Ưu tiên kinh tế của Trung Quốc là gì?
2017.11.28
Một tháng sau khi hoàn tất Đại hội khóa 19, lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều về nỗ lực cải cách kinh tế tài chính khiến các thị trường cổ phiếu của họ liên tục mất giá. Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin nêu câu hỏi, rằng ưu tiên kinh tế của Trung Quốc là gì?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cách nay một tháng, khi Đảng Cộng sản Trung Hoa vừa hoàn thành Đại hội khóa 19 tại Bắc Kinh, ông đã nói về “những mâu thuẫn cơ bản” do Tổng bí thư Tập Cận Bình nêu ra trong báo cáo chính trị đọc trước các đại biểu. Một tháng sau, thế giới thấy nhiều tín hiệu trái chiều về nỗ lực cải cách sắp tới của lãnh đạo Bắc Kinh trong đó có một hồ sơ lớn được chính họ công nhận là núi nợ quá cao của nền kinh tế. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn chứng tỏ là ngược với Hoa Kỳ, Trung Quốc đang dẫn đầu trào lưu toàn cầu hóa và sẽ cải tổ kinh tế để áp dụng quy luật thị trường. Những dấu hiệu có vẻ mâu thuẫn đó lại khiến thị trường cổ phiếu của Thượng Hải và Thẩm Quyến mất giá liên tục trong tuần qua. Ông nhận xét thế nào về những chỉ dấu này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin thú thật là ít theo dõi sự thăng trầm ngắn hạn của thị trường cổ phiếu mà nhìn vào những chuyển động dài hạn và thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã xác nhận một chuyện mà ai cũng biết là khoản nợ quá lớn và gia tăng quá nhanh. Trong khi đó truyền thông báo chí Tây phương cứ ngợi ca rằng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ ra sức cải cách kinh tế theo quy luật thị trường và nhờ vậy sẽ vượt Hoa Kỳ ngày nay đang có vẻ thoái lui về chiều hướng bảo hộ mậu dịch dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump. Chuyện thứ ba ít được dư luận chú ý là một mâu thuẫn cơ bản khác giữa chính quyền trung ương với các địa phương, là mối quan tâm khác của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ônh ta thâu tóm quyền lực chính là để giải quyết mâu thuẫn này và nó cũng lại liên hệ đến khối nợ quá lớn và tăng quá nhanh. Đâm ra chúng ta nên tự hỏi rằng ưu tiên kinh tế của Trung Quốc ngày nay là gì?
Nguyên Lam: Theo dõi tình hình Trung Quốc từ đã lâu, ông nghĩ sao về ưu tiên ngày nay của lãnh đạo xứ này?
Vấn đề nằm trong cơ chế kinh tế chính trị của Trung Quốc là sự khác biệt trong nhiệm vụ của trung ương và của các địa phương. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi tin là ông Tập Cận Bình đã thấy ra vấn đề này từ nhiều năm qua, và có nói đến trong bản báo cáo chính trị quá dài của ông mà thế giới bên ngoài mắc chứng “phục Tầu” lại không hiểu. Vấn đề nằm trong cơ chế kinh tế chính trị của Trung Quốc là sự khác biệt trong nhiệm vụ của trung ương và của các địa phương. Từ quá lâu, tinh thần duy ý chí của lãnh đạo xứ này cứ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, bề nào cũng không thể giữ mãi ở mức 10% như trong ba thập niên đầu của việc cải cách mà sẽ phải giảm thấp theo quy luật “bình phi” như một phi cơ sẽ bay là là sau khi cất cánh với giác độ rất cao lúc ban đầu.
- Rồi từ trung ương xuống tới địa phương thì chỉ tiêu tăng trưởng ấy lại được hiểu cách khác. Đảng viên cán bộ tại các địa phương thi hành chỉ thị của trung ương mà thực hiện nhiều dự án xây dựng hạ tầng để từng cấp báo cáo lên trên đà tăng trưởng sản xuất. Mục tiêu của họ có ba phần: thứ nhất là trục lợi cho bản thân khi được toàn quyền khai thác đất đai, thứ hai là tạo ra công ăn việc làm trong khu vực quản lý để tránh bất ổn xã hội, thứ ba là đạt thành tích báo cáo lên trên để được thăng quan tiến chức. Hệ thống chính trị quái đản ấy mới khiến địa phương vay mượn lung tung và tổng kết lại thì Trung Quốc có đà tăng trưởng thần kỳ mà thật ra là ảo và gây ra rất nhiều ô nhiễm.
