Chuyện những chiếc cầu treo ở Tây Bắc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014.07.23
Cầu treo hiện đại ở Điện Biên Cầu treo hiện đại ở Điện Biên
RFA

Với những người dân vùng cao mạn Tây Bắc, những chiếc cầu treo luôn là một thứ gì đó vừa gần gũi, quen thuộc lại vừa mang tính huyền nhiệm của một thế giới xa xôi nào đó mà Thượng Đế đã ban phát cho con người để con người mỗi ngày được đi lại trên đó và con người có thể xích lại gần nhau hơn. Đó là trong tâm thức của những người đồng bào dân tộc thiểu số, còn với những người miền xuôi, những kĩ sư xây dựng, mỗi cây cầu treo luôn tiềm ẩn mối họa và tội ác nào đó mà những đồng bào hồn nhiên, chất phát kia chưa kịp nhìn thấy. Bởi mỗi chiếc cầu treo là một công trình bị rút ruột, bị ăn gian nhiều thứ.

Bị rút ruột quá nhiều

Một kĩ sư xây dựng tên Trúc, đang công tác ở khu vực phía Bắc, chia sẻ: Theo em làm việc với tất cả những chủ đầu tư và nhà nước đều cùng một giuộc hết. Ví dụ như em báo giá đoạn đường này là một trăm ngàn một mét vuông thì phải chiết khấu lại cho bên A mười phần trăm và những thằng cóc cóc ba, bốn phần trăm..

Theo ông Trúc, có thể nói rằng toàn bộ 100% các cây cầu nói chung và đặc biệt là các cây cầu treo ở Việt Nam cũng như ở Tây Bắc đều bị rút ruột ít hoặc nhiều. Mức độ rút ruột tăng dần theo vùng sâu vùng xa bởi ở những nơi hẻo lánh khỉ ho cò gáy này ít có đơn vị giám soát thi công nào lại chịu băng đèo lội suối lên tận thực địa để theo dõi mà đa phần theo dõi theo kiểu sa-lon, ngồi tại văn phòng để gọi điện thoại, lấy hình qua bưu chính hoặc email để báo cáo và ăn chia với đơn vị thi công. Cuối cùng là đơn vị giám soát vô hình trung trở thành cái nơi làm tổn thất thêm một lần nữa chất lượng công trình bởi đơn vị thi công sẽ rút ruột tàn bạo hơn sau khi chung chi cho bên giám sát.

Theo em làm việc với tất cả những chủ đầu tư và nhà nước đều cùng một giuộc hết. Ví dụ như em báo giá đoạn đường này là một trăm ngàn một mét vuông thì phải chiết khấu lại cho bên A mười phần trăm và những thằng cóc cóc ba, bốn phần trăm

Một kĩ sư xây dựng tên Trúc

Và ở những vùng cao vùng sâu như Tây Bắc, thường những cây cầu treo được xây dựng từ nguồn tài trợ nhân đạo của các nước Châu Âu. Chính vì địa hình hiểm trở, xa xôi, hơn nữa những người Châu Âu không thể trực tiếp đến từng địa phương để thi công xây dựng cầu mà chỉ thông qua các cơ quan nhà nước đại diện cấp trung ương, sau đó cấp này rót xuống các địa phương, và mỗi lần kinh phí đi qua tấm lưới lọc các cấp này lại hao đi một phần đáng kể. Khi đến tay nhà thầu thì mười đồng chỉ còn từ ba đến năm đồng, phần nhà thầu lại xơi tái một lần nữa, khoản kinh phí này chỉ còn teo tóp xương bọc da. Chính vì thế, không thể có những chiếc cầu bảo đảm chất lượng tỉ lệ với kinh phí ban đầu của nó.

Cầu treo cổ điển do đồng bào thiểu số tự làm (RFA)
Cầu treo cổ điển do đồng bào thiểu số tự làm (RFA)

Chung qui là mỗi cây cầu treo ở các huyện miền núi ở các tỉnh Tây Bắc sẽ bị rút ruột ít nhất là 50% kinh phí xây dựng bởi nó qua quá nhiều cửa, trong trường hợp cầu treo do nhà nước đầu tư, khoản tiền bị rút ruột sẽ giảm đi một chút nhưng cũng không đáng kể. Nghĩa là bất kì chiếc cầu nào xây dựng đều bị rút ruột, đặc biệt cầu treo cho những vùng có đồng bào thiểu số sinh sống thì việc rút ruột diễn ra tàn bạo hơn bởi không có sự quan sát của người dân, hơn nữa, với bản tính hồn nhiên, tin yêu lẫn nhau, cộng thêm kiến thức ít ỏi, người đồng bào thiểu số dễ dàng bị các đồng loại cán bộ người Kinh qua mặt mà không hề hay biết gì.

