Giới trẻ và chuyện Facebook bị chặn ở Việt Nam

Trong lần trò chuyện ở Café Wifi lần trước với 3 bạn trẻ là Long, Nhung và Hoàng, chúng ta đã tạm dừng lại ở ý kiến của bạn Nhung, cho rằng cần phải chú trọng đến vấn đề giáo dục nhưng cũng cần phải có những biện pháp từ phía nhà quản lý. Bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục với câu chuyện Facebook.

Một cách quản lý?

Khánh An: Facebook là một mạng xã hội lành mạnh rất phát triển ở các nước trên thế giới. Theo các bạn, những nguyên nhân nào làm cho Facebook bị chặn ở Việt Nam?

Nhung: Em nghĩ do trang này là trang web cộng đồng, nó phủ sóng quá rộng cho nên có thể một số người quản lý web họ cảm thấy không thể kiểm soát nổi. Họ có vẻ hơi căng thẳng một chút. Giống như khi mình bị căng thẳng, mình không kịp thời đưa ra một quyết định sáng suốt thì mình tạm thời xài cách này trước đã (cười), sau đó thì mình nghĩ ra cách khác.

Khánh An: Long có đồng ý với điều này không?

Long: Hồi nãy Long có đề cập tới đó, nếu trang web Facebook bị chặn, Long nghĩ là phải có một lý do. Mình mới nói là nếu ai đó mà chặn thì cũng cần phải có một lời giải thích rõ ràng…

Khánh An: Có lẽ là Long không theo dõi nhiều và không sử dụng nhiều Facebook nên Long không biết rõ về chuyện này. Các bạn ở những diễn đàn về công nghệ thông tin đưa ra một hình chụp quyết định của Nhà Nước đưa xuống cho một số nhà quản lý mạng là nên chặn một số website, trong đó list ra chừng 5, 7 website có cả Facebook.

Các bạn trẻ không đồng ý, có nhiều bạn cũng bàn cãi rằng tờ quyết định đó không đúng sự thật và điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng cuối cùng thì chuyện đó xảy ra.

Em nghĩ do trang này là trang web cộng đồng, nó phủ sóng quá rộng cho nên có thể một số người quản lý web họ cảm thấy không thể kiểm soát nổi.<br/>

Nhung, SV ở Sài Gòn<br/>

Bây giờ, những bạn sử dụng mạng của những nhà quản lý đó đều đã bị chặn lại, không phải tất cả nhưng mà hầu hết. Như vậy, ngoài lý do đó, các bạn có nghĩ có những nguyên nhân nào có thể làm cho Facebook bị chặn không?

Hoàng: Em nghĩ, có lần đọc ông Obama nói rằng Facebook mở ra một cách giao tiếp mới của con người. Em nghĩ tới nguyên nhân đó, bởi vì trang mạng Facebook làm cho người ta giao tiếp qua dễ dàng tới mức cập nhật từng phút. Thành thử, nếu một người nào mà có ước muốn quản lý tất cả những luồng thông tin ra vô ở đất nước mình thì cũng là một bài tóan rất đau đầu cho người ta. Bởi vì dù gì đi nữa, nó cũng sẽ gây cho người đó sự quá tải. Nhưng em không thích cái từ mà bây giờ ở mình sử dụng rất thường xuyên là từ "lợi dụng".

Như thế nào là lợi dụng? Ngay cả chuyện người ta lợi dụng trang đó để truyền bá cái này cái nọ thì hỏi người ta truyền bá như thế nào? Cũng chỉ là đăng bài, đăng nội dung đó lên. Như vậy, việc truyền bá có thành công hay không là phụ thuộc rất nhiều vào người đọc, bởi vì người truyền bá họ chỉ làm được có 50% công việc thôi là họ cung cấp nguồn tin thôi và như vậy, đó có phải là lợi dụng hay không? Bởi vì khi chị truy cập một trang web, đâu có ai bắt chị phải đọc hết tin đó đâu, nên chị vẫn có quyền lựa chọn.

