Kỳ này, các bạn trẻ này sẽ tâm sự về những khía cạnh khác trong công việc của họ, như vấn đề bảo hiểm, an toàn lao động và cả mức lương thưởng nữa.
Trước hết là chia sẻ lần trước của Lệ :
Lệ: Nhiều khi đi làm mình ra công ty mình nhìn đồ ăn còn thực sự mình không muốn ăn nhưng mà cũng phải ăn, không ăn thì chắc là làm không nổi.
Khánh An: Vâng. Khi các bạn không hài lòng với khẩu phần ăn của mình thì các bạn có bao giờ lên tiếng hay không? Có ai giúp các bạn lên tiếng về chuyện này hay không?
Hoài: Lên tiếng! Đương nhiên là người ta sẽ phải có thời gian, nhưng mà mình không phải tự mình mà lên tiếng được. Ví dụ như công ty mình có đên sáu bảy ngàn công nhân, nếu lên tiếng thì cũng phải lên tiếng ở khoảng dăm bảy ngàn công nhân thì khi đó công ty nó mới đọc và vài ba ngày sau công ty mới dán thông báo lên thức ăn bao nhiêu tiền đó.
Khánh An: Các bạn khác thì sao?
Hà: Ở chỗ công ty em làm cũng nấu ăn trong công ty nhưng mà số lượng công nhân tới mười mấy ngàn người lận. Nhiều khi anh chị em cũng có góp ý lên nhưng mà có một số người chê đồ ăn không ngon nên không ăn, một số người vẫn cứ ăn thì không giải quyết được gì hết. Còn ngoài ra trong công ty em có một bộ phận để những thắc mắc hay tranh chấp mình có thể gửi lên trên đó để người ta giải quyết cho mình, thì cũng gửi lên đó rồi nhưng mà em thấy cũng chẳng ai giải quyết gì.
An toàn lao động
Khánh An: Vâng. Như vậy thì cũng có thể thấy là chất lượng bữa ăn của các bạn công nhân là không đủ đảm bảo cho sức khỏe cho các bạn làm việc, còn về mặt an toàn khi các bạn làm việc thì sao? Trước khi làm việc có ai hướng dẫn cho các bạn về những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn trong nghề nghiệp của các bạn hay không?
Lệ: Với các công ty thì bảo hộ hay độc hại gì đó, cách 4 năm trở lại đây thì hầu như công ty nào người ta cũng có dạy về luật lao động trước khi vào làm.
Khánh An: Vâng. Ở công ty của Hà thì sao? Có được chỉ dẫn về các biện pháp để bảo vệ cho sự an toàn của mình hay không?
Bên công ty của Thượng thì vấn đề an toàn rất là gắt gao vì công ty này là của người nước ngoài, của Nhật, thành thử họ đưa vấn đề an toàn lên cao lắm, trang bị cho mình đầy đủ mọi thứ đồ bảo hộ lao động.
Bạn Thượng
Hà: Công ty em thì thường thường cũng có người bị đứt tay, bị mất đốt tay, một bàn tay có thể mất 3 ngón, nhưng mà những chuyện ấy thì ban giám đốc không hề nói năng gì cả vì trong hợp đồng lao động là người nào làm thì người ấy chịu. Có tai nạn gì thì công nhân tự chịu, ban giám đốc trong công ty không chịu trách nhiệm.
Khánh An: Ồ! Có nghĩa là ngay từ đầu khi ký hợp đồng thì chuyện tai nạn coi như cá nhân các bạn phải chịu.
Hà: Vâng.
Khánh An: Công việc của các bạn làm có khi nào xảy ra những tai nạn lớn không?
Hà: Có. Ở công ty em có xảy ra tai nạn. Có 3 người bị rơi 6 đốt ngón tay.
Khánh An: Như vậy sau đó họ không còn làm việc được nữa?
Hà: Vâng.