Tình trạng sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu chỉ là một điển hình có thể nhận biết thông qua hậu quả, trên thực tế, còn rất nhiều cầu treo bị độn gạch hoặc tre trong các mố bê tông chịu lực và nguy cơ sập của nó là hiển nhiên. Nếu chịu khó làm một cuộc khảo sát tất cả mọi cây cầu sẽ nhận ra vấn đề trầm trọng này ngay tức khắc.

Người dân không hay biết gì về tai họa treo trên đầu

Với những đồng bào dân tộc thiểu số, chiếc cầu treo bắc ra thế giới bên ngoài, để khỏi phải lội bộ đường rừng cả ngày để đi ra thị trấn, lên huyện là cả một thiên đường hiện ra trước mắt. Ông Giàng A Khư, một lão làng ở bản Tả Van, thị trấn Sa Pa, Lào Cai, chia sẻ: Từ ngày có cái cầu treo thì già cũng vui lắm, đi ra đi vào thị trấn mua con heo con gà cũng gần hơn. Nuôi nò lớn đ0i ra đi vào thị trấn bán cũng gần hơn… Nhưng rồi già cũng buồn hơn, con gái trong làng đi ra đi vào cây cầu treo và đi theo Tây, theo Trung Quốc, không lo nuôi con heo con gà...
Theo ông Khư, kể từ ngày cây cầu treo Tả Van bắc ngang qua suối, khoản cách từ bản làng ra thị trấn không còn xa xôi vạn dặm như trước đây, bà con hết sức mừng vui, phấn khởi đón mừng cây cầu mới này. Nhưng cũng kể từ ngày cây cầu treo xuất hiện, thế giới cách biệt giữa đời sống người dân bản làng với thế giới bên ngoài quá xa.

Tình trạng sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu chỉ là một điển hình có thể nhận biết thông qua hậu quả, trên thực tế, còn rất nhiều cầu treo bị độn gạch hoặc tre trong các mố bê tông chịu lực và nguy cơ sập của nó là hiển nhiên.

Đời sống của những nhà kinh doanh lấn dần vào bản làng, các dịch vụ du lịch mọc ra như nấm nhưng đời sống của bà con chẳng có gì thay đổi, cũng mảnh ruộng bậc thang nhỏ xíu, vài con heo cỏ, vài luống rau lây lất qua ngày. Trẻ con thì đua nhau đi bán các loại hàng lưu niệm, chuyện học hành trong bản vốn dĩ là một cái lỗ hổng, bây giờ lại thêm phần lai căn đủ điều. Hầu hết con gái trong bản đều ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch vì nghĩ rằng làm hướng dẫn viên du lịch là sung sướng, có cơ hội lấy chồng giàu và bước ra được thế giới bên ngoài.

Trong khi đó, những gia đình bám trụ với nghề nông lại thêm phần bần cùng vì chính sách giữ nguyên trạng đời sống nguyên thủy để phục vụ du lịch, biến những bản làng thành những cái chuồng nguyên thủy chứa những con người nguyên thủy với nếp sống nguyên thủy nhằm tạo hiệu ứng dân tộc học để mà thu hút khách vãng lai. Ông Khư lắc đầu chua chát nói thêm rằng suy cho cùng, chiếc cầu treo qua suối Tả van, đi vào bản Tả Van chỉ đóng vai trò cái cổng của một thảo cầm viên trong mắt khách du lịch mà bước qua khỏi nó, du khách sẽ gặp được một thế giới khác rất ư nguyên thủy và na ná động vật cổ sơ.

Và ông Khư cũng nói thêm rằng có không biết bao nhiêu chiếc cầu treo ở Tây Bắc được xây dựng nhằm phục vụ du lịch và cũng có không biết bao nhiêu chiếc cầu treo ở mạn Tây Bắc ông đang sống đang chứa mầm họa cho đồng loại của ông. Mầm họa bởi chất lượng thi công kém và chủ trương xây dựng thiếu tính nhân văn mà thừa tính thực dụng. Chỉ có những đồng bào thiểu số hồn nhiên và chân chất là tội nghiệp!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.