Thành thử, em không thích lắm từ “lợi dụng”, em thấy từ “lợi dụng” đó bây giờ mình lạm dụng từ “lợi dụng” để làm chuyện khác. Em không thích lắm nên đối với em, mọi lập luận là sợ rằng cái tính mở của nó làm người ta lợi dụng làm chuyện này chuyện nọ, đó là một cái sợ đi ngược lại với xu hướng phát triển của thế giới bây giờ.

Khánh An: Nhung với Long nghĩ sao, có đồng ý với ý kiến của Hoàng không?

Long: Theo quan điểm của Long, nếu Facebook bị chặn thì nên mở lại Facebook. Còn quan điểm "lợi dụng" thì khi người ta nói từ đó nghĩa là có ý nghĩa xấu xa. Mình cũng đồng ý với Hoàng là chữ "lợi dụng" đó phải dùng cho đúng.

Khánh An: Hồi nãy Hoàng có nói đến chuyện cứ cho là lợi dụng các website, khi họ đưa thông tin ra thì chỉ mới là 50% thôi, còn phần người nhận là 50% nữa, thì cũng trên một diễn đàn, vì chuyện Facebook bị chặn, có một ý kiến nói rằng, giới trẻ Việt Nam bị cách ly giống như là H1N1.

Vậy các bạn có nghĩ, những mạng xã hội như Facebook mà bị chặn, thì có phải các bạn mất đi những cơ hội cũng như bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài hay không?

Hoàng: Đúng rồi, em thấy rõ ràng rằng những diễn văn trong nước mình đọc vẫn nói là cố gắng để cho xã hội Việt Nam nói chung, hay là người trẻ nói riêng, đi cùng nhịp với thế giới. Nhưng mặt khác, mình vẫn tách biệt người trẻ đi theo một nhịp riêng không giống ai hết. Ngay trong việc làm đó đã thể hiện mâu thuẫn rồi.

Một việc hết sức buồn cười là ở bên này, em thấy trong những máy iPhone người ta bán, người ta quảng cáo chức năng mà được coi là một thế mạnh của iPhone là người ta nhúng Facebook tự động vào đó luôn. Cho nên nếu nói trang này là một trang mạng xấu hay nguy hiểm thì không đúng, vì người ta đã nhúng nó vào một sản phẩm như thế là sự sống còn của một sản phẩm, người ta coi nó là một thế mạnh như vậy thì những lập luận đó cũng không vững vàng.

Khánh An: Long và Nhung nghĩ sao? Mời Nhung trước.

Nhung: Thực sự ra dạo gần đây em mới bắt đầu tham gia nhiều vào các trang mạng cộng đồng, còn chủ trương của bạn thân em vẫn là mặt đối mặt nói chuyện với nhau, chứ không phải sống với nhau qua mạng. Đương nhiên, thông tin trên mạng rất nhiều và nó hỗ trợ không ít cho em trong việc học hành.

Facebook cũng là một phương tiện mà gần đây em mới phát hiện ra. Việc nói là bị giới hạn thì đúng là cũng có bị giới hạn một phần. Với em, nó giống như là một phương tiện để mình liên lạc với người khác thôi thì nếu không liên lạc bằng cách này, mình sẽ tìm cách liên lạc bằng cách khác thôi nên cũng không có…

Long: Long cũng đồng ý với bạn. Facebook thực ra cũng không phải là tất cả. Ngoài Facebook ra chúng ta cũng còn nhiều cái khác, nhưng đặc biệt, Facebook làm cho mình có nhiều người bạn, tức là cơ chế của Facebook hay. Đó là nói riêng tính năng hay của Facebook. Còn nếu mà nói mình bị cách biệt với thế giới thì mình nghĩ mình còn có nhiều kênh thông tin khác chứ không đến nỗi gì mình bị cách biệt…

Quyền tự do thông tin

Khánh An: Ở đây mình nói đến Facebook như là một trường hợp điển hình thôi. Trong khi đó, các bạn biết rằng ở Việt Nam hiện nay bị chặn rất nhiều website chứ không riêng gì Facebook. Các bạn biết thực tế đó. Có lẽ nếu các bạn giống như Hoàng, có dịp đi ra khỏi Việt Nam, các bạn sẽ thấy có những website mà khi ở Việt Nam mình chưa bao giờ biết đến, mà có biết mình cũng không vô được.

