không, hay là ngược lại, người quay cóp chính  là người không có bản lĩnh, chấp nhận sự thật là mình không biết bài này.

Tâm: Nhưng mà họ chấp nhận được hậu quả nếu họ bị bắt, đúng không chị?

Khánh An: Ồ, cái đó thì phải coi lại từ "bản lĩnh" nha. Các bạn phải định nghĩa lại từ "bản lĩnh".

Tiến: Đúng! Đúng!

Thiện: À, đúng!

Khánh An: Đúng không?

Tâm: Người có bản lĩnh là người chấp nhận, chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đúng không chị?

Một ăn hai thua

Khánh An: Đúng. Và trong chuyện học, nếu như một người không học bài mà bây giờ không chấp nhận kết quả của hành động của mình là không học bài thì dĩ nhiên phải điểm xấu, thì liệu người đó có phải là người bản lĩnh không? Hay là chuyện các bạn cho rằng đi quay cóp là bản lĩnh là một sự ngụy biện?

Thiện: Chắc vậy quá!

Khánh An: Tiến nghĩ sao?

Tiến: Thực ra đôi khi quay cóp cũng vì sợ, sợ nhiều thứ, ví dụ như là sợ bị phụ huynh trách mắng, sợ điểm xấu, sợ ở lại, sợ thi lại, nghĩa là nó xuất phát từ cái sợ thì mới quay cóp. Những người quay cóp họ giống như người đánh bạc, tức là một ăn hai thua. Khi họ không thuộc bài chắc chắn họ sẽ chết rồi, và quay cóp giống như mở ra một lối thoát cho họ để họ thoát khỏi những cái đáng sợ trên kia nên họ sẽ chắc chắn đặt cược vào ván bài đó để tìm cách sống sót. Đó là một cuộc đánh bạc.

Phương Anh: Nhưng mà còn cả ánh nhìn của bạn bè khi mình quay cóp nữa. Có thể bản thân của bạn mình nhiều khi họ cũng quay nhưng mà trong trường hợp ví dụ như môn đó mình quay mà họ không quay thì họ sẽ nhìn mình bằng một ánh mắt khác. Em nghĩ như vậy.

Những người quay cóp họ giống như người đánh bạc, tức là một ăn hai thua. Khi họ không thuộc bài chắc chắn họ sẽ chết rồi, và quay cóp giống như mở ra một lối thoát.

Bạn Tiến

Tiến: Nhưng mà tỷ lệ người không quay cóp nó quá thấp thành ra là ...

Tâm: Đó là chuyện bình thường của xã hội ha!

Tiến: ... nó như là chuyện bình thường, thế là họ coi như không có gì cả, chúng ta vẫn là bạn bè tốt. Chúng ta quay cóp lẫn nhau mà.

Khánh An: Và, theo như các bạn thấy thì cái thói quen đó nó có ảnh hưởng đến tư cách, đến tính cách của người đó sau này không?

Thiện: Dạ, có chứ! À, hồi năm rồi em có học được một câu "Gieo hành động thì nhặt thói quen, gieo thói quen thì nhặt tính cách", thì em nghĩ là quay cóp hoài thì nó sẽ phát sinh một cái tính gọi là không tự tin là một, cái thứ hai là không trung thực.

Tiến: Thực ra thì quay cóp một hai lần thì chấp nhận được, chứ còn luôn luôn quay cóp thì nó lại khác.

Khánh An: Phương Anh nghĩ sao, Phương Anh?

Phương Anh: Theo em nghĩ thì chuyện gì cũng đừng có quá là được rồi.

Thiện: Nhiều cũng không tốt, đúng không?!

Khánh An: Nhưng mà bạn vẫn chấp nhận là có thể quay cóp một số lần?

Thiện: Chấp nhận! Ai cũng phải chấp nhận điều này.

Phương Anh: Theo em thì tỷ lệ người có thể nhớ tất cả thì rất là ít và chưa kể là cái bệnh người thì rất dễ nhiễm.

Nguyên nhân quay cóp

Khánh An: Rồi, như vậy Phương Anh vừa đề cập đến một vấn đề lớn lắm, đó là nguyên nhân của chuyện quay cóp. Theo như Phương Anh vừa đề cập là một phần do lượng bài vở quá sức để một người có thể nhớ hết, đúng không?
Các bạn:
Đúng rồi.

Khánh An: Như vậy quay cóp có phải do nguyên nhân chủ quan của các bạn hay không, hay còn có những nguyên nhân khách quan khác, giống như Phương Anh vừa mới nói?

Chị thử tưởng tượng học Lịch sử đảng, học Triết, học Tư tưởng Hồ Chí Minh trong một học kỳ như thế thì làm sao mà học nổi. Quyển sách nào cũng dày cui cả.

