COVID-19 tại Đà Nẵng: Trạng thái mới, qui định cũ!

0:00 / 0:00

Đi lại vẫn phải cần giấy xét nghiệm

Nhiều người dân bức xúc cho rằng trong khi tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện cho người từ vùng xanh ở Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam không cần phải có giấy xét nghiệm nhưng khi trở ra Đà Nẵng thì chính quyền ở đây lại buộc họ phải có giấy xét nghiệm. Qui trình không nhất quán khiến nhiều người mất nhiều thời gian và tiền cho phí xét nghiệm.

Đó là việc đi lại giữa hai địa phương, còn đi lại trong khu vực thành phố Đà Nẵng, đôi khi người dân (nhất là những người buôn bán tự do, chạy ăn từng bữa) cũng bị vướng chốt đòi giấy xét nghiệm. Trong ngày 11/10, nhiều tiểu thương, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, ở Đà Nẵng nói với RFA:

“Qua chốt là họ bắt buộc có giấy xét nghiệm mới cho qua, mỗi lần đi là ba ngày đi lên xét nghiệm một lần, thấy khổ dễ sợ mà cũng phải đi vì giờ không đi thì tiền đâu. Một chốt là 200 mấy ngàn đi ba bữa, đi ba bữa cũng lời được 400 ngàn thì mình lời 100 mấy ngàn. Chứ nhà ở không làm gì kiếm được 100 mấy, ngày cũng mấy chục. Hồi kia ngày kiếm vài trăm, giờ còn mấy chục cũng phải đi, đi kiếm tiền để bươn chải hằng ngày, xoay sở hằng ngày đồ ăn chứ không đi tiền đâu.”

“Quá nhiều tiền, nhân lên ba ngày mà 240 thì quá nhiều tiền, ngày 80 ngàn mà lời 200 ngàn thì còn có 120, mà thấy đuối quá cũng phải làm chứ ở nhà ai cho 120?”

“Tôi đi hai người 160, một người hết 236 ngàn ba ngày. 238 ngàn một người nhân hai lên là ba ngày như thế, phải đổi lại giấy mới. ốn tiền nhiều lắm, cứ ba ngày là tốn thêm một khoản như thế.”

Được biết cũng trong ngày 11/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố đáng sống nhất nước, bà Ngô Thị Kim Yến trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố đã tiếp tục yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp ra vào thành phố.

Đối với người ở khu vực không có dịch COVID-19 cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Tuy nhiên, sang ngày 12/10, lãnh đạo Đà Nẵng lại ban hành hướng dẫn mới, cho phép người dân đang sinh sống tại Đà Nẵng, Quảng Nam phải thường xuyên đi lại giữa 2 địa phương, khi vào Đà Nẵng sẽ không cần giấy xét nghiệm âm tính.

Phí mỗi nơi mỗi khác

Mặc dù vậy, việc quá chậm cập nhật tình hình mới để thay đổi qui định cho phù hợp của lãnh đạo Đà Nẵng khiến người dân, nhất là những người buôn bán tự do đã gặp quá nhiều cản trở. Trao đổi với RFA, nhiều người còn than thở phí xét nghiệm mỗi nơi một giá cũng khiến họ quá mệt mỏi:

“Lên nhà thương Đèn Bàng lấy 70 ngàn, chứ mấy nhà thương là 200 mấy. Tùy theo chỗ, nhà thương Đèn Bàng là nhà thương công, của nhà nước nên rẻ hơn.

Địa phương đây không cho được một đồng nào hết. Tôi nghỉ gần ba tháng rồi mà không thấy địa phương cho cái gì. Con tôi là tiệm nghỉ ba tháng cũng không cho đồng nào mà hắn có công việc.”

“Trên Vĩnh Đức mấy người có 60 thì 180 mà dưới Thái Bình là 238 thành thử nhiều tiền quá thôi. Cũng ế chứ sao không ế nhưng đi muốn qua chốt thì phải vậy thôi.”

“Trong mùa dịch mình bán hàng thiết yếu cho người trong tổ dân phố nhưng cái thế mình phải đi như vậy, xét nghiệm mới đúng theo chủ trương chính phủ ra, mình phải cố gắng làm theo chủ trương nhà nước, mặc dù bị ảnh hưởng lắm. Ví dụ thay vì ký cá lời 10 ngàn, thì bớt lại lấy tiền đó xét nghiệm COVID nhưng phải cung cấp hàng đúng cho dân.”