Không biết Hoàng có kinh nghiệm về chuyện này không?

Em vẫn đặt tiêu chí hàng đầu lên là phải tôn trọng quyền tự do thông tin của người sử dụng và như thế, người sử dụng mới có nhiều kênh thông tin để họ điều chỉnh, đối chiếu, so sánh. <br/>

Hoàng, du học Pháp<br/>

Hoàng: Em cũng không truy cập nhiều website lắm nhưng em muốn bắt cái ý chị vừa nói, là Facebook chỉ là một điển hình để nói một vấn đề khác là tư duy của người quản lý, nghĩa là anh muốn quản lý thông tin bằng cách chặn này trang nọ thì hôm nay anh chặn trang A, ngày mai nó sẽ lòi ra hai trang A khác.

Có khi việc chặn đó lại có tác dụng ngược. Em muốn nói tư duy của người quản lý. Em cảm thấy đây là một tư duy hết sức ấu trĩ. Như em nói, một khi anh đã chấp nhận bước vào sân chơi internet là chấp nhận bước vào nguồn thông tin đa chiều và phải tôn trọng quyền tự do thông tin của người sử dụng.

Trở lại định nghĩa “đen hay không đen”, cái chữ đen hay không đen là một chữ hết sức mềm dẻo mà đối với người này nó khác, đối với người khác nó lại khác, giai đọan này nó đen, giai đọan khác nó trở thành không đen nữa. Em vẫn đặt tiêu chí hàng đầu lên là phải tôn trọng quyền tự do thông tin của người sử dụng và như thế, người sử dụng mới có nhiều kênh thông tin để họ điều chỉnh, đối chiếu, so sánh.

Cái phát triển đó mới là phát triển lành mạnh. Còn cái phát triển mà vẫn hạn chế kênh thông tin thì một sự ổn định trong nhận thức hay trong suy nghĩ cũng chỉ là bởi sự ổn định đó do cái nghèo nàn tạo ra thôi. Lấy gì bảo đảm nếu một ngày nào đó họ có nhiều kênh thông tin hơn, có khi lúc đó họ khủng hỏang còn ác hơn ngay từ đầu nữa.

Khánh An: Hai bạn Long và Nhung, mời Long.

Long: Thực ra cái này cũng giống như một trò chơi. Anh làm ra thì có người họ muốn chặn. Mình thấy cái đó cũng đúng. Thành ra, cái đó là cách làm việc không… phải nói rất là… của nhà quản lý thôi. Còn về phương án chặn lại thì cái đó nó thuộc cơ chế.

Nếu là mình thì đầu tiên mình cũng rất khó chịu với chuyện bị chặn, rồi sau đó mọi chuyện đều ổn thỏa. Tựu trung lại, chuyện ngăn cản thông tin đến với người khác thì nó cũng tùy thuộc vào quan điểm. Nhưng những thông tin cần thiết đến với người dân mà bị chặn lại thì mình thấy không nên, còn những thông tin gì…

Hoàng: Em, em xin ngắt lời bạn Long là ngay cả chữ "cần thiết" nó cũng phụ thuộc nhiều người nữa. Vì khi nói "cần thiết" nghĩa là mình trả lời giùm người tiêu dùng rồi thì ngay cả chuyện đó mình cũng không tôn trọng quyền tự do thông tin của người ta rồi.

Ví dụ, giả sử đối với bạn Long nó không cần thiết nhưng đối với em nó cần thiết thì sao? Đó, mình không nên trả lời giùm người khác là thông tin đó cần thiết hay không cần thiết mà đối với em, luôn luôn phải tôn trọng quyền tự do thông tin của người kia.

