Đồng Nai: tiêm vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cho tất cả gia cầm tại KDL Vườn Xoài

RFA
2024.10.06
Đồng Nai: tiêm vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cho tất cả gia cầm tại KDL Vườn Xoài Một con hổ tại vườn thú Vườn Xoài
NLĐ

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã tiêm vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cho toàn bộ gia cầm nuôi nhốt trong Khu du lịch Vườn Xoài thành phố Biên Hòa sau khi có kết quả hàng chục con hổ, báo tại khu du lịch này chết vì nhiễm H5N1.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai xác nhận tin trên trong ngày 6/10 và được truyền thông loan.

Cùng với đó, Trạm thú y Biên Hòa phối hợp Khu dịch lịch (KDL) Vườn Xoài cũng tổ chức tiêm vắc xin Navet Fluvac 2 (vắc-xin phòng ngừa cúm gia cầm H5N1) cho hơn 300 con gà nuôi nhốt gần khu vực chuồng cọp. Đại diện KDL cho biết sẽ tiếp tục khảo sát các loài chim nuôi tự do hoặc chim hoang dã để lên kế hoạch tiêm phòng trong thời gian tới.

Khu du lịch Vườn Xoài hiện đang nuôi 68 loài động vật hoang dã với tổng số 748 con.

Hôm 4/10, truyền thông cho biết có tổng cộng 20 con hổ và một con báo được nuôi tại KDL Vườn Xoài đã chết. Trước khi chết, các con thú có triệu chứng chung là bỏ ăn, sốt, đi lại yếu…

Kết quả xét nghiệm hai mẫu bệnh phẩm hổ chết tại đây đều dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1. Bước đâu, giới chức địa phương nghi nguồn lây nhiễm do thức ăn từ thịt gà nhiễm bệnh.

Hôm 5/10, liên quan vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng - giảng viên cao cấp khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết trên tờ Tuổi Trẻ rằng, cúm A/H5N1 chủ yếu lây lan giữa các loài chim, bao gồm các loại gia cầm như gà, vịt.

Vi rút này có khả năng tấn công tế bào nhờ vào protein hemagglutinin - một yếu tố giúp vi rút xâm nhập cơ thể loài chim. Trong một số trường hợp, vi rút H5N1 có thể đột biến và tấn công các loài động vật có vú như hổ, báo, chó, mèo và cả người.

Mặc dù vi rút có thể lây lan từ chim sang động vật có vú nhưng khả năng lây truyền giữa các loài động vật có vú (bao gồm cả người) thường bị hạn chế do khả năng nhân bản của vi rút trong cơ thể chúng bị suy yếu.

Về lây nhiễm cúm A/H5N1 từ hổ sang người, ông Dũng cho biết vi rút chủ yếu lây từ gia cầm sang các loài thú (như hổ) qua thức ăn hoặc môi trường bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trực tiếp từ hổ sang người là rất thấp nếu các biện pháp phòng dịch được thực hiện đúng cách.

Trong cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết qua điều tra dịch tễ, có 161 người liên quan các trường hợp hổ chết (136 người có nguy cơ thấp). Đến nay những trường hợp tiếp xúc chưa phát hiện người nào có triệu chứng bất thường về sức khỏe.

 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
07/10/2024 10:46

Cọp rừng cũng chết,
vì luật rừng, rừng luật Việt Cộng,
vì Việt Cộng chơi luật rừng, theo rừng luật Việt Cộng.