Minh Cảnh: con én tự làm mùa xuân

Xưa nay trong dân gian thiên hạ có câu nói một con én không làm được mùa Xuân, thế mà con én Minh Cảnh đã làm được mùa Xuân trong làng cải lương.
Ngành Mai- Thông tín viên RFA
2011.12.20
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Danh ca Minh Cảnh thời trẻ tuổi Danh ca Minh Cảnh thời trẻ tuổi
photo courtesy cailuongvietnam.com

Rất nhiều người đã nói lên như vậy, bởi danh ca Minh Cảnh đã dựng lên đoàn hát mà không cần phải có những điều căn bản mà hầu hết các đoàn cải lương phải có mới mong sống còn.

Gánh hát không cần người nổi tiếng
Danh ca Minh Cảnh, cuối thập niên 1960- hình của trang cailuongvietnam.com
Danh ca Minh Cảnh, cuối thập niên 1960- hình của trang cailuongvietnam.com
photo courtesy cailuongvietnam.com

Thông thường từ nhiều năm trước đó, một khi thành lập đoàn hát thì bầu gánh nhắm vào ít nhứt cũng vài ba đào kép có tên tuổi để mời, đặc biệt là cặp đào kép chánh phải ít nhiều nổi tiếng thì mới được. Ngay cả hề cũng chọn lựa anh nào từng gây được những trận cười của khán giả; nếu như hề biết ca vọng cổ thì càng hay như Hề Minh, Văn Hường...

Về tuồng tích, hầu hết các gánh đều phải chuẩn bị nhiều tuồng hay để thay đổi cảnh sân khấu. Và việc không kém quan trong là quảng cáo thật mạnh. Có đoàn trước khi đến hát ở địa điểm nào đó, đã cho người đến trước vài ngày đề dán giấy, bích chương, treo biểu ngữ giới thiệu nghệ sĩ, giới thiệu tuồng hay. Tóm lại là bầu gánh đã tận dụng mọi phương tiện, tất cả những gì có thể làm được để lôi cuốn khán giả mua vé trước khi trình diễn.

Riêng đối với gánh Minh Cảnh thì lạ đời. Anh ta chẳng cần những thứ vừa nói. Dàn đào kép của đoàn chẳng có nghệ sĩ tên tuổi nào, kể cả cô đào chánh đóng cặp với anh cũng chẳng mấy người biết tên. Còn tuồng thì xài toàn tuồng cũ của các soạn giả chẳng nổi tiếng, với giá rẻ mạt. Minh Cảnh không thích ai nhắc nhở tới mình và cũng không màng đem đoàn về thủ đô Sài Gòn.

Đoàn Minh Cảnh chẳng thèm quảng cáo gì hết, khi đoàn hát dọn đến đâu chỉ cần viết mấy chữ trong tấm bảng giới thiệu tuồng: “Đặc biệt đêm nay Minh Cảnh sẽ ca độc chiếc 6 câu vọng cổ "Tu Là Cội Phúc" hoặc "Võ Đông Sơ..." hay là bản gì đó là đủ rồi.

Đêm nào cũng vậy, khi hát được nửa tuồng thì Minh Cảnh mặc nguyên đồ đang hát, ra đứng ngoài tấm màn ca 6 câu vọng cổ chẳng ăn nhập gì với tuồng đang diễn. Ấy thế mà được khán giả hoan nghinh, đêm nào cũng đông đảo người đi coi, nếu không đầy rạp cũng trên nửa rạp. Cải lương mà khán giả được nửa rạp là bầu gánh có lời chút ít rồi. Tóm lại đoàn Minh Cảnh sống vững vàng (về sau lập thêm đoàn Minh Cảnh 2 cũng sống vững như đoàn 1).