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố, chỉ trong ngày 11/10, ngành y tế tổ chức xét nghiệm 4.422 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 2.436 lượt và xét nghiệm bằng test nhanh 1.986 lượt người.

Tuy nhiên, theo lời một nữ tiểu thương, địa phương nơi bà sinh sống cũng đã ngỏ ý chia sẻ tiền xét nghiệm với các tiểu thương:

“Họ cũng hỗ trợ cho mình nhưng mình không muốn, chia sẻ với nhau, họ vẫn muốn cho lại tiền đó cho mình nhưng mình không lấy chứ không phải không có.”

Tiểu thương không “trụ nổi”

Dù thành phố đáng sống nhất nước đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội kể từ ngày 1/10 vừa qua, các chợ đầu mối đã được hoạt động trở lại, nhưng theo ghi nhận của những tiểu thương, tình hình buôn bán vẫn không mấy khá khẩm:

“Chậm, tệ lắm! Một ngày hồ cá này bán hai bữa chợ mới hết. Còn mấy bữa nay ra bán hồi cuối vẫn còn, ngày mai đi một buổi nữa thành ra đi một ngày thành hai ngày, không có người đi chợ.”

“Còn kiểm phiếu nên người dân ngại nhất là vô chợ cần thức ăn lặt vặt vẫn phải kiểm phiếu, những ngày người ta cần vô mua thì phiếu không đúng ngày, phải ra lại, buộc người dân không hài hòa trong lúc vô ra chợ để mua, hoạt động trong thời buổi đang giãn cách thế này. Nói chung dùng phiếu là tiểu thương không muốn vô, thành ra chợ trống vắng hơn hàng ngày rất nhiều.”

UBND thành phố ngày 27/9 vừa qua cũng đã ban hành Công văn số 6529 về việc triển khai các biện pháp điều hành giá trên địa bàn thành phố trong các tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, theo lời nữ tiểu thương bán cá tại chợ, dù tình hình bán buôn không chạy, nhưng trong hoàn cảnh mọi người vừa được trở lại cuộc sống ‘bình thường mới’, giá cả buôn bán cũng phải hạ xuống cho phù hợp hoàn cảnh sống những người lao động. Do đó, tiểu thương lại là người chịu thiệt hại:

“Y giá luôn, lên là họ không mua, bữa nay tôi còn hạ nữa, mấy bữa tôi bán sáu ngàn, nay bán năm ngàn mấy vì tôi thấy họ tội quá, hoàn cảnh bữa nay là họ làm tiền không ra.”

Giá hàng hóa giảm, lại phải chi thêm gần 240 ngàn xét nghiệm COVID-19 cho mỗi ba ngày, khiến thu nhập của những người buôn bán nhỏ lẻ không còn lại bao nhiêu, nhưng dẫu sao ‘có còn hơn không’.

Mơ ước duy nhất của họ chỉ là lãnh đạo thành phố đáng sống nhất nước suy xét cách hỗ trợ hoặc miễn giảm chi phí xét nghiệm COVID-19 để nhẹ gánh thu chi cho người dân:

“Giảm đúng rồi, tuột xuống chứ để nhiều quá, Vĩnh Đức có 60, 180 mà dưới Hội An nhiều tiền quá, thật sự. Ví dụ ba ngày mà 150 ngàn thì mình có thêm mấy chục ngàn, cũng đỡ tiền.

Tuột xuống luôn chứ ba ngày một lần tiền đâu mà đưa nhưng giờ thấy đuối cũng phải làm, chứ nghĩ tốn tiền không đi thì lấy gì ăn, nhà nước cũng đâu cho, mà một mẹ ba con ở nhà hai tháng rồi.”

“Nếu thời gian 10-20 ngày mà không có ca nhiễm cộng đồng thì mình cũng mong muốn nới lỏng hơn Chỉ thị 16 để người dân tự điều kiện với nhau. Ví dụ những người thợ hồ, thợ nề rất khó khăn, những người buôn bán vé số trong đó đi ra đi vô hoặc Quảng Nam, Đà Nẵng , tạo điều kiện cho dân có thể bươn chải, có thể kiếm sống trong lúc dịch như vậy thì tốt hơn.”