Lao động ngành du lịch Đà Nẵng: Cần “cần câu hay con cá”?

RFA
2021.06.18
Lao động ngành du lịch Đà Nẵng: Cần “cần câu hay con cá”? Khu du lịch Đà Nẵng đóng cửa vì COVID-19.
RFA

Dịch bệnh COVID-19 đợt thứ tư đang lan ra 40 tỉnh, thành ở Việt Nam khiến ngành du lịch trong nước vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, một thành phố du lịch lớn ở miền trung, mới đây đã có quyết định cho người lao động trong ngành du lịch được vay ưu đãi lên đến 100 triệu đồng.

Chưa nghe và không dám tin

Có mặt tại nhiều khu du lịch tại Đà Nẵng vào giữa tháng 6, phóng viên Đài ACTD ghi nhận hầu hết các khu du lịch đều vắng vẻ khách. Cho đến nay mặc dù thành phố này đã cho mở cửa trở lại một số dịch vụ, hàng quán nhưng nhiều điểm du lịch vẫn chưa thể mở cửa trở lại.

Do đó, người lao động trong lĩnh vực này cũng đang “lây lất” sống như chia sẻ của một hướng dẫn viên du lịch lâu năm (không muốn nêu tên vì lý do an toàn) sống tại Đà Nẵng:

“Không ai hỗ trợ gì hết. Không có ai quan tâm hết, mạnh ai nấy sống, chuyện đó của mình không ai quan tâm. Như bao nhiêu người anh ở nhà, lây lất mà sống. Ví dụ trước thu nhập 15-20 triệu/tháng, giờ ở nhà thì lôi hết tiền ra ăn, hết tiền là hết ăn”.

Bên cạnh những người mất việc hoàn toàn như người hướng dẫn viên này thì vẫn còn những người chưa bị cắt hợp đồng lao động, tuy nhiên thu nhập của họ bị giảm đáng kể và họ cũng đang cầm cự qua ngày. Một nhân viên tại khu du lịch ở Đà Nẵng chia sẻ:

“Dịch này nói cho đúng thì mình cũng đi làm nhưng một tháng đi làm nửa tháng, còn nửa tháng ở nhà, là mình có tiền nửa tháng thôi”.

Cùng chung số phận với nhân viên trên, một nhân viên tại khu resort khác cũng ở thành phố này cho biết hoàn cảnh của anh:

“Lương hướng bị giảm thì kéo theo cuộc sống của mình bị hạn chế lại, chi tiêu hạn chế lại, phải cắt giảm một số nhu cầu trong cuộc sống của mình nữa. Thay vì đi làm có tiền có thể mua bún ăn sáng, giờ cuộc sống khó khăn sáng phải nấu cơm ăn cho đỡ bớt tiền”.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng nói với truyền thông Nhà nước vào ngày 2/6 rằng lãnh đạo thành phố đã duyệt kế hoạch cho lao động trong ngành du lịch vay vốn không thể chấp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, đối tượng được vay là người làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng và đã đăng ký với Hiệp hội Du lịch thành phố.

Mức vay tối đa của người lao động được dự kiến là 100 triệu đồng/người với lãi suất gần 8%/năm.

Tuy nhiên, dù đã hai tuần sau khi thông tin được loan báo nhưng những người lao động trực tiếp trong ngành du lịch cho hay họ không hề biết gì về tin này.

Một nhân viên đang làm việc tại khu du lịch Đà Nẵng (không muốn nêu tên) cho rằng thông tin cho vay chắc áp dụng tại tỉnh, thành khác chứ không phải ở thành phố đáng sống của cô:

“Ở đâu chứ ở đây không có, ở đây là làm ngày nào có tiền ngày nấy, không làm không có tiền. Cho vay làm ăn thì mình cũng vay, tính toán việc mình làm mà sợ không có”.

Khu du lịch Đà Nẵng đóng cửa vì COVID-19.
Khu du lịch Đà Nẵng đóng cửa vì COVID-19.

Cô nói tiếp nếu được vay thì quá tốt vì qua hơn một năm thu nhập bị cắt giảm một nửa vì dịch COVID-19, đến nay gia đình cô cũng đang lâm vào cảnh bế tắc vì nợ nần. Cô nói nếu được vay vốn sẽ chuyển đổi sang kinh doanh nhỏ thay vì cố bám trụ công việc hiện tại vì đồng lượng quá ít ỏi, không đủ lo cho gia đình, con cái:

“Có thì mình cũng làm ăn, buôn bán thêm. Mình muốn đổi mà không có tiền thì chịu”.

