Các bà mẹ chiến sĩ Mỹ tưởng nhớ con

Bốn bà mẹ người Mỹ chia sẻ về cái chết của con trai của mình trong chiến tranh Việt Nam nhân ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong.

Hôm qua thứ hai, ngày 26 tháng 5 ở Hoa Kỳ là ngày Memorial Day, tức ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong, dành để tưởng nhớ và vinh danh những người lính đã hy sinh vì tổ quốc trong chiến tranh. Trong dịp này, những quân nhân tử vong tại chiến trường Việt Nam luôn được nhắc đến nhiều nhất. Mỗi năm, tại bức tường đá đen ở Hoa Thịnh Đốn, nơi khắc tên của 58 ngàn binh sĩ tử trận tại Việt Nam, đều có buổi lễ tưởng niệm diễn ra vô cùng long trọng.

Một trong những nghi thức là đặt vòng hoa màu vàng, hình ngôi sao của Hội Gold Star Mothers, xin tạm dịch, Hội Các Bà Mẹ Có Ngôi Sao Vàng. Đây là hội của những bà mẹ có con chết trận. Nhân dịp lễ này, Phương Anh xin mời qúi vị nghe tâm sự của môt vài bà mẹ Mỹ, có con chết tại chiến trường Việt Nam.

Hội Gold Stars Mothers, tức Hội Các Bà Mẹ Có Ngôi Sao Vàng, do một quả phụ là bà Grace Darling Seibold thành lập vào ngày 4 tháng 6 năm 1928, qui tụ những phụ nữ không may có chồng hay con bị tử trận trong cuộc chiến để nâng đỡ và trợ giúp lẫn nhau. Bà chọn tên "Ngôi Sao Vàng" vì lúc bấy giờ, những gia đình nào có người tử trận, đều treo ngôi sao màu vàng trên cửa sổ nhà của họ. Khởi đầu ở Washington DC, cho đến hôm nay, tổ chức này đã có mặt hầu hết trên khắp các tiểu bang.

Khi chính phủ đưa quan tài của nó về, tôi không tin là có thi thể của nó trong đó.<br/> <i> bà Georgie Krelle</i>

Trong thời chiến tranh Việt Nam, rất nhiều phụ nữ có chồng hay con bị tử trận, đã ghi danh tham gia. Tại ngôi nhà xinh xắn với 4 tầng lầu ở đường Leroy, Washington D.C, nơi là trụ sở chính của Hội và cũng là nhà trọ cho các bà mẹ từ các tiểu bang khác về tham dự Lễ Chiến sĩ Trận vong năm nay, bà Georgie Krelle, 77 tuổi, rơm rớm nước mắt kể về con trai mình như sau:

"Thưa bà, chúng tôi rất tiếc, con trai bà đã tử trận."

“Con trai tôi tên là Bruce Carter, đến Việt Nam năm 1968 và đã tử trận tại Quảng Trị ngày mồng 7 tháng 8 năm 1969. Tôi có 3 đứa con, một trai, hai gái. Bruce là con trai lớn của tôi. Nó chết khi nó mới 19 tuổi. Tôi không bao giờ quên được ngày hôm ấy, vì lúc bấy giờ, tôi đang chuẩn bị ra toà để ký giấy kết hôn với ông Krelle. Tôi nghe tiếng gõ cửa khi bạn tôi đang giúp tôi trang điểm. Tôi mở cửa và nhận được hung tin con trai tôi đã chết trong lúc giao tranh.

Tiệc cưới của tôi và ông Krelle đã được chuẩn bị vào ngày 15 tháng 8, sinh nhật của tôi là ngày 25 tháng 8. Trong khi đó, con trai tôi chết vào ngày 7 và được chôn đúng ngày sinh nhật của tôi . Năm ấy, tháng 8 đối với tôi là những ngày bị căng thẳng nhiều nhất. Cũng như những bà mẹ khác, tôi rất đau khổ và bị sốc.

