San hô nguồn tài nguyên quý của đại dương đang bị hủy hoại

Một trong những nguồn tài nguyên quí giá của đại dương là san hô. Lâu nay, nhiều người trong chúng ta chỉ biết đến san hô qua vẻ đẹp phong phú, đa dạng của các rặng san hô duới mặt biển; hoặc là những sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ san hô.
Gia Minh, phóng viên RFA
2009.01.05

Hiện nay san hô đang mất dần đi do nhiều nguyên nhân.

Trong chuyên mục Khoa Học- Môi Trường đầu năm dương lịch 2009, mời quí thính giả cùng điểm lại một số thông tin liên quan san hô qua ý kiến của một chuyên gia đang làm việc tại Viện Hải Dương Học Nha Trang, đó là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại.

Đó như là một cái nơi cung cấp thực phẩm và cái nơi sinh sống cho các loài sinh vật biển đó mà, cho nên cái ảnh hưởng của nó rất là quan trọng. Đó là nơi cư trú, rồi sinh đẻ, rồi nuôi dưỡng những ấu thể sinh vật cho đại dương.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại

San hô nguồn tài nguyên quý của đại dương đang bị hủy hoại
San hô nguồn tài nguyên quý của đại dương đang bị hủy hoại
Photo courtesy Vietnamnet
Đối với những người sống xa biển, và không chuyên sâu về các loài dưới đại dương, thì kiến thức về các chức năng của san hô thật mơ hồ.

Các loài sinh vật biển tồn tại nhờ vào san hô

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại nêu lại một số chức năng chính của san hô:

- Đó như là một cái nơi cung cấp thực phẩm và cái nơi sinh sống cho các loài sinh vật biển đó mà, cho nên cái ảnh hưởng của nó rất là quan trọng. Đó là nơi cư trú, rồi sinh đẻ, rồi nuôi dưỡng những ấu thể sinh vật cho đại dương.

Nó cung cấp thực phẩm. Nói chung nó gần như cái habitat cho tất cả những loài động vật ở biển đó mà. Cái vai trò của nó rõ ràng nhứt là vai trò như vậy. Đó là chưa nói tới việc nó cung cấp oxy, rồi vì nó có nhiều trong san hô thì một cái hệ sinh thái nó có rất nhiều các loại tảo rồi những loài cộng sinh sinh sống trong đó, cho nên hệ sinh thái của nó rất là đa dạng.

Một đánh giá cho thấy là chừng nửa tỷ người sống cận biển trên trái đất đang nhờ vào các rặng san hô về nguồn cung cấp thực phẩm và bên cạnh đó san hô cũng đem lại nguồn lợi du lịch cho cư dân tại những nơi đó. Tại Việt Nam phân bố của các loài san hô ra sao? Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại trình bày:

-  Cái vùng hiện nay nổi tiếng nhứt đó là vùng Mun của Nha Trang, là cái nơi đa dạng sinh học của Miền Trung. Nơi Khánh Hoà, cái Vịnh Nha Trang của mình có một cái vùng ở đó. Rồi vùng Côn Sơn. Cũng khu bảo tồn biển Côn Sơn đó là một khu rất là rộng, cùng là một khu bảo vệ. Một khu nữa là khu đảo Phú Quốc. Đảo Phú Quốc cũng là một khu san hô rất là phong phú.

Một đánh giá cho thấy là chừng nửa tỷ người sống cận biển trên trái đất đang nhờ vào các rặng san hô về nguồn cung cấp thực phẩm và bên cạnh đó san hô cũng đem lại nguồn lợi du lịch cho cư dân tại những nơi đó.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại

Ở phía cực Nam của Việt Nam thì có một dảo lớn, quần đảo Phú Quốc-Côn Sơn và Vịnh Nha Trang, rồi Cù Lao Chàm, rồi Đảo Phú Quý. Nói chung hệ thống biển đảo của mình đã nằm trong danh mục được bảo vệ và phục hồi hết, nhưng mà có điều đến đâu thì cái giải pháp là tuỳ tình hình tài chính. Chứ còn ở đó đã có một chiến lược, người ta đề ra những khu vực phục hồi bảo vệ nằm dọc ven biển của Việt Nam để bảo vệ các rạn san hô.

Gia Minh : Ngoài Bắc thì sao ạ?

TS Nguyễn Hữu Đại : Ngoài Bắc thì Cát Bà là chính. Bạch Long Vĩ - Cát Bà là chính, nhưng mà nói chung thành phần ngoài phía Bắc thì nó không phong phú bằng phía Nam, tại vì nó bị ảnh hưởng bởi phù sa Sông Hồng, rồi nhiệt độ thấp, cho nên cái đa dạng sinh học không bằng ở Miền Trung. Ở vùng Khánh Hoà là nơi đa dạng nhứt.

Gia Minh : Theo đánh giá của cơ quan chức năng như chỗ của Tiến Sĩ, thì san hô Việt Nam có những loài nào, thứ Tiến Sĩ?

