Hiệu ứng kinh tế của bạo loạn tại Hong Kong

Nguyễn Xuân Nghĩa
2019.11.19
Hiệu ứng kinh tế của bạo loạn tại Hong Kong Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong, nơi tập trung các trung tài chính lớn hôm 11 tháng 9,2019
AFP

Suốt tuần qua, Hong Kong trôi vào nạn bạo loạn nguy ngập khi lực lượng cảnh sát cơ động có võ trang đầy đủ bao vây năm trường đại học, nơi sinh viên cố thủ với võ khí thô sơ để chống đỡ. Cao điểm của nạn bạo hành là Đại học Bách khoa Hương Cảng cho tới ngày Thứ Ba 19 vẫn chưa êm. Trong khi cả thế giới theo dõi tình hình đáng ngại tại Hong Kông thì giới kinh tế bắt đầu tính nhẩm về hiệu ứng của vụ khủng hoảng này. Điễn đàn Kinh tế sẽ làm công việc sơ kết đó.

“Nhất quốc lưỡng chế”: hết giá trị thực tế!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông vụ khủng hoảng tại Hong Kong đã lên tới cùng cực khi cảnh sát cơ động chống bạo loạn thẳng tay đàn áp các sinh viên và giới trẻ tại đây cũng chẳng từ nan việc bạo động. Theo ông thì tình hình rồi sẽ ra sao và Hong Kong sẽ bị hiệu ứng thế nào về kinh tế?

Bắc Kinh có tham vọng lớn, mà thực lực chưa tương xứng, vụ Hong Kông phơi bày chuyện đó và điều họ sợ hơn cả cho sự tồn vong của chế độ là tự do và minh bạch. Đây là chúng ta chưa nhắc đến vụ Tây Tạng hay Tân Cương còn mờ ám đen tối hơn….
-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Người ta có thể nói rằng sự bạo hành xảy ra tại cả đôi bên nhưng các sinh viên vẫn thấy họ là nạn nhân, sẵn sàng chịu chết nên tình hình càng nguy ngập vì nhà chức trách có thể đàn áp mạnh hơn và Hong Kong không có lối thoát.

Nguyên Lam: Ông thấy phản ứng của thế giới ra sao và lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ nguyên thủy, thế giới tưởng rằng mọi sự xảy ra vì dự luật dẫn độ của nhà chức trách Hong Kong khiến cả triệu người đã biểu tình ôn hòa vào mùng chín rồi ngày 17 cho tới tuần này.

- Nhưng sự thể đã tích lũy sau khi Hong Kong “hồi quy cố quốc” vào mùng một Tháng Bảy năm 1997 vì từ đó dân Hong Kong thấy đất sống của họ mất dần bản sắc truyền thống là tinh thần tự do cởi mở. Rồi làn sóng di dân từ Hoa lục sang gây thêm khó khăn kinh tế về gia cư, địa ốc, nhà ở. Trong khi đó, Bắc Kinh có chủ ý thu hẹp quyền tự do của Hong Kong bằng luật lệ để không khí tự do đặc thù ở đấy khỏi “nhiễm độc” vào các tỉnh bị cai trị bằng ách độc tài bên trong. Vì vậy nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế”, là một quốc gia hai chế độ, mà Bắc Kinh đã cam kết khi thu hồi Hong Kong, hết còn giá trị thực tế và chế độ đặc khu hành chánh tự trị của Hong Kong cứ bị lấn át dần.

- Vì vậy cái “nhân” của sự chống đối đã có sẵn, dự luật dẫn độ chỉ là cái “duyên”. Mà việc dân Hong Kong đòi hỏi dân chủ, là quyền bầu lên người lãnh đạo thay vì do Bắc Kinh chỉ định, là điều lãnh đạo Trung Quốc không thể chấp nhận được, và quy luật vật lý chính trị ở đây là sức ép của chế độ mới tạo ra sức bật của người dân. Lần này sinh viên có thể bị đẩy lui nhưng họ sẽ tranh đấu cách khác.

Tầm quan trọng của bầu cử

Nguyên Lam: Người ta nhận thấy hai điểm lạ tại Hong Kong. Hôm Thứ Hai 18,  Tòa án Thượng thẩm đã phán quyết là việc Ban bố Tình trạng Khẩn cấp theo một đạo luật do Đế quốc Anh ban hành từ năm 1922 và cấm người dân đeo mặt nạ là vi hiến. Thứ hai, là ngày Chủ Nhật 24 này, Hong Kong sẽ có một cuộc bầu cử địa phương để chọn đại biểu cho 18 quận trong bốn năm. Xưa nay, ít ai để ý tới cuộc bầu cử đó vì các đại biểu chẳng có nhiều quyền, nhưng thưa ông, vì sao Liên hiệp Âu châu vừa ra khuyến cáo kêu gọi chính quyền Hong Kong tự kiềm chế và nhất là không nên hoãn cuộc bầu cử này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vị Hành chánh Trưởng quan là Lâm Trịnh Nguyệt Nga đòi ban bố trình trạng khẩn cấp theo một đạo luật thời thuộc địa để dễ kiềm chế người dân và còn cấm đeo hay sơn mặt nạ để cảnh sát dễ nhận diện và truy nã. Nhưng quyết định ấy đã bị Tòa bác bỏ. Tức là Hong Kông vẫn còn hệ thống luật lệ khác với Hoa lục và quyền Tư pháp vẫn còn có sự độc lập của thời xưa.