Khó đến tay người cần vay

Nhiều người lao động trong ngành du lịch mà chúng tôi tiếp xúc tỏ ra nghi ngờ thông tin của chính quyền Đà Nẵng loan bởi lẽ theo phân tích của họ thì ngay cả gói cứu trợ 62 ngàn tỉ của Chính phủ từ đợt dịch đầu tiên, đến nay chỉ giải ngân và đến đúng đối tượng cần giúp không bao nhiêu.

Chưa kể, nếu có đến ngành du lịch thì cũng sẽ ưu ái cho các đối tượng thuộc dạng “cơ cấu” trước. Ngoài ra, họ cũng cho biết giả dụ có được vay thì họ cũng không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ trong thời điểm mà ngành du lịch không thể vực dậy nổi vì COVID-19.

Người hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi:

“Cũng không dễ gì tới ai đâu, nói thật ra chính sách Nhà nước này đứa nào thân quen thì được gạt cho một miếng, không thì thôi chứ như mình nó quan tâm gì. Rõ ràng, thật sự nói cho vui chứ đời nào nó hỗ trợ cái gì”.

Ông này cũng khẳng định sẽ có rất ít lao động trong ngành du lịch tiếp cận được gói vay đó. Ông nói tiếp:

“Tất nhiên là rất muốn nhưng chắc chắn khó bởi vì anh không tin chính quyền này, nói thẳng với nhau như vậy. Nếu họ có họ sẽ đưa thẳng thông tin lên mạng cho anh em biết, anh em nào có nhu cầu liên lạc, còn họ đưa kiểu úp úp mở mở như vậy tức là họ chỉ có một lượng nhất định và sẽ giải quyết nội bộ của họ.

Theo ông nếu thật sự ngành du lịch muốn cho những đối tượng có hợp đồng làm việc trong ngành du lịch tiếp cận được gói vay này, họ dễ dàng lên danh sách và thông báo đến từng người ngay khi gói vay được chấp thuận. Đàng này đã gần ba tuần trôi qua, chẳng ai hay biết về chương trình trên. Ông giải thích thêm:

“Thực ra bên Sở Du lịch quản lý anh, họ biết anh có làm hay không, ngày cuối cùng mình nhận công tác phí tháng nào họ biết ngay, vấn đề là họ có giúp hay không, mà họ cũng chẳng quan tâm. Hơi đâu mà đi tin họ cho mệt.

Đồng ý kiến trên, người nhân viên tại resort du lịch cũng cho biết ý kiến của mình:

“Cái đó thì không nghe nhưng cả hai đợt dịch có gói 6.000 tỉ và mười mấy ngàn tỉ bảo là hỗ trợ thì không thấy”.

Chưa kể theo người nhân viên này, tại thời điểm này cái mà lao động trong ngành du lịch cần là có một công việc với mức lương ổn định để họ không phải loay hoay trong cuộc sống. Bởi lẽ nếu có được vay thì họ lấy đâu ra tiền để trả vốn và lãi mỗi tháng khi thu nhập họ không ổn định.

“Đề xuất cho vay cũng tùy theo nhu cầu mỗi người. Ví dụ bây giờ mình là một nhân viên vay tiền đó nhưng trong quá trình không có việc làm, công việc không ổn định thì số tiền đó liệu sau này mình lấy gì trả lại tại vì dịch này không biết kéo dài bao lâu. Chuyển đổi nghề nghiệp nhưng trong giai đoạn dịch COVID-19 này thì rất khó khăn, đa số tất cả những công ty ảnh hưởng đóng cửa rất nhiều, khu công nghiệp chế xuất vừa rồi dịch dịch lên cũng bị phong tỏa.

“Theo tôi thì việc cho vay trong thời điểm này không phù hợp lắm đối với đối tượng như tôi, còn đối tượng khác thì không biết có phù hợp hay không. Khi vay phải có cơ sở để trả lại chứ không có cơ sở trả lại thì sau này lại là gánh nợ rất lớn”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.