Bảo hiểm - mỗi nơi mỗi khác
Khánh An: Và bảo hiểm thì công ty không mua cho những công nhân này hay sao?

Hà: Nói chung về bảo hiểm thì một số công ty cũng thì một số người thích đóng thì đóng, không thì thôi, nhưng mà đóng bảo hiểm thì cũng chẳng trả được bao nhiêu, chỉ được mỗi tiền thuốc thôi.
Khánh An: Ừ. Như vậy thì sau đó các bạn đó coi như mất khả năng lao động, phải không?
Hà: Những người đó không làm việc được nữa, bị cụt tay rồi thì cũng chả biết làm thế nào.
Khánh An: Ồ! Còn công ty của Lệ và của anh Thượng thì sao? Có chế độ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn không?
Thượng: Bên công ty của Thượng thì vấn đề an toàn rất là gắt gao vì công ty này là của người nước ngoài, của Nhật, thành thử họ đưa vấn đề an toàn lên cao lắm, trang bị cho mình đầy đủ mọi thứ đồ bảo hộ lao động. Nhưng mà Thượng để ý từ hồi đó đến giờ, những tai nạn mà thường xảy ra, tai nạn lớn thì không có, tai nạn nhỏ thì thỉnh thoảng vẫn có nhưng mà nguyên nhân hầu hết là do con người chớ không do máy móc.
Khánh An: Vâng.
Thượng: Nhưng mà nó có vấn đề khác nho nhỏ là khi mà xảy ra tai nạn thì mình phải báo lên cấp trên mình, nhưng mà người cấp trên mình lại không muốn làm lớn chuyện nên họ không báo lên trên, tại vì nếu mà báo lên ban giám đốc thì ban giám đốc người ta sẽ xuống dưới phân xưởng, xuống tận nơi làm việc người ta điều tra. Người ta bắt tổ trưởng là cấp trên mình phải đưa ra những đối sách cho nên đôi lúc có một vài tổ trưởng người ta làm không đúng trách nhiệm, người ta muốn ém sự việc đó lại thì người bị thiệt thòi trước mắt là người công nhân.
Và một phần nữa là có những việc nho nhỏ, đó là công ty có trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động nhưng mà người quản lý mình là người Việt Nam lại đi mua những đồ bảo hiểm không có an toàn, tức là họ đã giảm bớt đi giá cả do trên ban giám đốc người ta đưa xuống, tức là người ta đặt mua món đồ bảo hộ bằng giá này tiền, nhưng mà người ở dưới này thì họ lại đi mua một sản phẩm rẻ hơn. Đó là một trong những cái gúc mắc trong công ty.
Khánh An: Vâng. Cảm ơn ý kiến của anh Thượng. Bây giờ thì Khánh An mời Lệ.
Trong hợp đồng lao động là có tai nạn gì thì công nhân tự chịu, ban giám đốc trong công ty không chịu trách nhiệm.
Bạn Hà
Lệ: Dạ, công ty em thì làm bên ngành da, thì em thấy có bảo hộ lao động ở mấy chỗ làm giống như may này, nhân viên ở chỗ bên em thì có bảo hộ lao động như bao tay. Đó là những cái đơn giản thôi vì thế mọi người đều có. Em nghe bên đế (giày) có anh kia không biết có phải vì ảnh sơ xuất làm sao đó mà để bàn tay lên máy cắt nên bị cắt mất nguyên cả bàn tay, nhưng bên công ty cũng có mua bảo hiểm lao động cho anh ấy và cuối cùng công ty cũng nhận ảnh về làm lại khi mà ảnh xuất viện nhưng được chuyển qua một khâu khác làm việc đơn giản hơn . Em thấy công ty em về mặt bảo hộ lao động tương đối là được ạ, bảo hộ lao động cũng tốt.
