Báo Công an thừa nhận Chính phủ Việt Nam có chủ trương đàn áp đạo Dương Văn Mình
Hôm 12 tháng 7, báo Công an Nhân dân- cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam - đăng bài viết của tác giả Quỳnh Vinh với nội dung tuyên truyền về chiến dịch “xoá bỏ đạo Dương Văn Mình” ở tỉnh Bắc Kạn.
Điểm đáng chú ý là bài báo này lần đầu tiết lộ chính sách của chính quyền trung ương Việt Nam đối với đạo Dương Văn Mình dưới tên “Đề án số 78”.
Cụ thể, Đề án số 78 được ban hành vào năm 2021, và có mục tiêu nhằm "đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Như vậy, chủ trương của chính quyền Việt Nam là “xoá bỏ” hay đàn áp tận cùng đạo Dương Văn Mình, một tôn giáo địa phương với tín đồ chủ yếu là người H’mong thiểu số.
Lý do được đưa ra là vì Nhà nước cáo buộc người theo đạo này âm mưu “thành lập nhà nước H’mong”, có ý đồ “ly khai”.
“Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tồn tại hơn 33 năm, là tổ chức núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền tập hợp lực lượng quần chúng, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông, âm mưu thành lập "Nhà nước Mông", thực hiện ý đồ "xưng vua", "li khai, tự trị", tìm cách móc nối trong ngoài, tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, tạo tiền đề hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.” - Bài báo trên Công An Nhân Dân viết.
Cáo buộc trên đã bị các tín đồ của đạo Dương Văn Mình bác bỏ nhiều lần và khẳng định đạo này chỉ cổ xuý cho việc loại bỏ những nghi lễ đám tang xưa gây tốn kém và mất vệ sinh của người H’mong để theo cách thức mới đơn giản và hợp vệ sinh hơn.
Một thông tin khác cũng đáng lưu ý được đề cập trong bài báo của báo Công an Nhân dân, đó là các địa phương ở Việt Nam có tín đồ theo đạo Dương Văn Mình phải biến việc xoá bỏ tôn giáo này thành mục tiêu chính trị, đơn cử như việc tỉnh Bắc Kạn đặt ra “lộ trình xoá bỏ” đạo này đến năm 2023.
Một địa phương khác có tín đồ theo đạo Dương Văn Mình là Cao Bằng cũng đã đưa mục tiêu “ngăn chặn, xoá bỏ” tín ngưỡng này vào trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2020 tới năm 2025.
Bình luận về việc Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách tiêu diệt đạo Dương Văn Mình, một luật sư nhân quyền từ Việt Nam qua tin nhắn có nhận xét dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn như sau:
“Việc Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách xoá bỏ đạo Dương Văn Mình là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Thể hiện việc Nhà nước này sẵn sàng chà đạp lên chính Hiến pháp, pháp luật mà họ ban hành ra.”
Điều 24, hiến pháp Việt Nam quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Vị luật sư nhân quyền cũng bình luận thêm rằng với việc ban hành Đề án số 78, Nhà nước Việt Nam đã xác định triệt đường sống của tín đồ theo đạo Dương Văn Mình:
“Nếu là một nhà nước biết chăm lo, biết nghĩ cho người dân, chính quyền phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người dân để họ đăng ký hoạt động. Họ lập ra đề án như vậy rõ ràng là muốn xoá bỏ, không muốn thừa nhận Đạo Dương Văn Mình.”
Mới đây vào ngày 18/5/2022, một toà án ở tỉnh Tuyên Quang đã đưa 12 tín đồ của đạo Dương Văn Mình ra xét xử dưới cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” và “Xúi giục chống người thi hành công vụ”. Cả 12 người này sau đó đều bị buộc tội và phải nhận các bản án từ hai năm cho đến bốn năm tù giam.
Chính quyền Việt Nam vẫn luôn khẳng định không đàn áp tôn giáo, và gọi đạo Dương Văn Mình là một “tổ chức bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ, không chấp nhận cách diễn giải trên, và thường xuyên cáo buộc chính quyền Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Trong Báo cáo về Tự do Tôn giáo năm 2022 được Uỷ Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) công bố hôm 25 tháng 4, thì tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị đánh giá tiêu cực do các hoạt động đàn áp của chính quyền.
Thậm chí tổ chức này còn đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì những vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo.