Kiến nghị bãi bỏ Điều 117 vốn "làm chỗ dựa để bỏ tù những người yêu nước"
2022.01.05
Bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 nhân sĩ, trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 ngay ngày đầu năm mới 2022.
Hôm 1 tháng 1, bản Kiến nghị 117 được lan truyền trên mạng xã hội, nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật gồm điều 109 "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", điều 117 "Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước"; và điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Đây là các điều luật thường được nhà cầm quyền sử dụng để kết án những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, Giáo sư Mạc Văn Trang, đại diện cho Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong những tổ chức khởi xướng kiến nghị, cho rằng các điều luật này là vi hiến. Ông nói:
“Sự thật là từ lâu rồi, những anh em quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đều thấy rằng những cái điều quy định cái tội danh là âm mưu chống phá nhà nước bằng những cái bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn của các công dân.
Thì những cái điều đấy, những tội danh ấy nó là vi hiến. Bởi vì trong hiến pháp VIệt Nam có cái điều quy định là công dân có quyền tự do ngôn luận, tư do báo chí, tự do lập hội.
Và cụ Hồ đã từng nói nước được độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Và tự do, dân chủ là cho dân được mở miệng ra. Đấy là cụ Hồ đã từng nói như vậy, hiến pháp như vậy, và những công ước nhân quyền mà VIệt Nam tham gia ký kết cũng đầy đủ những cái quyền tự do của người dân.
Thế nhưng mà những cái điều luật mà quy cái tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, thì cái đó nó vừa vi hiến, vừa vi phạm những cái điều luật quốc tế, công ước quốc tế mà VIệt Nam đã cam kết.”
Còn ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nằm trong nhóm viết kiến nghị thì cho biết:
“Cái điều 117 và điều 331 của luật hình sự năm 2015, cái đó nó rất là vô lý. Và chính cái vô lý đó nó làm chỗ dựa để bắt bớ, tù đày những người yêu nước.”
Cả hai người được chúng tôi phỏng vấn đều nhắc đến những phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến gần đây.
Như nhà báo Phạm Đoan Trang, bốn nhà hoạt động Dương Nội lên tiếng về vụ Đồng Tâm, nhà hoạt động chống “BOT bẩn” Đỗ Nam Trung, hay nhà báo công dân Lê Trọng Hùng, trong đó điều 117 được sử dụng để kết án những người này, là minh chứng cho thấy sự vô lý của những điều luật trên.
Bản Kiến nghị 117 kêu gọi người dân trong và ngoài nước tham gia ký tên, còn thậm chí cho rằng những phiên toà xét xử người bất đồng chính kiến đã “làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của Việt Nam trước thế giới.”
Ngoài việc yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa đổi ba điều luật liên quan đến nhóm tội về an ninh quốc gia và tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, những người đại diện các tổ chức khởi xướng kiến nghị cũng cho biết, thông qua hành động này hy vọng người dân sẽ hiểu được bản chất của những điều luật trên và những vụ án chính trị ở Việt Nam.
Phản ứng trước hiệu ứng mà Kiến nghị 117 gây ra trên mạng xã hội, hôm 4 tháng 1, kênh truyền hình ANTV của Bộ Công an đăng đàn phản bác.
Mạng báo ANTV sau đó dẫn lại nội dung của chương trình trên với tiêu đề “Đằng sau âm mưu kêu gọi hủy bỏ Điều 117, Bộ luật Hình sự”, trong đó gọi những người kêu gọi bãi bỏ điều luật này là "các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước”, và cáo buộc những người này “tìm cách tác động, hướng lái, tuyên truyền nhằm thay đổi bản chất, giá trị của pháp luật Việt Nam”.
Chỉ trong vòng tháng cuối cùng của năm 2021, tòa án Việt Nam kết án 5 nhà hoạt động với tổng cộng 40 năm tù và tuyên y án sơ thẩm 3 người khác với 26 năm tù giam theo điều 117 của Bộ luật hình sự 2015 và điều 88 của Bộ luật hình sự cũ, tương ứng với điều 117 của luật mới.