Bạn Tiến

Phương Anh: Ví dụ như Cấp 2, như học thuộc lòng rồi nêu ra. Học có vui thì mới nhớ được, còn kiểu như nhồi nhét lý thuyết vào đầu thì coi bộ khó quá.

Khánh An: Cho nên theo bạn thì cái đó là một trong những nguyên nhân làm cho các bạn quay cóp?

Phương Anh: Vâng ạ.

Tiến: Đúng ạ. Chị thử tưởng tượng học Lịch sử đảng, học Triết, học Tư tưởng Hồ Chí Minh trong một học kỳ như thế thì làm sao mà học nổi. Quyển sách nào cũng dày cui cả. Nói chung là nó cũng phải đẩy đến một cái tiêu cực thôi.

Thiện: Không, cái này mình không đồng ý với Tiến, tại vì cách học ở cấp 3 khác khác với cách học ở đại học. Cách học của đại học là cách học mình tự nghiên cứu và mình hiểu nhiều hơn là mình học thuộc lòng. Còn vấn đề quay cóp thì mình nghĩ khách quan là do cái bệnh thành tích của mỗi người mà thôi.

Khánh An: Ừ, Tâm thì sao?

Tâm: Mình không đồng ý với chuyện quay cóp là do bệnh thành tích, tại vì một người quay cóp không bao giờ đạt được nổi một thành tích cao. Mình thấy những người đứng "top ten" trong ngành toàn là những người đâu quay cóp đâu.

Thiện: Ý em không phải là thành tích là thành tích cao, mà thành tích ví dụ như họ chạy theo mục tiêu của họ...

sv250.jpg
Nữ sinh giờ tan học. Photo courtesy of CGDT.
Tâm: OK, thì đối với một số người họ chỉ cần đậu thôi, để đối phó thôi thì họ quay cóp. Nói về vấn đề quay cóp thì không có ngành nào học lý thuyết nhiều như ngành sinh học của mình. Một học kỳ học 4 môn phân loại, 4 môn Dự trữ lý thuyết không, mà một môn là 3 ông thầy dạy, 3 quyển sách dày 500 trang. Học kinh khủng! Thì chuyện xảy ra quay cóp là cái chuyện bình thường, họ chỉ cần 5 điểm đậu thôi.

Khánh An: Coi như tính ra một môn học của bạn khoảng một ngàn rưỡi trang, mà trong khi các bạn phải học nhiều môn trong một học kỳ nữa. Khánh An muốn hỏi là về cách thi, thì trong khi Tâm thi thì phải học thuộc lòng và viết ra hay là các bạn được thi trắc nghiệm?

Tâm: Học thuộc lòng và viết ra. Hồi đó em học là đề viết, bây giờ nó chuyển qua đề trắc nghiệm rồi.

Khánh An: Như vậy các bạn nghĩ rằng một trong những nguyên nhân khác nữa là do cách thi khiến cho các bạn không thể nào mà học thuộc lòng được?

Tâm: Dạ, và tạo điều kiện cho mình quay cóp nữa đó chị. Tại vì cái cách thi cũng tạo điều kiện cho mình quay cóp chứ trắc nghiệm thì làm sao quay cóp được. Lật sao kịp!

Tiến: Đúng rồi.

Phương Anh: Kịp chứ.

Tiến: Không cách nào kịp.

Thiện: Không kịp nhưng vẫn lật.

Khánh An: Không kịp nhưng vẫn lật, phải không?

Thiện: Em thấy như vậy nè, có nhiều hình thức, ví dụ như bây giờ thi cho mở tài liệu thì có ai quay cóp làm gì, đúng không?

Làm sao bỏ chuyện quay cóp?

Khánh An: Ừ, bây giờ làm thế nào để mà bỏ chuyện quay cóp, để học sinh không còn nghĩ đến chuyện quay cóp nữa?

Thiện: Ái chà chà. Khó đó!

Phương Anh: Học theo cách hiểu chớ không phải học thuộc lòng. Đề thi mang tính chất ứng dụng nhiều hơn thì có thể các bạn có quay cóp cũng khó mà điểm cao.

Thiện: Và để thay đổi được cái đó thì cũng phải qua một quá trình cực kỳ dài và cực kỳ khó.

Tâm: Không, mình thấy cách ra đề là đúng đó. Cách ra đề là một và phương pháp giảng dạy là hai. Thứ ba là phải nghiêm trị những người quay cóp như thế nào để răn đe kẻ khác.

Khánh An: Rồi, còn Thiện nghĩ sao?

Mọi người quay cóp hết mà bạn không quay cóp thì người ta nhìn vô bạn, nhìn bên ngoài mặt thì họ sẽ nói bạn hơi bị “strick” nhưng trong lòng họ rất khâm phục bạn.

