Nếu như tính theo Âm lịch thì ngày Rằm tháng Bảy là một trong 3 ngày lễ lớn trong năm, gồm Thượng Nguơn (tháng Giêng), Trung Nguơn (tháng Bảy) và Hạ Nguơn (tháng Mười). Đặc biệt Rằm tháng Bảy lại kèm theo “ngày báo hiếu” dựa theo sự tích Mục Liên - Thanh Đề, và cũng đồng thời là “tháng cúng cô hồn” được phổ biến rộng rãi trong nhân gian, hầu như ai cũng biết. Do nhiều sự kiện quan trọng ở cái tháng Bảy trong lịch sử văn hóa dân tộc này, mà thiên hạ đi cúng chùa rất đông, và đây là tập tục đã có từ lâu đời trong xã hội Việt Nam.
Ở đây tôi không nói về lịch sử ngày Rằm tháng Bảy được ghi lại rất nhiều trong kinh sách của Phật Giáo, có liên quan đến tiền thân Đức Phật Mục Kiền Liên Bồ Tát. Và cũng không đề cập đến câu chuyện 12 cửa ngục Âm Phủ, với hình ảnh ghê sợ mà người gây nên tội ở trần gian, khi thác xuống phải chịu hình phạt. Mà trong buổi nói chuyện này tôi chỉ đề cập đến sự thể, hình ảnh diễn ra ở Chùa và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ Gò Vấp trong ngày Rằm tháng Bảy hằng năm mà thôi!
Rằm tháng Bảy thì hầu hết các ngôi chùa Phật đều làm lễ cúng lớn, nhưng Chùa Nghệ Sĩ thì lại mang một sắc thái riêng biệt mà các chùa khác đã không có, do bởi ngoài việc cúng kiến làm lễ theo nghi thức cổ truyền, chùa còn có thêm trình diễn cải lương, và khách thập phương đi... tảo mộ.
Từ nhiều năm nay ở Chùa Nghệ Sĩ cứ đến ngày Rằm tháng Bảy thì tờ mờ sáng là khách thập phương đã chen chân đến chùa hành lễ, và cứ mỗi lúc đông dần. Cảnh chùa luôn tấp nập, nghẹt hết lối đi từ sáng cho đến chiều tối, ước tính từ có trên một vạn khách đến chùa.
Do biết chùa này lễ nào cũng đãi cơm chay gồm nhiều món ăn ngon cho toàn bộ khách thập phương, và năm nào số lượng người đến dùng cơm chay ở chùa cũng đông quá mức. Không cao lương mỹ vị nhưng ai cũng ngồi vào bàn ăn một miếng cơm chay thanh khiết để “lấy lộc”, mong những điều bình an, tốt đẹp sẽ đến với mình. Ban trụ trì chùa tuy mệt đừ nhưng rất hài lòng vì đã phục vụ khách thập phương tốt, tạo được uy tín cho chùa.
Hoạt động nổi bật nhứt ở Chùa Nghệ Sĩ là chương trình văn nghệ, ca cổ nhạc và trình diễn trích đoạn cải lương, do bởi rất nhiều nghệ sĩ tài danh tên tuổi về góp mặt. Hội trường của chùa có sân khấu, tuy không rộng như rạp hát, cũng chứa khoảng 200 người, nhưng thông thường năm nào cũng vậy, số người coi hát nhiều gấp mấy lần sức chứa của khán phòng.
Các nghệ sĩ, soạn giả, đạo diễn, ký giả kịch trường, và những người làm công tác sân khấu về tụ tập rất nhiều, riêng giới nghệ sĩ thành phố thì rất đông đảo, họ tự động về chớ không ai mời gọi. Khán giả được dịp diện kiến mặt thật các nghệ sĩ – những thần tượng của họ. Quay phim, chụp hình chung, xin chữ ký... giữa nghệ sĩ và khán giả luôn diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trong ngày lễ này.
Trước tình hình sân khấu khốn đốn, các đoàn gần như ngưng hoạt động; anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhạc công, họa sĩ, công nhân... ít có cơ hội gặp nhau nên đây là dịp để họ hàn huyên tâm sự.