Con trai tôi được tưởng thưởng huân chương quốc gia cao quí nhất vì đã hy sinh cứu đồng đội của nó. Những ngày sau đó, tôi không thể làm gì được, nhưng cuối cùng, thì tôi cũng phải nén nỗi đau của mình mà sống thôi. Tôi còn nhớ rõ là khi chính phủ đưa quan tài của nó về, tôi không tin là có thi thể của nó trong đó.

Tôi cứ mong đó là một sự nhầm lẫn nào đó thôi. Mãi đến một năm sau, một người đồng đội của nó, từ chiến trường Việt Nam, được trở về Hoa Kỳ, đã đến gặp tôi và cho hay rằng, chính anh ta đã ở bên cạnh xác con tôi đến khi quan tài đưa vào trực thăng đi về Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi mới đành chấp nhận sự thực.”

Cái chết của cậu con trai yêu quí đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bà Georgie Krelle. Từ một người phụ nữ sống khép kín, chỉ quanh quẩn ở trong nhà, ít giao thiệp với mọi người chung quanh, bà ghi danh vào Hội Gold Star Mothers, và tìm đến một doanh trại quân đội đóng gần nhà, bà tâm sự:

“Trái tim tôi, trí óc tôi luôn luôn nghĩ về đứa con trai yêu qúi của tôi. Cái chết của nó đã làm cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Thú thực là lúc đầu, tôi rất giận dữ và thù ghét cả hai chính phủ vì đã đẩy con tôi vào chỗ chết. Tôi khóc lóc và luôn thù hận. Nhưng rồi, với sự nâng đỡ của chồng tôi, chị em tôi và gia đình tôi, tôi đã vượt qua được nỗi đau đó và phải tìm cách làm việc gì đó cho vơi đi. Thế là tôi dành hết thời gian cho quân đội. Tôi đã tình nguyện làm việc thiện nguyện cho quân đoàn ở Miami 18 năm. Tôi thường kể cho các cháu ngoại của tôi nghe về Bruce.”

'Mẹ ơi, có lính thủy quân lục chiến đến nhà.' Tôi giật mình và đi ra cửa thì họ đã vào nhà. Tôi hỏi ngay: 'Chuyện gì đã xảy ra với con tôi?' Họ nói:' Thưa bà, chúng tôi rất tiếc, con trai bà đã tử trận.'<br/> <i> cụ bà Florence Johnson</i>

Cụ bà Florence Johnson, năm nay 85 tuổi, mãi mãi tâm niệm rằng người con trai duy nhất, tên là Edward Johnson, bao giờ cũng là một thanh niên tràn đầy sức sống. Những kỷ niệm lúc nhỏ và thời niên thiếu của anh bà vẫn còn nhớ rõ và kể lại vanh vách:

“Tôi đã mất đứa con trai tại chiến trường Việt Nam vào ngày 27 tháng 8 năm 1967 Nó là lính thuỷ quân lục chiến. Tôi được biết là tiểu đội của nó bị quân Cộng Sản phục kích và nó bị thương nặng, đưa về bệnh viện ở Hội An thì nó chết. Lúc nó vừa tròn 21 tuổi.

Tôi còn nhớ là khi đó, tôi đang ở nhà thì được điện thoại của vị mục sư ở nhà thờ nói rằng đến thăm gia đình tôi. Tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng sẵn lòng đón ông ấy. Khi tôi và vị mục sư đang ngồi nói chuyện với nhau, chưa đầy 5 phút thì đứa con trai nhỏ của tôi chạy vào nói: ‘Mẹ ơi, có lính thủy quân lục chiến đến nhà.’ Tôi giật mình và đi ra cửa thì họ đã vào nhà. Tôi hỏi ngay: ‘Chuyện gì đã xảy ra với con tôi?’ Họ nói:’ Thưa bà, chúng tôi rất tiếc, con trai bà đã tử trận.’

