Công Lý Cho Myanmar tố PetroVietnam tiếp tay chính quyền quân sự gây "tội ác chống loài người"
2023.02.08
Tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice For Myanmar - JFM), một tổ chức dân sự đấu tranh cho công lý và nhân quyền ở Myanmar, kêu gọi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) dừng các dự án hợp tác với chính quyền quân sự để tránh tiếp tay gây "tội ác chiến tranh" và "tội ác chống loài người."
Trong thông cáo báo chí hôm 1/2/2023, JFM nêu ra tên 22 công ty dịch vụ mỏ dầu quốc tế đang hỗ trợ ngành dầu khí của chính quyền Miến Điện, bao gồm các công ty của Mỹ, Singapore, Indonesia... và đặc biệt có tên của PetroVietnam.
Tập đoàn dầu khí của Nhà nước Việt Nam có ba văn phòng chi nhánh tại Myanmar gồm: Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Nước Ngoài, Tổng Công ty CP Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí Việt Nam (PV Drilling) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).
Theo thông cáo, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), một công ty con của PetroVietnam, đã giành được hợp đồng từ POSCO International vào tháng 6 năm 2021 để chế tạo chân đế cho giàn nén khí trong khuôn khổ Giai đoạn 3 của dự án dầu khí Shwe.
Trong email gửi tới Đài Á Châu Tự Do (RFA), Yadanar Maung, phát ngôn viên của tổ chức này viết:
"PetroVietnam dính máu vì hoạt động trong một ngành cung cấp tài chính cho chính quyền quân sự bất hợp pháp Myanmar, một chế độ tiến hành chiến dịch khủng bố chống lại người dân.
PetroVietnam đang giúp đảm bảo tiền từ ngành dầu khí tiếp tục chảy vào chính quyền quân sự Myanmar để giúp chính quyền này mua vũ khí và nhiên liệu máy bay nhằm duy trì các cuộc tấn công đang diễn ra của chính quyền quân sự.
Chúng tôi kêu gọi PetroVietnam ngay lập tức đình chỉ hoạt động đối với các dự án đang tài trợ cho quân đội."
Theo Công lý cho Myanmar, Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế khi có hai tập đoàn nhà nước là PetroVietnam và Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) hoạt động ở xứ sở chùa tháp và cố tình hỗ trợ chính quyền quân sự.
“Việt Nam một lần nữa vi phạm luật pháp quốc tế và các nghĩa vụ thẩm định khi theo đuổi hoạt động kinh doanh ở Myanmar hỗ trợ cho các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, thậm chí có thể hỗ trợ và tiếp tay cho các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.”
Đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng khi Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, theo tổ chức Công lý cho Myanmar, một tổ chức hoạt động với slogan “Công lý và trách nhiệm giải trình cho người dân Myanmar.”
Thông cáo của JFM khẳng định, vào tháng 9 năm 2021, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), liên doanh của PetroVietnam với công ty của nhà nước Nga - Zarubezhneft, đã khởi công xây dựng hai chân đế giàn khoan cho dự án mở rộng mỏ Zawtika, theo hợp đồng với PTTEP (Thái Lan).
Báo Năng lượng Việt Nam trong một bài viết hồi tháng 9/2021 cho biết, hai chân đế do liên doanh Vietsovpetro xây dựng sẽ được đặt tại lô M9 và M11 ở bể Martaban, vùng biển Myanmar, dự kiến hoàn thành thi công chế tạo và hạ thủy vào tháng 11/2022.
Phóng viên liên lạc với PetroVietnam để hỏi về phản ứng của tập đoàn này với lời kêu gọi của tổ chức Công lý cho Myanmar, nhưng người trực điện thoại từ chối kết nối phóng viên với lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc bộ phận truyền thông, yêu cầu cần có số của người cần gặp mới kết nối.
Đầu tháng 2 năm 2021, quân đội Myanmar tổ chức cuộc đảo chính bất hợp pháp lật đổ chính quyền dân sự hợp pháp của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Theo Công lý cho Myanmar, người dân phản đối cuộc đảo chính và chính quyền quân sự đã đáp trả sự phản kháng của quần chúng, duy trì chiến dịch khủng bố trên toàn quốc.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar, Công lý cho Myanmar nói chính quyền quân sự đã sát hại hơn 2.900 người và bắt giữ tùy tiện hơn 17.000 người, đồng thời tiến hành các cuộc không kích và pháo kích bừa bãi trên khắp đất nước, giết người bừa bãi, phá hủy tài sản và khiến hơn 1,1 triệu người phải chạy nạn.
Công lý cho Myanmar nói ngành công nghiệp dầu khí là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho chính quyền quân sự. Doanh thu từ dầu khí được sử dụng để mua vũ khí, nhiên liệu máy bay và các nguồn cung cấp khác cần thiết cho chính quyền quân sự tiếp tục thực hiện các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Theo số liệu của chính quyền quân sự, Myanmar đã kiếm được 1,72 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu khí đốt chỉ trong sáu tháng tính đến ngày 31/3/2022.
Công lý cho Myanmar cho biết nhiều doanh nghiệp năng lượng quốc tế lớn đã rút khỏi Myanmar hoặc tuyên bố rút lui sau cuộc đảo chính của quân đội, trong đó có Total Energies, Chevron, Petronas, Eneos, Mitsubishi và Woodside Oil.
Hàng trăm nghìn người ký tên thỉnh nguyện và thư kêu gọi các công ty dầu khí quốc tế ngừng hợp tác với chính quyền quân sự Myanmar, Công lý cho Myanmar nói trong thông cáo của mình.
Công lý cho Myanmar tự giới thiệu là một nhóm các nhà hoạt động bí mật có mục tiêu cải thiện cuộc sống của tất cả người dân Myanmar. Tổ chức này vạch trần những nguyên nhân mang tính hệ thống của sự bất bình đẳng, bạo lực, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.