Nhật sẽ kiểm soát chặt IUU đối với thủy sản nhập từ Việt Nam
Thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ được kiểm soát chặt chẽ về vấn đề khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đó là thông tin do Cục Quản lý Chất lượng Nông- Lâm- Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra và truyền thông Nhà nước loan đi ngày 22/11.
Thông tin cho biết Nhật Bản sẽ kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và bảo đảm truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, các lô hàng thủy sản và chế biến từ nguyên liệu thuộc bốn loại thủy sản gồm mực ống, mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích được khai thác và nhập vào Nhật sau ngày 1/12 tới đây sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận truy xuất nguồn gốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong tháng 10 vừa qua, thị trường Nhật đã vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch đạt hơn 160 triệu USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ủy Ban Châu Âu (EC) vào tháng 10/2017 công bố cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam do bị xác định là một quốc gia không hợp tác trong công cuộc chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý, viết tắt theo tiếng Anh là IUU.
Ủy Ban Châu Âu nêu ra những khiếm khuyết của cơ quan chức năng Việt Nam như thiếu một hệ thống xử phạt hữu hiệu nhằm ngăn ngừa hoạt động IUU. Ngoài ra Việt Nam cũng thiếu hành động giải quyết hoạt động đánh bắt cá lậu của những tàu đánh cá nước này tại vùng biển của những quốc gia láng giềng; gồm những quốc đảo nhỏ đang phát triển tại Thái Bình Dương.
Một khiếm khuyết nữa của Việt Nam bị chỉ ra là hệ thống kém cỏi trong việc kiểm soát sản phẩm cá được chế biến trong nước trước khi đưa đi xuất khẩu ra những thị trường quốc tế.
Ủy viên phụ trách môi trường, hàng hải và ngư nghiệp của EC, ông Karmenu Vella, nói là EC không thể bỏ qua tác động do những tàu cá Việt Nam đánh bắt phi pháp gây nên đối với hệ sinh thái tại Thái Bình Dương. EC mời gọi cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường đấu tranh để có thể sớm thu hồi cảnh cáo đưa ra; và phía EC sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo EC thì quyết định cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam được đưa ra là kết quả của quá trình phân tích thấu đáo; cũng như xem xét trình độ phát triển của nước này.
EC nói rõ quyết định cảnh cáo được đưa ra sau thời gian dài thảo luận không chính thức với Hà Nội kể từ năm 2012.