Nghe tới đó, tôi không còn biết gì nữa, chỉ biết khóc lóc và chửi rủa họ dữ dội. Tôi la hét và thực sự chỉ muốn la hét cho hả giận. Và sau đó phải mất cả gần tháng trời tôi mới bình tĩnh lại được đôi chút. Chồng tôi, chị và em gái tôi cùng đi với tôi nhận quan tài ở phi trường, Khi tôi thấy quan tài từ trên máy bay đưa xuống, tôi chỉ muốn chạy nhào đến để nhìn xem có thực sự là con tôi hay không. Tôi vẫn mong rằng đó là sự nhầm lẫn nào đó mà thôi. Nhưng sự thực vẫn là sự thực!”

Nỗi mất mát chung

Một bà cụ khác, tên Terry Davis, 81 tuổi, hiện đang sống ở bang Massachussette, luôn đeo hình cậu con trai trước ngực. Anh tên là Richard Davis, thuộc lực lượng đặc biệt, tử trận ngày 6 tháng 6 năm 1968. Bà đã nghẹn ngào kể lại với Phương Anh rằng:

“Lúc bấy giờ nó 20 tuổi. Richard có 4 đứa bạn chơi thân với nhau lắm và hẹn nhau khi tốt nghiệp trung học sẽ đăng lính. Thế là vừa tốt nghiệp xong thì nó tình nguyện đi, một năm sau thì sang chiến trường Việt Nam. Tôi được biết con tôi chết gần biên giới Campuchia. Khi đó, tiểu đội của nó được lệnh đi tiếp cứu một toán khoảng 25 người, nhưng rất tiếc, đã không thành công. Tiểu đội của nó và tất cả 25 người lính đó đều bị tử trận, không một ai sống sót. Tôi nghe kể rằng, sau này, xác của nó đã được những người lính Việt Nam Cộng Hoà cố gắng đem về sau khi đã ngưng bắn.”

Bà cũng cho hay rằng, nhiều năm đã trôi qua, nhưng ngày đau buồn ấy không bao giờ phai mờ trong trí của bà. Tiếng khóc của bà Terry Davis xen lẫn với lời kể về cái chết của người con trai:

“Khi tôi thấy những người lính đến cửa nhà, tôi đã biết chuyện gì xẩy ra rồi. Tôi nói: “Thế là xong rồi sao?”

Nó là đứa con trai duy nhất của tôi. Tôi thương yêu nó vô cùng! Nó nhất định đòi đi lính cho bằng được, có ngăn cản cũng không được. Và tôi biết rằng công việc của nó nguy hiểm lắm, nhưng tôi rất tự hào về nó. Tôi đã không đủ sức để nhìn mặt con tôi lần cuối vì tôi được báo rằng nó bị bắn nhiều lắm, mặt mũi và thi thể nát bấy. Nó cùng với 10 người lính Việt Nam Cộng Hoà khác đi tiếp cứu. Khi nó đang dùng máy truyền tin gọi tiếp viện thì bị bắn chết. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng nó vẫn là đứa con 20 tuổi của tôi.”

Trong cùng buổi viếng thăm trụ sở của Hội Gold Star Mothers, Phương Anh được một bà cụ lớn tuổi nhất, bà Emogene Cupp, 89 tuổi, hiện sống ở Alexandria, Virginia, chia sẻ về người con đã bỏ mình:

“Con trai tôi cũng chết cùng ngày với con bà Terry. Tôi đã chôn nó ở nghĩa trang gần nhà thay vì ở nghĩa trang quân đội. Lúc bấy giờ, những ai có con đi lính bên Việt Nam, khi nhìn thấy chiếc xe của quân đội, với vài người trong bộ quân phục, dừng trước cửa nhà mình thì đều biết chuyện gì đã xảy ra. Bởi thế, khi chiếc xe dừng lại trước nhà tôi, tôi đã biết rồi. Lúc ấy, cũng như những người khác, tôi không tin là sự thực và cứ mong có một sự nhầm lẫn nào đó.