Nguyên Lam: Ông vừa đưa ra một nhận xét hơi lạ, đó là các đảng viên cán bộ tại địa phương được ở trên cất nhắc không phải vì được lòng dân mà nhờ thành tích tăng trưởng. Phải chăng vì vậy mà họ vay tiền thực hiện các dự án nhiều khi không có giá trị kinh tế mà chỉ chất lên núi nợ mà nay trung ương đang phải giải quyết? Như vậy, ưu tiên của lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay là gì? Là giải quyết khối nợ đó, hay duy trì đà tăng trưởng mà ông gọi là ảo, hay là cải tổ cơ chế kinh tế tài chính theo quy luật thị trường cho linh động thông thoáng hơn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là lãnh đạo Bắc Kinh biết họ không thể có tốc độ tăng trưởng cao như trước, và chỉ tiêu 6-7% cũng chỉ là chuyện ảo mà họ không thể nói ra. Thứ hai, dù các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Bắc Kinh là ông Chu Tiểu Xuyên có nói đến việc cải tổ tài chính và ngoại hối cho thông thoáng hơn, họ cũng không dại gì thi hành việc đó vì sẽ gây nhiều biến động nguy hiểm, kể cả gia tăng mức độ thất thoát tư bản, trong khi vẫn chưa giải quyết nổi cái núi nợ sẽ sụp đổ. Kinh nghiệm Nhật Bản hơn ba chục năm trước, với trái bóng ảo đã bể từ năm 1991 và dẫn tới mấy chục năm sa sút khiến họ rất thận trọng. Vì vậy, với dư luận bên ngoài thì việc cải cách theo quy luật thị trường chỉ là phần trình diễn, chứ ưu tiên sinh tử vẫn là thanh toán núi nợ để nó không gây ra khủng hỏang tài chính làm đà tăng trưởng còn suy sụp hơn nữa. Vấn đề vì vậy là trung ương hay các địa phương sẽ trang trải các khoản nợ chất đống ấy? Nó là vấn đề chính trị và giải thích vì sao Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực!
Nguyên Lam: Ông vừa nói đến ưu tiên sinh tử của lãnh đạo Bắc Kinh chính là núi nợ. Nhưng thưa ông, làm sao người ta có thể giải quyết được chuyện công nợ quá lớn này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này lý thú vì nó dẫn tới câu hỏi kia là “lấy tiền đâu để trả nợ”?
- Khi tập trung quyền lực trong tay mình, tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình sẽ đòi các địa phương hay cơ sở mắc nợ, thí dụ như các doanh nghiệp đầu tư loại hương trấn do địa phương lập ra để đi vay tiền vô tội vạ, sẽ phải bán ra một phần tài sản, lấy tiền đó để trả nợ. Thứ hai, then chốt không kém là chiều hướng ép buộc tư doanh không đầu tư ra nước ngoài mà góp phần hùn hạp nhiều hơn vào các doanh nghiệp của nhà nước, tức là vẫn tái phân phối lại gánh nợ và lợi tức.
- Thứ ba, như Hội nghị kỳ ba của Khóa 18 đề ra từ mấy năm trước mà chưa thi hành được, là phải tìm lực đẩy cho tăng trưởng ở sức tiêu thụ nội địa. Trung ương phải chuyển hướng để bớt lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu mà phân phối tài sản của các địa phương cho các hộ gia đình. Chủ trương này hàm ý tái phân lợi tức hay tài sản từ các đảng bộ địa phương cho người dân được hưởng vì chính là sức tiêu thụ của người dân mới tạo ra sức bật cho sản xuất. Khi nói đến mục tiêu là xây dựng một tầng lớp trung lưu sẽ có mức sống cao hơn loại “tiểu khang” trước đây, có lẽ Tập Cận Bình nhắm vào việc đó. Nôm na là lấy tài sản của đảng viên trả lại cho dân để kinh tế có tăng trưởng mà xứ sở khỏi bị loạn.