Bạn Tâm

Thiện: Em nghĩ thứ nhất là đổi mới phương pháp giáo dục của mình trước. Cách hướng của mình từ trước tới giờ là theo hướng nghiên cứu, không có thực tế nhiều lắm và cách ra đề cũng theo kết quả nhiều hơn chứ không có hướng theo dạng như em nói hỗi này là đề mở. Đề mở nó có cái hay là nó có thể kiểm tra được khả năng hiểu bài và khả năng ứng dụng của các bạn hơn là khả năng học vẹt theo kiểu từ trước tới giờ mình vẫn học, thì nó sẽ hạn chế được sự quay cóp.

Khánh An: Tiến?

Tiến: Nhưng mà những môn học bài thì làm sao? Thí dụ như môn Lịch sử, như môn Địa lý?

Thiện: Như môn Địa lý thì mình dùng hình thức Atlas. Atlas thì không học bài.

Khánh An: Tiến?

Tiến: Cứ gắn camera trên mỗi phòng thi là khỏi quay. Nói vui thế thôi chớ còn đôi khi phải nghĩ lại có những chuyện bất cập làm sao mà có những cái đề hay, những cái đề mở, đâu phải dễ dàng làm được điều đó.

Khánh An: Coi như tổng kết lại là vì hệ thống giáo dục vẫn còn rất nhiều bất cập trong chuyện ra đề thi, cách giảng dạy khiến dẫn đến chuyện quay cóp, thì bây giờ các bạn nghĩ rằng có khả thi hay không để chấm dứt chuyện quay cóp này? Theo các bạn thì bao nhiêu lâu nữa mình có thể chấm dứt tình trạng quay cóp ở học trò, học sinh, sinh viên?
Phương Anh: Lâu lắm, không biết thời gian là bao nhiêu luôn, còn tùy vào ý thức của các bạn nữa.

Thiện: Để hỏi Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục mới trả lời nổi!

Khánh An: Tâm nghĩ sao Tâm?

Tâm: Chỉ có thể hạn chế sự quay cóp bằng cách giáo dục ý thức của từng người mà thôi. Không cách nào mà bài trừ được tệ nạn quay cóp.

Khánh An: Như vậy  chuyện quay cóp là chuyện dài nhiều tập và sẽ còn một thời gian rất lâu nữa mới có thể nói đến cái chuyện hạn chế, chấm dứt hay là giảm tối thiểu chuyện này, đúng không? Bây giờ thì thấy tình hình là không thể nào mà trong một sớm một chiều mà có thể giải quyết được vấn đề này.

Thiện: Mình không giải quyết được. Mình không có trách nhiệm, nhiệm vụ, không có quyền hạn để thực hiện được điều này.

Khánh An: Ồ, nói như vậy có phải là các bạn đặt quá nhiều trách nhiệm lên những nhà quản lý giáo dục hay không? Tại sao các bạn không đặt đến vấn đề là chính bản thân tôi, nếu tự mỗi bản thân các bạn mà thay đổi thì có phải là xã hội thay đổi, đúng không?

Thiện: Em đồng ý là như vậy, nhưng vấn đề ở đây em chỉ muốn nói là việc đưa ra những chính sách hay là những thay đổi về mặt đó thì nó không thuộc quyền hạn của mình.

Khánh An: Nhưng mà trong giới hạn của các bạn thì các bạn có thể làm được điều gì để góp phần làm thay đổi tình trạng quay cóp?

Tâm: Bạn phải là tấm gương trước cho mọi người, giờ trong một môi trường mọi người quay cóp hết mà bạn không quay cóp thì người ta nhìn vô bạn, nhìn bên ngoài mặt thì họ sẽ nói bạn hơi bị “strick” nhưng trong lòng họ rất khâm phục bạn, rồi từ từ sẽ ít người quay cóp hơn chẳng hạn.

Phương Anh: Với lại theo em nghĩ thì cách thi hiện tại em không thích lắm, nếu mà thi thực hành nhiều hơn nữa sẽ tốt hơn.

Khánh An: Vậy các bạn có nghĩ đến chuyện góp ý cho giáo viên dạy bộ môn đó không?

Phương Anh: Cũng có.

Thiện: Góp ý cho giáo viên thì lại là một vấn đề khác nữa, nó cũng rất là "nhạy cảm".

Khánh An: Thưa quý vị và các bạn, đã đến lúc Cafe Wifi phải chia tay với quý vị rồi. Các bạn trẻ và Khánh An hẹn sẽ quay trở lại trong chương trình lần tới để bàn thêm về vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến chuyện sinh viên góp ý cho giáo viên mà bạn Thiện vừa mới đề cập đến. Khánh An xin kính chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.