Từ 60 năm trước ở vùng Hạnh Thông Tây, Gò Vấp có một miếng đất rộng khoảng 8 ngàn thước vuông gần như bỏ hoang, không có nhà cửa người dân, bởi quanh đây là thành lính, căn cứ quân sự của quân đội viễn chinh Pháp. Mảnh đất được các nghệ sĩ tiền phong Phùng Há, Năm Châu đại diện Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu mua để xây cất ngôi chùa, và phần lớn đất đai còn lại thì làm nghĩa trang nghệ sĩ.
Việc cúng kiếng hành lễ ở Chùa Nghệ Sĩ cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở trong vùng, nhưng có sự khác biệt là khách thập phương ngoài việc cúng chùa thắp hương lạy Phật, họ còn đi coi cải lương như đã nói, và còn đi tảo mộ ở nghĩa trang cạnh bên. Đặc biệt ngày Rằm tháng Bảy thì quá rõ, người đi thăm mồ mả quá đông đã vô tình tạo nên một nét đặc thù mà có lẽ chỉ ở đây mới có.
Không riêng gì người nghệ sĩ đi cúng chùa, rồi sẵn đó tấp qua thăm mộ những người cùng Tổ nghiệp, mà những người tuy không phải nghệ sĩ nhưng lại có liên quan đến các cô đào, anh kép quá cố đang nằm ở nghĩa trang, thì họ cũng nhân ngày Rằm tháng Bảy vừa đi cúng chùa, vừa vào đây thăm mộ luôn. Lại có cả những khán giả cải lương sẵn dịp cũng vào thăm mộ thần tượng của họ lúc sinh tiền, như trường hợp nghệ sĩ Thanh Nga, rất nhiều người bao quanh ngôi mộ của cô nhân ngày Rằm tháng Bảy này.
Từ giữa thập niên 1960 trở về trước, người đi cúng chùa không nhiều, và người viếng mộ nghệ sĩ cũng lưa thưa, nhưng dần dần về sau thì nghệ sĩ cải lương già yếu cứ nối tiếp nhau vào đây “nghỉ xả hơi dài hạn”, thì con số người đi cúng chùa đông đảo hơn nhiều, và số người đi viếng nghĩa trang cũng tăng theo.
Rồi kể từ đầu thập niên 1990 trở về sau thì cảnh tượng ngày Rằm tháng Bảy ở chùa nghệ sĩ vô cùng tấp nập. Thiên hạ chen chúc nhau vào chùa lạy Phật cầu nguyện. Sau đó thì một số không ít đã kéo nhau ra nghĩa trang cạnh bên để thắp hương cho các ngôi mộ với ước vọng gì đó không hiểu, mà người nằm ở đây có hiểu được chăng để chứng cho tấm lòng của họ? Rất khó mà có câu trả lời vậy!
Khói hương nghi ngút trong ngày này, hình như ngôi mộ nào cũng được đốt nhang. Do bởi ngoài việc thắp hương ngôi mộ chính thức mà họ đi viếng, người ta cũng không tiếc gì bó nhang đang cháy còn lại, nên đã cắm luôn cho những ngôi mộ xung quanh.
Tiếng chào nhau, tiếng hỏi thăm, kể cả tiếng mời gọi coi bói coi tay, hòa lẫn tiếng rao hàng inh ỏi của mấy bà mấy chị bán nhang, bán giấy tiền vàng bạc, mỗi người một tiếng đã tạo nên âm thanh hỗn tạp, ồn ào trong khu đất nghĩa trang này. “Mộ nghệ sĩ A ở đâu, mả nghệ sĩ B ở chỗ nào?” Đó là các câu hỏi mà người chưa biết ngôi mộ mình muốn đi thăm nằm ở đâu.
Các em nhỏ ở đây khá rành, các em biết rõ và sẵn sàng hướng dẫn.
Dĩ nhiên khi khách xác định ngôi mộ thì các em được cho tiền, nhiều ít tùy theo sự hào hiệp của khách. Ngày Rằm tháng Bảy cũng là dịp để các người bán nhang dạo quanh chùa kiếm tiền, bởi có ai đi thăm mộ mà không đốt nhang?