Nhưng cuối cùng thì phải chấp nhận. Nó là con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Và nó đã tình nguyện đi lính, có cản nó cũng không được.”

Tôi thấy có điều gì đó giữa Việt Nam và Miami thật gần gũi với nhau. Đó là một đất nước xinh đẹp, và thật là tiếc, chiến tranh đã xảy ra và tàn phá nó.<br/> <i> cụ bà Georgie Krelle</i>

Ngoài nỗi đau của một người mẹ mất con, các bà còn phải chứng kiến những cảnh đau lòng khác, như nhìn thấy cảnh những người lính trạc tuổi con mình, sống sót trở về từ chiến trường Việt Nam mà không ai chào đón, cho dù cả chính phủ Hoa Kỳ. Cụ bà Terry Davis kể lại:

“Tất cả những thanh niên đó khi trở về đều không muốn nhắc đến, có những người còn không mặc quân phục nữa. Mặc dù không một ai đón chào họ, nhưng chúng tôi, tất cả những bà mẹ có con tử trận tại Việt Nam đã đón mừng họ, đã giúp đỡ họ. Họ là hình ảnh của con chúng tôi. Mãi sau này, khi hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ được thành lập, thì họ mới được nhắc đến và vinh danh.”

Những địa danh Việt Nam xa la nhưng gắn liền trong tâm tưởng

Giờ đây, cuộc chiến đã kết thúc, các con của họ không bao giờ trở về nữa nhưng điạ danh xa lạ của một đất nước bên kia bờ đại dương, nơi những người con trai đã bỏ mình, luôn thôi thúc họ tìm hiểu. Sau nhiều năm mong mỏi, cuối cùng, với sự giúp đỡ của một tổ chức thiện nguyện, các bà mẹ này đã thỏa lòng mong ước, bà cụ Georgie Krelle kể lại:

“Năm 2001, tôi đến Việt Nam cùng với một nhóm cựu quân nhân Mỹ. Tôi ở Việt Nam 17 ngày và đến thăm vùng đất mà con trai yêu dấu của tôi đã tử trận. Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, tôi cảm thấy lòng tôi nhẹ nhàng hơn. Đất nước Việt Nam có những thứ giông giống như thành phố Miami, tiểu bang Florida của tôi. Tôi thấy có điều gì đó giữa Việt Nam và Miami thật gần gũi với nhau. Đó là một đất nước xinh đẹp, và thật là tiếc, chiến tranh đã xảy ra và tàn phá nó.”

Hình ảnh của chúng nó luôn ở trong trái tim của những bà mẹ này cho dù thân xác có mất đi. Và, dĩ nhiên, chúng nó đâu có muốn chúng tôi mãi ngã quị sau cái chết của chúng nó, đúng không?"<br/> <i> cụ bà Florence Johnson</i>

Cụ bà Florence Johnson cũng kể lại kinh nghiệm từ chuyến đi đó:

“Những người dân Việt Nam đã đối xử rất tốt với chúng tôi. Chúng tôi đến những địa điểm nơi con chúng tôi đã tử trận, thắp nến để tưởng nhớ chúng nó. Chúng tôi đã lặng người đi khi nhìn thấy tận miền đất mà trước đây chỉ nghe nói tới với những cái tên xa lạ. Dĩ nhiên, những người dân ở vùng đó họ chẳng biết chúng tôi là ai và tại sao làm như thế.

Nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi đều đã ngoài 80, có người đã gần 90, nhưng trí óc chúng tôi vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Chúng tôi tin rằng, con của chúng tôi, những thanh niên chết khi tuổi mới đôi mươi, đã phù hộ cho chúng tôi, các bà mẹ của chúng, để có một sức khoẻ tốt, để có cơ hội gặp nhau, để nhớ đến chúng nó. Hình ảnh của chúng nó luôn ở trong trái tim của những bà mẹ này cho dù thân xác có mất đi. Và, dĩ nhiên, chúng nó đâu có muốn chúng tôi mãi ngã quị sau cái chết của chúng nó, đúng không?”