Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ được Việt Nam gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông

2024.08.20
Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ được Việt Nam gia hạn hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông Toàn cảnh mở Lan Tây do Rosneft Vietnam điều hành ở ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 (minh họa)
REUTERS/Maxim Shemetov

Công ty ONGC Vindesh Ltd (OVL) thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ vừa được Việt Nam gia hạn hợp đồng thêm 16 năm nữa tại lô dầu khí 06.1 ở bể Nam Côn Sơn ngoài Biển Đông, cho phép hoạt động của công ty Ấn Độ tại lô này đến năm 2039. Báo chí Ấn Độ dẫn tin từ các giới chức liên quan cho biết như vậy.

OVL hiện đang nắm giữ 45% cổ phần trong lô 06.1. Công ty mua được số cổ phần này từ năm 1988. Lô này đã từng do công ty Rosneft của Nga liên doanh với Việt Nam điều hành. Rosneft từng nắm giữ 35% cổ phần trong Liên doanh Rosneft Vietnam BV, 20% cổ phần còn lại do PVN của Việt Nam nắm giữ. Sau đó, vào năm 2021, hãng tin TASS của Nga cho biết, Rosneft đã bán toàn bộ cổ phần của công ty trong liên doanh.

Lô 06.1 cũng từng bị tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu từ năm 2019.

Hồi tháng 8 năm ngoái, ONGC cho biết OVL cũng được gia hạn hợp đồng ba năm đến ngày 15/6/2026 để tiếp tục thăm dò dầu khí tại lô dầu khí 128 ở Biển Đông.

OVL đã ký hợp đồng chia sẻ sản phẩm (PSC) với PetroVietnam ở lô 128 với diện tích rộng 7.058 mét vuông thuộc bể Phú Khánh từ hồi tháng 5/2006.

Từ đó đến nay, công ty Ấn Độ chưa tìm được trữ lượng dầu khí đáng kể nào để có thể đáp ứng mục đích khai thác thương mại. Tuy nhiên, công ty Ấn Độ vẫn hiện diện tại khu vực này vì lợi ích chiến lược của Ấn Độ trong khu vực.

OVL lần đầu vào Việt Nam vào năm 1988 với giấy phép hoạt động tại lô 06.1 và sau đó mở rộng hoạt động vào năm 2006 bằng việc có được giấy phép khai thác các lô 127 và 128. Công ty đã bỏ lô 127 vì tiềm năng hạn chế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.