- Vụ bầu cử cấp quận ở các địa phương còn ly kỳ hơn. Thật ra, 452 đại biểu chẳng có thực quyền về lập pháp hay chính sách kinh tế xã hội, nhưng lại có ảnh hưởng đến việc đề cử Nghị hội Hong Kong và Ủy ban sẽ bầu ra lãnh đạo của Đặc khu Hành chánh này. Sau sáu tháng biến động vừa qua, thì các đảng phái dân chủ đã huy động được hậu thuẫn của giới trẻ trong khi uy tín của các đảng thân Bắc Kinh thì sa sút nặng. Lần này có đến bốn chục vạn người trẻ sẽ đi bầu nên số cử tri tăng vọt. Vì vậy, họ tranh đấu để chính quyền không hoãn bầu cử và Liên Âu có thấy điều ấy nên mới ra khuyến cáo nhắc nhở.

Quan hệ Hoa Kỳ-Hong Kong

Nguyên Lam: Thưa ông, còn phía Hoa Kỳ thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ và Vương quốc Anh Thống nhất cũng theo dõi vụ khủng hoảng và lên tiếng can gián bạo động làm Bắc Kinh rất khó chịu.

Cảnh sát bắt giữ những người biểu tình khi họ cố gắng rời khỏi Đại học Bách Khoa Hong Kong vào ngày 18 tháng 11,2019.
Cảnh sát bắt giữ những người biểu tình khi họ cố gắng rời khỏi Đại học Bách Khoa Hong Kong vào ngày 18 tháng 11,2019.
AFP

- Tại Hoa Kỳ thì từ ngày 15 Tháng 10, Hạ viện Mỹ đã có một dự luật tu chỉnh lại đạo luật về Chính sách của Hoa Kỳ với Hong Kong vào năm 1992, theo đó, Hong Kong được hưởng quy chế ưu đãi khác với Trung Quốc. Dự luật của Hạ viện Mỹ có tên là “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ của Hong Kong” ghi rằng nếu dân Hong Kong bị đàn áp thì quy chế ưu đãi đó chấm dứt và Hong Kông sẽ bị đối xử như một tỉnh của Bắc Kinh thôi, và Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền lợi lẫn tài sản của mình tại Hong Kong. Tuần qua, khi tình hình căng thẳng thì nhiều Nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ đòi tiến hành thủ tục đặc biệt để Thứ Sáu 22 này cũng biểu quyết một dự luật tương tự như dự luật của Hạ viện. Sau đó, hai dự luật sẽ được thống nhất để Tổng thống ban hành.

- Đáng chú ý là cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trong Quốc hội Mỹ đều cùng nhìn một hướng và thật ra ông Donald Trump đã có thể ký Sắc lệnh Hành pháp để chấm dứt tình trạng ưu đãi của Hong Kong và coi như kết thúc vị trí tài chánh quốc tế của đặc khu này nếu Bắc Kinh mở ra cuộc tàn sát như trong vụ Thiên An Môn vào ngày bốn Tháng Sáu năm 1989.

Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì kịch bản bi thảm ấy có thể xảy ra không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chưa biết Tổng bí thư Tập Cận Bình sợ cái gì hơn cả nên khó đoán ra. Nhưng từ hôm Thứ Sáu, Phỏ Thủ tướng Hàn Chính là ủy viên trong Thường vụ Bộ Chính Trị Bắc Kinh đã tới Thâm Quyến giám sát tình hình và cho một tiểu đoàn đặc công phô diễn khả năng dọn dẹp. Bắc Kinh rất sợ loạn nên hù dọa người dân và đòi răn đe quốc tế.

-Nhưng kinh nghiệm vụ Thiên An Môn 1989 cũng là một bài học cho Mỹ khi ông Trump bảo rằng đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc mà Bắc Kinh nên xử lý một cách nhân đạo. Lối nói nước đôi đó có khi lại khuyến khích Bắc Kinh sử dụng võ lực và ông Trump sẽ bị đảng Dân Chủ gán cho trách nhiệm vào năm tới.

- Năm xưa, khi sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn thì cũng chỉ để phản đối nạn lạm phát và tham nhũng trong bộ máy đảng, nhưng sau đó họ đòi tự do dân chủ như dân Hong Kong bây giờ. Khi ấy, ông Đặng Tiểu Bình và phe bảo thủ trong đảng rất khó chịu và muốn thẳng tay đàn áp mà còn e ngại phản ứng của Hoa Kỳ và hậu quả bất lợi về kinh tế khi giao dịch với các nước. Nhưng chính Tổng thống George H. W. Bush, là ông Bush cha, đã bật ra ba tín hiệu sai lầm.