San hô ở biển Việt Nam

TS Nguyễn Hữu Đại : Có nhiều loại lắm. Nói chung là có một loại san hô cứng, tức san hô sừng, rồi loại san hô mềm, rồi san hô khối, thì phần lớn những san hô hình khối thường xuất hiện ở vùng ven bờ, nước nông. Và ở dưới sâu chúng ta sẽ gặp những san hô cành thì nó phân bố có thể sâu đến hai ba chục thước. Ưu thế nhứt là khoảng từ cái vùng dưới triều, sâu từ 5 đến 10 mét nước là cái vùng san hô cành rất là phong phú, san hô cành và san hô mềm thì rất là phong phú.

Hồi tháng 12 vừa qua, Tổ Cức Bảo Tn Thiên Niên Thế Gới (IUCN) đưa ra cảnh báo là trái đất đang mất chừng một phần năm các rặng san hô, và những nơi san hô còn lại đang bị hủy họai nhanh chóng bởi tình trạng khí hậu trái đất ấm nóng lên.

Phát biểu bên lề hội nghị 190 quốc gia của Liên Hiệp Quốc tại Poznam (Ba Lan) bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng Giám Đốc IUCN Julia Marton Lefevre nói rằng trong vòng hai muơi năm qua, trái đất mất đi 19% các rạn san hô.

Và nếu tình trạng phát thải khí carbon diôxít gây hiệu ứng nhà kính vẫn ở mức độ như lâu nay thì hầu hết những rạn san hô còn lại sẽ biến mất trong vòng từ 20 đến 40 năm nữa mà thôi.

Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ Biển Đông với chừng ba ngàn kilômét bờ biển. Tuy vậy lâu nay nguời dân đang ứng xử ra sao với các rạn san hô dồi dào của đất nước?

Muốn bảo vệ những rặng san hô trên thế giới, thì con nguời phải có biện pháp làm sao hạn chế đến mức tối đa tình trạng biến đối khí hậu. Một cách duy nhất là phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
                  Tổng giám đốc IUCN, Julia Marton- Lefevre

Khí hậu trái đất ảnh hưởng rất mạnh đến sức sống của san hô

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cho biết những tác nhân đang gây ảnh hưởng đến các vùng san hô ngoài khơi vùng biển Việt Nam:

- Dưới áp lực của phát triển kinh tế xã hội thì vùng ven bờ của mình hiện nay là do chặt phá rừng, rồi những hoạt động kinh tế xã hội thì những chất phù sa, những lượng phù sa ven bờ đổ ra  biển rất là mạnh. Sau những cơn mưa lũ thì chính lượng phù sa này làm suy giảm san hô.

Nói chung thì ảnh huởng của các hoạt động kinh tế xã hội nhiều hơn, rõ ràng hơn so với lại ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam mình thì như thế, tại vì tình trạng phá rừng, rồi hoạt động kinh tế trên đất liền thì nó làm sông ngòi theo lũ nó ra rất là cao.

Và chính lượng phù sa này nó làm chết san hô và suy giảm do hoạt động kinh tế xã hội thì nó mạnh hơn. Nó rất là mạnh so với lại cái biến đổi khí hậu. 

Tổng giám đốc IUCN, Julia Marton- Lefevre vừa qua cho biết là nếu muốn bảo vệ những rặng san hô trên thế giới, thì con nguời phải có biện pháp làm sao hạn chế đến mức tối đa tình trạng biến đối khí hậu. Một cách duy nhất là phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Kế hoạch bảo vệ san hô ở Việt Nam

Riêng Việt Nam thì lâu nay có những biện pháp thế nào để duy trì, không gây  nguy hại cho quần thể san hô đang có? Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cho biết:

-  Hiện nay thì ở Việt Nam có rất nhiều tổ chức quốc tế người ta trợ giúp cho những chương trình mà chúng ta bảo vệ những khu bảo tồn biển. Ở những vùng này người ta cấm những hoạt động đánh bắt, rồi bảo vệ nó, phục hồi những chỗ nào mà nó quá suy giảm thì cũng có những chương trình cần phục hồi lại.

Nhưng mà nói chung thì những hoạt động này chưa có hiệu quả lắm vì kinh phí này rất là tốn kém, kinh phí rất là cao thì một số tổ chức quốc tế cũng có tài trợ nhưng mà chưa nhiều lắm.

Một số hộ ngư dân người ta hay lặn đánh bắt rồi giậm trên san hô làm gãy san hô, rồi người ta dùng những loại hoá chất như cyanur để bắt những ổ sinh vật trong đó hay là dùng mìn để nổ san hô, thì phải tìm cách tạo việc làm cho người ta

TS Nguyễn Hữu Đại

Hiện nay thì  cái hệ thống bảo tồn biển ở Việt Nam cũng giăng hết suốt dọc biển đảo của mình. Những quần đảo của mình được tài trợ để bảo vệ hết, từ Bắc chí Nam. Những khu bảo tồn biển như vậy thì nói chung đó là cách thiết thực nhứt để quản lý những rạn san hô, những hệ sinh thái san hô.