Chứ còn trên internet bây giờ một ngày có bao nhiêu gói thông tin được gửi đi, mà bây giờ mình ngồi mình lọc coi thử tin nào cần thiết tin nào không cần thiết thì nó vừa là một việc làm ấu trĩ, vừa là một sự coi thường người tiêu dùng…

Long: Thì đó, đó là yêu cầu của mình đúng không? Mình nói là những thông tin cần thiết đến cho người dân mà không đến thì dĩ nhiên là không tốt. Như vậy là có một số thông tin không đến bạn mà thông tin đó cần thiết cho bạn.

Tại vì theo kinh nghiệm sử dụng của mình, internet cũng là nơi cung cấp nhiều thông tin rất phong phú, bên cạnh đó nó cũng nhiều thông tin giống như là “tả pín lù” ở trong đó. Mình thấy có nhiều thông tin làm cho người khác sai lệch. Mình nói trong công việc thôi nha, chẳng hạn như cũng một thông tin đó, đối với trang web A nói điều này, trang web khác nói ngược lại.

Lúc đó, người tiêu dùng sẽ rất khó khăn, giống như hồi xưa mình có Wiki (Wikipedia), trên đó mọi người nói A, B, C nhiều quá nên sau này họ thành lập một ban để định lại điều đó đúng hay sai, thì mình thấy chuyện chặn hay là lọc, nếu mình là tốt cái đó, đó là điều tốt.

Mình không phải là trả lời đúng, nhưng mà để lược bỏ những thông tin sai lệch, chứ mình không đánh giá chuyện chặn những thông tin “trả lời giùm”. Cái đó mình cũng không đồng ý.

Hoàng: Em nghĩ ngay cả lập luận đó cũng không đủ để chặn nữa bởi vì tính đúng hay sai của một thông tin, tất nhiên thông tin sai sẽ gây hoang mang cho người đọc, nhưng mà bản thân những trang như Facebook đã nói đây là những trang thông tin cá nhân thôi, vì thông tin này không đến từ một viện hàn lâm hay một tổ chức đứng ra khẳng định tôi sẽ chịu trách nhiệm về thông tin này, nó chỉ là trang thông tin cá nhân thôi, thì việc mình sợ người đọc sẽ bị lung lạc thì cái sợ đó là cái sợ muôn đời bởi vì chính người đọc sẽ là người phán đóan thông tin đúng hay không đúng.

Liệu có phản tác dụng?

Khánh An: Như vậy nếu vấn đề như Hoàng đặt ra thì người đọc phải là những người rất vững, có sự phán đoán đúng, nghĩa là họ phải tự là "bộ lọc" cho chính họ…

Hoàng: Dạ, đúng vậy. Em nghĩ đó mới là phương án lâu dài. Đó mới thể hiện là người trưởng thành sử dụng internet như là một công cụ của mình. Nhưng em cũng hiểu rằng, để đạt được tính tự chủ như thế là không dễ bởi vì một khi muốn biết thông tin đúng hay sai thì họ phải có nhiều thông tin để đối chiếu để họ tìm ra cái mâu thuẫn nội bộ trong những nguồn thông tin về cùng một chủ đề. Đó là cái thứ nhất.

Mà càng chặn thì người đọc sẽ càng dễ tin vào tin đồn nhảm hơn. Em thấy việc chặn đó đi trong một vòng lẩn quẩn. Cuối cùng, cái mình tưởng mình hướng tới làm được thì mình đang đi ngược lại. <br/>

Hoàng, du học Pháp<br/>

Thứ hai, họ phải có một cái nhìn tương đối nữa. Mà càng chặn thì càng làm cho chuyện đó trở nên khó. Người đọc trở nên nghèo nàn hơn. Người đọc sẽ càng dễ tin vào tin đồn nhảm hơn. Em thấy việc chặn đó đi trong một vòng lẩn quẩn. Cuối cùng, cái mình tưởng mình hướng tới làm được thì mình đang đi ngược lại.