Nguyên Lam: Thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết ba tín hiệu đó là gì.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, ông Bush tuyên bố như ông Trump bây giờ, rằng Hoa Kỳ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Sau đó, ông giải nhiệm Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh là ông Winston Lord vì ông này ủng hộ phong trào dân chủ, lại có vợ là nhà văn gốc Hoa, bà Bette Bao Lord, gia đình là nạn nhân cộng sản và bản thân bà rất thiết tha đến nhân quyền. Được tín hiệu đó từ Tổng thống Mỹ, họ Đặng bèn cho mở cuộc tàn sát tại Thiên An Môn. Sau đó ít lâu, ông Bush còn qua Tầu như chẳng có chuyện gì hết vì việc làm ăn giữa hai nước và làm giàu cho giới tài phiệt mới là quan trọng!

Nguyên Lam: Ông có bi quan quá không? Và ngày nay, hình như có sự khác biệt về lập trường giữa ông Trump và ông Bush cha ngày xưa khi nói về Trung Quốc… Ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khác với bảy đời Tổng thống trước, ông Trump đang vận động các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc chẳng vì dân chủ hay nhân quyền mà vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Ông Trump cũng nghi ngờ chế độ cộng sản, coi Trung Quốc là đối thủ và không quên rằng ngoài đám tài phiệt và báo chí cứ hay ca tụng Bắc Kinh, giới chức về an ninh trong nội các và Quốc hội Hoa Kỳ đều quan tâm đến Hong Kong, Đài Loan và tham vọng của Bắc Kinh. Dân Mỹ cũng biết về Hong Kong nhiều hơn những gì họ biết về Thiên An Môn 1989 và bất bình khi thấy Bắc Kinh còn đòi kiểm soát tư tưởng của xã hội Mỹ như trong chuyện đội banh bóng rổ Mỹ bị Trung Quốc đòi trừng phạt vì ủng hộ dân Hong Kong.

- Ngoài ra, ta cũng chẳng quên trào lưu đấu tranh của xã hội dân sự nay lại thêm thế mạnh một phong trào xã hội toàn cầu chống chế độ độc tài, tham nhũng, bất công xã hội. Trung Quốc có cả ba nhược điểm ấy nên sẽ chẳng yên như sau vụ Thiên An Môn.

Hậu quả là giữa những khó khăn kinh tế và xã hội bên trong Trung Quốc, việc Hoa Kỳ và các nước có thể trừng phạt Bắc Kinh sau chuyện đàn áp Hong Kong càng khiến Tập Cận Bình lúng túng. Giới đầu tư quốc tế đang ngó vào hai chuyện: sự ổn định không có của Hong Kong và sự phân vân của họ Tập. Họ chưa tháo chạy khỏi Hong Kong nhưng vẫn chuẩn bị rút khi kinh tế của đặc khu này đã bị suy trầm.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

- Bắc Kinh có tham vọng lớn, mà thực lực chưa tương xứng, vụ Hong Kông phơi bày chuyện đó và điều họ sợ hơn cả cho sự tồn vong của chế độ là tự do và minh bạch. Đây là chúng ta chưa nhắc đến vụ Tây Tạng hay Tân Cương còn mờ ám đen tối hơn….

Hậu quả kinh tế

Nguyên Lam: Chúng ta đi tới phần cuối, về hậu quả kinh tế của vụ khủng hoảng này, ông kết luận ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước dân chủ Tây phương, trước tiên là Hoa Kỳ từ năm 1972 cứ tưởng rằng nếu giúp Bắc Kinh cải cách kinh tế cho tự do hơn thì Trung Quốc sẽ tiến dần ra chế độ dân chủ và trở thành một cường quốc biết điều.

- Vụ Thiên An Môn năm 1989, rồi vụ hãm hại người Hồi giáo tại Tân Cương trước khi có chuyện đàn áp Hong Kong cho thấy sự sai lầm đó. Sau Đặng Tiểu Bình thì Tập Cận Bình còn lùi xa hơn về quá khứ của một chế độ sợ sệt. Khi vụ Tân Cương bị ai đó trong Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 19 tiết lộ ra ngoài thì ta đoán Tập Cận Bình bị chống đối bên trong. Vụ Hong Kong còn công khai hóa sự thất bại của họ Tập kể từ khi ông đòi thay đổi Hong Kong vào năm 2017.

- Hậu quả là giữa những khó khăn kinh tế và xã hội bên trong Trung Quốc, việc Hoa Kỳ và các nước có thể trừng phạt Bắc Kinh sau chuyện đàn áp Hong Kong càng khiến Tập Cận Bình lúng túng. Giới đầu tư quốc tế đang ngó vào hai chuyện: sự ổn định không có của Hong Kong và sự phân vân của họ Tập. Họ chưa tháo chạy khỏi Hong Kong nhưng vẫn chuẩn bị rút khi kinh tế của đặc khu này đã bị suy trầm.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.