Ngày thầy thuốc VN và những người lao công bệnh viện

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.03.06
nttvn-1-305.jpg Hoa chúc mừng ngày Thầy Thuốc Việt Nam, ảnh minh họa.
RFA

 

Theo qui định của nhà nước Việt Nam hiện tại, ngày 27/2 được xem là ngày thầy thuốc Việt Nam, ngày bệnh nhân tri ân thầy thuốc, ngày mọi người tưởng nhớ đến công ơn người chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình. Thế nhưng, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, nhất là giai đoạn mà ngành y tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng mất uy tín bởi hàng loạt các hoạt động mang tính mờ ám, thậm chí trái ngược với lương tâm, đạo đức ngành nghề đã làm uy tín của họ giảm sút hoàn toàn. Bài tường trình này chỉ đề cập đến một nhóm công việc cũng liên quan đến ngành y tế nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi. Đó là các nhân viên hộ lý bệnh viện.

Làm việc gian khổ nhưng bị đánh giá thấp

Trong ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi ghé đến một số bệnh viện ở Huế, đập vào mắt chúng tôi vẫn là cảnh bệnh nhân chen chúc trong các phòng bệnh, người nhà bệnh nhân nằm la liệt ở các hành lang, cầu thang chật kín người, muốn đi thang máy phải nộp tiền, nhiều y tá nói năng sỗ sàng, thô lậu và nhiều hộ lý miệt mài lau chùi phòng bệnh, bồn cầu nhà vệ sinh.

Một nhân viên hộ lý tên Hiền ở bệnh viện trung ương Huế chia sẻ: “Nghề này vất vả chứ sao không, ví dụ đến giờ trực của mình thì mình phải làm công việc của mình một cách lanh lẹ, cho nhanh để kịp họ đi tiêm thuốc, thăm bệnh. Nói chung phần công việc của hộ lý thì cực hơn, như phải lau chùi toilet, lau chùi sàn nhà, cũng cực lắm chứ! Chế độ bảo hiểm thì ai làm đúng thời hạn một năm thì được nộp bảo hiểm, ai chưa đủ thời hạn thì không được nộp. Hồi trước lương cơ bản là hai triệu một trăm ngàn, giờ lên được hai triệu tư, hiện tại thì đóng bảo hiểm xã hội rồi thì được một triệu tám trăm bốn hai ngàn. Như chị thế này khó khăn lắm chứ, làm thế này cũng đâu có tiền nhiều đâu. Như mấy hôm nay (ngày thầy thuốc Việt Nam) không có chi hết đâu, không có được đồng nào thêm đâu, chỉ có mình dọn hoa thêm đọa đày, thì những bông hoa mà người ta tặng bác sĩ, thấy tàn là mình phải đi dọn, mình cũng không được hưởng thêm lương thưởng gì cả.”

Một nữ hộ lý quét dọn vệ sinh trong bệnh viện. RFA PHOTO.
Một nữ hộ lý quét dọn vệ sinh trong bệnh viện. RFA PHOTO.

Theo chị Hiền, họ không có lựa chọn nào khác là chấp nhận làm một lao công bệnh viện để kiếm sống, vì nếu không đồng ý làm những công việc đó, cũng không có cơ hội nào dành cho họ. Tuy công việc khó khăn, vất vả mọi bề nhưng mức lương lại thấp nhất trong ngành y tế và gần như bị coi rẻ, bị đánh giá thấp nhất trong ngành. Đối với những nhân viên hộ lý, chuyện bị bệnh nhân xem thường và bị bạn đồng nghiệp đánh giá thấp luôn là nỗi đau mà họ phải cam chịu vì chén cơm manh áo.

Chị Lựu, nhân viên hộ lý bệnh viện trung ương Huế buồn bã nói với chúng tôi rằng, đối với nhân viên hộ lý, ngày thầy thuốc Việt Nam không phải là ngày của họ. Các nhân viên hộ lý vẫn phải làm mọi công việc hằng ngày, kể cả việc lau chùi bồn cầu. Chị Lựu nói rằng nếu chỉ làm việc đơn thuần thì có sao cũng chấp nhận được, nhưng ở đây, làm việc trong sự dày vò rất khó tả.