Gia Minh : Còn đối với người dân thì hướng dẫn họ như thế nào để họ không có những cái vi phạm đến san hô, thưa Tiến Sĩ?

TS Nguyễn Hữu Đại : Người dân thì cái trước tiên là tìm cách chuyển đổi cách hoạt động của người dân ở những vùng san hô, là phải tìm mọi cách tạo cho người ta công ăn việc làm khác, chứ còn người dân hiện nay rất là nghèo mà nếu mình giáo dục thì không được, nhưng mà đi đôi với giáo dục thì phải có những cách để chuyển đổi người ta.

Ví dụ như là một số hộ ngư dân người ta hay lặn đánh bắt rồi giậm trên san hô làm gãy san hô, rồi người ta dùng những loại hoá chất như cyanur để bắt những ổ sinh vật trong đó hay là dùng mìn để nổ san hô, thì phải tìm cách tạo việc làm cho người ta, ví dụ người ta có thể nuôi trồng những loại rong biển hay là nuôi trồng những loại cá biển mà dùng đồng lưới để nuôi nó ở vùng biển, thì tìm cách mà chuyển đổi nghề của người ta.

Đó là cách mà hiện nay tôi thấy là rõ nết nhất tại vì với một nước nghèo như mình thì có giáo dục cũng không được tại vì người ta rất là nghèo. Những ngư dân như vậy người ta rất là nghèo.

Gia Minh : Nhưng mà công tác chuyển đổi như vậy theo Tiến Sĩ theo dõi thì thấy có làm được đến đâu ạ?

TS Nguyễn Hữu Đại : Hiện nay thì cũng nhờ những tài trợ của các tổ chức phi chính phủ là chính, người ta đang giúp cho một số những mô hình như vậy đó, thì từ từ người ta sẽ tìm cách người ta chuyển giao rộng ra trong cộng đồng thực hiện những mô hình như vậy.

Hiện nay như ở Viện tôi thì có một số đề tài cấp nhà nước và được một số tổ chức phi chính phủ người ta giúp cho một số nơi để mà phục hồi những rạn san hô, thì cũng chỉ mới tiến hành trên cái mô hình, và cũng đang thảo luận trong cộng đồng để nhân rộng cái mô hình đó ra, trong cái chiến lược quản lý tổng hợp gần bờ.

Tuy có những cảnh báo như thế tuy nhiên vừa rồi cũng có tin đáng mừng là những rạn san hô tại khu vực biển thuộc bốn nước Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka bị trận sóng thần (tsunami) tàn phá hồi năm 2004, đến nay đang hồi phục khá nhanh chóng.

-  Phá huỷ thì rất là nhanh nhưng mà phục hồi thì rất là chậm và tốn kém. Với một nước chậm phát triển như Việt Nam thì kinh phí để phục hồi san hô thì là cái vấn đề không thể, nhưng mà trong thiên nhiên thì cái san hô phát triển rất là chậm cho nên nói chung sự phục hồi thì cũng khá lâu.
TS Nguyễn Hữu Đại

Ngay sau đợt thiên tai, giới khoa học đưa ra đánh giá là có đến một phần ba các rạn san hô trong khu vực sóng thần bị hư hại và phải mất cả chục năm mới có thể phục hồi hoàn toàn, Thế nhưng mới sau bốn năm tình hình khả quan nhờ biện pháp cấm đánh bắt hải sản phi pháp mà các nước đưa ra.

Đó cũng là bài học quí cho Việt Nam, bởi chủ yếu các rạn san hô bị phá hủy là do tác nhân con người gây nên. Ngay cả tình trạng biến đổi khí hậu trái đất cũng là hậu quả của những họat động sản xuất phát thải từ con người.

Về vấn đề khả năng tự phục hồi của các rạn san hô trong thiên nhiên tại Việt Nam thì TS Nguyễn Hữu Đại cho biết :

-  Phá huỷ thì rất là nhanh nhưng mà phục hồi thì rất là chậm và tốn kém. Với một nước chậm phát triển như Việt Nam thì kinh phí để phục hồi san hô thì là cái vấn đề không thể, nhưng mà trong thiên nhiên thì cái san hô phát triển rất là chậm cho nên nói chung sự phục hồi thì cũng khá lâu. Cho nên bằng những biện pháp hiện nay cần phục hồi trở lại tức là tẩy trở lại san hô thì hiện nay như ở Viện thì cũng có một dự án đang làm thì cũng thấy rất là khả quan.

Nếu mà có kinh phí thì có thể cấy trở lại thì cũng không khó. Nhưng mà có điều vấn đề là làm sao mà bảo vệ trước khi phục hồi. Chứ còn bây giờ chờ người ta phá đi rồi phục hồi thì tôi thấy cái đó rất là khó. Trước tiên là mình phải có những chính sách mà bảo vệ, bảo tồn nó thì tốt hơn là để chờ cho nó mất đi rồi phục hồi, mà trong đó tất nhiên con người là chính. 

Mục Khoa Học- Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới .

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.