Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát; Việt Nam ký thoả thuận 500 triệu đô hình thành “liên doanh thịt lợn”

RFA
2020.10.28
tiêu huỷ Việt Nam đã tiêu huỷ gần 6 triệu con lợn trong năm 2019 vì dịch tả lợn châu Phi
AFP

Dịch tả lợn Châu Phi hiện đang bùng phát trở lại tại tỉnh Thái Bình với 16 ổ dịch đang lây lan tại 5 huyện, khiến ngành thú y tỉnh này  phải tiêu huỷ gần 600 con.

Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 28/10 theo xác nhận của Chi cục Chăn nuôi & Thú y của tỉnh này.

Theo tin, chỉ riêng trong ngày 27/10, dịch tả lợn châu Phi (DTL) tiếp tục phát sinh tại 8 ổ dịch cũ tại 4 huyện gồm Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà và Quỳnh Phụ.

Hiện giới chức tỉnh này đang tập trung xác định nguyên nhân dịch bùng phát mạnh đồng thời tăng kiểm soát việc vận chuyển lợn ra, vào tỉnh.

Từ cuối tháng 6/2020 theo số liệu thống kê của ngành Thú y, dịch tả lợn đã tái bùng phát trở lại ở 45 tỉnh/thành của VN, sau một thời gian dịch đã được kiểm soát. Hồi giữa năm 2019, Việt Nam công bố dịch tả lợi châu Phi bùng phát khắp 63 tỉnh/thành và đã tiêu huỷ gần 6 triệu con lợn, tương đương 20% tổng đàn.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 28/10, Reuters loan tin từ nguồn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay, Liên minh thương mại Việt Nam và các nhà sản xuất, mua bán đã ký một thoả thuận mua thịt lợn Mỹ trị giá lên tới 500 triệu đô la trong vòng 3 năm.

Một biên bản ghi nhớ “Liên doanh thịt lợn Hoa Kỳ-Việt nam” giữa Smithfield Foods và các nhà sản xuất thịt lợn khác của Hoa Kỳ đã được ký bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Ấn độ- Thái Bình Dương diễn ra hôm 28/10.

Việc ký kết cũng diễn ra trong lúc Việt Nam đang xây dựng lại đàn lợn sau khi đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 2 năm ngoái.

Liên minh Thương mại Việt Nam sẽ mua thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn đông lạnh của Hoa Kỳ để chế biến và phân phối tiếp vào thị trường Việt Nam.

Việc nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam đã tăng lên 35 triệu đô la trong tám tháng đầu năm nay từ 4 triệu đô la trong năm 2015.

Việt Nam cũng đang tìm cách nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, than đá và dầu thô, để giúp thu hẹp khoảng cách thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam vào năm ngoái.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.