Chẳng cần gì hết mà đoàn hát vẫn sống, lại còn sống mạnh nữa là do đâu? Câu trả lời là nhờ làn hơi ca vọng cổ trời cho, mà những ai từng theo dõi hoạt động sân khấu cải lương từ nhiều thập niên qua cũng đều nhận thấy như thế. Giọng ca độc đáo của Minh Cảnh đã bao trùm lên mọi thứ cần thiết của một đoàn hát, như vậy coi như con én Minh Cảnh đã làm được mùa Xuân chứ gì! Nói như thế cũng không có gì quá đáng nếu đem so sánh với tất cả đoàn hát thời bấy giờ.

Ai nức nở quỳ bên chánh điện?...

Vậy danh ca Minh Cảnh từ đâu xuất hiện và từ lúc nào? Tôi xin trình bày tiếp sau đây.

Thời ấy vào khoảng 1962 một làn hơi ca vọng cổ xuất hiện trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn làm chấn động làng cổ nhạc, chấn động giới đờn ca tài tử và luôn cả nghệ thuật sân khấu. Chương trình Cổ Nhạc Nam Phần của đài lúc ấy đã cho phát thanh dĩa hát “Tu Là Cội Phúc” với tiếng ca Minh Cảnh, đã gây ngạc nhiên cho những người hâm mộ cổ nhạc, bởi lúc bấy giờ cái tên Minh Cảnh còn rất xa lạ với giới yêu thích cổ nhạc, do đó mới có sự tìm hiểu hỏi thăm lẫn nhau xem tay ca này từ đâu xuất hiện?

Minh Cảnh, thập niên 1960- hình của trang cailuongvietnam.com
Minh Cảnh, thập niên 1960- hình của trang cailuongvietnam.com
photot courtesy cailuongvietnam.com
Thật vậy, tiếng ca Minh Cảnh đã làm cho giới mộ điệu đặc biệt chú ý, và đối với các nhóm đờn ca tài tử thì lại chú ý nhiều hơn, và dĩ nhiên giới này đã nhận định ngay rằng đây là giọng ca đã thu hút người nghe một cách mãnh liệt.

Khi bài vọng cổ "Tu Là Cội Phúc" do Minh Cảnh ca được phát thanh vài ngày thì ở các chợ thiên hạ đã nghe người bán bài ca rao bán cuốn bài ca nói trên. Rồi thì cũng chẳng mấy ngày là người ta nghe những nhóm đờn ca tài tử hát bài "Tu Là Cội Phúc" và từ đó đi tới đâu hễ nghe có tiếng đờn vọng cổ thì chắc chắn ở đó sẽ có tiếng ca “Ai nức nở quỳ bên chánh điện...”, tức câu nói lối mở đầu cho bài vọng cổ ấy.

Rồi cũng kể từ đó hễ Minh Cảnh thu thanh dĩa hát nào thì dân tài tử lại học thuộc lòng bài ca ấy như là các bài: Lòng Dạ Đàn Bà, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà.v.v... và đã ca trong các buổi đình đám.

Năm 11 tuổi Minh Cảnh đã tự lập, sống với bà ngoại và người cô ở bô rác Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Hằng ngày khi xe rác đổ về thì Minh Cảnh bươi lượm củi khô, lượm guốc...

Khi lớn lên học ca cũng không phải ở lò cổ nhạc nào, mà anh ta học với người thợ hớt tóc biết đờn, ông này đã dạy cho Minh Cảnh ca. Nhờ làn hơi ca phong phú chỉ một năm là có người giới thiệu đi thu dĩa hát và nổi danh luôn. Kế đến lại được đoàn Kim Chung mời ký giao kèo được số tiền khá lớn và trở thành nghệ sĩ đi xe hơi...

Và bây giờ xin mời quì vị nghe bài vọng cổ Lương Sơn Bá do Minh Cảnh ca được hãng dĩa Hồng Hoa thu thanh dĩa hát thời đầu thập niên 1960.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
22/12/2011 02:43

Theo nhu toi nho,Minh Canh noi danh voi bai hat vong co cua soan gia Vien Chau ,vao khoang thang 11-1960 voi tua de<Trai gui ben san,luc ay Minh Canh chi 16tuoi.