Nhiều người tuyệt thực tiếp sức cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức

RFA
2018.09.02
letl_960.jpg Nhà hoạt động Lê Thăng Long (trái) và Phạm Bá Hải tham gia tuyệt thực ủng hộ TNLT Trần Huỳnh Duy Thức
Courtesy FB Lê Thăng Long & Hai Ba Pham

Ngày 2-9-2018, hàng chục người tuyên bố nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang tuyệt thực ngày thứ 20 trong Trại giam số 6 - Thanh Chương, Nghệ An để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật và trả tự do cho ông căn cứ vào Bộ luật hình sự mới có hiệu lực hồi đầu năm.

Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức

Hôm 1-9, gia đình của tù nhân lương tâm hiện đang thụ án 16 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” kêu gọi người dân cùng tham gia tiếp sức cho ông ‘để đấu tranh cho sự tự do nhân quyền của Việt Nam’.

Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đến Trại giam số 6 để thăm gặp ngày 31-8-2018 nói như sau:

Gia đình cũng muốn đi cùng với Thức trên con đường này, những việc Thức làm không chỉ là trách nhiệm của riêng Thức mà là trách nhiệm của cả một dân tộc.

Cho nên gia đình muốn thực hiện trách nhiệm của mình thông qua cách đồng hành tuyệt thực cùng với Thức. Thông qua việc này, gia đình muốn mọi người biết đến Thức và những cái mong ước Thức dành cho VN và chúng ta cùng nhau biến cái đó thành sự thật.”

Gia đình cũng muốn đi cùng với Thức trên con đường này, những việc Thức làm không chỉ là trách nhiệm của riêng Thức mà là trách nhiệm của cả một dân tộc. - Trần Diệu Liên

Trên trang Facebook của nhà hoạt động Lê Bảo Nhi hiện đang sinh sống tại Sài Gòn cũng có thông báo phát động “Phong trào tiếp sức tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức” với mục tiêu “thượng tôn pháp luật qua việc đòi tự do ngay lập tức cho anh”.

Căn cứ vào khoản 3, Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực hồi đầu năm 2018 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm, xét trong trường hợp của ông Thức đã phải ngồi tù qua 9 năm thì việc trả tự do cho ông là cần thiết.

Mỗi người tham gia sẽ nhận 1 ngày để nhịn ăn bắt đầu từ 1-9, chụp ảnh cùng tấm biển ghi khẩu hiệu “Free T.H.D.Thuc” và đăng tải lên Facebook cá nhân. Tính đến tối ngày 2-9 số người đăng ký đã kín lịch đến 26-9-2018.

Theo thông báo này, “cuộc tiếp sức tuyệt thực này có thể kéo dài một vài tháng, và cũng có thể lên đến vài năm cho đến khi nào Trần Huỳnh Duy Thức được thả vô điều kiện.”

Tuyệt thực là phương thức duy nhất của tù nhân lương tâm

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Courtesy FB Tiếp sức tuyệt thực free THD Thức

Doanh nhân Lê Thăng Long, cựu tù nhân lương tâm, người chịu án 5 năm trong cùng vụ với ông Trần Huỳnh Duy Thức giải thích với chúng tôi rằng, tuyệt thực là ‘vũ khí’ cuối cùng mà người tù chính trị dùng đến để chống lại áp bức trong trại giam.

Ngay sau khi xử sơ thẩm, lúc tôi đang còn bị tạm giam thì có làm đơn để kháng án lên phúc thẩm thì tôi đã tuyệt thực 10 ngày và trước khi phiên tòa phúc thẩm xảy ra thì tôi cũng đã tuyệt thực 11 ngày. Trong điều kiện chúng tôi ở trong tù thì gần như phương tiện duy nhất để phản kháng đó là tuyệt thực.

Tuy nhiên ngay khi chúng tôi được chuyển về trại giam Xuân Lộc ngay khi bản án có hiệu lực thì tôi cũng tiếp tục tuyệt thực để phản đối, tuy nhiên anh Thức và anh Định cùng tôi lúc đó ở chung tại Xuân Lộc đã ngăn cản và nói cần giữ sức khỏe để tiếp tục đấu tranh.

Và vì sao anh Thức phải dùng đến phương thức tuyệt thực? Như chúng ta đã biết đây là lần tuyệt thực thứ hai. Anh Thức là người hiểu rất rõ về sự an toàn tính mạng và sức khỏe, anh hiểu rất rõ cái nguy hiểm và sự cần thiết phải tồn tại, nhưng không còn cách nào khác ngoài phương thức cuối cùng mà anh phải dùng đến, thông qua đó chúng ta cũng hiểu và cần có sự lên tiếng và hỗ trợ ảnh”, ông Lê Thăng Long nói với chúng tôi vào chiều 2/9 sau khi ông nhịn ăn vào một ngày trước đó để đồng hành với người đồng sự của mình.

Tuy nhiên, ông Lê Thăng Long vẫn đề nghị cựu Tổng Giám đốc công ty Internet One Connection có trụ sở ở Singapore dừng tuyệt thực để bảo toàn tính mạng và “chúng tôi sẽ tiếp sức với anh để ủng hộ anh đấu tranh cho việc thượng tôn pháp luật và nhất là trả tự do sớm nhất cho anh căn cứ vào bộ luật mới.

Chúng ta ở bên ngoài phài dùng truyền thông để gây sức ép đó mới có thể yểm trợ cho người ở bên trong - Bùi Thị Minh Hằng

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, một người từng tuyệt thực dài ngày trong trại giam để phản đối những bất công, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 23-8 rằng có những lúc người tù có án “an ninh quốc gia” phải bất chấp thân thể trước những chà đạp của trại giam.

Như bản thân tôi dùng những vật sắc nhọn rạch trên cơ thể mình những vết cắt để thể hiện việc chống lại những áp bức, tôi đã từng dùng mẩu dao lam, kềm cắt để rạch.

Đối với người tù chính trị, tôi cho rằng chúng ta đều phải thể hiện cho họ thấy rằng chúng ta không cần cơ thể của chúng ta nữa, một khi chúng ta bị chà đạp, đày đọa và điều mà chúng ta đòi hỏi đó là họ phải tuân thủ luật pháp.

Trong quá trình như thế thì tôi cho rằng cái để thúc đẩy nhanh hơn và tạo hiệu ứng tốt cho những người hy sinh trong tù đấy là thông tin ở bên ngoài.

Chúng ta ở bên ngoài phài dùng truyền thông để gây sức ép đó mới có thể yểm trợ cho người ở bên trong”, bà Hằng khẳng định.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…

Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là “trộm cước viễn thông”, tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là “sự nhạo báng công lý”.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố “ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.