Tóm lại cảnh tượng ngày Rằm tháng Bảy ở Chùa Nghệ Sĩ đã vô tình biến thành ngày “Lễ Thanh Minh” hằng năm của giới nghệ sĩ, cùng các thành phần liên hệ. Và trong câu thơ tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du nếu như đem áp dụng ở đây thì sẽ là “Thanh Minh nhằm tiết tháng... Bảy”.
Trên đây là cảnh tượng ngày Rằm tháng Bảy ở Chùa và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ Gò Vấp. Phần sau đây là nói về khu đất nghệ sĩ trong khuôn viên Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương, bởi nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp đã không còn được chôn cất, thì chỉ có ở Bình Dương mới có khu đất dành cho giới nghệ sĩ chớ chẳng còn ở đâu khác. Do vậy mà rất nhiều nghệ sĩ về già đã nhắm vào đây làm nơi an nghỉ khi linh hồn về với Tổ nghiệp. Hiện nay khu đất này đã có một số văn nghệ sĩ gởi thân xác, thì ngày Rằm tháng Bảy năm nay cũng có ít nhiều người thân của nghệ sĩ đến viếng thăm.
Thế nhưng, đã có mấy ai nghĩ rằng càng về sau mộ nghệ sĩ ở đây sẽ tăng lên nhiều, lên nhanh, và khu đất dành cho nghệ sĩ có thể trở thành “làng nghệ sĩ” trong tương lai. Mà nếu đúng như vậy thì phải nghĩ rằng có 2 lý do chính:
1) Nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp đã “đóng cưả ” thì nghĩa trang Bình Dương lại mở cửa đón nhận. Người nghệ sĩ nào cũng muốn mình được “đoàn tụ” với người cùng chung Tổ nghiệp, vì biết đâu một ngày kia (nếu có) họ sẽ cùng lên sân khấu đóng chung một tuồng hát cải lương, dù rằng ở bên kia thế giới, bởi vì lòng yêu nghề rất cao của họ.
2) Do đường lối chủ trương của Ban quản trị Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương, đã xét đến công lao làm đẹp cho đời của người nghệ sĩ, mà giúp đỡ cho họ được giảm phần nào chi phí “định cư” vĩnh viễn ở đây.
Đã có người nói rằng, sau này “làng nghệ sĩ” Bình Dương cũng có thể sẽ không còn chỗ chôn, như trường hợp nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp hiện giờ. Không chóng thì chầy, thời gian có thể hơn nửa thế kỷ, nếu như không tính trước ngay từ bây giờ, thế hệ sau sẽ gặp phải khó khăn. Rồi thì việc gì đến nó sẽ đến thôi!
Cũng nên hiểu thêm rằng khi xưa lúc Má Bảy Phùng Há, và nghệ sĩ lão thành Năm Châu đi tìm mua đất lập nghĩa trang cho giới nghệ sĩ, thì lúc ấy số nghệ sĩ cải lương không nhiều. Các nghệ sĩ như Hữu Phước,Thành Được, Minh Cảnh, và luôn cả căp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng cũng chưa xuất hiện, hầu hết nghệ sĩ trúng giải Thanh Tâm cũng chưa vào nghề. Nhưng chỉ hơn một thập niên sau thì số người gia nhập làng cải lương tăng nhanh, và qua đời cũng nhiều, đưa đến tình trạng “quá tải”, đất nghĩa trang nghệ sĩ ngày càng thu hẹp, hồi mấy chục năm trước đâu có ai nghĩ đến. Bởi vậy ban quản trị nghĩa trang Gò Vấp đã có quy trình lấy cốt những ngôi mộ lâu ngày, hỏa thiêu xong đặt vào trong cái am, để có đất trống chôn người khác.
Thế nhưng, “con người tính không qua trời tính”, công việc đang tiến hành thì chính quyền ra lệnh cấm không cho chôn cất ở đây nữa vì ô nhiễm môi trường, bởi vùng đất Gò Vấp không còn là đất hoang như hồi mới mua mà đã trở thành đô thị hóa.
Như vậy coi như quy trình lấy cốt thiêu đốt đặt vô am đã đương nhiên dừng lại, bởi không cho chôn nữa thì lấy cốt lên làm chi cho tốn kém chớ!