Chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ.
Đó là kết quả khảo sát trên ba ngàn lao động tại sáu tỉnh do Ban Chính sách Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện và được truyền thông loan trong ngày 10/8.
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết thêm, tiền lương thấp khiến 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe doạ, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi lấy ý kiến người lao động, hầu hết họ đều muốn tăng lương từ đầu năm 2024 với mức trên 11%. Ông Quảng cho rằng việc điều chỉnh tăng lương một mặt để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mặt khác để bù đắp phần trượt giá, cải thiện đời sống cho người lao động.
Vẫn theo khảo sát, hiện thu nhập bình quân của gần 3.000 lao động là hơn 7,8 triệu đồng/tháng. Trong đó tiền lương cơ bản chiếm 76,7% còn lại đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ, phụ cấp khác của doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 10/8, tờ Người lao động cho biết Hội đồng Tiền lương Việt Nam đã nhóm họp phiên đầu tiên vào hôm 9/8 để bàn về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024. Tuy thống nhất việc phải tăng lương nhưng vấn đề mức và thời gian tăng cần phải xem xét thêm.
Ông Lê Đình Quảng cho hay quan điểm chung tại phiên họp trên là mọi thành viên đều đánh giá hiện nay cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn. Do đó, vẫn theo ông Quảng, cả hệ thống chính trị đang tìm mọi cách vào cuộc để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Ông Quảng cho biết, các thành viên đều đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2024. Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là từ 5-6% và đã nhận được nhiều đồng thuận từ các thành viên dự họp.
Tuy vậy, ông Quảng xác nhận mức tăng như thế nào, thời điểm tăng từ 1/4 hay từ 1/7 phải chờ các thông tin, dữ liệu đầu vào dịp cuối năm nay để cùng xem xét, đánh giá tại phiên họp tới của Hội đồng Tiền lương quốc gia (dự kiến có thể diễn ra vào quý 4/2023).
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Cao Phong - chủ tịch công đoàn một công ty may tại quận 12 (TP.HCM) - cho biết công nhân ai cũng mong tăng lương. Nhưng để đủ sống thì tăng 200.000 - 300.000 chẳng thấm vào đâu. Lương tăng một, giá cả tăng gấp ba. Công nhân phải tranh thủ bán mớ rau, chạy xe công nghệ để trang trải…
Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - chưa nên tăng lương tối thiểu ngay bởi số doanh nghiệp rời thị trường rất lớn, nền kinh tế chưa phục hồi trong sáu tháng đầu năm. Bà Hương cho rằng đa phần doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu nên không nhất thiết năm nào cũng tăng lương. Vấn đề gốc là tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc. Đây là cách gián tiếp tăng thu nhập cho người lao động.