Khánh An: Quay trở lại, mình thấy rằng nếu mà chặn website này, website kia thì một mặt nào đó nó đã tự hạn chế lại tầm hiểu biết, cái nhìn của người sử dụng thông tin. Như vậy, họ sẽ khó mà có sự phán đoán chính xác, cũng như khó có thể trở thành "bộ lọc" cho chính mình. Đó là ý Hoàng muốn nói?

Hoàng: Đúng vậy.

Khánh An: Long thì nghĩ thế nào, có đồng ý như vậy không?

Long: Lập luận của Hoàng thực ra là một xu hướng rất hoàn hảo. Còn nếu đứng trên quan điểm một người sử dụng mà không thể có khả năng phán đoán thì như thế nào?

Khánh An: Như vậy, áp dụng cho hiện trạng của Việt Nam mình thì với giải pháp của Hoàng, dường như là một giải pháp hoàn hảo nhưng không biết có áp dụng được thực sự hiệu quả ở Việt Nam không.

Theo như Long nói, với những người sử dụng tại Việt Nam hiện nay, do tình hình bị chặn và có một số giới hạn nhất định trong chuyện tiếp nhận thông tin, họ không có một nền tảng vững vàng để có thể tự làm bộ lọc. Như vậy, với hiện trạng đó thì đâu là giải pháp hoàn chỉnh có thể áp dụng ở Việt Nam?

Hoàng: Em thấy đây là một câu hỏi khó. Bằng chứng là mình đang loay hoay để tìm ra một giải pháp phù hợp cho mình. Nhưng em vẫn chủ trương giải pháp phải làm ngay từ bây giờ là giáo dục tính tự chủ trong lựa chọn của mình. Tất nhiên, em nghĩ không thể tìm ra một giải pháp nào hoàn hảo đâu. Nó cũng có những mặt trái của nó. Nhưng em nghĩ tiêu chí tôn trọng quyền tự do thông tin của người sử dụng phải là tiêu chí được đặt lên hàng đầu và giáo dục người trẻ.

Khánh An: Long nghĩ như thế nào?

Long: Để có một giải pháp cụ thể thì nên nghiên cứu kỹ. Khi mà có chặn hay gì thì nên có những thông tin rất rõ ràng. Một khi có lý do hợp tình hợp lý thì mọi người sẽ theo. Chuyện đó dễ chấp nhận hơn là không có lý do gì cả. Đó là ý kiến của mình.

Hoàng: Em xin có thêm một ý tưởng nhỏ nữa mà có thể ý tưởng này sẽ làm cho trách nhiệm người quản lý… sẽ thách thức người quản lý chăng, đó là có bao giờ mình nghĩ tới chuyện là mình dám cạnh tranh thông tin hay không? Tại sao? Bởi vì rõ ràng là ngay internet cũng họat động theo quy luật cung cầu thôi.

Ở nơi nào có những gói thông tin hay hơn, người ta cần hơn thì người ta sẽ đổ vào đấy. Bây giờ, thay vì đi chặn trang này trang nọ, nhà quản lý có bao giờ dám nghĩ là tôi sẽ cạnh tranh thông tin với những trang đó.

Bằng chứng là tại sao ở Mỹ người ta nghĩ ra được trang Facebook hay như thế, tôi có dám đặt tham vọng là nghĩ ra một trang mạng hay là một trang web dạng thức nào đó và nó sẽ hút người trẻ về hay không? Có dám coi internet là một thị trường mà trên đó tôi sẽ cạnh tranh khốc liệt về mặt thông tin hay không? Em nghĩ phải như thế thì việc phát triển thông tin mới trở nên lành mạnh được.

Khánh An: Tóm lại, như các bạn đã nói, yếu tố con người là quan trọng nhất trong mọi khía cạnh của vấn đề này. Điều quan trọng là phải giáo dục con người đó để họ có thể sử dụng những phương tiện như internet một cách hiệu quả. Thêm vào đó, cũng cần phải có sự thay đổi về tư duy của người quản lý nữa, đúng không?

Long: Chính xác.

Hoàng: Dạ, đúng vậy.

Khánh An: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đến với Café Wifi.

Nhung: Dạ rồi. Xin chào chị nhé.