Vì lẽ, trong mắt bệnh nhân, các bác sĩ không còn là những bà mẹ hiền chăm lo sức khỏe của họ như trước đây mà là những cái máy hút tiền, đụng đến họ là phải tốn tiền, nếu không khoản này thì cũng khoản khác. Và ngay cả những nhân viên hộ lý, cũng không thiếu người vì điều kiện đồng lương eo hẹp, ban đầu mong chờ vào đồng tiền của bệnh nhân cho, tặng để nhờ mua giùm các thứ vật dụng, dần dà về sau, theo thói quen lại đâm ra mè nheo, vòi vĩnh của bệnh nhân. Thế nên khi chị làm việc trong ngày thầy thuốc Việt Nam, nhiều người nhìn chị với ánh mắt không thiện cảm nếu không muốn nói là khinh khi. Chị đoán rằng rất có thể họ nghĩ chị bị phạt do tiêu cực trong công việc.

Chán nản và mệt mỏi

Một nữ hộ lý khác tên Lý ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Thì mình lo làm tổng vệ sinh bệnh viện, đổ rác, làm vệ sinh nhà cầu, phòng bệnh, chùi dọn…”

Người nhà bệnh nhân chen chúc trong thang máy một bệnh viện. RFA PHOTO.
Người nhà bệnh nhân chen chúc trong thang máy một bệnh viện. RFA PHOTO.

Chị Lý nói thêm rằng hiện tại, công việc của một hộ lý chẳng khác gì công việc của một lao công quét dọn hoặc một bồi phòng, chỉ khác chăng là một hộ lý phải có kiến thức về y tế và nếu như bồi phòng được tặng tiền typ mỗi khi gặp khách sộp thì hộ lý mong mỏi được bệnh nhân nhà giàu tặng cho vài đồng để nhờ vả chăm sóc kĩ lưỡng hơn. Chính khoản tiền này giúp chị em hộ lý trang trải thêm nhiều việc trong đời sống.

Chị Lý vẫn biết rằng chờ mong khoản tiền bệnh nhân tặng cho là điều trái với lương tâm nhưng nếu không có nó, với khoản lương èo ọp dao động từ hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng mỗi tháng, không có cách gì để lấp vào mọi khoản chi tiêu trong gia đình thời bão giá. Nhiều lần muốn bỏ nghề để tìm một công việc khác có thu nhập khá hơn nhưng rồi lại thôi.

Bởi với người làm nghề hộ lý, một khi đã quen với nghề, cảm giác buồn, ảm đạm nơi bệnh viện cộng với những cảm nghiệm về bệnh tật, cái chết đã cho họ một gương mặt u buồn thường xuyên hoặc gắt gỏng, bực bội vì sức ép công việc. Hai cảm giác này như một nỗi ám ảnh nghề nghiệp khiến cho người hộ lý cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với những công việc khác. Thậm chí có nhiều người bị bệnh nghề nghiệp lâu ngày, trở nên trầm cảm và hết muốn tiếp xúc xã hội.

Nói đến đây, chị Lý thở dài và đưa ra câu hỏi rằng không biết nghề hộ lý ở các nước tiến bộ có khó khăn, vất vả và có nguy cơ đẩy người làm công việc này đến chỗ mệt mỏi, chán nản, hết ham sống như ở Việt Nam hay không. Với chị, mỗi dịp lễ ngày thầy thuốc Việt Nam giống như một cực hình, chị phải vừa lau dọn nhà vệ sinh bệnh viện lại vừa nghe các nhóm bác sĩ, ý tá vừa ăn liên hoan vừa ca hát. Những thứ âm thanh ấy quyện với tiếng thở mệt nhọc của người bệnh khiến cho chị nao nao rất khó tả, chỉ muốn hét lên cho đến khi nào lồng ngực vỡ toang và ngưng thở.

Không riêng gì chị Lý hay những người hộ lý ở các bệnh viện công than thở về nỗi khổ ngành nghề cũng như mức lương bèo bọt của nó mà hầu như tất cả các nhân viên hộ lý ở các bệnh viện tư cũng như bệnh viện công đều thất vọng về cái nghề mà mình đã trót chọn để rồi phóng lao phải theo lao!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.