Lương lên sau giá
Khánh An: Vâng. Với những điều kiện làm việc của các bạn như vậy và những công việc như các bạn vừa chia sẻ thì Khánh An muốn hỏi các bạn một điều tế nhị hơn, đó là chuyện lương bổng của các bạn. Khi Khánh An theo dõi thì Khánh An thấy có khá nhiều vụ công nhân đình công chỉ vì vấn đề lương bổng, tăng lương. Thế thì trong hoàn cảnh cụ thể của các bạn, các bạn có nghĩ rằng mức lương của các bạn hiện nay là tương xứng với công việc các bạn đang làm hay không?

Thượng: Cái mức lương đó thì những công ty họ cũng chấp hành đúng với quy định mức lương tối thiểu của nhà nước đưa ra.
Khánh An: Mức lương tối thiểu hiện nay là bao nhiêu ạ?
Thượng: Vài năm gần đây là có thay đổi liên tục, vì Thượng cũng làm lâu rồi nên Thượng không có để ý vấn đề đó nữa, nhưng mà theo Thượng nghĩ bây giờ là khoảng 1 triệu tư năm chục đến 1 triệu rưỡi.
Khánh An: Vâng. Xin mời anh nói tiếp.
Thượng: Ngoài cái đó ra thì những cái phúc lợi thì mỗi công ty là hoàn toàn khác nhau, bên chỗ Thượng làm thì mức lương tạm gọi là tạm ổn nhưng mà cái lương lên hàng năm thì rất chậm chạp, thành ra ảnh hướng rất lớn đến công nhân, tại vì thời giá thị trường bây giờ thì đương nhiên cái gì cũng lên hết nhưng mà mức lương bao giờ cũng lên sau cùng, và nó có lên thì không bao giờ bù được cái giá ở bên ngoài, nhất là những anh chị em ở trọ, không có nhà ở thành phố, nên cái mong ước của họ theo như Thượng nghĩ là họ rất cần tăng ca.
Khánh An: Vâng ạ. Cảm ơn anh Thượng. Còn các bạn khác thì sao ạ? Mức lương các bạn hiện nay có đủ cho các bạn chi xài hay không?
Hoài: Đủ thì cũng có thể đủ chứ, nhưng mà cũng không thể đủ hết được, tại vì nếu mà với múc lương hiện nay thì nếu mình muốn lo thêm cho một ai đó hay mình bệnh tật hay đau ốm gì trong vòng một tháng hay nửa tháng gì đó thì mình sẽ phải hao hụt chứ không hoàn toàn là đủ được. Mình nghĩ là với mức lương hiện nay muốn cho đủ ở trọ thì ít nhất cũng phải được trong vòng 2 triệu rưỡi đến 3 triệu một tháng, là phải làm thêm giờ, làm tăng ca có khi đến tận tám chín giờ gì đó mới được chừng đó.
Còn nói về làm hành chánh 4 giờ về thì làm có 8 tiếng thì mức lương đó là chỉ được khoảng 2 triệu, vậy thôi, hơn mức lương tối thiểu hiện nay.
Khánh An: Vì bạn vừa rồi có nói trong khoản chi tiêu có khoản tiền nhà trọ thì Khánh An muốn hỏi bạn là tiền nhà trọ trung bình hiện nay khoảng bao nhiêu?
Hoài: Nhà trọ thì cũng kinh doanh như công ty luôn. Nếu nó nghe tin các công ty lên lương khoảng dăm mươi ngàn thì tiền nhà trọ nó cũng lên luôn. Ví dụ như phòng trọ hiện nay là 800 ngàn một phòng nhưng mà với điều kiện chỉ được 2 người thôi. Nếu mà mình được tăng lương vì các khu công nghiệp có thông báo tăng lương thì nhà trọ có thể tăng lên luôn, nó tăng thêm phòng trọ năm chục này kia nữa.
Khánh An: Khi mà bạn ở nhà trọ như vậy thì tiền điện nước mọi thứ là do các bạn tự lo hay là nhà trọ người ta trả cho bạn luôn?
