Vụ blogger Đường Văn Thái: Sau ba tuần hết hạn tạm giam gia đình chưa nhận được thông báo mới
2023.08.30
Gần ba tuần sau khi thời hạn tạm giam kết thúc, gia đình blogger Thái Văn Đường (tên thật là Đường Văn Thái), người được cho là bị an ninh Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan và đưa về Hà Nội, vẫn chưa nhận được thông báo mới về tình trạng của ông.
Ông Đường Văn Thái, một nhà báo độc lập chuyên đưa thông tin về đấu đá nội bộ giữa quan chức cao cấp của chế độ hoặc giữa những người lãnh đạo ở nhiều địa phương của Việt Nam, bị mất tích ở Thái Lan vào chiều ngày 13/4.
Báo chí Việt Nam không lâu sau đó dẫn tin từ cơ quan công an Hà Tĩnh nói, công an địa phương đã bắt được ông này khi đang từ Lào xâm nhập trái phép qua biên giới.
Ba tháng sau, gia đình nhận mới nhận được giấy thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) ký ngày 05/7.
Văn bản này cho biết blogger 41 tuổi này đang bị tạm giam ở Trại tạm giam B14 của Bộ Công an ở Kim Giang, Thanh Trì, Hà Nội để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Theo văn bản này, thời hạn tạm giam kéo dài đến ngày 12/8. Tuy nhiên, cho tới nay đã gần ba tuần trôi qua gia đình của blogger này vẫn chưa nhận được thêm giấy gia hạn tạm giam hay bất cứ một văn bản nào về tình trạng của ông.
Bà Dương Thị Lư, người mẹ già hơn 70 tuổi của blogger Đường Văn Thái đang sống một mình ở xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng bà đã tìm cách đi thăm con trai ở trại tạm giam ngay sau khi nhận được thông báo. Bà nói trong ngày 30/8:
“Bác ra hai lần. Lần đầu thứ bảy người ta không tiếp, lần sau đến thứ sáu thì chỉ được gửi quà chứ không được vào. Cổng bên ngoài người ta đón tiếp, người ta chỉ bảo là bà cứ yên tâm không có vấn đề gì, bây giờ đang trong thời gian điều tra thì người ta không cho vào thăm đâu.”
Bà cho biết có kế hoạch đi gửi đồ tiếp tế cho con trai vào tuần tới, sau dịp nghỉ lễ 2/9.
Khi được hỏi về việc thuê luật sư cho con trai mình, bà Lư cho biết bà đã già và không đủ minh mẫn để làm việc đó mà trông chờ vào sự giúp đỡ từ bạn bè của con trai.
Theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam tối đa là bốn tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, và trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam, và chỉ được phép thêm hai lần (mỗi lần không quá bốn tháng).
Phóng viên gọi điện cho Bộ Công an Việt Nam theo hai số điện thoại đăng trên trang web của cơ quan này để hỏi về tình trạng hiện tại của blogger Đường Văn Thái, tuy nhiên không có ai nhắc máy.
Ông Đường Văn Thái sang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 và đã được Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc ở Bangkok cấp quy chế tị nạn. Ngay trước khi bị mất tích ở khu vực gần nhà trọ ở Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, ông đã được phỏng vấn để đi định cư ở nước thứ ba.
Nhiều tổ chức dân sự quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng ông bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam và đưa về Việt Nam, giống như trường hợp blogger Trương Duy Nhất của RFA ở Bangkok trong năm 2019 hay cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017.
LHQ kêu gọi công lý cho các nạn nhân bị cưỡng bức mất tích
Nhân kỷ niệm ngày Ngày Quốc tế Nạn nhân bị cưỡng bức mất tích (30/8), các chuyên gia nhân quyền thuộc Uỷ ban chống cưỡng bức mất tích của LHQ ra thông cáo báo chí kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của LHQ cung cấp quyền tiếp cận công lý cho các nạn nhân bị cưỡng bức mất tích, bao gồm bất kỳ cá nhân nào bị tổn hại do hậu quả trực tiếp của việc cưỡng bức mất tích.
“Đảm bảo quyền công lý của nạn nhân đòi hỏi phải thực hiện tất cả các bước cần thiết để khám phá sự thật,” thông cáo báo chí nói.
Trong thông cáo, các chuyên gia nhân quyền cảnh báo rằng việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý đầy đủ và trách nhiệm giải trình thích đáng đối với thủ phạm ở tất cả cấp độ của hệ thống chỉ huy là rất quan trọng để truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng cưỡng bức mất tích – một tội ác theo luật nhân quyền quốc tế – là trái phép hoặc không được dung thứ.
“Trong cuộc đấu tranh đòi công lý hàng ngày, các nạn nhân thường phải đối mặt với những lời đe dọa, hăm dọa, trả thù và kỳ thị. Điều này phải chấm dứt và nạn nhân phải được tiếp cận trợ giúp pháp lý miễn phí để đảm bảo tình hình tài chính không cản trở họ tìm kiếm công lý,” thông cáo nói.
“Việc tiếp cận công lý không chỉ đơn thuần là lý thuyết mà phải được đảm bảo trên thực tế thông qua các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy và đánh giá đầy đủ sự tham gia thực sự và có ý nghĩa của các nạn nhân và đại diện của họ trong suốt quá trình,” thông cáo nhấn mạnh.