Nguyên Lam: Khi ấy, vấn đề đặt ra là từ mấy chục năm nay, các đảng viên đã khai thác lợi thế chính trị để giữ đặc quyền kinh tế trong vùng đất xám nửa công nửa tư. Thưa ông, ngày nay liệu họ có chấp nhận việc tái phân lợi tức đó hay không?
Ưu tiên của ông ta không hề là cải cách cơ chế kinh tế theo quy luật thị trường mà là chấn chỉnh lại bộ máy chính trị vì nó dẫn tới một khối nợ có thể cao gấp ba Tổng sản lượng. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng đấy là tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ưu tiên của ông ta không hề là cải cách cơ chế kinh tế theo quy luật thị trường mà là chấn chỉnh lại bộ máy chính trị vì nó dẫn tới một khối nợ có thể cao gấp ba Tổng sản lượng. Chưa quốc gia mắc nợ nào dám cải cách kinh tế theo quy luật tự do và ban tham mưu của ông ta đều nhớ một quy luật chính trị khác, do nhà tư tưởng người Pháp Alexis de Tocqueville nêu ra. Rằng khủng hoảng bùng nổ và chế độ sụp đổ chính là vì đã tiến hành cải cách được một phần khiến quần chúng trông đợi và đòi hỏi nhiều hơn! Vì vậy, ngược với nhiều nhà báo cứ nói đến việc Trung Quốc sẽ cải cách theo quy luật tự do để vượt Hoa Kỳ, tôi lại cho rằng họ Tập đang tăng cường ách độc tài ngay trong đảng và hệ thống tuyên truyền trong quần chúng để tránh nguy cơ sụp đổ. Nói cách khác và hơi bất ngờ, Tập Cận Bình đang vận động quần chúng để thanh lọc đảng, một phương pháp khá tiêu biểu của Mao Trạch Đông khi ông ta phát động cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại! Kết quả lần trước ra sao thì ta đã biết, lần này thì chưa và hãy chờ xem!
Nguyên Lam: Trước khi kết thúc chương trình kỳ này, Nguyên Lam xin được nêu câu hỏi của một thính giả của chúng ta từ bên Úc về một khoản nợ vào cuối năm 1974, khi gia đình bán lúa cho một người thân mà không còn hồ sơ giấy tờ gì nữa. Ngày nay, con cháu của người mua lúa năm xưa muốn thanh toán khoản nợ cách nay 43 năm, nhưng chẳng biết tính là bao nhiêu. Ông có lời giải đáp nào cho câu hỏi này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi khó có giải đáp vẹn toàn vì chưa tìm ra số liệu kinh tế chính xác vào cuối năm 1974 mà chỉ có thể đề nghị vài cách tính sau đây. Nếu gia đình nhớ được trị giá của một giạ lúa tính bằng bao nhiêu chỉ vàng hay đô la Mỹ thì may ra sẽ căn cứ vào giá vàng hay đô la ngày nay mà tính. Còn về đồng bạc của Việt Nam Cộng Hòa, tôi chỉ nhớ cuối năm 1974, một đô la Mỹ có thể là 300-500 bạc VN, nhưng tăng vọt thành 5.000 và sau ba đợt đổi tiền thì đồng bạc đó thành giấy lộn, chưa nói tới những đợt lạm phát kinh người sau đấy!
- Chuyện thứ hai, thuần về kinh doanh, ta còn phải tính lãi đơn chồng lãi kép, hay compound interest, của khoản nợ năm xưa để tính ra hiện giá năm nay theo phép chiết khấu discounted cash flow nhưng nếu chỉ lấy tỷ lệ trung bình về lạm phát hay lãi suất quãng 5% một năm – chuyện khó tin - thì 43 năm sau khoản nợ ấy cũng lên tới trời xanh. Chi bằng ta xử theo tình? Nếu tìm được dữ kiện nào khác hoặc được các thính giả chỉ cho thì tôi xin được bổ túc sau.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.