Lương chưa tăng thì ở ngoài hầu hết mọi thứ đã tăng rồi, như điện nước đã lên rồi, xăng đã lên rồi, thì lương từ từ mới lên.
Bạn Thượng
Hoài: Cái đó là mình tự lo chứ.
Khánh An: Thường thì mất khoảng bao nhiêu ạ?
Hoài: Cũng hết trăm hai, trăm ba gì đó.
Khánh An: Vâng. Cảm ơn Hoài đã chia sẻ rất chi tiết về sinh hoạt của bạn cũng như về chuyện tiền lương của công nhân. Mình muốn hỏi ở khu Đồng Nai của Lệ thì chuyện lương bổng có được tốt không ạ?
Lệ: Dạ, công ty em làm liên doanh với nhà nước nên khi nào mà nhà nước lên lương thì tụi em cũng được lên lương. Công ty em cũng tính là hàng năm thì tụi em cũng được lên lương một lần nhưng rất ít, có mấy chục ngàn thôi.
Khánh An: Bao nhiêu ạ?
Lệ: Khoảng ba chục ngàn, bốn chục ngàn. Nếu mà so với công ty của anh Thượng thì thua, còn so với ông ty của chị Hoài thì công ty em cũng khá hơn vì mức lương căn bản của em, cứ tình theo từng năm. Ví dụ như người mới vô, công nhân mới vô thử việc thì lương chỉ là 1 triệu mốt mấy chục ngàn, còn em làm lâu năm thì lương của em đã lên tới 2 triệu hai.

Nhưng mà bây giờ cái gì hiện nay cũng lên hết, ví dụ như xăng bây giờ đã lên tới 21.300 đồng/lít, tính từ nhà em đi lên công ty thì một tháng như vậy em phải đổ ít nhất 200.000 tiền xăng, một tuần em đổ 50.000 tiền xăng, rồi tiền đám cưới, rồi các thứ tiền linh tinh khác nữa thì chắc cũng chẳng còn bao nhiêu ạ. Bây giờ mình cũng muốn lên lương nhiều nhưng mà công ty họ đâu có chịu.
Họ kêu là phải áp dụng theo nhà nước, mà nhà nước lại chia theo vùng, thí dụ bên thành phố thì họ tính mức lương khác, ở tỉnh thì tính mức lương khác, tùy miền mức lương khác, vi dụ như nó quy định năm nay cho lên 200.000 thì không phải cho lên 200.000 đối với tất cả từ Nam ra Bắc, mà chỉ cho ví dụ ở Đồng Nai là 200.000 thì lên thành phố có thể là 500.000, trong khi các thứ đều tăng giá mà lương lên thì rất ít, không đủ.
Khánh An: Vâng. Ở bên chỗ anh Thượng, mức lương của anh vì làm cho công ty Nhật cho nên chắc là sẽ khá hơn so với lại các công ty khác, phải không?
Thượng: Đỡ hơn thì có nhưng mà những chế độ như ăn uống, lương bổng hoặc là phúc lợi thì người ta cũng tăng, nhưng mà lương chưa tăng thì ở ngoài như các bạn đã nói thì hầu hết mọi thứ đã tăng rồi, như điện nước đã lên rồi, xăng đã lên rồi, thì lương từ từ mới lên.
Khánh An: Vừa rồi quý vị đã nghe anh Thượng nói về tình trạng lương của công nhân tăng không kịp với thời giá.
Đã đến lúc chương trình Cafe Wifi phải tạm dừng rồi. Khánh An hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới để cùng với các bạn trẻ tìm hiểu thêm về khía cạnh đời sống tình cảm, tinh thần của giới công nhân Việt Nam. Khánh An xin kính chào tạm biệt.
Quý vị muốn đóng góp ý kiến hoặc tham gia vào chương trình xin gửi email và số điện thoại cho Khánh An ở địa chỉ: khanhan@rfa.org hoặc wificoffee.rfa@gmail.com. Khánh An xin kính chào tạm biệt.